25/05/2018, 12:57

Chùa Hang (Kiên Giang)

Chùa Hang còn gọi là chùa Hải Sơn - tọa lạc tại xã An Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đây là một di tích nằm trong khu Du Lịch Hòn Phụ Tử cách Ba Hòn 18km, và cũng là điểm hành hương và cũng là điểm tham quan của Hà Tiên-Kiên Giang. Chùa nằm nơi ...

Chùa Hang còn gọi là chùa Hải Sơn - tọa lạc tại xã An Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Đây là một di tích nằm trong khu Du Lịch Hòn Phụ Tử cách Ba Hòn 18km, và cũng là điểm hành hương và cũng là điểm tham quan của Hà Tiên-Kiên Giang. Chùa nằm nơi chân núi An Hải Sơn. Vì là núi đá vôi bị xâm thực hàng ngàn năm, nên phía sau chùa có một hang rộng ăn thông ra tới biển, nơi có Hòn Phụ Tử. Ngày nay chùa Hang nằm trong hệ thống các chùa do Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, Đại đức Thích Minh Nhẫn hiện là sư trụ trì tại đây.

Hang đá phía sau chùa Hải Sơn chạy theo trục Đông Bắc - Tây Nam, chiều dài hơn 50m, cửa động nhìn ra biển. Chiều dài hang ăn thông 40m, chỗ hẹp nhất chỉ khoảng 3-4 người đi lọt. Phía trong hang, có các hình dáng kỳ quái do nước ăn mòn tạo nên.

Hang động trên được khám phá vào thế kỷ 18 do các nhà sư Thái Lan và các ngư dân đến đây khẩn hoang lập nghiệp. Sau đó, các nhà sư này đã lập nên chùa và lúc đầu chùa chưa có tên.

Năm 1771, quân Xiêm sang xâm lược nước Việt và rút quân về nước năm 1774, các vị sư đành phải theo về. Thấy ngôi chùa bị bỏ hoang một thời gian dài, nhân dân địa phương đã thỉnh nhà sư người Khmer đến trụ trì. Sau này, các vị sư Khmer (chưa xác định được pháp danh) đã xây dựng thêm một cái am ở bên ngoài cách chùa cũ không xa và đặt tên là chùa Thái Lùa (Prakchaokia) hay chùa Ba Trại.

Năm 1800, hai anh em ruột Võ Thường Lễ và Võ Thường Nghĩa (chưa xác định được pháp danh) trùng tu lại ngôi chùa cũ và đặt tên là Chùa Hang. Kế tục trụ trì chùa Hang cũng là một nhà sư người Việt có pháp danh là Thiện Tông.

Năm 1920, Hòa thượng Thiện Tông viên tịch ở hang Phật Ngủ, Hòa thượng Thượng Tố lên làm trụ trì chùa.

Từ năm 1939 đến năm 1944, trụ trì chùa Hang là Hòa Thượng Chí (không rõ họ, được cư dân địa phương gọi thân mật là Sư Chưởng). Ngài viên tịch năm 70 tuổi.

Đến năm 1953 cư dân địa phương cung thỉnh một sư cô quen gọi là Cô Sáu (chưa xác định được pháp danh) về trông lo việc Phật sự.

Năm 1975, Sư cô Sáu viên tịch. Hòa Thượng Thiện Hóa (Thầy Tư) tiếp tục trụ trì cho đến khi viên tịch vào năm 1999, thọ 79 tuổi. Trong suốt 45 năm trụ trì chùa Hang, Hòa Thượng Thiện Hóa đã nhiều lần cho trùng tu và đặc biệt đại trùng tu vào năm 1962 theo dáng vẻ như ngày nay và được Bộ Văn Hóa Thông Tin công nhận là điểm di tích lịch sử và tham quan thắng cảnh vào năm 1989.

Từ năm 1999 đến năm 2002, chùa do Đại đức Thích Minh Hải trụ trì. Và sau đó là Đại Đức Thích Minh Nhẫn làm trụ trì cho đến nay.

Mô tả chùa Hang trong Đại Nam nhất thống chí có đoạn:

Chùa Hang là một ngôi chùa nằm giữa hang sâu gần 40m, thâm u, mờ ảo. Các thạch nhũ khi ta sờ vào thì âm thanh ngân lên như tiếng chuông chùa, vì vậy có người gọi là đá chuông. Gọi là chùa Hang vì là ngôi thờ Phật trong hang, trông bên ngoài chỉ là một ngọn núi nhuốm màu hoang dã nhưng trong lòng núi là một động đá vôi thẳng theo trục Đông Bắc-Tây Nam, chiều dài hơn 50m, cửa động nhìn ra biển. Chùa Hang thực chất là núi đá vôi bị xâm thực có cách đây hơn 1000 năm. Thiên nhiên đã tạo nên một động thật độc đáo, động khá cao cỡ trần nhà nhưng do chiều dài nên trong động thiếu ánh sáng, ở giữa động tối như màn đêm. Chùa Hang, mảnh đất ấy từ bao đời nay đã thật sự gắn bó cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Tượng thờ trong Chùa Hang có nhiều, với nhiều chất liệu khác nhau. Đặc biệt có nhiều bức tượng quý như tượng Phật nghìn tay nghìn mắt ở nơi chính điện. Các tượng thờ ở đây thuộc hệ phái Nam Tông rõ nét.

0