24/05/2018, 21:53

Chương 1

Dịch vụ điện thoại IP là dịch vụ ứng dụng cao cấp cho phép truyền tải các cuộc đàm thoại sử dụng hạ tầng mạng IP. Nguyên tắc VoIP gồm việc số hóa tín hiệu giọng nói, nén tín hiệu đã số hóa, chia tín hiệu thành các gói và truyền những gói số ...

Dịch vụ điện thoại IP là dịch vụ ứng dụng cao cấp cho phép truyền tải các cuộc đàm thoại sử dụng hạ tầng mạng IP. Nguyên tắc VoIP gồm việc số hóa tín hiệu giọng nói, nén tín hiệu đã số hóa, chia tín hiệu thành các gói và truyền những gói số liệu này trên nền IP. Đến nơi nhận, các gói số liệu được ghép lại, giải mã ra tín hiệu analog để phục hồi âm thanh.

Trong dịch vụ điện thoại IP có thể có sự tham gia 3 loại đối tượng cung cấp dịch vụ như sau:

  • Nhà cung cấp dịch vụ Internet ISP
  • Nhà cung cấp dịch vụ điện thoại Internet ITSP
  • Nhà cung cấp dịch vụ trong mạng chuyển mạch kênh
  • Để có thể sử dụng được dịch vụ điện thoại IP, người sử dụng cần thông qua mạng Internet và các chương trình ứng dụng cho điện thoại IP. Trong khi các nhà cung cấp dịch vụ Internet cung cấp sự truy cập Internet cho khách hàng của họ thì các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại ITSP cung câp dịch vụ điện thoại IP cho khách hàng bằng cách sử dụng các chương trình ứng dụng dùng cho điện thoại IP. Có thể nói rằng dịch vụ truy cập Internet cung cấp bởi các ISP chưa đủ để cung cấp dịch vụ điện thoại thông qua dịch vụ điện thoại IP. Người sử dụng cần phải truy nhập vào nhà cung cấp dịch vụ điện thoại IP khi sử dụng điện thoại IP. Họ không thể gọi hoặc nhận các cuộc đàm thoại thông qua dịch vụ điện thoại IP nếu chỉ có truy cập vào mạng Internet. Để phục vụ cho việc truyền thông giữa những người sử dụng trên các máy tính đầu cuối của mạng Internet, các công ty phần mềm đã cung cấp các chương trình ứng dụng dùng cho điện thoại IP thực hiện vai trò của ITSP. Đối với người sử dụng trên mạng chuyển mạch kênh, họ sẽ truy nhập vào ISP hoặc ITSP thông qua các điểm truy nhập trong mạng chuyển mạch kênh.

VoIP dựa trên sự kết hợp của mạng chuyển mạch kênh và chuyển mạch gói là mạng IP. Mỗi loại mạng có những đặc điểm khác biệt nhau. Trong mạng chuyển mạch kênh một kênh truyền dẫn dành riêng được thiết lập giữa hai thiết bị đầu cuối thông qua một hay nhiều nút chuyển mạch trung gian. Dòng thông tin truyên trên kênh này là dòng bit truyền liên tục theo thời gian. Băng thông của kênh dành riêng được đảm bảo và cố định trong quá trình liên lạc (64Kbps đối với mạng điện thoai PSTN), và độ trễ thông tin là rất nhỏ chỉ cỡ thời gian truyên thông tin trên kênh. Khác với mạng chuyển mạch kênh, mạng chuyển mạch gói (Packet Switching Network) sử dụng hệ thống lưu trữ rồi truyền tại nút mạng. Thông tin được chia sẻ thành các gói, mỗi gói được thêm các thông tin điều kiển cần thiết cho quá trình truyền như là địa chỉ nơi gửi, địa chỉ nới nhận… Các gói thông tin đến nút mạng được xử lý và lưu trữ trong một thời gian nhất định rồi mới được truyền đến nút tiếp theo sao cho việc sử dụng kênh có hiệu quả cao nhất. Trong mạng chuyển mạch gói không có kênh dành riêng nào được thiết lập, băng thông của kênh logic giữa hai thiết bị đầu cuối thường không cố định, và độ trễ thông tin lớn hơn mạng chuyển mạch kênh rất nhiều.

Áp dụng VoIP có thể khai thác tính hiệu quả của các mạng truyền số liệu, khai thác tính linh hoạt trong phát triển các ứng dụng mới của giao thức IP. Nhưng VoIP cũng phức tạp và đòi hỏi giải quyết nhiều vấn đề.

Theo các nghiên cứu của ETSI, cấu hình chuẩn của mạng điện thoại IP có thể bao gồm các phần tử sau:

  • Thiết bị đầu cuối kết nối với mạng IP
  • Mạng truy nhập IP
  • Mạng xương sống IP
  • Gateway
  • Gatekeeper
  • Mạng chuyển mạch kênh
  • Thiết bị đầu cuối kết nối với mạng chuyển mạch kênh

Trong các kết nối khác nhau cấu hình mạng có thể thêm hoặc bớt một số phần tử trên.

Cấu hình chung của mạng điện thoại IP gồm các phần tử Gatekeeper, Gateway, các thiết bị đầu cuối thoại và máy tính. Mỗi thiết bị đầu cuối giao tiếp với một Gatekeeper và giao tiếp này giống với giao tiếp giữa thiết bị đầu cuối và Gateway. Mỗi Gatekeeper sẽ chịu trách nhiệm quản lý một vùng, nhưng cũng có thể nhiều Gatekeeper chia nhau quản lý một vùng trong trường hợp một vùng có nhiều Gatekeeper.

Trong vùng quản lý của các Gatekeeper, các tín hiệu báo hiệu có thể được chuyển tiếp qua một hoặc nhiều Gatekeeper. Do đó các Gatekeeper phải có khả năng trao đổi các thông tin với nhau khi cuộc gọi liên quan đến nhiều Gatekeeper.

Cấu hình của mạng điện thoại IP được mô tả trong hình 1.1.

Chức năng của các phần tử trong mạng như sau:

Thiết bị đầu cuối

Thiết bị đầu cuối là một nút cuối trong cấu hình của mạng điện thoại IP. Nó có thể được kết nối với mạng IP sử dụng một trong các giao diện truy nhập. Một thiết bị đầu cuối có thể cho phép một thuê bao trong mạng IP thực hiện cuộc gọi tới một thuê bao khác trong mạng chuyển mạch kênh. Các cuộc gọi đó sẽ được Gatekeeper mà thiết bị đầu cuối hoặc thuê bao đã đăng ký giám sát.

Thiết bị đầu cuối là một nút cuối trong cấu hình của mạng điện thoại IP. Nó có thể được kết nối với mạng IP sử dụng một trong các giao diện truy nhập. Một thiết bị đầu cuối có thể cho phép một thuê bao trong mạng IP thực hiện cuộc gọi tới một thuê bao khác trong mạng chuyển mạch kênh. Các cuộc gọi đó sẽ được Gatekeeper mà thiết bị đầu cuối hoặc thuê bao đã đăng ký giám sát.

Một thiết bị đầu cuối có thể gồm các khối chức năng sau:

  • Chức năng đầu cuối: Thu và nhận các bản tin
  • Chức năng bảo mật kênh truyền tải: đảm bảo tính bảo mật của kênh truyền tải thông tin kết nối với thiết bị đầu cuối.
  • Chức năng bảo mật kênh báo hiệu: đảm bảo tính bảo mật của kênh báo hiệu kết nối với thiết bị đầu cuối.
  • Chức năng xác nhận: thiết lập đặc điểm nhận dạng khách hàng, thiết bị hoặc phần tử mạng, thu nhập các thông tin dùng để xác định bản tin báo hiệu hay bản tin chứa thông tin đã được truyền hoặc nhận chưa.
  • Chức năng quản lý: giao tiếp với hệ thống quản lý mạng.
  • Chức năng ghi các bản tin sử dụng: xác định hoặc ghi lại các thông tin về sự kiện (truy nhập, cảnh báo) và tài nguyên.
  • Chức năng báo cáo các bản tin sử dụng: báo cáo các bản tin đã được sử dụng ra thiết bị ngoại vi.

Mạng truy nhập IP

Mạng truy nhập IP cho phép thiết bị đầu cuối, Gateway, Gatekeeper truy nhập vào mạng IP thông qua cơ sở hạ tầng sẵn có. Sau đây là một vài loại giao diện truy nhập IP được sử dụng trong cấu hình chuẩn của mạng điện thoại IP:

  • Truy nhập PSTN
  • Truy nhập ISDN
  • Truy nhập LAN
  • Truy nhập GSM
  • Truy nhập DECT

Đây không phải là tất cả các giao diện truy nhập IP, một vài loại khác đang được nghiên cứu để sử dụng cho mạng điện thoại IP. Đặc điểm của các giao diện này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng và tính bảo mật của cuộc gọi điện thoại IP.

Gatekeeper

Gatekeeper là phần tử của mạng chịu trách nhiệm quản lý việc đăng ký, chấp nhận và trạng thái của các thiết bị đầu cuối và Gateway. Gatekeeper có thể tham gia vào việc quản lý vùng, xử lý cuộc gọi và báo hiệu cuộc gọi. Nó xác định đường dẫn để truyền báo hiệu cuộc gọi và nội dung đối với mỗi cuộc gọi. Gatekeeper có thể bao gồm các khối chức năng sau:

  • Chức năng chuyển đổi địa chỉ E.164 (Số E.164 là số điện thoại tuân thủ theo cấu trúc và kế hoạch đánh số được mô tả trong khuyến nghị E.164 của Liên minh viễn thông quốc tế ITU): chuyển đổi địa chỉ E.164 sang địa chỉ IP và ngược lại để truyền các bản tin, nhận và truyền địa chỉ IP để truyền các bản tin, bao gồm cả mã lựa chọn nhà cung cấp.
  • Chức năng dịch địa chỉ kênh thông tin: nhận và truyền địa chỉ IP của các kênh truyền tải thông tin, bao gồm cả mã lựa chọn nhà cung cấp.
  • Chức năng giao tiếp giữa các Gatekeeper: thực hiện trao đổi thông tin giữa các Gatekeeper.
  • Chức năng đăng ký: cung cấp các thông tin cần đăng ký khi yêu cầu dịch vụ.
  • Chức năng xác nhận: thiết lập các đặc điểm nhận dạng của khách hàng, thiết bị đầu cuối hoặc các phần tử mạng.
  • Chức năng bảo vệ kênh thông tin: đảm bảo tính bảo mật của kênh báo hiệu kết nối Gatekeeper với thiết bị đầu cuối.
  • Chức năng tính cước: thu thập thông tin để tính cước.
  • Chức năng điều chỉnh tốc độ và giá cước: xác định tốc độ và giá cước.
  • Chức năng quản lý: giao tiếp với hệ thống quản lý mạng.
  • Chức năng ghi các bản tin sử dụng: xác định hoặc ghi lại các thông tin về sự kiện (truy nhập, cảnh báo) và tài nguyên.
  • Chức năng báo cáo các bản tin sử dụng: báo cáo các bản tin đã được sử dụng ra thiết bị ngoại vi.

Gateway

Gateway là một phần tử không nhất thiết phải có trong một giao tiếp H.323. Nó đóng vai trò làm phần tử cầu nối và chỉ tham gia vào một cuộc gọi khi có sự chuyển tiếp từ mạng H.323 (ví dụ như mạng LAN hay mạng Internet) sang mạng phi H.323 (ví dụ mạng chuyển kênh hay PSTN). Một Gateway có thể kết nối vật lý với một hay nhiều mạng IP hay với một hay nhiều mạng chuyển mạch kênh. Một Gateway có thể bao gồm: Gateway báo hiệu, Gateway truyền tải kênh thoại, Gateway điều khiển truyền tải kênh thoại. Một hay nhiều chức năng này có thể thực hiện trong một Gatekeeper hay một Gateway khác.

  • Gateway báo hiệu SGW: cung cấp kênh báo hiệu giữa mạng IP và mạng chuyển mạch kênh. Gateway báo hiệu là phần tử trung gian chuyển đổi giữa báo hiệu trong mạng IP (ví dụ H.323) và báo hiệu trong mạng chuyển mạch kênh (ví dụ R2, CCS7). Gateway báo hiệu có các chức năng sau:
  • Chức năng kết nối các giao thức điều khiển cuộc gọi.
  • Chức năng kết cuối báo hiệu từ mạng chuyển mạch kênh: phối hợp hoạt động với các chức năng báo hiệu của Gateway điều khiển truyền tải kênh thoại.
  • Chức năng báo hiệu: chuyển đổi báo hiệu giữa mạng IP với báo hiệu mạng chuyển mạch kênh phi phối hợp hoạt động với Gateway điều khiển truyền tải kênh thoại.
  • Chức năng giao diện mạng chuyển mạch gói: kết cuối mạng chuyển mạch gói.
  • Chức năng bảo mật kênh báo hiệu: đảm bảo tính bảo mật của kênh báo hiệu nối với thiết bị đầu cuối.
  • Chức năng quản lý: giao tiếp với hệ thống quản lý mạng.
  • Chức năng ghi các bản tin sử dụng: xác định hoặc ghi lại các thông tin về sự kiện (truy nhập, cảnh báo) và tài nguyên.
  • Chức năng báo cáo các bản tin sử dụng: báo các các bản tin đã được sử dụng ra thiết bị ngoại vi.
  • Gateway truyền tải kênh thoại MGM: cung cấp phương tiện để thực hiện chức năng chuyển đổi mã hóa. Nó sẽ chuyển đổi giữa các mã hóa trong mạng IP với các mã hóa truyền trong mạng chuyển mạch kênh. Gateway truyền tải kênh thoại bao gồm các khối chức năng sau:
  • Chức năng chuyển đổi địa chỉ kênh thông tin: cung cấp địa chỉ IP cho các kênh thông tin truyền và nhận.
  • Chức năng chuyển đổi luồng: chuyển đổi giữa các luồng thông tin giữa mạng IP và mạng chuyển mạch kênh bao gồm việc chuyển đổi mã hóa và triệt tiếng vọng.
  • Chức năng dịch mã hóa: định tuyến các luồng thông tin giữa mạng IP và mạng chuyển mạch kênh.
  • Chức năng giao diện với mạng chuyển mạch kênh: kết cuối và điều khiển các kênh mang thông tin từ mạng chuyển mạch kênh.
  • Chức năng chuyển đổi kênh thông tin giữa mạng IP và mạng chuyển mạch kênh: chuyển đổi giữa kênh mang thông tin thoại, Fax, dữ liệu của mạng chuyển mạch kênh và các gói dữ liệu trong mạch IP. Nó cũng thực hiện các chức năng xử lý tín hiệu thích hợp như: nén tín hiệu thoại, triệt tiếng vọng, mã hóa, chuyển đổi tín hiệu Fax và điều tiết tốc độ modem tương tự. Thêm vào đó, nó còn thực hiện việc chuyển đổi giữa tín hiệu mã đa tần DTMF trong mạng chuyển mạch kênh và các tín hiệu thích hợp trong mạng IP khi các bộ mã hóa tín hiệu thoại không mã hóa tín hiệu mã đa tần DTMF. Chức năng chuyển đổi kênh thông tin giữa mạng IP và mạng chuyển mạch kênh cũng có thể thu nhập thông tin về lưu lượng gói và chất lượng kênh đối với mỗi cuộc gọi để sử dụng trong việc báo cáo chi tiết và điều khiển cuộc gọi.
  • Chức năng quản lý: giao tiếp với hệ thống quản lý mạng.
  • Chức năng ghi các bản tin sử dụng: xác định hoặc ghi lại các thông tin về sự kiện (truy nhập, cảnh báo) và tài nguyên.
  • Chức năng báo cáo các bản tin sử dụng: báo cáo các bản tin đã được sử dụng ra thiết bị ngoại vi.
  • Gateway điều khiển truyền tải kênh thoại MGWC: đóng vai trò phần tử kết nối giữa Gateway báo hiệu và Gatekeeper. Nó cung cấp chức năng xử lý cuộc gọi cho Gateway, điều khiển Gateway truyền tải kênh thoại, nhận thông tin báo hiệu của mạng chuyển mạch kênh từ Gateway báo hiệu và thông tin báo hiệu của mạng IP từ Gatekeeper. Gateway điều khiển truyền tải kênh thoại bao gồm các chức năng sau:
  • Chức năng truyền và nhận các bản tin
  • Chức năng xác nhận: thiết lập các đặc điểm nhận dạng của người sử dụng, thiết bị hoặc các phần tử mạng.
  • Chức năng điều khiển cuộc gọi: lưu giữ các trạng thái cuộc gọi của Gateway. Chức năng này bao gồm tất cả các điều khiển kết nối logic của Gateway.
  • Chức năng báo hiệu: chuyển đổi giữa báo hiệu mạng IP và báo hiệu mạng chuyển mạch kênh trong quá trình phối hợp hoạt động với Gateway báo hiệu.
  • Chức năng quản lý: giao tiếp với hệ thống quản lý mạng.
  • Chức năng ghi các bản tin sử dụng: xác định hoặc ghi lại các thông tin về sự kiện (truy nhập, cảnh báo) và tài nguyên.
  • Chức năng báo cáo các bản tin sử dụng: báo cáo các bản tin đã được sử dụng ra thiết bị ngoại vi.

Hình 1.2 mô tả các thành phần cơ bản của mạng phục vụ cho dịch vụ thoại qua Internet.

Các phần tử cơ bản của mạng điện thoại IP

Về cơ bản có thể chia cấu trúc kết nối trong các ứng dụng dịch vụ thoại Internet thành ba loại:

  • Kết nối PC-PC
  • Kết nối PC-Máy thoại
  • Kết nối Máy thoại – Máy thoại

Kết nối PC – PC

Khi thực hiện kết nối PC với PC về mặt hình thức có thể chia làm hai loại:

Kết nối thông qua mạng LAN hoặc một mạng IP.

Kết nối một PC trong mạng IP này với một PC trong mạng IP khác thông qua mạng PSTN.

0