Tuần 7 – Tây Tiến
Tuần 7 – Tây Tiến Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Quang Dũng (1921 – 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Trước 1945, ông học trung học ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông gia nhập bộ đội, sau ...
Tuần 7 – Tây Tiến
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Quang Dũng (1921 – 1988) tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, quê ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Trước 1945, ông học trung học ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông gia nhập bộ đội, sau năm 1954, làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Văn học. Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài, một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu. Ông vẽ tranh, sáng tác nhạc, viết văn xuôi những trước hết là một nhà thơ. Thơ Quang Dũng vừa hồn nhiên, tinh tế, vừa mang vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng, đậm chất lãng mạn. Năm 2001 ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tác phẩm chính: Rừng biển quê hương (1957, in chung với Trần Lê Văn), Đường lên Châu Thuận (1964), Rừng về xuôi (1968), Nhà đồi (1970), Mây đầu ô (1986).
2. Đầu năm 1947, Quang Dũng được điều động tham gia đơn vị Tây Tiến vừa mới thành lập. Đơn vị này hoạt động ở một vùng rộng lớn bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, miền tây Thanh Hoá và cả biên giới Việt – Lào, có nhiệm vụ vừa đánh tiêu hao lực lượng địch, vừa tuyên truyền vận động nhân dân kháng chiến. Chiến sĩ Tây Tiến phần lớn là thanh niên Hà Nội thuộc nhiều tầng lớp, lần dầu đến với miền Tây, một vùng núi rừng hiểm trở, hoang sơ, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt rất thiếu thốn. Hầu hết lính Tây Tiến đều bị sốt rét và không ít người đã hi sinh vì ốm đau, bệnh tật. Nhưng họ vẫn hết sức lạc quan, thể hiện vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của tuổi trẻ. Cuối năm 1948, Quang Dũng rời đơn vị Tây Tiến đi nhận nhiệm vụ khác. Tại làng Phù Lưu Chanh, ông viết bài thơ Tây Tiến. Bài thơ được lưu truyền rộng rãi, nhất là trong bộ đội thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong một thời gian dài, bài thơ ít được nhắc đến, vì bị coi là còn rơi rớt chất lãng mạn tiểu tư sản. Phải đến thời kì đổi mới, Tây Tiến mới được khôi phục vị trí xứng đáng trong nền thơ Việt Nam hiện đại.
II. HƯỚNG DẪN ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
1. Theo văn bản, bài thơ tự nó chia làm bốn đoạn. Ý chính của mỗi đoạn và mạch liên kết giữa các đoạn như sau:
– Đoạn 1 (từ đầu đến "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"): không gian núi rừng – địa bàn hoạt động của binh đoàn Tây Tiến.
– Đoạn 2 (từ "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa" đến "Xuôi dòng nước lũ hoa đong đưa"): vẻ đẹp lãng mạn của không gian, cảnh vật và nỗi nhớ chơi vơi, tha thiết của lòng người.
– Đoạn 3 (từ "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" đến "Sông Mã gầm lên khúc độc hành"): hình ảnh người lính Tây Tiến.
– Đoạn 4 (phần còn lại): nỗi nhớ Tây Tiến.
Mạch liên kết giữa các đoạn chính là hình ảnh người lính Tây Tiến trong bài thơ.
2. Hiện thực gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh đã được Quang Dũng khắc hoạ chân thực, sống động ở đoạn thơ thứ nhất. Ông không né tránh hay tô hồng mà thẳng thắn phơi bày những gian khó ấy và lấy nó làm nền để hình tượng người lính sừng sững hiện lên. Ý chí của người lính, bước chân hành quân quả cảm của binh đoàn đã đạp bằng mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc chiến đấu đầy khó khăn, nguy hiểm:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Quang Dũng như dựng lên trước mắt người đọc những con đường hành quân gian khổ, khi "khúc khuỷu", lúc "thăm thẳm" nhưng không làm nhụt chí những người chiến sĩ Tây Tiến. Câu thơ có sự phối thanh, phối vần nhịp nhàng, uyển chuyển, người đọc như cảm nhận được mỗi nhịp thơ là một bước hành quân của người lính Tây Tiến, mỗi khúc gập ghềnh của con đường ra trận đều in dấu chân quả cảm của người lính. "Súng ngửi trời" là một hình ảnh độc đáo, không chỉ đậm chất hiện thực mà còn thể hiện nét hài hước đậm chất lính. Sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian lao, nguy hiểm nhưng tinh thần lạc quan, cái chất lính vui nhộn vẫn toả sáng. Tiếng cười lạc quan của hình ảnh "súng ngửi trời" như đạp bằng mọi gian khổ, hi sinh, như xoá đi những khúc khuỷu gập ghềnh của con đường ra trận.
3. Ở đoạn thơ thứ hai, thiên nhiên và con người Tây Bắc lại được mở ra với những vẻ đẹp mới, khác với đoạn thơ thứ nhất. Anh hùng trong chiến đấu nhưng người lính Tây Tiến cũng bộc lộ sự tinh tế, tài hoa, lãng mạn:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
Những câu thơ đầy ánh sáng và âm thanh, có thơ và có nhạc, đối lập hoàn toàn với những con đường hành quân gian lao, nguy hiểm, với những thiếu thốn, nhọc nhằn,… Điệu nhạc và hồn thơ như thăng hoa cho tâm hồn người chiến sĩ Tây Tiến cất cánh, như hoà nhịp cho những điệu khèn, câu hát mê say. Không gian Tây Bắc chơi vơi trong một miền tâm thức, với dáng người trên độc mộc, với nước lũ hoa đong đưa. Những câu hỏi tu từ bâng khuâng, lưu luyến ("Người đi Châu Mộc chiều sương ấy – Có thấy hồn lau nẻo bến bờ – Có nhớ dáng người trên độc mộc – Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa") làm không gian núi rừng thêm chơi vơi, bảng lảng trong sương khói. Ngòi bút tả thực của Quang Dũng đến đây trở nên mềm mại và uyển chuyển, thể hiện nét tình tứ sâu lắng, thiết tha.
4. Hình ảnh người lính Tây Tiến được tác giả tập trung khắc hoạ ở đoạn thơ thứ ba.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Quang Dũng gọi tên binh đoàn của mình bằng một đặc điểm rất ngộ nghĩnh, thú vị: "không mọc tóc". Câu thơ thoáng nghe tưởng là lạ, ngẫm lại mới thấy hay, không trực tiếp miêu tả cái khốc liệt của chiến trường nhưng hiện thực chiến tranh đã được khắc hoạ sống động. Người lính Tây Tiến đã biến những gian khó, thiếu thốn, vất vả của cuộc sống chiến đấu thành một niềm kiêu hãnh. Họ thấy ngay trong bệnh tật, gian khổ một sự tự tin, chủ động, vui nhộn và hóm hỉnh. Khó khăn, gian khổ được gọi tên mà sao đầy say mê, tự hào, kiêu hãnh. Người ta không thấy một lời kêu than, một chút chán nản và dường như nụ cười vẫn lấp lánh trên môi những người chiến sĩ của đoàn binh "không mọc tóc" ấy! Người lính Tây Tiến không chỉ biết chấp nhận hoàn cảnh, sẵn sàng đón nhận gian khó mà cao hơn thế, họ ngạo nghễ vượt qua nó và tìm thấy trong đó niềm vui. Họ lấy cái phong thái ngạo nghễ ấy để đối diện với hiện thực tàn khốc của chiến tranh. Ba tiếng "dữ oai hùm" dằn mạnh thể hiện sự rắn rỏi, mạnh mẽ của người lính Tây Tiến. Nhưng câu thơ nói về đau thương, thiếu thốn, gợi ra sống động cái khốc liệt của chiến tranh nhưng lại khẳng định, nhấn mạnh cái anh dũng, kiên cường, hiên ngang của người lính Tây Tiến. Cái còn đọng lại trong lòng người đọc là một niềm tin yêu, ngương mộ những con người anh hùng của một thời đại anh hùng.
Với người lính Tây Tiến, với những con người anh hùng, bất khuất ấy, Quang Dũng còn dành những nét vẽ rất hào hoa, lãng mạn:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Người lính Tây Tiến mạnh mẽ, rắn rỏi trong chiến đấu nhưng cũng hết sức lãng mạn, hào hoa. Ở họ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cốt cách của người lính và phong cách của nghệ sĩ. Bao nhiêu yêu thương, nhớ mong, mộng ước của họ được gửi gắm, dồn tụ ở hình ảnh "mắt trừng". Biên giới và Hà Nội hoa lệ có một khoảng cách rất xa xôi, người lính Tây Tiến muốn lấy mộng ước, khát vọng của mắt nhìn đau đáu làm cầu nối thu ngắn không gian, kéo hẹp khoảng cách. Hình ảnh "mắt trừng" không chỉ gợi một nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi mà còn như chất chứa bao khắc khoải, mong chờ. Cái nhìn của người lính Tây Tiến không tan đi trong không gian, không mờ đi trong đêm tối của núi rừng Tây Bắc, nó cứ trao mãi vào lòng người đọc và gõ lên những nhịp thương nhớ khôn cùng. "Dáng kiều thơm" và một Hà Nội thân thương chính là nguyên do của nỗi niềm mong nhớ ấy. Đó không phải là một bóng dáng cụ thể nào, cũng không chỉ bó hẹp trong tình yêu đôi lứa. Nỗi niềm thương nhớ của người lính Tây Tiến đối với Thủ đô thân yêu còn là một nỗi nhớ nước, yêu nhà, là một tình yêu quê hương sâu đậm.
Hình ảnh người lính Tây Tiến là một bức tượng đài đẹp đẽ với tư thế hiên ngang, với khí phách anh hùng và cả những say mê, ước vọng lãng mạn, đẹp đẽ. Nhưng Quang Dũng còn nói rất thực về nhũng mất mát, hi sinh của đoàn binh Tây Tiến. Không thi vị hoá hiện thực, ngòi bút Quang Dũng nhìn thẳng vào nhũng tổn thất của chiến tranh tàn khốc. Hình ảnh người lính Tây Tiến cũng có nhũng phút giây mỏi mệt:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Tác giả dùng chữ "dãi dầu" rất đạt. Nó đã lột tả sự gian nan, khắc nghiệt của cuộc chiến đấu. Không chỉ dám nói, dám nhìn thẳng vào nhũng phút giây như thế, Quang Dũng còn dành những dòng kiêu hùng nhất để viết về sự hi sinh của người lính:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sóng Mã gầm lên khúc độc hành
Ngay chính trong cái chết, người lính Tây Tiến vẫn thể hiện khí phách anh hùng, tư thế ngạo nghễ của mình. Người ta có thể rùng mình ghê sợ trước cái lạnh lẽo, hoang vu của những "mồ viễn xứ" nhưng không khỏi tự hào, kiêu hãnh trước sự hi sinh bất khuất, anh hùng của đoàn binh. Những từ Hán Việt trang trọng được sử dụng như những nén tâm hương thể hiện tấm lòng của Quang Dũng đối với những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu. Sự ra đi của người lính Tây Tiến là một hiện thực đau xót của chiến tranh nhưng bài thơ không gợi nên sự bi luỵ, cái còn lại trong lòng người đọc là dư ba mênh mang, vang vọng của "khúc độc hành" sông Mã. Đó là một khúc tráng ca tiễn đưa người anh hùng về với đất mẹ. Sự hi sinh của người lính Tây Tiến được đặt giữa đất trời, thiên nhiên, có đất mẹ dang tay đón đợi, có dòng sông Mã anh hùng dạo lên khúc tráng ca tiễn biệt. Đó chẳng phải là một sự hi sinh đẹp đẽ, cao quý nhất hay sao?
5. Ở đoạn thơ thứ tư, giọng thơ trở nên tha thiết, xoáy vào lòng người một nỗi nhung nhớ day dứt, khắc khoải:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng xuôi.
Những câu thơ mang âm hưởng da diết. Người đi xa Tây Tiến không biết bao giờ mới trở lại. Người đi thì không hẹn ngày trở lại, con đường cứ xa thăm thẳm, khoảng cách càng xa thì nỗi nhung nhớ càng dâng trào. Hai câu thơ đầu như đẩy hai bờ thương nhớ ra xa, khiến khoảng cách như là nghìn trùng. Đến hai câu thơ cuối, mạch cảm xúc chuyển đổi, trở thành lời gọi mời tha thiết, ân tình, lời nhắn nhủ ngọt ngào trong thương nhớ. Người đi xa không hẹn gặp lại, nhưng tiếng gọi về Tây Tiến vẫn giục giã, thôi thúc. Tây Tiến mùa xuân, Tây Tiến ngày gặp lại trong niềm vui chiến thắng, là khát vọng của "người đi". Câu thơ như một lời thề trong tâm tưởng: xa Tây Tiến nhưng linh hồn, tấm lòng vẫn còn ở lại; tình yêu và nỗi nhớ Tây Tiến vẫn da diết khôn cùng. Viết Tây Tiến, Quang Dũng thực sự gửi lại một mảnh tâm hồn mình trong nỗi niềm nhớ thương vời vợi. Bài thơ là khúc ca hào hùng, bi tráng về hình ảnh người lính trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, và cũng là tấc lòng nhớ thương tha thiết, sâu nặng của nhà thơ với đất và người của một thời Tây Tiến.
III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. Tây Tiến chủ yếu được viết bằng bút pháp lãng mạn. Ta có thể thấy rõ điều này qua việc so sánh Tây Tiến với bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
a) Nét chung
– Tác giả: cả Quang Dũng và Chính Hữu đều là nhà thơ đồng thời cũng là những người lính trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bởi vậy, họ viết về người lính cũng là viết vể mình, thời đại mình một cách chân thực, sống động.
– Hoàn cảnh sáng tác: Tây Tiến và Đồng chí đều là những tác phẩm ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hình ảnh người lính trở thành hình tượng trung tâm của mỗi bài thơ. Trong tác phẩm của mình, các nhà thơ đã tập trung miêu tả, phản ánh họ bằng tất cả sự ngợi ca, trân trọng, tự hào.
– Hình ảnh người lính:
+ Hình ảnh người lính được khắc hoạ trong hiện thực gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
+ Hình ảnh người lính với vẻ đẹp tâm hồn cao cả.
. Tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bất khuất
. Tình cảm đồng chí, đồng đội
. Tâm hồn trẻ trung, lạc quan, yêu đời.
b) Nét riêng
Hoàn cảnh xuất thân của người lính:
+ Đồng chí: người lính xuất thân là những người nông dân, đi ra từ đồng quê, làng mạc.
+ Tây Tiến: hầu hết là những thanh niên trí thức Hà Nội.
– Chính hoàn cảnh xuất thân đã chi phối cách thể hiện chân dung của họ trong đời sống chiến đấu hằng ngày:
+ Đồng chí: sự chất phác, hồn hậu, dung dị, mộc mạc.
+ Tây Tiến: nét tài hoa, lãng mạn, kiêu hùng, ngạo nghễ,
c) Kết luận
– Cả hai bài thơ đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, tuy ở mỗi bài, ưu thế của một loại bút pháp lại nổi trội hơn nhưng đều thể hiện sinh động và đẹp đẽ hình tượng người lính.
– Có thể so sánh với các tác phẩm khác cùng viết về người lính: Nhớ – Hồng Nguyên, Tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật.
2. Chân dung người lính Tây Tiến trong bài thơ.
Quang Dũng đã làm thơ để tỏ lòng, đã gieo vần để gửi đi một nỗi nhớ chơi vơi về những tháng ngày Tây Tiến gian khổ, hi sinh mà hào hùng, bi tráng. Quang Dũng đã khắc tạc hình ảnh người lính Tây Tiến bằng chính những trải nghiệm, những chia sẻ, yêu thương trong nhũng tháng ngày gian khổ và bằng cả một nỗi nhớ chơi vơi, sâu lắng trong tâm hồn. Cũng bởi vậy, hình tượng người lính đã hiện lên trong Tây Tiến, sừng sững như một tượng đài, vừa chân thực vừa cao cả, vừa anh dũng vừa lãng mạn, mê say.
Hình tượng người lính Tây Tiến đã được khắc tạc sống động và toàn vẹn trong Tây Tiến. Đó là những người lính anh dũng trong chiến đấu, bình thản trước khó khăn nhưng lại có những rung động lãng mạn trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người. Quang Dũng đã dựng lên rất sống động, chân thực hình ảnh người lính Tây Tiến không chỉ có cái chí quả cảm mà còn có cái tình nặng sâu, không chỉ có sự chiến đấu anh hùng mà còn có cả sự hi sinh oai hùng. Tất cả những mặt đối lập đã kết hợp hài hoà và thống nhất biện chứng trong hình tượng người lính.
Hiện thực gian khổ, ác liệt của cuộc kháng chiến đã được Quang Dũng khắc hoạ chân thực, sống động. Ông không né tránh hay tô hồng mà thẳng thắn phơi bày những gian khó ấy và lấy nó làm nền để làm nổi bật hình tượng người lính Tây Tiến. Ý chí của người lính, bước hành quân quả cảm của đoàn binh đã đạp bằng mọi thử thách khắc nghiệt của cuộc chiến đấu:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Quang Dũng như dựng lên trước mắt người đọc những con đường hành quân khi "khúc khuỷu" lúc "thăm thẳm". Câu thơ có sự phối thanh, phối vần nhịp nhàng, uyển chuyển, người đọc như cảm nhận được mỗi nhịp thơ là một bước chân hành quân của người lính Tây Tiến. "Súng ngửi trời" là một hình ảnh độc đáo, không chỉ đậm chất hiện thực mà còn đậm chất lính. Trong cuộc sống chiến đấu gian lao, nguy hiểm nhưng tinh thần lạc quan, cái chất lính vui nhộn ở người chiến sĩ Tây Tiến vẫn toả sáng.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Những câu thơ đầy ánh sáng và âm thanh, có thơ và có nhạc, đối lập hoàn toàn với những con đường hành quân gian lao, nguy hiểm, với những thiếu thốn, nhọc nhằn,… Điệu nhạc hồn thơ như thăng hoa cho tâm hồn người chiến sĩ Tây Tiến cất cánh, hoà nhịp cùng những điệu khèn, câu hát mê say.
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Quang Dũng đã biến những gian khổ, thiếu thốn trong cuộc sống chiến đấu của chiến sĩ Tây Tiến ("không mọc tóc", "xanh màu lá") thành một niềm kiêu hãnh, tự hào.
Anh hùng trong chiến đấu nhưng người lính Tây Tiến lại mê say, lãng mạn trong đêm hội, trong nỗi nhớ vể Hà Nội và những dáng kiều:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Đôi "mắt trừng" thao thức gửi gắm một tình yêu thương, một niềm mong nhớ. Nỗi nhớ nhung, mơ mộng của người lính Tây Tiến như vượt mọi khoảng cách của không gian, mọi ranh giới của địa lí để trở về với Hà Nội. Câu thơ thể hiện cái tình tha thiết, điệu hồn lãng mạn của người lính Tây Tiến – một góc độ rất riêng tư, độc đáo.
Lãng mạn, mê say mà anh dũng, kiên cường, Quang Dũng đã khắc tạc hình ảnh người lính Tây Tiến sống động và chân thực. Ở họ có cả cái chí kiên định cũng có cả cái tình đậm sâu. Nhưng Quang Dũng còn nhìn thẳng vào hiện thực chiến tranh – một hiện thực khốc liệt có hi sinh, mất mát. Bởi vậy, hình tượng người lính không chỉ hiện lên đẹp đẽ, cao cả trong cái chí, cái tình mà ngay trong cả cái chết, sự hi sinh:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh vê đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Cái hiện thực xót xa "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" được Quang Dũng khắc hoạ chua xót mà không bị luỵ, đau đớn mà không bi thương. Sự hi sinh của người lính Tây Tiến được thể hiện trong những dòng thơ trang trọng, đẹp đẽ. Những từ Hán Việt được sử dụng thể hiện tấm lòng thành kính của tác giả trước những đồng đội đã hi sinh. Sự ra đi không nề hà, không toan tính ("chẳng tiếc đời xanh") đã kết tinh cao độ tinh thần anh hùng của người lính Tây Tiến. Sông Mã còn trôi chảy, cuộn trào thì sự hi sinh của người lính còn được ghi nhớ mãi như khúc trường ca hào sảng ngân dài, vang vọng đời đời. Chưa bao giờ sự hi sinh của người lính lại được nhắc đến chân thực và đẹp đẽ, cao cả bi tráng đến thế.
Hình tượng người lính Tây Tiến anh dũng trong mỗi bước đường hành quân, mê say trong từng điệu khèn, câu hát và anh dũng, bi hùng trong sự hi sinh đã được Quang Dũng thể hiện bằng nhũng vần thơ đẹp nhất, bằng sự trân trọng, tự hào sâu sắc. Cũng bởi được viết nên từ trải nghiệm, xúc cảm của chính nhà thơ nên những vần thơ của Quang Dũng chân thực, sống động và tài hoa đến lạ lùng. Hình tượng người lính Tây Tiến được khắc tạc sừng sững như một tượng đài trên trang thơ Quang Dũng và trong nền thơ Việt Nam hiện đại.
Mai Thu