Chiều tối (Mộ)
Hướng dẫn Cảnh “Chiều tối” là cảnh bao la ở núi rừng buồn vắng giữa phút ngày tàn. Để tả cảnh này, nhà thơ dùng những hình ảnh chim mỏi, chòm mây lẻ và thiếu nữ xóm núi xay ngô tối. Chim mỏi tuy gợi buồn thương nhưng về rừng tìm cây ngủ liền sau đó lại có chút gì ...
Hướng dẫn
Cảnh “Chiều tối” là cảnh bao la ở núi rừng buồn vắng giữa phút ngày tàn. Để tả cảnh này, nhà thơ dùng những hình ảnh chim mỏi, chòm mây lẻ và thiếu nữ xóm núi xay ngô tối.
Chim mỏi tuy gợi buồn thương nhưng về rừng tìm cây ngủ liền sau đó lại có chút gì ấm áp.
Cũng vậy, chòm mây lẻ tuy gợi cảm tưởng đơn độc, buồn bã nhưng liền sau đó là trôi nhẹ lại cho thấy chút gì ung dung, thanh thản, gợi cảm tưởng phóng khoáng.
Cuối cùng là hình ảnh thiếu nữ xóm núi xay ngô. Lẽ ra hình ảnh này gợi lên cuộc sống vất vả, nghèo nàn nhưng câu thơ liền sau đó nổi bật lên một màu rực rỡ của lò than rực hồng lại gợi một cảm giác vui tươi nồng ấm và bình yên. Và đó cũng là hình ảnh trung tâm của bức tranh thơ Chiều tối.
Là một tù nhân đang trên đường bị áp giải, đói, mệt, cô độc… mà vẽ được bức tranh thơ trên, đủ thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng là một người có nhân cách vĩ đại, bản lĩnh phi thường với một tấm lòng nhân ái bao la.
Người sẵn sàng quên đi hoàn cảnh đau buồn của riêng mình để hòa vui với nhân dân và đồng loại dù chỉ là một niềm vui đơn sơ, nhỏ bé của những con người chưa hề quen biết nơi đất lạ trời xa.
Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ này là mượn không gian diễn tả thời gian, mượn ánh sáng để nói bóng tối và đặc biệt là mượn ngoại cảnh để biểu hiện nội tâm. Nói cách khác đây là một bài thơ tả cảnh ngụ tình.
GỢI Ý THÊM
1. Để tả cảnh Chiều tối, tác giả dùng các hình ảnh chim bay về rừng tìm cây ngủ, đám mây đơn độc trôi nhẹ, cô thiếu nữ xóm núi xay ngô, lò than rực hồng… Các hình ảnh đó gợi nên một bức tranh vừa mênh mông, bao la lại vừa thân mật, ấm áp tình đời.
2. Trong bức tranh Chiều tối, nổi bật lên một màu rực hồng của lò than ấm tạo thành một cảm giác vui tươi bình yên. Tác giả đưa màu sắc ấy vào rất hợp lí vì không những đúng với hiện thực mà còn đúng cả với tâm trạng của mình.
3. Theo lẽ thường, tâm trạng của một người ở vào hoàn cảnh của tác giả (người tù bị giải trên đường gặp lúc chiều tốì) sẽ dễ có tâm trạng cô đơn, hiu quạnh, da diết buồn. Cảnh Chiều tối miêu tả trong bài thơ tuy có đôi nét thoáng buồn, nhưng nhìn chung toàn bài toát lên một không khí ấm áp, sinh động. Phải là một người đầy bản lĩnh, chí khí, có tâm hồn khoáng đạt và lòng thương người yêu cảnh vật một cách thiết tha mới có tâm trạng như thế.
Mai Thu