Chương 10: Các chính sách ngoại thương và kinh tế toàn cầu
Christopher Conte, nguyên biên tập viên và phóng viên của Wall Street Journal Albert R. Karr, nguyên phóng viên của Wall Street Journal Chương 10: CÁC CHÍNH SÁCH NGOẠI THƯƠNG VÀ KINH TẾ TOÀN CẦU Các chính sách ngoại thương và kinh tế toàn cầu của Mỹ đã đổi hướng mạnh mẽ trong hơn hai thế ...
Chương 10: CÁC CHÍNH SÁCH NGOẠI THƯƠNG VÀ KINH TẾ TOÀN CẦU
Các chính sách ngoại thương và kinh tế toàn cầu của Mỹ đã đổi hướng mạnh mẽ trong hơn hai thế kỷ từ khi Mỹ trở thành một quốc gia. Trong buổi đầu của lịch sử dân tộc, chính phủ và doanh nghiệp tập trung hầu hết vào phát triển nền kinh tế trong nước mặc cho những diễn biến xảy ra ở nước ngoài. Nhưng từ cuộc Đại khủng hoảng kinh tế của những năm 1930 và Chiến tranh thế giới thứ hai, đất nước nhìn chung tìm cách giảm bớt hàng rào thương mại và phối hợp với hệ thống kinh tế thế giới. Sự cam kết về thương mại tự do này có nguồn gốc cả về kinh tế lẫn chính trị; nước Mỹ ngày càng tiệm cận với cách nhìn nhận thương mại rộng mở không chỉ là phương tiện gia tăng lợi ích kinh tế của chính mình mà cũng còn là chìa khóa để xây dựng các mối quan hệ hòa bình giữa các quốc gia.
Hoa Kỳ thống lĩnh nhiều thị trường xuất khẩu trong phần lớn giai đoạn sau chiến tranh - đó là kết quả của sức mạnh kinh tế vốn có của nó, của thực tế là máy móc công nghiệp không hề bị đụng chạm gì đến bởi chiến tranh, và của các tiến bộ về khoa học công nghệ và kỹ thuật chế tạo của Mỹ. Mặc dầu vậy, đến thập kỷ 1970, khoảng cách cạnh tranh về xuất khẩu giữa Mỹ và các nước khác đã trở nên hẹp dần. Hơn thế nữa, các cú sốc về giá dầu mỏ, sự trì trệ kinh tế toàn cầu và sự gia tăng giá trị trao đổi ngoại tệ của đồng đôla đã cùng kết hợp với nhau trong suốt thập kỷ 1970 gây phương hại đến cán cân thương mại của Mỹ. Thâm hụt thương mại của Mỹ ngày càng tăng cho đến tận những năm 1980 và 1990 do sở thích dùng hàng hóa nước ngoài của người Mỹ vẫn luôn trội hơn so với cầu về hàng hóa Mỹ tại các nước khác. Điều này phản ánh cả xu thế tiêu dùng nhiều hơn và tiết kiệm ít hơn của người Mỹ so với người dân châu Âu và Nhật Bản lẫn thực tế là trong giai đoạn này nền kinh tế Mỹ phát triển nhanh hơn châu Âu và Nhật Bản là nước đang gặp khó khăn về kinh tế.
Gia tăng thâm hụt thương mại làm giảm bớt sự ủng hộ chính trị trong Quốc hội Mỹ về tự do hóa thương mại trong thập kỷ 1980 và 1990. Các nhà lập pháp xem xét một loạt các kiến nghị bảo hộ trong suốt thời gian này, nhiều kiến nghị trong số đó là của các ngành công nghiệp Mỹ đang phải đối mặt với cuộc cạnh tranh ngày càng hiệu quả của các nước khác. Quốc hội cũng trở nên miễn cưỡng trong việc trao cho tổng thống quyền tự do hành động để thương lượng các hiệp định mới về tự do hóa thương mại với các nước khác. Đỉnh cao của những hành động đó là khi chấm dứt thời kỳ Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã áp đặt rất nhiều cấm vận thương mại đối với các quốc gia bị nước này coi là vi phạm các chuẩn mực hành vi được chấp nhận trong các vấn đề về nhân quyền, chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma tuý, và phát triển các loại vũ khí giết người hàng loạt.
Mặc dù có những thụt lùi này về tự do thương mại, nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa thương mại trong các cuộc thương lượng quốc tế ở thập kỷ 1990, như phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hoàn thiện Vòng đàm phán thương mại đa phương Urugoay, và gia nhập các hiệp định đa phương nhằm thiết lập các quy định quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thương mại trong các dịch vụ viễn thông cơ bản và tài chính.
Tuy nhiên, cho đến tận cuối những năm 1990, định hướng tương lai của chính sách thương mại Hoa Kỳ vẫn còn chưa chắc chắn. Chính thức, quốc gia này vẫn còn cam kết thực hiện tự do thương mại khi nó theo đuổi vòng đàm phán thương mại đa phương mới; tiến hành xây dựng các hiệp định tự do hóa thương mại khu vực liên quan tới châu Âu, Mỹ Latinh, và châu Á; đồng thời tìm cách giải quyết tiếp các tranh chấp thương mại song phương với các quốc gia khác. Nhưng sự ủng hộ chính trị cho những chính sách như vậy vẫn còn là một vấn đề. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng Hoa Kỳ có ý định rút khỏi nền kinh tế toàn cầu. Một số cuộc khủng hoảng tài chính, đặc biệt cuộc khủng hoảng làm rung chuyển châu Á vào cuối những năm 1990, đã cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các thị trường tài chính toàn cầu. Khi Hoa Kỳ và các quốc gia khác tiến hành xây dựng các công cụ để giải quyết hoặc ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng như vậy, họ nhận thấy mình đang xem xét những ý tưởng cải cách mà đòi hỏi phải gia tăng sự phối hợp và hợp tác quốc tế trong những năm tới.
Từ chủ nghĩa bảo hộ tới thương mại tự do hóa
Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng là nước chủ trương mạnh mẽ thương mại tự do. Đôi khi trong lịch sử của mình, đất nước này còn nghiêng mạnh về chủ nghĩa bảo hộ kinh tế (thực thi việc sử dụng các loại thuế quan hoặc quota nhằm hạn chế nhập khẩu hàng hóa nước ngoài để bảo vệ công nghiệp nội địa). Ví dụ, trong buổi đầu của nhà nước cộng hòa này, nhà chính trị Alexander Hamilton đã tán thành một biểu thuế quan bảo hộ nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp Mỹ - một chỉ dẫn mà đất nước hầu như tuân thủ hoàn toàn. Chủ nghĩa bảo hộ Hoa Kỳ đạt tới đỉnh cao vào năm 1930 bằng việc ban hành Đạo luật Smoot-Hawley, một đạo luật làm gia tăng rất mạnh các loại thuế quan của Mỹ. Đạo luật này đã nhanh chóng dẫn đến sự trả đũa của các nước khác và góp phần đáng kể vào cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm chao đảo nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới trong suốt những năm 1930.
Cách tiếp cận chính sách thương mại của Mỹ từ năm 1934 nảy sinh trực tiếp từ những kinh nghiệm đáng buồn xung quanh Đạo luật Smoot-Hawley. Trong năm đó, Quốc hội đã thông qua Đạo luật hiệp định thương mại năm 1934 tạo ra một pháp lệnh có cơ sở pháp lý để cắt bỏ các loại thuế quan của Mỹ. Lúc đó, Bộ trưởng ngoại giao Cordell Hull đã giải thích: “Các quốc gia không thể sản xuất ra một mức để nuôi sống nhân dân của họ và duy trì hạnh phúc nếu họ không có những cơ hội hợp lý để buôn bán với nhau. Do đó, các nguyên tắc của Chương trình các hiệp định thương mại là nền tảng không thể thiếu được của sự nghiệp hòa bình”.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cho rằng sự ổn định trong nước và sự trung thành tiếp tục của các nước đồng minh của Mỹ phụ thuộc vào sự khôi phục kinh tế của họ. Sự giúp đỡ của Mỹ là rất quan trọng đối với sự khôi phục đó, nhưng các quốc gia này cũng cần những thị trường xuất khẩu - đặc biệt là thị trường Mỹ khổng lồ - để giành lại sự độc lập về kinh tế và đạt được tăng trưởng kinh tế. Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho quá trình tự do hóa thương mại và là nhân tố chủ chốt trong việc tạo ra Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), đây là một bộ luật quốc tế về các quy định thuế quan và thương mại được ký bởi 23 nước vào năm 1947. Đến cuối thập kỷ 1980, hơn 90 nước đã tham gia hiệp định này.
Bên cạnh việc đặt ra bộ luật hành vi cho các vấn đề thương mại quốc tế, GATT đã đỡ đầu một số vòng đàm phán thương mại đa phương, và Hoa Kỳ đã tham gia tích cực vào các vòng đàm phán này, thường đảm đương vai trò lãnh đạo. Vòng đàm phán Urugoay, có tên gọi như vậy vì được tiến hành đàm phán ở Punta del Este, Urugoay, đã tự do hóa thương mại nhiều hơn nữa trong thập kỷ 1990.
Hoa Kỳ luôn tin vào một hệ thống thương mại rộng mở dựa trên quy định của luật pháp. Từ Chiến tranh thế giới thứ hai, các Tổng thống Mỹ đã chỉ rõ việc tham gia thương mại quốc tế cho phép các nhà sản xuất Mỹ tiếp cận với những thị trường nước ngoài rộng lớn và đem lại cho người tiêu dùng Mỹ sự lựa chọn hàng hóa để mua thoải mái hơn. Ngay gần đây, các nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng sự cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài cũng giúp làm giá cả giảm xuống đối với nhiều loại hàng hoá, do đó làm giảm đi áp lực của lạm phát.
Người Mỹ cho rằng thương mại tự do cũng mang lại lợi ích cho các quốc gia khác. Các nhà kinh tế từ lâu đã chỉ ra thương mại cho phép các quốc gia tập trung vào sản xuất những loại hàng hóa và dịch vụ mà họ có thể tạo ra một cách hiệu quả nhất - do vậy làm gia tăng tiềm năng sản xuất nói chung của toàn bộ cộng đồng các quốc gia. Hơn nữa, người Mỹ cũng nhận thức được rằng thương mại sẽ khuyến khích tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội, và dân chủ trong từng quốc gia và rằng nó thúc đẩy sự thịnh vượng của thế giới, quyền lực của pháp luật, và hòa bình trong các quan hệ quốc tế.
Một hệ thống thương mại mở cho phép các nước tiếp cận các thị trường của nhau một cách không phân biệt và công bằng. Để đạt được mục tiêu đó, Hoa Kỳ sẵn sàng cho phép các nước tiếp cận thị trường của mình một cách thuận lợi nếu các nước đó đáp lại bằng cách giảm bớt các rào cản thương mại của chính mình, như là một phần của các hiệp định đa phương hoặc song phương. Trong khi những nỗ lực tự do hóa thương mại theo truyền thống thường tập trung vào việc giảm các loại thuế quan và các rào cản phi thuế quan nhất định đối với thương mại, thì trong những năm gần đây chúng còn bao gồm cả những vấn đề khác. Ví dụ, người Mỹ lập luận rằng luật thương mại và các hoạt động thương mại của mỗi quốc gia cần phải minh bạch - tức là, mọi người đều có thể biết được các quy định và có các cơ may như nhau để cạnh tranh. Hoa Kỳ và các thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tiến thêm một bước để làm minh bạch hơn nữa bằng việc nhất trí cấm những hành động hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài nhằm đạt được một sự thuận lợi nào đó về thương mại.
Hoa Kỳ cũng thường xuyên thúc giục các nước khác phi điều tiết hóa các ngành công nghiệp của họ và từng bước bảo đảm rằng các hoạt động điều tiết còn lại là minh bạch, không phân biệt bất lợi đối với các công ty nước ngoài, và phù hợp với thông lệ quốc tế. Mối quan tâm của Mỹ về phi điều tiết xuất hiện một phần từ sự lo lắng rằng một số nước có thể sử dụng điều tiết như là một công cụ gián tiếp để kiềm chế hàng hóa xuất khẩu thâm nhập vào thị trường của họ.
Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton (1993-2001) đã đưa thêm một phương diện khác nữa vào chính sách thương mại của Mỹ. Đó là, các nước cần phải tôn trọng triệt để các tiêu chuẩn tối thiểu về lao động và môi trường. Người Mỹ có thái độ như vậy một phần vì họ lo lắng rằng các tiêu chuẩn về lao động và môi trường tương đối cao của chính nước Mỹ có thể đẩy chi phí của hàng hóa sản xuất tại Mỹ lên cao, gây ra khó khăn cho các ngành công nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các công ty nước ngoài ít bị điều tiết hơn. Nhưng người Mỹ cũng cho rằng công dân của các nước khác sẽ không nhận được lợi ích của thương mại tự do nếu người sử dụng lao động nước họ bóc lột người lao động hoặc phá hại môi trường trong một nỗ lực nhằm cạnh tranh hiệu quả hơn trên các thị trường quốc tế.
Chính quyền Clinton đã đưa những vấn đề này ra vào đầu thập kỷ 1990 khi Mỹ nhất quyết đòi Canada và Mêhicô ký các hiệp định phụ cam kết tăng cường luật môi trường và các tiêu chuẩn về lao động để đổi lại sự phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ của Hoa Kỳ. Dưới thời Tổng thống Clinton, Mỹ cũng đã làm việc với Tổ chức lao động quốc tế để giúp các nước đang phát triển tuân theo các tiêu chuẩn đánh giá nhằm bảo đảm an toàn lao động và các quyền cơ bản của người lao động, và Mỹ cũng tài trợ các chương trình giảm lao động trẻ em trong nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay các cố gắng của chính quyền Clinton trong việc kết hợp các hiệp định thương mại với vấn đề bảo vệ môi trường và các thước đo tiêu chuẩn lao động vẫn còn gây tranh cãi trên nhiều nước và ngay cả trong nước Mỹ.
Mặc dù có sự tôn trọng chung đối với các nguyên tắc không phân biệt đối xử, nhưng nước Mỹ đã tham gia một số thỏa thuận thương mại có tính ưu đãi nhất định. Ví dụ, Hệ thống ưu đãi phổ cập của Mỹ tìm cách khuyến khích phát triển kinh tế ở các nước nghèo bằng các hiệp định miễn thuế quan cho những hàng hóa nhất định mà các nước đó xuất khẩu sang Mỹ; các ưu đãi này sẽ chấm dứt khi các nhà sản xuất một loại sản phẩm không cần giúp đỡ nữa để cạnh tranh trong thị trường Mỹ. Một chương trình ưu đãi nữa - Sáng kiến vịnh Caribê - tìm cách giúp một vùng đang gặp khó khăn về kinh tế, một vùng được cho là quan trọng về chính trị đối với Mỹ; tạo ra một hiệp định miễn thuế đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ các nước trong vùng Caribê trừ hàng dệt, một số mặt hàng da, đường và sản phẩm dầu mỏ.
Đôi khi Hoa Kỳ rời bỏ chính sách chung của mình về khuyến khích tự do thương mại vì những mục đích chính trị, hạn chế nhập khẩu đối với những nước mà Hoa Kỳ cáo buộc là vi phạm nhân quyền, giúp đỡ khủng bố, chứa chấp buôn bán ma túy, hoặc có hành động ảnh hưởng tới hòa bình thế giới. Trong số các nước là đối tượng của những hạn chế thương mại của Hoa Kỳ có Mianma, Cuba, Iran, Irắc, Libi, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Xuđăng, và Xyri. Nhưng năm 2000, Hoa Kỳ đã bãi bỏ một đạo luật năm 1974 yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu hàng năm xem liệu có mở rộng “các mối quan hệ thương mại bình thường” với Trung Quốc hay không. Đây là một bước đi xóa bỏ nguồn gốc chính gây ra sự va chạm trong các quan hệ Mỹ - Trung, đánh dấu một cột mốc trong việc tìm kiếm tư cách thành viên tham gia Tổ chức thương mại thế giới của Trung Quốc.
Không có điều gì mới về việc Mỹ đặt ra các hình phạt thương mại để xúc tiến các mục tiêu chính trị. Người Mỹ đã sử dụng các hình phạt và kiểm soát xuất khẩu từ buổi ban đầu của cuộc Cách mạng Mỹ, khoảng hơn 200 năm trước. Nhưng hoạt động này đã tăng lên từ khi chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Quốc hội và các cơ quan của liên bang vẫn luôn tranh cãi quyết liệt về việc liệu chính sách thương mại có phải là một công cụ hiệu quả để xúc tiến các mục tiêu chính trị đối ngoại hay không.
Đa phương hóa, khu vực hóa và song phương hóa
Một nguyên tắc khác nữa mà Hoa Kỳ theo đuổi trên vũ đài thương mại là đa phương hoá. Trong nhiều năm, nó là cơ sở cho sự tham gia của Mỹ với vai trò lãnh đạo trong các vòng đàm phán thương mại quốc tế kế tiếp nhau. Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962, là căn cứ cho Vòng đàm phán thương mại Kennedy, đã lên đến cực điểm bằng một hiệp định của 53 quốc gia chiếm 80% thương mại quốc tế nhất trí cắt thuế quan với mức trung bình là 35%. Năm 1979, do kết quả thành công của Vòng đàm phán Tokyo, Mỹ và gần 100 nước khác đã đồng ý đẩy mạnh cắt giảm thuế quan và giảm bớt các hàng rào thương mại phi thuế quan như các yêu cầu về cấp giấy phép và quota.
Một vòng đàm phán đa phương gần đây, Vòng đàm phán Urugoay, được bắt đầu vào tháng Chín 1986 và kết thúc gần 10 năm sau với một hiệp định đẩy mạnh giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan trong công nghiệp, cắt một số thuế quan và tài trợ nông nghiệp, và đưa ra các hình thức mới bảo vệ sở hữu trí tuệ. Có lẽ điều quan trọng nhất là Vòng đàm phán Urugoay đã dẫn đến việc thành lập Tổ chức thương mại thế giới, một cơ chế liên kết ràng buộc mới để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế. Đến cuối năm 1998, chính Hoa Kỳ đã đệ trình 42 đơn kiện về hoạt động thương mại không công bằng lên Tổ chức thương mại thế giới, và nhiều nước khác cũng đệ trình thêm các đơn kiện - trong đó có một số đơn kiện chống lại Hoa Kỳ.
Bên cạnh những cam kết về chủ nghĩa đa phương, những năm gần đây Mỹ cũng theo đuổi các hiệp định thương mại khu vực và song phương, một phần do các hiệp định hẹp hơn thì dễ đàm phán hơn và thường có thể đặt cơ sở cho những hiệp định lớn hơn. Hiệp định thương mại tự do đầu tiên được Hoa Kỳ thực thi là Hiệp định khu vực thương mại tự do Mỹ-Ixraen, có hiệu lực từ năm 1985, và thứ hai là Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Canada có hiệu lực từ năm 1989. Hiệp định sau đã dẫn đến Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ năm 1993, đưa Mỹ, Canada và Mêhicô vào cùng một hòa ước thương mại bao gồm gần 400 triệu người cùng nhau tạo ra khoảng 8,5 nghìn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ.
Sự gần nhau về địa lý đã khuyến khích mạnh mẽ hoạt động thương mại giữa Mỹ, Canada và Mêhicô. Do kết quả của NAFTA mà thuế quan trung bình của Mêhicô đối với hàng hóa Mỹ giảm từ 10% xuống còn 1,68%, và thuế quan trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Mêhicô giảm từ 4% xuống còn 0,46%. Đặc biệt quan trọng đối với Mỹ, hiệp định này còn bao gồm một số điều khoản bảo vệ quyền sở hữu bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu và bí mật thương mại; trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng lo lắng về sự vi phạm quyền tác giả và giả mạo sản phẩm Hoa Kỳ từ phần mềm máy tính và phim ảnh cho đến các sản phẩm dược và hóa chất.
Chương trình nghị sự về thương mại hiện nay của Mỹ
Mặc dù có một số thành công, nhưng các cố gắng tự do hóa thương mại thế giới đến nay vẫn phải đối mặt với những trở ngại rất lớn. Các hàng rào thương mại vẫn còn cao, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp, những lĩnh vực mà các nhà sản xuất của Mỹ rất có khả năng cạnh tranh. Vòng đàm phán Urugoay đã giải quyết một số vấn đề về thương mại dịch vụ, nhưng vẫn còn để lại các rào cản thương mại liên quan đến khoảng 20 phân đoạn trong lĩnh vực dịch vụ cho các cuộc đàm phán kế tiếp. Trong khi đó, những thay đổi nhanh chóng trong khoa học và công nghệ đang làm nảy sinh các vấn đề thương mại mới. Ví dụ, các nhà xuất khẩu hàng nông nghiệp Mỹ ngày càng thất vọng bởi những quy định của châu Âu chống lại việc sử dụng các sản phẩm từ những sinh vật biến đổi gien đang phát triển rất thịnh hành ở Mỹ.
Sự nổi lên của thương mại điện tử cũng mở ra một xu hướng hoàn toàn mới của các vấn đề thương mại. Năm 1998, các bộ trưởng của Tổ chức thương mại thế giới đã đưa ra một tuyên bố rằng các nước không được gây trở ngại thương mại điện tử bằng việc đặt các thuế về truyền điện tử, nhưng nhiều vấn đề vẫn còn chưa giải quyết được. Hoa Kỳ cũng mong muốn tạo cho Internet thành một khu vực phi thuế quan, bảo đảm cho các thị trường viễn thông được cạnh tranh toàn thế giới, và thiết lập việc bảo vệ sở hữu trí tuệ toàn cầu đối với các sản phẩm kỹ thuật số.
Tổng thống Clinton kêu gọi một vòng đàm phán thương mại thế giới mới, mặc dù hy vọng của ông bị thất bại khi các nhà thương lượng không nhất trí với ý tưởng này tại cuộc họp được tổ chức vào cuối năm 1999 ở Seattle, Washington. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn hy vọng có một hiệp định quốc tế mới có thể tăng sức mạnh cho Tổ chức thương mại thế giới bằng cách làm cho các thủ tục của nó minh bạch hơn. Chính phủ Mỹ cũng muốn thương lượng để cắt giảm tiếp các rào cản thương mại tác động đến các sản phẩm nông nghiệp; hiện nay Hoa Kỳ xuất khẩu lượng sản phẩm tạo ra trên một phần ba diện tích đất canh tác của mình. Các mục tiêu khác của Mỹ bao gồm tự do hóa thương mại hơn nữa trong dịch vụ, tăng cường hơn nữa bảo vệ sở hữu trí tuệ, một vòng đàm phán mới về giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp, và sự tiến triển trong việc thiết lập các tiêu chuẩn về lao động được quốc tế công nhận.
Dù cho có những hy vọng lớn về một vòng đàm phán thương mại đa phương mới, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục theo đuổi các hiệp định thương mại khu vực mới. Nổi bật trong chương trình nghị sự của Mỹ là một Hiệp định thương mại tự do của châu Mỹ, hiệp định mà về cơ bản sẽ tạo cho toàn bộ Tây bán cầu (trừ Cuba) thành một khu vực thương mại tự do; các cuộc thương lượng cho một hiệp ước như vậy đã bắt đầu từ năm 1994, với mục tiêu hoàn thiện các cuộc đàm phán vào năm 2005. Hoa Kỳ cũng tìm kiếm các hiệp định tự do hóa thương mại với các nước châu Á thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC); các thành viên APEC đã đạt được một hiệp định về công nghệ thông tin vào cuối những năm 1990.
Một cách riêng rẽ, người Mỹ đang bàn bạc các vấn đề thương mại Mỹ-Âu trong Hiệp hội kinh tế Đại Tây Dương. Và Mỹ cũng hy vọng gia tăng thương mại của mình với châu Phi. Một chương trình năm 1997 có tên là Hợp tác vì sự tăng trưởng và cơ hội kinh tế cho châu Phi nhằm mục đích gia tăng tiếp cận thị trường Mỹ cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước Nam Xahara châu Phi, đưa ra ủng hộ của Mỹ cho việc phát triển khu vực tư nhân ở châu Phi, hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực châu Phi, và thể chế hóa các cuộc đối thoại về thương mại giữa các chính phủ thông qua một diễn đàn Mỹ-Phi hàng năm.
Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục tìm cách giải quyết các vấn đề thương mại cụ thể có liên quan đến từng nước riêng biệt. Các mối quan hệ thương mại của Mỹ với Nhật Bản gặp khó khăn từ thập kỷ 1970, và vào cuối thập kỷ 1990, người Mỹ tiếp tục lo lắng về các rào cản của Nhật Bản đối với nhiều loại hàng hóa khác nhau nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm hàng hóa nông nghiệp, ô tô và phụ tùng ô tô. Người Mỹ cũng kiện Nhật Bản xuất khẩu thép vào Mỹ với giá thấp hơn thị trường (một hoạt động gọi là bán phá giá thị trường), và chính phủ Mỹ tiếp tục gây áp lực với Nhật Bản nhằm phi điều tiết các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nhật Bản, bao gồm các ngành thông tin, nhà ở, dịch vụ tài chính, dụng cụ y tế, và các sản phẩm dược.
Người Mỹ cũng theo đuổi hoạt động thương mại riêng liên quan với các nước khác, bao gồm Canada, Mêhicô, và Trung Quốc. Trong thập kỷ 1990, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng lên thậm chí vượt cả khoảng cách thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản. Theo quan điểm của Mỹ thì Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu có tiềm năng hết sức to lớn, nhưng cũng là một thị trường rất khó thâm nhập. Tháng Mười một 1999, cả hai nước đã xúc tiến được một bước mà các quan chức Mỹ cho là rất cơ bản để hướng tới những mối quan hệ thương mại mật thiết hơn khi họ đạt được một hiệp định thương mại đưa Trung Quốc chính thức gia nhập WTO. Như một phần của hòa ước này, một hòa ước đã phải đàm phán trên 13 năm, Trung Quốc đồng ý với một loạt các biện pháp cải cách và mở cửa thị trường; ví dụ, Trung Quốc cam kết cho phép các công ty Mỹ chi tài chính cho việc mua ô tô ở Trung Quốc, được sở hữu tới 50% cổ phần của các công ty viễn thông Trung Quốc, và bán các hợp đồng bảo hiểm. Trung Quốc cũng đồng ý giảm thuế quan nông nghiệp, đi tới chấm dứt tài trợ của nhà nước cho xuất khẩu, và tiến hành các bước ngăn cấm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chẳng hạn như phần mềm máy tính và phim ảnh. Sau đó, vào năm 2000, Hoa Kỳ đã đồng ý bình thường hóa các quan hệ thương mại với Trung Quốc, chấm dứt một yêu cầu mang tính chính trị đòi hỏi Quốc hội bỏ phiếu hàng năm về việc liệu có cho phép quan hệ thương mại ưu đãi với Bắc Kinh hay không.
Mặc dù có cố gắng lớn như vậy để tự do hóa thương mại, nhưng đến cuối thế kỷ này sự chống đối chính trị về tự do hóa thương mại vẫn tăng lên trong Quốc hội. Tuy Quốc hội đã thông qua hiệp định NAFTA, nhưng hiệp định vẫn tiếp tục nhận được sự chỉ trích từ một số khu vực và các chính trị gia cho rằng nó không công bằng.
Hơn thế nữa, Quốc hội từ chối trao cho tổng thống quyền thương lượng đặc biệt được xem là cần thiết để đạt được thắng lợi trong các hiệp định thương mại mới. Các hiệp định giống như NAFTA được thương lượng theo những thủ tục “tiến hành nhanh” trong đó Quốc hội từ bỏ một số quyền của mình bằng việc hứa bỏ phiếu phê chuẩn trong một thời gian định trước và cam kết kiềm chế không sửa đổi hiệp ước đã đề nghị. Nếu không có các thỏa thuận tiến hành nhanh, thích hợp trong nước Mỹ thì các quan chức thương mại nước ngoài thường ngần ngại trong việc thương lượng với Mỹ - và nguy cơ có sự chống đối chính trị ngay trong chính nước họ. Trong trường hợp thiếu các thủ tục tiến hành nhanh, những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại châu Mỹ và mở rộng NAFTA để kết nạp Chilê bị suy giảm, và những tiến triển trong các giải pháp tự do hóa thương mại khác vẫn còn không chắc chắn.
Thâm hụt thương mại của Mỹ
Đến cuối thế kỷ XX, thâm hụt thương mại gia tăng đã góp thêm vào mâu thuẫn của Mỹ đối với tự do hóa thương mại. Mỹ đã trải qua thời kỳ thặng dư thương mại trong hầu hết thời gian sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng những cú sốc giá dầu mỏ năm 1973-1974 và 1979-1980 cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp theo sau cú sốc giá dầu mỏ lần thứ hai đã làm cho thương mại quốc tế lâm vào trì trệ. Cùng lúc đó, Mỹ bắt đầu cảm thấy sự dịch chuyển trong cạnh tranh quốc tế. Vào cuối thập kỷ 1970, nhiều nước, đặc biệt là những nước công nghiệp hóa mới, ngày càng đẩy mạnh cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu quốc tế. Hàn Quốc, Hồng Công, Mêhicô, Braxin và nhiều nước khác đã trở thành những nhà sản xuất hiệu quả các sản phẩm thép, dệt may, giầy dép, phụ tùng ô tô và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.
Khi các nước khác trở nên thành công hơn, người lao động Mỹ trong các ngành công nghiệp xuất khẩu lo lắng rằng các nước sẽ làm ngập tràn nước Mỹ bằng hàng hóa của họ trong khi đó lại đóng cửa thị trường của chính mình. Người lao động Mỹ cũng buộc tội các nước khác đã trợ giúp những nhà xuất khẩu của mình một cách không công bằng để giành thị trường ở các nước thứ ba bằng việc tài trợ cho một số ngành công nghiệp nhất định, chẳng hạn như ngành thép, và bằng các chính sách thương mại thúc đẩy xuất khẩu quá mức so với nhập khẩu. Thêm vào những lo lắng của người lao động Mỹ, nhiều công ty đa quốc gia đặt tại Mỹ đã bắt đầu chuyển các công đoạn sản xuất ra nước ngoài trong giai đoạn này. Các tiến bộ công nghệ làm cho những hoạt động chuyển đi như vậy càng trở nên thực tế hơn, và một số công ty tìm kiếm lợi thế về mức lương thấp hơn ở nước ngoài, ít chướng ngại điều tiết hơn, và các điều kiện khác có thể làm giảm chi phí sản xuất.
Tuy vậy, một yếu tố còn lớn hơn dẫn tới thâm hụt thương mại của Mỹ phình lên là giá trị đồng đôla tăng quá cao. Từ năm 1980 tới 1985, giá trị đồng đôla tăng khoảng 40% so với các đồng tiền của những bạn hàng thương mại chính của Mỹ. Điều này làm cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ tương đối đắt hơn và hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài vào Mỹ tương đối rẻ hơn. Tại sao đồng đôla lại được đánh giá cao? Có thể tìm thấy câu trả lời trong việc khôi phục của Mỹ từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 1981-1982 và những thâm hụt ngân sách liên bang khổng lồ của Mỹ, hai yếu tố này đã cùng phối hợp tạo ra một lượng cầu đáng kể về vốn đầu tư nước ngoài trong nước Mỹ. Điều đó lại dẫn tới đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao và làm tăng giá trị đồng đôla.
Năm 1975, xuất khẩu của Mỹ vượt hơn nhập khẩu từ nước ngoài là 12.400 triệu USD, nhưng đây là đợt thặng dư thương mại cuối cùng mà nước Mỹ có được trong thế kỷ XX. Vào năm 1987, thâm hụt thương mại của Mỹ đã lên tới 153.300 triệu USD. Khoảng cách thâm hụt thương mại bắt đầu giảm trong các năm kế tiếp khi đồng đô la giảm giá và tăng trưởng kinh tế ở các nước khác dẫn tới tăng cầu hàng xuất khẩu của Mỹ. Nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ lại phình lên vào cuối những năm 1990. Một lần nữa, nền kinh tế Mỹ lại tăng trưởng nhanh hơn các nền kinh tế của những nước bạn hàng chính của Mỹ, và kết quả là người Mỹ mua hàng hóa nước ngoài với nhịp điệu nhanh hơn so với người dân các nước khác mua hàng hóa Mỹ. Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á đã đẩy các đồng tiền trong khu vực này tụt xuống, làm cho hàng hóa của họ tương đối rẻ hơn nhiều so với hàng hóa Mỹ. Đến năm 1997, thâm hụt thương mại của Mỹ là 110 tỷ USD, và còn lên cao hơn.
Các quan chức Mỹ nhìn nhận cán cân thương mại với những cảm giác pha trộn. Hàng hóa nhập khẩu nước ngoài không đắt giúp ngăn ngừa lạm phát, điều mà một số nhà hoạch định chính sách cho là mối đe dọa tiềm ẩn trong cuối thập kỷ 1990. Tuy nhiên, cùng lúc đó, một số người Mỹ lại lo lắng rằng một làn sóng nhập khẩu mới có thể phá hoại các ngành công nghiệp trong nước. Ví dụ, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã rất lo lắng trước sự gia tăng nhập khẩu của loại thép giá rẻ do các nhà sản xuất hướng vào Mỹ sau khi lượng cầu của châu Á co lại. Và mặc dù các nhà cho vay nước ngoài nhìn chung đều rất sốt sắng trong việc cung cấp tiền mà người Mỹ cần để chi cho các khoản thâm hụt của họ, nhưng các quan chức Mỹ lại lo rằng tại một số thời điểm, các nhà đầu tư có thể trở nên thận trọng. Điều này lại có thể đẩy giá trị đồng đôla xuống, gây sức ép làm tỷ lệ lãi suất của Mỹ cao hơn và dẫn tới bóp nghẹt hoạt động kinh tế.
Đồng đô-la Mỹ và nền kinh tế thế giới
Khi thương mại toàn cầu phát triển thì nhu cầu cần có những tổ chức quốc tế để duy trì các tỷ giá hối đoái ổn định, hoặc ít nhất là có thể dự đoán được, cũng tăng lên. Nhưng bản chất của thách thức đó và các chiến lược được yêu cầu để đáp ứng nó đã phát triển một cách đáng kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai - và chúng tiếp tục thay đổi ngay cả khi thế kỷ XX đang khép lại.
Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, nền kinh tế thế giới vận hành theo hệ thống bản vị vàng, có nghĩa tiền tệ của mỗi nước được qui đổi ra vàng theo một tỷ lệ được định rõ. Hệ thống này dẫn tới các tỷ lệ hối đoái cố định - tức là, tiền tệ của mỗi nước có thể đổi ra tiền của mỗi quốc gia khác theo một tỷ giá không thay đổi xác định trước. Các tỷ giá hối đoái cố định đã khuyến khích thương mại thế giới bằng việc xóa đi tính không chắc chắn liên quan tới các tỷ giá dao động, nhưng hệ thống này có ít nhất hai nhược điểm. Thứ nhất, dưới hệ thống bản vị vàng, các nước có thể không kiểm soát được các mức cung tiền của chính mình; đúng hơn, mức cung tiền của mỗi nước được xác định bởi dòng tiền vàng được sử dụng để quyết toán các khoản nợ của mình với những nước khác. Thứ hai, chính sách tiền tệ ở tất cả các nước bị ảnh hưởng mạnh bởi nhịp độ sản xuất vàng. Vào những năm 1870 và 1880, khi sản xuất vàng còn thấp, mức cung tiền trên cả thế giới gia tăng quá chậm so với nhịp độ tăng trưởng kinh tế; kết quả dẫn đến giảm phát, hay giá cả giảm. Sau đó, những khám phá ra vàng ở Alaska và Nam Phi vào những năm 1890 làm cho mức cung tiền tăng lên quá nhanh; điều này lại gây ra lạm phát, hay giá cả tăng.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, các quốc gia đã cố gắng phục hồi lại hệ thống bản vị vàng, nhưng nó đã sụp đổ hoàn toàn trong cuộc Đại khủng hoảng của những năm 1930. Một số nhà kinh tế nói sự gắn chặt với hệ thống bản vị vàng đã ngăn cản các nhà chức trách về tiền tệ trong việc tăng mức cung tiền nhanh chóng kịp thời để khôi phục hoạt động kinh tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đại diện của hầu hết các quốc gia hàng đầu trên thế giới đã gặp nhau tại Bretton Woods, New Hampshire, năm 1944 để tạo ra một hệ thống tiền tệ quốc tế mới. Do tại thời điểm đó nước Mỹ chiếm hơn một nửa tiềm năng sản xuất của thế giới và giữ gần như toàn bộ lượng vàng của thế giới nên các nhà lãnh đạo quyết định gắn các đồng tiền thế giới với đồng đôla, đồng tiền mà tiếp sau đó được họ đồng ý đổi ra vàng ở mức 35 USD một ounce.
Dưới hệ thống Bretton Woods, các ngân hàng trung ương của các nước trừ Mỹ phải có nhiệm vụ duy trì tỷ giá hối đoái cố định giữa các đồng tiền của họ với đồng đôla. Họ làm điều này bằng việc can thiệp vào các thị trường ngoại hối. Nếu đồng tiền của một nước quá cao so với đồng đôla thì ngân hàng trung ương của nước đó cần phải bán tiền của mình để đổi lấy đôla, đẩy giá trị của đồng tiền đó xuống. Ngược lại, nếu giá trị đồng tiền của một nước quá thấp thì nước đó cần phải mua vào tiền của chính mình, do vậy sẽ đẩy giá của đồng tiền đó lên.
Hệ thống Bretton Woods đã kéo dài cho tới năm 1971. Tại thời điểm đó, lạm phát trong nước Mỹ và thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng đã làm suy giảm giá trị đồng đôla. Người Mỹ cố thuyết phục Đức và Nhật Bản, là hai nước đều có cán cân thanh toán thuận lợi, tăng giá trị các đồng tiền của họ. Nhưng các quốc gia này miễn cưỡng chấp nhận bước đi này, vì việc tăng giá trị đồng tiền của họ sẽ làm tăng giá hàng hóa của các nước đó và gây phương hại đến xuất khẩu của họ. Cuối cùng, Mỹ đã bỏ giá trị cố định của đồng đôla và cho phép nó được “thả nổi” - tức là, cho dao động đối với các đồng tiền khác. Đồng đôla ngay lập tức hạ giá. Các nhà lãnh đạo thế giới tìm cách khôi phục lại hệ thống Bretton Woods bằng một hiệp định có tên gọi Hiệp định Smithson năm 1971, nhưng cố gắng này đã thất bại. Năm 1973, Mỹ và các quốc gia khác đã chấp thuận cho phép tỷ giá hối đoái thả nổi.
Các nhà kinh tế gọi hệ thống đạt được này là một “cơ chế thả nổi có điều khiển”, có nghĩa là mặc dù các tỷ giá hối đoái đối với hầu hết các đồng tiền được thả nổi, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn can thiệp để ngăn ngừa những thay đổi quá lớn. Như trong năm 1971, các nước có thặng dư thương mại lớn thường bán tiền của chính họ trong một nỗ lực ngăn chặn cho chúng khỏi lên giá (và do đó làm phương hại đến xuất khẩu). Cũng giống như vậy, các nước có thâm hụt thương mại lớn thường mua các đồng tiền của chính họ để tránh giảm giá trị đồng tiền, nguyên nhân làm tăng giá cả hàng hóa trong nước. Nhưng có những hạn chế đối với những gì có thể đạt được thông qua việc can thiệp, đặc biệt đối với các nước có thâm hụt thương mại lớn. Cuối cùng, một nước tiến hành can thiệp để hỗ trợ cho đồng tiền của mình thì có thể làm suy yếu dự trữ quốc tế của nước đó, làm cho nó khó có thể tiếp tục củng cố được đồng tiền đó và có thể khiến cho nó mất khả năng đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế của mình.
Nền kinh tế toàn cầu
Để giúp các nước gặp phải các vấn đề về cán cân thanh toán không thể quản lý được, hội nghị Bretton Woods đã lập ra Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). IMF cung cấp tín dụng ngắn hạn cho các quốc gia không có khả năng thanh toán nợ của mình bằng các giải pháp thông thường (nhìn chung là bằng việc gia tăng xuất khẩu, nhận các khoản nợ dài hạn, hoặc sử dụng dự trữ). IMF, tổ chức mà trong đó Mỹ đóng góp 25% khoản tiền vốn ban đầu 8.800 triệu USD, thường yêu cầu các quốc gia là con nợ kinh niên phải tiến hành cải cách kinh tế như là một điều kiện để nhận được khoản trợ giúp ngắn hạn của mình.
Nhìn chung, các nước cần đến sự trợ giúp của IMF do mất cân bằng trong nền kinh tế của mình. Theo truyền thống, các nước cần đến IMF đều đã và đang gặp khó khăn do thâm hụt ngân sách chính phủ quá lớn và tăng cung tiền quá mức - tóm lại, họ đang tiêu dùng nhiều hơn những gì họ có thể kiếm được dựa vào thu nhập của mình từ xuất khẩu. Phương pháp chữa trị chuẩn của IMF là yêu cầu liều thuốc kinh tế vĩ mô mạnh, bao gồm các chính sách tiền tệ và tài khóa chặt chẽ hơn, để đổi lại các khoản tín dụng ngắn hạn. Nhưng vào những năm 1990, có một vấn đề mới nổi lên. Khi các thị trường tài chính quốc tế phát triển mạnh mẽ và liên kết với nhau, một số nước gặp phải những vấn đề nghiêm trọng trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài của mình, không phải do sai lầm quản lý kinh tế nói chung mà do các thay đổi đột ngột của những dòng đầu tư tư nhân. Thông thường, các vấn đề như vậy nảy sinh không phải do việc quản lý nền kinh tế chung của họ mà vì những thiếu hụt mang tính “cấu trúc” hẹp hơn trong các nền kinh tế đó. Điều này trở nên đặc biệt rõ ràng với cuộc khủng hoảng tài chính đã xảy ra ở châu Á bắt đầu vào năm 1997.
Vào đầu những năm 1990, các nước như Thái Lan, Inđônêxia và Hàn Quốc đã làm kinh ngạc thế giới bằng sự tăng trưởng với tỷ lệ cao tới 9% sau lạm phát - cao hơn rất nhiều so với Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác. Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy điều đó, và chẳng bao lâu sau vốn đầu tư đã tràn ngập các nền kinh tế châu Á. Các dòng vốn chảy vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng lên từ 25 tỷ USD năm 1990 tới 110 tỷ USD năm 1996. Khi nhìn lại quá khứ, ta thấy điều đó vượt quá khả năng mà các nước này có thể xử lý. Khi đã quá muộn, các nhà kinh tế mới nhận ra rằng phần lớn số vốn này chảy vào các doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Họ nói rằng, vấn đề đã trở nên tồi tệ thêm bởi thực tế là trong nhiều nước ở châu Á, các ngân hàng được giám sát rất kém và thường là đối tượng bị gây áp lực để rót tiền vay cho các dự án được ủng hộ về mặt chính trị hơn là các dự án mang lại giá trị kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu sút kém thì rất nhiều trong số các dự án đó đã chứng tỏ không thể đứng vững được về mặt kinh tế. Nhiều dự án đã phá sản.
Trong giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng châu Á, các nhà lãnh đạo của Mỹ và các quốc gia khác đã tăng vốn sẵn sàng cho IMF để xử lý những vấn đề tài chính quốc tế như vậy. Nhận ra tính không chắc chắn và thiếu thông tin đã góp phần vào sự biến động của các thị trường tài chính quốc tế, nên IMF cũng đã bắt đầu công khai hóa các hoạt động của mình; trước kia, các hoạt động của quỹ này chủ yếu được giữ bí mật. Thêm vào đó, Mỹ gây áp lực với IMF yêu cầu các nước phải thực thi những cải cách cơ cấu. Đáp lại, IMF đã bắt đầu yêu cầu các chính phủ ngừng việc cho vay trực tiếp đối với các dự án được ủng hộ về mặt chính trị nhưng không thể tự tồn tại. IMF cũng yêu cầu các nước tiến hành cải cách luật phá sản sao cho có thể nhanh chóng đóng cửa các doanh nghiệp đã đổ bể hơn là cho phép chúng tiếp tục làm kiệt quệ nền kinh tế của đất nước. IMF cũng khuyến khích tư nhân hóa các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Và trong nhiều trường hợp cá biệt, IMF còn gây sức ép với các nước để tự do hóa các chính sách thương mại của họ - cụ thể, cho phép các ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính khác tiếp cận nhiều hơn.
IMF cũng đã thừa nhận vào cuối những năm 1990 rằng đơn thuốc truyền thống của mình cho các nước gặp phải những vấn đề gay gắt về cân bằng thanh toán - cụ thể là các chính sách tiền tệ và tài khóa khắt khe - không phải lúc nào cũng phù hợp đối với những nước đang đối mặt với khủng hoảng tài chính. Trong một số trường hợp, quỹ này đã giảm nhẹ các yêu cầu của mình về giảm thâm hụt để các nước có thể tăng chi tiêu cho những chương trình nhằm giảm đói nghèo và bảo vệ người thất nghiệp.
Viện trợ phát triển
Hội nghị Bretton Woods tạo ra IMF cũng đã đưa đến việc thiết lập Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế, còn gọi là Ngân hàng thế giới, một tổ chức đa phương nhằm khuyến khích sự phát triển kinh tế và thương mại của thế giới bằng cách đưa ra các khoản vay cho các nước không có khả năng tăng các quỹ cần thiết để tham gia vào thị trường thế giới. Ngân hàng thế giới gom vốn của mình từ các nước thành viên, các nước này đóng góp theo tỷ lệ về mức độ quan trọng của nền kinh tế nước họ. Mỹ đóng góp gần 35% lượng huy động vốn ban đầu 9.100 triệu USD của Ngân hàng thế giới. Các nước thành viên của Ngân hàng thế giới hy vọng các quốc gia nhận các khoản vay sẽ thanh toán lại đầy đủ và rằng cuối cùng họ sẽ trở thành các đối tác thương mại đầy đủ.
Trong thời kỳ đầu, Ngân hàng thế giới thường tài trợ cho những dự án lớn, chẳng hạn như các dự án xây dựng đập nước. Tuy nhiên, vào thập kỷ 1980 và 1990, Ngân hàng thế giới đã có cách tiếp cận rộng rãi hơn để khuyến khích phát triển kinh tế, dành một tỷ lệ ngày càng lớn ngân quỹ của mình cho các dự án giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng “vốn nhân lực” và cho những cố gắng của các nước nhằm phát triển những tổ chức có thể trợ giúp cho các nền kinh tế thị trường.
Hoa Kỳ cũng cung cấp viện trợ nước ngoài đơn phương cho rất nhiều nước, một chính sách có thể bắt nguồn từ quyết định của Hoa Kỳ giúp châu Âu tiến hành khôi phục sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù viện trợ cho các nước đang có những vấn đề kinh tế trầm trọng tiến triển rất chậm, nhưng vào tháng Tư 1948 Mỹ đã triển khai Kế hoạch Marshall để khuyến khích việc khôi phục lại châu Âu từ chiến tranh đổ nát. Tổng thống Harry S Truman (1944-1953) coi viện trợ như một phương tiện để giúp các quốc gia phát triển theo đường lối dân chủ phương Tây. Những người Mỹ khác ủng hộ sự viện trợ này vì những lý do hoàn toàn mang tính nhân đạo. Một số chuyên gia chính sách đối ngoại lo lắng về một “sự thiếu hụt đôla” ở các nước kém phát triển và bị chiến tranh tàn phá, và họ tin rằng khi các quốc gia phát triển mạnh hơn họ sẽ trở nên tự nguyện và có khả năng tham gia một cách vô tư vào nền kinh tế quốc tế. Tổng thống Truman trong bài diễn văn nhậm chức của mình năm 1949 đã đưa ra những nét chính của chương trình này và dường như đã kích thích trí tưởng tượng của quốc gia khi ông tuyên bố đó là một phần cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Chương trình này được tổ chức lại vào năm 1961 và sau đó chịu sự điều hành của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Vào những năm 1980, USAID vẫn tiếp tục tiến hành trợ giúp với những khoản khác nhau cho 56 quốc gia. Giống như Ngân hàng thế giới, trong những năm gần đây USAID cũng đã chuyển hướng khỏi những công trình phát triển lớn như xây dựng các đập nước khổng lồ, các hệ thống đường cao tốc, và các ngành công nghiệp cơ sở để ngày càng chú trọng tới lương thực và dinh dưỡng; kế hoạch hóa dân số và sức khoẻ; giáo dục và nguồn nhân lực; những vấn đề phát triển kinh tế cụ thể; viện trợ khắc phục nạn đói và thảm họa thiên tai; và một chương trình Lương thực vì hòa bình, bán lương thực và sợi với các điều kiện tín dụng ưu đãi cho các nước nghèo nhất.
Những người đề xướng chính sách viện trợ nước ngoài của Mỹ mô tả đó như là một công cụ để tạo ra các thị trường mới cho các nhà xuất khẩu Mỹ, để ngăn chặn khủng hoảng và thúc đẩy dân chủ và thịnh vượng. Nhưng Quốc hội thường chống lại những khoản chuẩn chi lớn cho chương trình này. Đến cuối những năm 1990, số tiền đã được USAID sử dụng chỉ chiếm chưa đến 0,5% chi tiêu của liên bang. Thực ra, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, ngân sách viện trợ nước ngoài của Mỹ năm 1998 ít hơn khoảng 50% so với ngân sách viện trợ năm 1946.