25/05/2018, 14:23

Cố Đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong Việt sử. Nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong ...

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích lịch sử văn hóa liên quan đến sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tông trong Việt sử. Nơi đây là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ… Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích tự nhiên 13.87 km² thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

Cửa Đông vào khu di tích Hoa Lư Phong cảnh cố đô nhìn từ núi Mã Yên

Toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình của tỉnh Ninh Bình. Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư có diện tích 13,87 km² gồm:

Quần thể di tích cố đô Hoa Lư:

Vùng bảo vệ đặc biệt có diện tích 3 km² gồm toàn bộ khu vực bên trong thành Hoa Lư, trong vùng có các di tích lịch sử: đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, lăng vua Đinh, lăng vua Lê, đền thờ Công chúa Phất Kim, chùa Nhất Trụ, phủ Vườn Thiên, bia Câu Dền, chùa Kim Ngân, hang Bim, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, phủ Chợ, sông Sào Khê, một phần khu sinh thái Tràng An và các đoạn tường thành, nền cung điện nằm dưới lòng đất...

Vùng đệm có diện tích 10,87 km² gồm cảnh quan hai bên sông Sào Khê và quần thể Tràng An. Trong vùng có các di tích lịch sử: động Am Tiên, hang Quàn, hang Muối, đình Yên Trạch, chùa Bà Ngô, hang Luồn, hang Sinh Dược, hang Địa Linh, hang Nấu Rượu, hang Ba Giọt, động Liên Hoa, đền Trần, phủ Khống, phủ Đột, hang Bói...

Các di tích liên quan trực tiếp gồm các di tích không nằm trong 2 vùng trên nhưng có vai trò quan trọng đối với quê hương và sự nghiệp của triều đại nhà Đinh như chùa Bái Đính, cổng Đông, cổng Nam, động Thiên Tôn, động Hoa Lư, đền thờ Đinh Bộ Lĩnh...

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng Đền Vua Lê Đại Hành Chùa Nhất Trụ Phủ Vườn Thiên
Cổng Đông
Đền Vua Lý Thái Tổ
Đền thờ Phất Kim
Cổng Nam
Tràng An
Chùa Bái Đính
Động Am Tiên Động Thiên Tôn Đền thờ Đinh Bộ Lĩnh Chùa Bàn Long

Trung tâm khu di tích Cố đô Hoa Lư cách thành phố Ninh Bình 11 km. Hành trình thăm quan thông thường của du khách gồm 3 chặng như sau:

  • Khu trung tâm di tích: từ bến xe trung tâm khu di tích gần quảng trường trung tâm lễ hội, du khách thăm các di tích theo trình tự: Đền vua Đinh Tiên Hoàng - Đền vua Lê Đại Hành - Bia vua Lý Thái Tổ - Đình Yên Thành và chùa Nhất Trụ - đền thờ công chúa Phất Kim - Phủ Vườn Thiên - Lăng vua Đinh, lăng vua Lê
  • Khu núi chùa Bái Đính: nằm cách khu trung tâm trên 5 km trên khuôn viên rộng lớn với hai khu chùa cổ và khu chùa mới. Các di tích chùa cổ gồm: đền thờ thánh Nguyễn, đền thờ thần Cao Sơn, động Sáng, động Tối. Các di tích chùa mới gồm cổng Tam Quan, tháp chuông, Bảo Tháp, điện Quan Âm, điện Pháp Chủ, điện Tam Thế và khu trung tâm Phật giáo.
  • Khu sinh thái Tràng An: là hành trình du lịch bằng thuyền theo vòng khép kín, nhanh nhất khoảng 2 giờ. Với cảnh quan tự nhiên của sông suối, rừng cây, hang động và các di tích lịch sử văn hóa: đền Trình thờ hai vị giám quan, phủ Khống thờ 7 vị quan trung thần, đền Trần thờ thần Quý Minh trấn giữ thành Nam.

Ngoài ra với thời gian dài hơn và các nghiên cứu chuyên đề, du khách còn thăm viếng và tìm hiểu tất cả các di tích khác nằm rải rác trong khu di tích và các di tích gắn với quê hương nhà Đinh như động Hoa Lư và đền thờ Đinh Bộ Lĩnh.

Ngay sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, dân chúng từ bên ngoài kéo vào kinh thành sinh sống. Chính vì vậy mà ngoại trừ khu trung tâm cung điện giới hạn bởi ba cửa: cửa Bắc, cửa Đông và cửa Nam thì rất nhiều các công trình kiến trúc của cố đô Hoa Lư hiện tại nằm rải rác trong khu dân cư. Các di tích do 2 triều Đinh-Lê xây dựng gồm: dấu tích kinh thành, cung điện, các chùa cổ và các đền thờ thần. Các di tích do các triều đại sau xây dựng gồm hệ thống lăng mộ, đền, đình thờ các danh nhân thời Đinh Lê. Tuy nhiên, các di tích thường có sự pha trộn kiến trúc do hoạt động tu bổ vì vậy mà các nhà nghiên cứu phân nhóm các di tích Hoa Lư theo loại di tích. Từ những di tích này các nhà nghiên cứu có thể hình dung được hình thức bố trí cung điện của kinh đô xưa.

Các đền, đình

Đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành được xây dựng từ thời nhà Lý và xây dựng lại từ thời Hậu Lê theo kiểu nội công ngoại quốc và mô phỏng kiến trúc kinh đô xưa. Là 2 di tích quan trọng của khu di tích. Trước mặt đền Đinh là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Trên núi có lăng mộ vua Đinh. Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 và là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn, như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký… Đền thờ Đinh Tiên Hoàng và 3 hoàng tử: Đinh Liễn, Đinh Đế Toàn và Đinh Hạng Lang.

Đền Vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét. Đền vua Lê qui mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo. Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Tương truyền, bà mẹ mơ thấy hoa sen mà sinh ra Lê Hoàn, trong lúc đi cấy ở cạnh ao sen. Bà đã ủ Lê Hoàn trong khóm trúc và được con hổ chúa rừng xanh ấp ủ. Sau lời cầu xin của bà mẹ con hổ bỏ đi. Vì vậy mà nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam của các nghệ nhân ở đây cũng thống nhất với truyền thuyết về các đề tài ca ngợi Lê Hoàn. Đền thờ Lê Hoàn, Dương Vân Nga và Lê Long Đĩnh.

Đền thờ Công chúa Phất Kim được xây dựng từ thời nhà Tiền Lê. Đền nằm gần đền thờ Lê Hoàn và chùa Nhất Trụ. Tương truyền vị trí này nằm trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt, nơi trước đây bà đã ở. Chiếc giếng bà nhảy xuống tự vẫn đến nay vẫn còn trước của đền. Đền thờ Phất Kim là một ngôi đền cổ suy tôn người phụ nữ thế kỷ X, hiền lành, trung hậu và chịu nhiều sóng gió cuộc đời; giá trị tâm linh của ngôi đền còn thể hiện ở ý nghĩa: dù thời thế có đổi thay, thăng trầm nhưng cội nguồn văn hóa là mãi mãi trường tồn.

Đền Vua Lý Thái Tổ là công trình được xây dựng để chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Sự xuất hiện ngôi đền này ở Hoa Lư khẳng định lại nhận thức của người Việt về vai trò của Hoa Lư đối với Lý Thái Tổ và ngược lại. Đây là ngôi đền đầu tiên thờ riêng Lý Thái Tổ. Ngôi đền này không có kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc như đền Đinh Lê mà nó mang dáng dấp của một ngôi chùa.

Các vị thần trấn giữ ba hướng cửa vào thành ngoài, thành trong và thành nam được Vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng đền thờ gồm động Thiên Tôn thờ thần Thiên Tôn, là vị thiên thần trấn đông hướng mặt trời mọc. Xưa nơi đây là tiền đồn để trình báo khi vào kinh đô Hoa Lư từ phía Đông. Trước lúc đem quân đi dẹp loạn 12 sứ quân, Vua đã sửa lễ vật vào cầu đảo trong động để mong được thần giúp đỡ. Về sau nơi đây nhà vua cho xây cất nhà Tiền Tế và Kính Thiên Đài là nơi tiếp đón các sứ thần nước ngoài trước khi nhà vua cho vào bệ kiến. Đền thờ thần Quý Minh, là vị thổ thần trấn ải Sơn Nam nằm ở vùng sông núi Tràng An. Từ đầu thời Trần đền được đổi tên thành đền Trần, là ngôi đền do vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng cùng thời với đền Hùng, sau này được vua Trần Thái Tông cải tạo bề thế hơn, là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư từ thời Hùng Vương thứ 18. Đền còn có tên là đền Nội Lâm (cùng với Vũ Lâm, Văn Lâm hợp thành Tam Lâm dưới triều Trần). Theo truyền thuyết, thần Cao Sơn là một vị thần núi ở Phụng Hóa (Nho Quan - Ninh Bình) mà từ nhỏ Đinh Bộ Lĩnh đã được mẹ đưa vào sống cạnh đền sơn thần trong động, vị thần sau này có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy Mục nên cũng được dân làng Kim Liên rước về thờ ở trấn phía Nam kinh thành, một trong Thăng Long tứ trấn. Cao Sơn đại vương khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng). Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được Vua Đinh cho phép dân lập đền thờ.

Ngoài các đền thờ 2 vua Đinh, Lê thuộc sở hữu cộng đồng thì ngay trong kinh thành Hoa Lư, người dân cố đô vẫn lập những ngôi đình riêng để thờ 2 vị vua này, đó là các di tích thuộc sở hữu của làng. Đình Yên Thành nằm cạnh chùa Nhất Trụ thờ cả 2 vua làm thành hoàng trong khi đình Yên Trạch thuộc vùng đệm, nằm cách trung tâm 2km chỉ thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và đình Yên Hạ chỉ thờ Vua Lê Đại Hành.

Các chùa cổ

Sau khi đã là kinh đô, Hoa Lư dần trở thành trung tâm Phật giáo. Theo các thư tịch và dấu vết còn sót lại, vào thế kỷ 10, tại đây đã có khá nhiều chùa tháp như chùa Bà Ngô, chùa Cổ Am, chùa Duyên Ninh, chùa Am Tiên, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa động Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn (nhà Đinh); chùa Kim Ngân, chùa Nhất Trụ (nhà Tiền Lê). Theo chính sử, Vua Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên đặt chức tăng thống phật giáo trong lịch sử mà quốc sư đầu tiên của Việt Nam là Khuông Việt. Điều độc đáo ở đây là có khá nhiều chùa được xây dựng trong các hang núi đá vôi, dựa vào núi đá hoặc tận dụng hẳn núi đá làm chùa mà tiêu biểu là các động chùa: Hoa Sơn, Thiên Tôn, Bích Động, Địch Lộng, Bái Đính, Linh Cốc…

Chùa Nhất Trụ (hay chùa Một Cột) cùng với đình Yên Thành tọa lạc ở gần đền Vua Lê Đại Hành, được Vua Lê Đại Hành xây dựng để mở mang phật giáo. Hiện còn cột kinh Phật trước chùa vẫn giữ nguyên vẹn từ nghìn năm trước, được coi là thạch kinh cổ nhất Việt Nam. Chùa Bái Đính gồm có một khu chùa cổ và một khu chùa mới với đền thờ đức Thánh Nguyễn, hang động sáng thờ Phật, hang động tối thờ Tiên và đền thờ thần Cao Sơn. Quần thể chùa Bái Đính nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Chùa Bái Đính được các báo giới tôn vinh là khu chùa lớn nhất Đông Nam Á. Đây là một siêu chùa thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư với nhiều kỷ lục được xác lập. Chính vì vậy mà nơi đây sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Chùa Kim Ngân là một ngôi chùa cổ nằm ở thôn Chi Phong, thuộc vòng thành trong ở phía tây, xưa là nơi cất giữ vàng bạc từ khi Vua Lê Đại Hành cày tịch điền ở ruộng Kim Ngân. Chùa Duyên Ninh xưa là nơi vui chơi của các công chúa, nơi đây Lý Thái Tổ và công chúa Lê Thị Phất Ngân đã thề hẹn ở đó mà sinh ra Lý Thái Tông. Chùa Bà Ngô được xây từ thời nhà Đinh. Nằm bên phải bờ sông Hoàng Long thuộc khu vực ngoại vi thành Hoa Lư xưa. Tấm bia đá dựng ở chùa, niên đại 1877 có đoạn: "Chùa Bà Ngô trong ấp ta là một danh lam của đô cũ Đại Việt trước. Vốn là một danh thắng nhưng do thế đại chuyển dời, phong quang thay đổi, am ngọc quạnh quẽ dưới ánh dương tà, chùa báu điêu tàn trơ trọi trong ánh trăng đêm". Tương truyền là nơi hoàng hậu mẹ Ngô Nhật Khánh tu hành. Trong chùa có bức đại tự thời Nguyễn ghi 3 chữ Bà Sa tự. Theo từ điển Hán Việt, Sa có nghĩa là nhiều khổ não. Chùa Bà Ngô ở thế kỷ thứ X chính là nơi tiến hành nghi thức sám hối, rửa sạch mọi tội lỗi nghiệp chướng trần gian. Tại đây còn khai quật được ngôi mộ cổ thời Hán – Đường. Chùa Bàn Long cũng được hình thành từ thời Đinh. Khi chúa Trịnh Sâm đã đến thăm, tay đề ba chữ lớn: “Bàn Long Tự” trên vách cửa động. “Bàn Long” là bệ rồng - bệ đá rồng ngồi. Tấm bia ở vách núi khắc vào thế ký 16 có ghi: “Từ thành cổ Hoa Lư men theo núi đá mà đi về phía nam đến làng Khê Đầu, ở đó có chùa Bàn Long. Đây là danh thắng từ ngàn xưa. Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần chùa này càng thêm nổi tiếng”. Chùa Tháp là ngôi chùa cổ mà nay chỉ còn lại vết tích ở nền sông Hoàng Long. Trong số tảng đá chân cột, có những viên hình vuông cạnh hơn 1 m và vòng tròn ở giữa có đường kính 0,68 m. Chùa tên là chùa Tháp vì có tháp Báo Thiên thời Đinh-Lê. Hoa Sơn động nằm ở Áng Ngũ, xã Ninh Hòa, ở độ cao gần 70 mét. Tương truyền động Hoa Sơn là nơi nuôi Ấu chúa thời vua Đinh. Tên trước của động là chùa Bà Đẻ, sau vua Tự Đức đến thăm đã đặt lại tên động là Hoa Sơn. Chùa động Am Tiên như một thế giới riêng biệt. Có một tấm bia cổ, từ thời Lý, chữ đã mờ hết đọc không được. Nhưng tấm bia dựng thời Vua Ðồng Khánh, chữ viết còn rõ ràng, nói về việc tu sửa chùa và động. Đây là nơi vua Đinh Tiên Hoàng nuôi hổ báo để trừng trị những người phạm tội nặng. Đến thời Lý, nhà sư Nguyễn Minh Không đã ở trong hang tụng kinh thuyết pháp, xây bệ thờ Phật ở trong hang, người đời sau mới mở ra cảnh chùa chiền để khách thập phương hành hương đến đó.

Các lăng, bia

Nhà bia Lý Thái Tổ là di tích được thành phố Hà Nội xây dựng tại cố đô Hoa Lư.. Sau khi dời đô về Thăng Long, nhà Lý vấn kế thừa các thành quả có được từ kinh đô Hoa Lư trước đó. Để tưởng niệm công lao đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước và nhớ đến Cố đô Hoa Lư, nhà Lý đã lấy tên một số công trình ở Hoa Lư đặt cho nhiều khu vực ở Thăng Long mà chúng vẫn tồn tại đến tận nay như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, phố Cầu Đông, chùa Một Cột, ngã ba Bồ Đề, cống Trẹm, tháp Báo Thiên... Lăng vua Đinh và lăng vua Lê đều xây từ năm 1840 và được trùng tu vào năm 1885 nên khá khiêm nhường và cổ kính. Lăng vua Đinh xây bằng đá, được đặt trên đỉnh núi. Trước lăng một tấm bia đá có đề chữ mà qua đó, người đời sau biết được lăng được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21 và đến năm Hàm Nghi thứ nhất có trùng tu lại. Lăng Vua Lê Đại Hành cũng xây bằng đá nhưng nằm dưới chân Mã Yên Sơn đi về hướng nam. Trước lăng cũng có bia dựng từ đời Minh Mạng. Lăng mộ Đinh Bộ Lĩnh được đặt ở chính giữa núi, nơi võng xuống thấp mà dân gian hình dung là cái yên ngựa. Tương truyền, cách tôn thờ như vậy để đề cao tinh thần thượng võ của vua Đinh dù người đã mất.

Bia Cầu Dền là một tấm bia cổ, minh chứng xác thực cho sự xuất hiện chiếc cầu đá bắc qua sông Sào Khê và cũng là một cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư từ thời nhà Đinh. Ở Hà Nội sau này, Ô Cầu Dền (Triền Riều) cũng là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, xuất hiện trong sử từ thời Lý, thế kỷ XI- XII Bia Cửa Đông (còn gọi là bia hang Thầy Bói) được tạc dưới chân núi Đầm, gọi cửa thành này là Đông Môn, là nơi bá quan văn võ qua lại mỗi khi vào triều bệ kiến. Nay còn địa danh xóm Đông Môn thuộc xã Trường Yên, và núi Thanh Lâu nằm cạnh đường còn gọi là Núi Cổng, nhưng vết tích của cửa thành thì hoàn toàn không còn do con đường qua đây luôn được cải tạo và mở rộng. Cầu Đông là cây cầu bắc qua sông Sào Khê, nằm giữa vị trí hang thầy bói và chợ Cầu Đông mà dân gian có câu: "Bà già đi chợ cầu Đông, xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng? Thầy bói gieo quẻ nói rằng, lợi thì có lợi nhưng răng không còn".

Các phủ, miếu

Nằm rải rác trong khu dân cư cố đô Hoa Lư có rất nhiều các công trình lăng tẩm cổ thờ các quan thời Đinh - Lê và các thái tử, công chúa ở 2 triều đại này. Phủ Vườn Thiên nằm cách trung tâm khu di tích cố đô Hoa Lư 600m, gần với đền thờ Công chúa Phất Kim (nơi thờ con gái út của vua Đinh Tiên Hoàng). Phủ có kiến trúc y hệt quy mô của một ngôi đền với 3 tòa chầu vào sân giữa. Phủ Vườn Thiên thờ hoàng tử Lê Long Thâu, con cả vua Lê Đại Hành, là người cai quản Tháp Tư thiên. Tháp có nhiệm vụ quan sát thiên tượng, dự đoán thời tiết hàng ngày để tâu lên vua. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là tháp đài mà năm 991 Tống Cảo - sứ nhà Tống đã tâu vua Tống rằng: “ ...ở kinh đô Hoa Lư có một cái tháp nhiều tầng, kết gỗ dựng lên, hình dáng hơi thô lậu, Lê Hoàn có mời bọn hạ thần lên đó xem. Lê Hoàn hỏi: bên thượng quốc có cái tháp này không? Ấy là tháp đo khí hậu. Khí hậu nước này không rét, giữa tháng Chạp vẫn mặc áo đơn, dùng quạt”. Phủ Đông Vương thuộc thôn Đông Thành thờ Đông Thành Vương, con thứ 2 của Vua Lê Đại Hành; Phủ Bến Đò thờ Đông Thái Đại Vương coi cửa Bắc; Phủ Cửa Đền thờ Ngũ Đạo Đại Vương, phụ trách 5 đạo quân; Phủ Vật thờ Cẩm Trà Đại Vương, phụ trách tuyển quân, có hội vật ngày 6/1 âm lịch tưởng nhớ ông; Phủ Chợ thờ Ngũ Lầu Đại Vương, phụ trách ca hát. Vào 1/1 âm lịch tại đây có hát ca trù tưởng nhớ ông; Phủ Đột (hay đền Trình) ở Tràng An là nơi thờ 2 vị quan nhà Đinh đã canh gách tại khu vực này; Đền Trần ở Tràng An do vua Trần Thái Tông xây dựng năm 1258, là nơi thờ thần Quý Minh, vị thần trấn cửa ải phía nam Hoa Lư; Phủ Khống ở Tràng An là nơi thờ 7 vị quan trung thần triều Đinh, gắn với các truyền thuyết khi vua Đinh Tiên Hoàng qua đời. Tại đây còn cây thị nghìn năm tuổi mà quả có 2 loại: 1 tròn và 1 dẹt.

Cung điện dưới lòng đất

Một số cổ vật thế kỷ X

Tại khu vực đền vua Lê, Các nhà khảo cổ đã khai quật một phần nền nền cung điện thế kỷ X. Chứng tích nền cung điện nằm sâu dưới mặt đất khoảng 3m đã được khoanh vùng phục vụ khách thăm quan. Tại đây còn trưng bày các phế tích khảo cổ thu được tại Hoa Lư phân theo từng giai đoạn lịch sử: Đinh-Lê, Lý và Trần. Sau chương trình điền dã của dự án hợp tác văn hoá Việt Nam - Phần Lan tiến hành khảo sát; vết tích nền móng cung điện thế kỷ X đã được phát hiện bởi đợt khai quật của Viện Khảo cổ học. Trong số hàng trăm hiện vật cổ tìm thấy tại đây, có những viên gạch lát nền có trang trí hình hoa sen tinh xảo, đặc biệt loại lớn có kích thước 0,78m x 0,48m. Có những viên gạch còn hằn dòng chữ "Ðại Việt quốc quân thành chuyên" (gạch chuyên xây dựng thành nước Ðại Việt). Có những ngói ống có phủ riềm, nằm sâu dưới đất ruộng, khai quật lên, còn lành nguyên và cả những chì lưới, vịt... làm bằng đất nung. Kết quả đợt khai quật tại khu vực đền Lê Hoàn năm 1997 đã hé mở phần nào diện mạo của kinh đô Hoa Lư: thành quách kiên cố, nhiều kiến trúc lớn và trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng thời Đinh - Lê đơn giản, khỏe khoắn.

Thực hiện quyết định số 3826/QĐ-BVHTTDL ngày 23 tháng 10 năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ninh Bình tiến hành khai quật khảo cổ học khu vực trung tâm Di tích Cố đô Hoa Lư. Dự án nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Cố đô Hoa Lư năm 2009 - 2010 là bước khởi đầu nhằm định hình cho quá trình nghiên cứu lâu dài, phục vụ hiệu quả cho công tác bảo tồn, tôn tạo và quy hoạch tổng thể khu di tích lịch sử, văn hoá Cố đô Hoa Lư trong những năm tiếp theo. Trong đợt khai quật lần này, các nhà khảo cổ tập trung thám sát, khai quật tại khu vực đồng Cây Khế phía Bắc đền vua Lê. Kết quả bước đầu đã làm phát lộ dấu tích của tường gạch xây bằng loại gạch Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên, loại gạch chuyên để xây thành, cùng nhiều loại hình vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc thời Đinh Lê. Bên cạnh việc xác định được các vết tích kiến trúc và kỹ thuật xây dựng đương thời, công tác khảo cổ còn đưa lên khỏi lòng đất nhiều di vật quý giá góp phần nghiên cứu một cách toàn diện về lịch sử, văn hoá…của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Thành thiên tạo

Cố đô Hoa Lư là một kiến trúc hài hòa giữa nhân tạo và thiên tạo. Các triều vua đã sử dụng triệt để sự lợi hại của những dãy núi và hệ thống sông hào làm thành quách để xây dựng cung điện. Qua thời gian, thành nhân tạo chỉ còn là những dấu tích, thành thiên tạo là những vách núi vẫn còn tồn tại mãi.

Lên núi Mã Yên thăm lăng Vua Đinh Hệ thống sông núi thành Nam của cố đô Hoa Lư

Núi Mã Yên: Tên núi Mã Yên vì trông xa núi có hình yên ngựa. Tương truyền khi dựng kinh đô Đinh Bộ Lĩnh đã lấy núi này làm án. Đứng ở trên đỉnh núi có thể nhìn rõ toàn cảnh Cố đô với dãy núi Rù bao quanh đền hai vua, rặng Phi Vân, núi Kiến, núi Cột Cờ và khu dân cư. Người xưa đã án táng Đinh Tiên Hoàng trên đỉnh núi với quan niệm đề cao tinh thần thượng võ của người, dù mất vẫn còn trên yên ngựa, vì vậy để lên thăm lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng phải bước lên 150 bậc đá của núi Mã Yên.

Núi Cột Cờ: Phía đông bắc thành ngoại có núi Cột Cờ là nơi treo quốc kỳ Đại Cồ Việt, tại đây đã khai quật được dấu tích tường thành.

Ghềnh Tháp: Phía đông nam có ghềnh tháp là nơi Đinh Tiên Hoàng duyệt thủy quân, có hang Tiền, hang muối - nơi cất giữ tài sản quốc gia, động Am Tiên nhốt hổ, báo để xử người có tội

Sông Hoàng Long: Là con sông gắn với những truyền thuyết về Đinh Bộ Lĩnh thưở nhỏ. Sông nằm ở phía bắc kinh đô Hoa Lư, một nhánh của sông Hoàng Long, nằm uốn lượn trong khu di tích mà người dân địa phương gọi là sông Sào Khê. Tương truyền, bên bến sông này là nơi Lý Công Uẩn hạ chiếu dời đô để xuống thuyền tiến về Thăng Long. Sông Sào Khê hiện nay được nạo vét và là một cửa ngõ đường thủy dẫn vào các khu di tích, thắng cảnh Hoa Lư.

Kinh đô Hoa Lư được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 ha. Phía Nam thành Hoa Lư là thành Tràng An (còn được gọi là thành Nam) là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô. Thành Hoa Lư có hai vòng: thành ngoài (thành ngoại) và thành trong (thành nội). Các nhà khảo cổ đào một số đoạn tường thành phát hiện ở những khu vực này có móng thành bằng cành cây với nhiều cọc đóng xuống sâu. Phía trong của tường thành xây bằng gạch, dày đến 0,45 m, cao từ 8-10 mét. Chân tường kè đá tảng, gạch bó và đóng cọc gỗ. Loại gạch phổ biến có kích thước 30 x 16 x 4 cm, trên gạch thường có in các dòng chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên" và "Giang Tây quân". Phía ngoài tường gạch là tường đất đắp rất dày.

Thành ngoài rộng khoảng 140 ha, thuộc địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Thành xã Trường Yên, có 5 đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê nằm ở trung tâm.

Thành trong có diện tích tương đương thành ngoài, cũng có 5 đoạn tường thành nối liền các dãy núi

Việc qua lại giữa hai tòa thành rất thuận tiện. Cả hai thành đều lợi dụng được nhánh sông Sào Khê chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ việc di chuyển ra vào thành. Trong hai tòa thành có bố trí các khu triều đình, quan lại và quân lính. Hiện nay thành thiên tạo vẫn còn, thành nhân tạo và cung điện chỉ còn là những dấu tích đang được khai quật.

Thành Nam nằm ở phía Nam kinh thành Hoa Lư, có núi cao bao bọc xung quanh, bảo vệ mặt sau thành, từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy. Đây chính là hệ thống hang động Tràng An hiện tại. Khu thành hào, hang động Tràng An xưa chính là hệ thống phòng thủ mặt sau của kinh thành Hoa Lư. Tại đây cũng khai quật được các dấu tích của người tiền sử. Vào thời Trần, tại hang bói ở đây là cứ địa chống quân Nguyên Mông. Đây là tuyến điểm di tích lịch sử thu hút nhiều nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử đến làm việc. Tại đây đã tìm được nhiều cổ vật từ thời Đinh, Tiền Lê và thời Trần. Tràng An là một khu danh thắng gồm các hồ nước được tạo bởi hệ thống dãy núi đá vôi có cảnh quan ngoạn mục. Các hồ nước này được nối thông nhau bằng những hang động xuyên thủy và những khe suối. Khu sinh thái Tràng An cũng là danh thắng của Việt Nam ứng cử di sản thiên nhiên thế giới với giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh thái và kiến tạo địa chất, là địa danh được Việt Nam đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Người Việt muốn khẳng định kinh đô Hoa Lư cũng bề thế như kinh đô Tràng An của phương Bắc qua câu đối: “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cải Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Khu vực Tràng An hiện còn các đền, phủ thờ các vị quan trung thần thời Đinh và thần Quý Minh trấn thành Nam.

Đô thị cổ Hoa Lư

Phong cảnh phố Cầu Đông, núi Chợ ở Hoa Lư

Hoa Lư là đô thị đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Năm 970, đồng tiền Việt Nam đầu tiên đã được Vua Đinh Tiên Hoàng cho phát hành, đánh dấu sự ra đời của nền kinh tế, tài chính của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Đại Việt Sử ký toàn thư cho biết năm Thái Bình thứ 7 (976) tại đây thuyền buôn nước ngoài tới dâng sản vật, kết mối giao thương với Đại Cồ Việt. Khu di tích Hoa Lư hiện tại có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử hình thành đô thị Hoa Lư cũng như Thăng Long sau này là phố chợ, núi chợ, tường Dền, thành Dền, cầu Dền, cầu Đông, tường Đông, cửa Đông và phủ Chợ.

Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Hoa Lư vẫn mang dáng dấp của một đô thị cổ kính được quan tâm, tìm hiểu. Những ngôi nhà cổ ở đây mang nét đặc trưng của châu thổ Bắc Bộ, được hình thành từ những tục quán sinh hoạt văn hóa lâu đời. Các nhà nghiên cứu còn so sánh Hoa Lư với đô thị Tràng An, đô thị cổ nhất của Trung Hoa qua vế đối "Hoa Lư đô thị Hán Tràng An". Với núi cao, hào sâu, Đô thị Hoa Lư vừa là quân thành lợi hại, hiểm hóc vừa hùng tráng, hữu tình của một thắng cảnh.

Phục dựng, tu bổ di tích

Thực hiện quyết định số 82/2003/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ Việt Nam, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung các dự án tu tạo cố đô Hoa Lư. Đó là việc hoàn thành cổng Đông từ ngã 3 cầu Huyện vào cố đô với tường thành ốp đá, cao 2 tầng mái cong tạo ấn tượng cổ kính. Khu vực trung tâm cố đô đã xây dựng 3 cửa Bắc-Đông-Nam. Các dự án 1000 năm Thăng Long như: Xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế; dự án xây dựng quảng trường - sân lễ hội phía trước đền thờ vua Đinh, vua Lê; đầu tư tu bổ, nhiều dự án tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư như đền thờ Công chúa Phất Kim, phủ Vườn Thiên, chùa Nhất Trụ đã hoàn thành. Các hạng mục đang thực hiện như chùa Kim Ngân, động Am Tiên, đền Bim, xây dựng hệ thống giao thông, tường bao, hào nước quanh vùng bảo vệ đặc biệt và đền thờ Vua Lý Thái Tổ. Các di tích danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính, tượng đài vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga... đều được triển khai xây dựng.

Tỉnh Ninh Bình cũng phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam khai quật di tích khảo cổ học đã phát lộ khu vực tường thành của cố đô xưa với nhiều hiện vật có giá trị lịch sử hàng nghìn năm tuổi như gạch ngói, đồ gốm, vật dụng của thời đại Đinh – Lê tạo điều kiện tiền để để phục dựng cung điện Hoa Lư. Khu vực cổng thành đã xây dựng cây cầu mới ốp đá, nạo vét sông Sào Khê dài hơn 3 km là nơi mô phòng hành trình dời đô về Thăng Long.

Ứng cử di sản văn hóa thế giới

Cố đô Hoa Lư là một trong những đại diện đầu tiên của Việt Nam được chọn để ứng cử di sản văn hóa thế giới. Năm 1991, 4 di sản được lập hồ sơ đề nghị là Cố đô Hoa Lư, Vườn quốc gia Cúc Phương, Vịnh Hạ Long, và Chùa Hương. Trong lần ứng cử này cả 4 đại diện Việt Nam đều không được UNESCO công nhận.

Cùng với việc phát hiện và khai quật hệ thống hang động Tràng An, khu di tích này tiếp tục được thủ tướng chính phủ Việt Nam ký quyết định bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử để xứng tầm là di sản thế giới trong tương lai. Ngày 17/10/2008, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Ninh Bình, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về “Giá trị di sản văn hoá Cố đô Hoa Lư và khu du lịch Tràng An” nhằm tiến tới đề nghị Unesco công nhận cố đô Hoa Lư là di sản văn hóa thế giới và khu sinh thái Tràng An là di sản thiên nhiên thế giới. Theo các ý kiến tại hội thảo này, trong tương lai cố đô Hoa Lư có thể trở thành di sản văn hóa thế giới hoặc di sản thiên nhiên thế giới hoặc đạt cả 2 tiêu chí của di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới để trở thành một di sản hỗn hợp.

Lễ hội cố đô Hoa Lư

Sân khấu lễ hội cố đô Hoa Lư Lễ tế cổ truyền tại đền Vua Đinh Tiên Hoàng

Rồng vàng trong lễ hội Cờ Lau

Lễ hội cố đô là một lễ hội truyền thống được mở để suy tôn công lao các anh hùng dân tộc đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt thế kỷ X mà tiêu biểu là hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Lễ hội diễn ra tại quảng trường trung tâm khu di tích cố đô Hoa Lư và các di tích. Đây là một lễ hội cổ truyền hướng về cội nguồn dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Lễ hội có lịch sử từ khi kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô. Lễ hội còn có tên là lễ hội cờ lau vì có màn diễn tái hiện cảnh Đinh Bộ Lĩnh với trò chơi "Cờ lau tập trận". Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư có quy mô lớn nhất vào những năm có số hàng đơn vị là 3, 5, 8, 0. Lễ hội được mở vào mùa xuân, có thể vào ngày sinh của Đinh Bộ Lĩnh (15/2 âm lịch), hoặc đầu tháng 3 bắt đầu từ 6/3 đến 10/3 âm lịch (Tương truyền, ngày 10/3 là ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, ngày 8/3 là ngày mất của vua Lê Đại Hành). Nhắc đến lễ hội Trường Yên dân gian có câu: "Ai là con cháu rồng tiên - Tháng hai mở hội Trường Yên thì về".

Lễ rước nước: Mở đầu là lễ rước nước, Đoàn người khởi hành từ đền vua Đinh từ 5-6 giờ sáng, đến bên sông Hoàng Long thì dừng lại lấy nước vào ché đem về đền. Cuộc rước được chuẩn bị khá công phu. Trước ngày khai hội, ở sông Hoàng Long chọn một cây tre lớn. Trên ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng, ghi lời chú. Nội dung những lời chú đại lược là Thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị Hoàng Đế nhà Đinh; Cầu mong thần sông giữ cho dòng nước mát hiền hoà, phù trợ cho dân tránh mọi điều ác dữ… Đoàn rước đi theo thứ tự dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm, phường trống. Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn có hương án do tám nam thanh niên trong trang phục lính tráng nhà Đinh xưa khoẻ mạnh khiêng, tiếp theo là các vị quan khách, đại biểu trung ương, địa phương. Rồi tiếp đến là những kiệu bát cống có tán do các thiếu nữ mang lễ vật. Đoàn người đi sau là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, nhân dân và du khách.

Lễ tế: Ngay sau khi đoàn rước nước trở về sân khấu trung tâm lễ hội, sau nghi thức thả rồng bay thì khởi điểm phần lễ tế tại 2 đền Vua Đinh, Vua Lê. Phần tế có sự tham gia của nhiều đoàn theo lịch đăng ký. Các đoàn rước kiệu và chân nhang từ các di tích thờ các danh nhân thời Đinh - Lê sẽ tham gia rước kiệu về 2 đền, hầu hết các đoàn ở cự ly xa phải rước trên xe lễ hội tiến về Hoa Lư. Lễ tế được tiến hành sau đó cả ban ngày và ban đêm ở cả đền vua Đinh và vua Lê với nội dung ca ngợi công đức của hai vị vua, sen kẽ đó du khách vào thắp hương tưởng niệm. Tham gia lễ tế có nhiều đoàn trong vùng.

Màn sân khấu hóa: Đây là màn diễn sân khấu đương đại để khai mạc lễ hội và truyền hình trực tiếp. Sau lời diễn văn khai mạc là màn trống hội Hoa Lư, các màn diễn tái hiện lịch sử trọng đại diễn ra tại kinh đô Hoa Lư xưa như: sự kiện lên ngôi hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn; đánh thắng giặc Tống; dời đô về Thăng Long và kết thúc là màn thả rồng bay lên cho tới hết buổi sáng khai mạc.

Phần hội có các trò chơi dân gian đặc sắc như cờ lau tập trận, đua thuyền, múa gậy, cờ người, xếp chữ, ném còn, thi hát chèo, vật, viết chữ nho .v.. Ngoài các trò chơi ở các lễ hội dân gian Việt Nam khác. Lễ hội Hoa Lư có một số trò chơi hội đặc trưng, tiêu biểu như:

Cờ lau tập trận là trò diễn dân gian nhằm diễn tả lại những buổi tập dượt, rèn luyện của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh tuổi niên thiếu. Tham gia màn diễn trò Cờ lau tập trận gồm 60 em thiếu niên 13-15 tuổi. Em khôi ngô nhất được chọn đóng Đinh Bộ Lĩnh, đội mũ bình thiên bằng rơm, tay cầm bông lau có tán vàng, tán tía. Quân Thung Lau, Thung Lá có chiêng, trống cái, thanh la, đứng hai bên múa hát đối đáp và diễn cảnh vua Đinh cầm cờ lau tập trận. Hội diễn thể hiện ý chí của Đinh Bộ Lĩnh và ba quân.

Xếp chữ Thái Bình: màn diễn xếp chữ Thái Bình để tưởng nhớ niên hiệu mà vua Đinh đặt khi lên ngôi, đây cũng là tên gọi của đồng tiền Thái Bình đầu tiên ở Việt Nam. Tham gia màn này có 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ. Hàng thứ nhất kéo chữ Thái, chạy vòng lên phía trước kéo xuống thành nét “thanh”, rồi lại vòng lên phía tay trái kéo xuống thành nét “mác”, cuối cùng chạy vòng lên phía tay phải kéo xuống tạo thành nét “chấm”. Vậy là thành chữ “Thái”. Trong khi đó, ở hàng thứ 2, các em chạy và kéo chữ “Bình”. Cả hai hàng hạ cờ làm nổi rõ hai chữ “Thái bình”.

Người đẹp kinh đô Hoa Lư: Từ năm 2005, cuộc thi "Người đẹp kinh đô Hoa Lư" trở thành cuộc thi sắc đẹp lớn nhất tỉnh dành cho các thí sinh nữ khu vực vùng văn hóa Hoa Lư vầ lân cận. Các vòng loại đã diễn ra trước đó, vòng chung kết diễn ra tại sân khấu lễ hội Hoa Lư.

Hội thi hát chèo: Là cái nôi sản sinh nghệ thuật sân khấu chèo và tuồng, vào dịp lễ hội Hoa Lư, hội thi hát chèo do nhà hát Chèo Ninh Bình tổ chức diễn ra với sự tham gia của nhiều cá nhân, các đoàn nghệ thuật trong vùng. Riêng sự kiện dời đô và màn trống hội Thăng Long thường do nhà hát Chèo Hà Nội đảm nhiệm.

0