Chữa lỗi diễn đạt (lỗi lô-gíc)
Hướng dẫn HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP 1. Phát hiện lỗi và sửa lỗi: a) Chúng em đã giúp các bạn học sinh những vùng bị bão lụt quần áo, giày dép và nhiều đồ dùng học tập khác. Các sự vật liệt kê ở câu này có dạng A và B khác, khi đó A và B phải cùng loại (cùng nhóm sự vật, hiện ...
Hướng dẫn
HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Phát hiện lỗi và sửa lỗi:
a) Chúng em đã giúp các bạn học sinh những vùng bị bão lụt quần áo, giày dép và nhiều đồ dùng học tập khác.
Các sự vật liệt kê ở câu này có dạng A và B khác, khi đó A và B phải cùng loại (cùng nhóm sự vật, hiện tượng) và B có nghĩa khái quát hơn A. Ví dụ: gà, vịt và một số loại gia cầm khác (gia cầm bao gồm gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu,..). Trong câu trên, đồ dùng học tập không cùng nhóm với quần áo, giày dép, cũng không có nghĩa khái quát so với quần áo, giầy dép.
Có thể sửa như sau (tuỳ theo nội dung cụ thể của văn bản):
– Chúng em đã giúp các bạn học sinh những vùng bị bão lụt quần áo, giày dép và nhiều dồ dùng học tập. (Bỏ khác, khi đó đồ dùng học tập trở nên "bình đẳng" với quần áo, giày dép trong phép liệt kê.)
– Giữ nguyên A, sửa B: Chúng em đã giúp các bạn học sinh những vùng bị bão lụt quần áo, giày dép và nhiều dồ dùng sinh hoạt khác. (Đồ dùng sinh hoạt cùng nhóm nghĩa với quần áo, giày dép và có nghĩa khái quát hơn.)
– Giữ nguyên B, sửa A: (HS tự làm. Gợi ý: lấy đồ dùng học tập mang nghĩa khái quát, bao hàm các sự vật cùng nhóm ở vế trước.)
b) Trong thanh niên nói chung và trong bóng đá nói riêng, niềm say mê là nhân tố quan trọng dẫn đến thành công.
Phạm vi đối tượng nêu trong câu này có dạng A nói chung và B nói riêng, khi đó A và B phải cùng loại và A có nghĩa khái quát hơn B. Nhưng ở đây thanh niên không cùng nhóm với bóng dá, không bao hàm bóng đá.
Cách sửa:
– Giữ nguyên A, sửa B: Thanh niên nói chung, sinh viên nói riêng,…
– Giữ nguyên B, sửa A: (HS tự làm).
c) Lão Hạc, Bước đường cùng và Ngô Tất Tố đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc thân phận người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tấm 1945.
Cách sửa: Lão Hạc, Bước đường cùng là tác phẩm, còn Ngô Tất Tố là tác giả, ba sự vật không cùng phạm trù. Sửa bằng cách đưa về cùng là tác phẩm hoặc cùng là tác giả.
d) Em muốn trở thành một người trí thức hay một bác sĩ?
Khi có sự lựa chọn A hay B thì A và B phải có quan hệ đẳng lập, không được quan hệ bao hàm. Câu trên vi phạm nguyên tắc đó vì bác sĩ cũng là một loại trí thức.
Cách sửa: Nếu giữ trí thức ở vế A thì vế B có thể là công nhân, nông dân, thuỷ thủ, cầu thủ,… ; nếu giữ bác sĩ ở vế B thì vế A có thể là giáo viên, nhà báo, kiến trúc sư,…
e) Bài thơ không chỉ hay về nghệ thuật mà còn sắc sảo về ngôn từ
Khi có quan hệ không chỉ A mà còn B thì A và B phải có quan hệ đẳng lập. Câu trên đã vi phạm nguyên tắc đó vì sắc sảo về ngôn từ là một trong những cái hay về nghệ thuật (quan hệ bao hàm).
Cách sửa: Thay cặp quan hệ nghệ thuật – ngôn từ bằng một trong các cặp quan hệ tương ứng: nghệ thuật – nội dung, ngôn từ – câu tứ, ngôn từ – nhịp diệu,…
g) Trên sân ga chỉ còn lại hai người. Một người thì cao gầy, một người thì mặc áo ca rô.
Người nói muốn miêu tả ngoại hình đối lập giữa hai người nhưng lại không cùng bình diện: cao gầy thuộc vóc dáng, áo ca rô thuộc về trang phục. Do đó sự đối lập ít giá trị phân biệt vì người cao gầy có thể mặc áo ca rô, và người mặc áo ca rô cũng có thể cao gầy.
Cách sửa: Thay sự đối lập trên bằng sự đối lập cùng bình diện: cao gầy – thấp béo, áo ca rô – áo trắng, áo ca rô sọc xanh – áo ca rô sọc vàng,…
h) Chị Dậu rất cần cù, chịu khó nên chị rất mực thương yêu chồng con.
Quan hệ từ nên dùng cho quan hệ nhân — quả. Nhưng rất mực thương yêu chồng con không phải là kết quả của cần cù chịu khó.
Cách sửa:
– Thay nên bằng và (quan hệ đẳng lập), bỏ bớt từ chị thứ hai (để khỏi nặng nề): Chị Dậu rất cần cù, chịu khó và rất mực thương yêu chồng con.
– Nếu giữ quan hệ từ nên (quan hệ nhân quả) thì sửa vế sau: Chị Dậu cần cù chịu khó nên vẫn chèo chống dược gia đìinh qua cảnh nghèo túng.
i) Nếu không phát huy những đức tính tốt dẹp của người xưa thì người phụ nữ Việt Nam ngày nay không thể có được những nhiệm vụ vinh quang và nặng nề đó.
Hai vế Nếu… thì… vốn để biểu thị quan hệ điều kiện – kết quả nhưng ở đây lại không thể biểu thị quan hệ đó vì những đức tính tối đẹp không sinh ra ("có được") những nhiệm vụ vinh quang và nặng nề.
Cách sửa: Thay có được những nhiệm vụ bằng hoàn thành được những nhiệm vụ.
k) Hút thuốc lá vừa có hại cho sức khoẻ, vừa làm giảm tuổi thọ của con người.
Khi câu thể hiện mối quan hệ song đôi vừa A vừa B thì giữa A và B phải có quan hệ đẳng lập chứ không được bao hàm. Câu trên vi phạm điều đó vì giảm tuổi thọ bao hàm nghĩa có hại cho sức khoẻ.
Cách sửa:
– Hút thuốc lá vừa có hại cho sức khoẻ vừa tốn tiền.
– Hút thuốc lá vừa có hại cho sức khoẻ của mình vừa có hại cho sức khoẻ người khác. (Người hít phải khói thuốc lá cũng bị độc tố tương tự như người hút.)
2. HS tự tìm lỗi tương tự các lỗi trên trong bài viết của mình và sửa.
Mai Thu