Chia sẻ kinh nghiệm xin học bổng du học Đức- DAAD học bổng EPOS

Kinh nghiệm xin học bổng du học Đức- DAAD Học bổng EPOS Xin chào các bạn. Mình là ứng viên được nhận học bổng DAAD bậc thạc sĩ năm 2015 và sẽ nhập học tháng 10/2015. Mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm cho những bạn nào đang có kế hoạch nộp hồ sơ học bổng cao học DAAD. ...

Kinh nghiệm xin học bổng du học Đức- DAAD Học bổng EPOS

Xin chào các bạn. Mình là ứng viên được nhận học bổng DAAD bậc thạc sĩ năm 2015 và sẽ nhập học tháng 10/2015. Mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm cho những bạn nào đang có kế hoạch nộp hồ sơ học bổng cao học DAAD. Mình không biết gì về bậc bachelor tại Đức nên nếu có câu hỏi nào về bậc học này thì mình ko trả lời đc nhé.

1.    Thông tin chung về học bổng
·         Tên: học bổng cao học dành cho các nước đang phát triển (Development-related post-graduate courses – EPOS scholarships)
·         Tính chất: thường niên
·         Hạn nộp hồ sơ: tùy theo chương trình, thường là trước 1 năm của kì nhập học, chi tiết xem trên website DAAD
·         Bậc học có thể apply: hầu hết là master, một số ít PhD
·         Danh sách chương trình có thể apply: xem trên website DAAD
·         Ngôn ngữ chương trình học: hầu hết là tiếng Anh, một số ít chương trình giảng dạy bằng tiếng Đức
Bạn nên vào website daad.de thay vì website của văn phòng DAAD Việt Nam, vì lượng thông tin ở đó đầy đủ và cập nhật hơn.

2. Học bổng bao gồm những gì
·         750E/tháng tiền sinh hoạt, trả trong 2 năm
·         Tiền vé máy bay khứ hồi (phải bù ra một ít)
·         Trợ cấp nghiên cứu (~900E)
·         Bảo hiểm y tế, trả trong 2 năm (không bao gồm trong phí sinh hoạt hàng tháng)
·         Khóa học tiếng Đức online 3 tháng tại VN và 2 tháng tại Đức
*Học phí ở Đức được miễn, nên về cơ bản đây là học bổng toàn phần.

3.    Thông tin về chương trình học của mình
·         Tên chương trình: Master of Environmental Governance
·         Trường: University of Freiburg
·         Thời gian học: 2 năm, toàn thời gian
·         Kỳ nhập học: tháng 10 hàng năm
·         Ngôn ngữ giảng dạy: tiếng Anh 100%

4. Yêu cầu chung về ứng viên
·         Ngành nghề làm việc và ưu tiên: ko giới hạn
·         Số năm kinh nghiệm: 2 năm trở lên
·         Tốt nghiệp đại học không quá 6 năm
*2 năm kinh nghiệm tính đến thời điểm nhập học. VD bạn nộp hồ sơ tháng 10/2014 để chuẩn bị cho kì nhập học tháng 10/2015. Hồ sơ của bạn hợp lệ nếu bạn đủ 2 năm kinh nghiệm trước tháng 10/2015.

5. Profile của mình ở thời điểm nộp hồ sơ
·         Tốt nghiệp FTU ngành QTKD
·         GPA 7.76, gần như không có hoạt động xã hội gì
·         IELTS 8.0
·         Tiếng Đức đến B1.1 (học ở Goethe)
·         APS (Sehr gut)
·         2 năm làm việc trong lĩnh vực liên quan (không thuộc khối nhà nước) và 1 năm làm việc trong lĩnh vực không hề liên quan

6. Thành phần và cách thức nộp hồ sơ
Để tìm hiểu thành phần cụ thể của bộ hồ sơ các bạn cần lên trực tiếp website của chương trình mà các bạn định theo học. Thường các thành phần cơ bản bao gồm bảng điểm đại học, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ tiếng Anh, thư giới thiệu (LoR), Motivation Letter, CV, DAAD Scholarship Form, Thư xác nhận số năm kinh nghiệm (Letter/Certificate of Employment). Tùy từng chương trình mà hồ sơ có thể yêu cầu thêm.
Trường mình chỉ yêu cầu nộp 1 bộ hồ sơ trực tiếp cho trường. Mình biết có những học bổng khác của DAAD yêu cầu nộp tận 3 bộ hồ sơ cho Văn phòng DAAD Hà Nội chứ ko phải trường. Vì thế để biết cần nộp hồ sơ theo kiểu gì thì các bạn căn cứ vào website của trường là chính.
Vừa rồi, DAAD lập ra một Portal để nộp hồ sơ xin học bổng qua Internet. Vì vậy có thể quy trình apply năm 2015 sẽ hơi khác so với năm mình apply (2014). Khác như thế nào thì mình không nắm rõ nhé. Dựa trên những gì mình thấy trên account của mình ở Portal mới này, thì có khả năng xin thư giới thiệu sẽ khó hơn vì nó sẽ không ở dạng bản giấy mà mọi thứ đều qua email (tức là người giới thiệu phải nộp form qua email, từ yêu cầu trực tiếp của DAAD). Việc tự viết LoR sẽ khó hơn và các bạn phải có quan hệ thực sự tốt với người giới thiệu, để họ gửi email giới thiệu hộ bạn. Và email đương nhiên sẽ ở dạng email của tổ chức (VD @gov.vn, @ftu.edu.vn) chứ ko phải email dạng cá nhân gmail hay yahoo. Nhưng đây chỉ là phán đoán cá nhân, mà học bổng DAAD rất đa dạng nên các bạn đừng quá lo lắng, cứ apply như bình thường thôi.

7. Các mốc thời gian chính
·         15/10/2014: deadline nộp hồ sơ (với chương trình của mình)
·         Cuối tháng 11/2014: nộp chứng chỉ APS. Mình xin nộp muộn vì PV APS tháng 11, mình bị nhỡ đợt PV tháng 5. Trường OK.
·         Cuối tháng 1/2015: thông báo lọt vào short-list, bên DAAD đã làm việc trực tiếp với trường và phê duyệt sơ bộ short-list. Lọt đến đây là gần như chắc chắn được HB rồi.
·         Đầu tháng 2/2015: phỏng vấn qua điện thoại. Bước này mang tính chất thủ tục, đối chiếu xem có đúng là mình là người viết hồ sơ không. Ko cần quá đặt nặng cuộc PV này, họ chỉ hỏi lại những gì mình viết trong CV và motivation letter thôi, ko có ý định "kiểm tra kiến thức chuyên môn” đâu. Các bạn cứ lặp lại những gì có trong hồ sơ là được.
·         Giữa tháng 2/2015: thông báo học bổng
·         Tháng 4~6/2015: học tiếng Đức online
·         Đầu tháng 8/2015: sang Đức học tiếng.

8. Kinh nghiệm cá nhân
* Đi làm
Với mình đi làm rất quan trọng. Đi học chỉ là bước đệm cho công viẹc tương lai. Mình đi làm thì mới vỡ ra được những gì đã học ở đại học có phù hợp không. Đi làm sẽ phát triển những kiến thức/kĩ năng thực tế. Dựa trên những kiến thức và kĩ năng này, và dựa trên công việc đang làm, mình nhận ra là mình có gì để cống hiến cho trường. Nếu mình không có gì trong tay, lấy gì để thuyết phục trường nhận mình? Mình cũng nhận ra mình đang thiếu những kiến thức và kĩ năng gì để phải apply đi học tiếp. Nếu mình quá giỏi thì cần gì đi học nữa?
Đi làm cho mình cơ hội apply những học bổng đòi tối thiểu 2 năm kinh nghiệm. Nó bù đắp lại điểm GPA rất bình thường và profile ko có gì nổi bật trong trường ĐH. Đi làm còn bảo đảm tài chính để nộp hồ sơ. Tiền làm hồ sơ của mình tốn kha khá (có lẽ khoảng 20 triệu gì đó hoặc hơn), nên nếu ko đi làm có lẽ mình sẽ stress lắm. Vì thế mình không đồng ý với ý tưởng nghỉ làm để tập trung hết cho hồ sơ xin học bổng.
Mình thấy một số bạn rất vội vã apply master ngay sau khi học bachelor, và cá nhân mình cho rằng việc này không mang ý nghĩa thiết thực, trừ khi các bạn làm trong những ngành nghiên cứu. Chương trình của mình mang ý nghĩa thực tế, nên khoảng thời gian đi làm đem lại cho mình những bài học quý giá để hoàn thiện hồ sơ.
* Học cách yêu công việc. Ở thời điểm apply mình mới đi làm ở 2 công ty. Chuyên ngành mình apply khởi nguồn từ lĩnh vực mình làm ở công ty thứ 2. Vì nó sát với công việc nên mình viết về nó rất dễ. Motivation letters của mình đều chỉ viết trong 1 hoặc 2 tuần.
* Tìm những đam mê ngoài công việc. Mình thích học ngoại ngữ nên đã đăng kí học tiếng Đức. Mình học đc hơn 1 năm rồi và hoàn toàn for fun. Dù chỉ học chơi chơi nhưng mình đi học khá chăm chỉ và mỗi khóa chỉ nghỉ tối đa 1 buổi. Lúc bắt đầu học mình thậm chí ko nghĩ là sẽ apply đi Đức. Ngoài ra trước nay mình thích đọc sách. Từ lúc lên kế hoạch apply đi Đức mình tập trung đọc nhiều hơn các sách của tác giả Đức để hiểu về nền văn hóa của họ. Vì tất cả những đam mê này đều xuất phát từ cá nhân chứ ko phải vì mục đích muốn có học bổng nên mình nghĩ mình đã tạo được ấn tượng tốt.

* Tìm người sửa hồ sơ: Nên và không nên. Tòa bộ hồ sơ DAAD mình tự làm. 3 bộ hồ sơ học bổng trước đó mình đều nhờ sửa. Những người mình nhờ sửa đều nice, và mình học được rất nhiều từ các nhận xét của họ. Tuy nhiên mình học với định hướng trưởng thành và cố gắng độc lập, cố gắng cải thiện chất lượng của những bộ hồ sơ sau, chứ mình ko xác định là bộ hồ sơ nào cũng phải nhờ sửa.
Mọi thứ nghe có vẻ dễ dàng nhưng thực sự mình cũng chịu khá nhiều sức ép. Mình làm dự án và chương trình thì sắp kết thúc nên nếu mình ko tìm đc học bổng thì sẽ phải tìm việc mới trong vài tháng nữa (tin đc học bổng đến thật đúng lúc).
Học bổng đi Đức đến với mình như một cái duyên. Mình chưa bao giờ nghĩ tới việc đi châu Âu mãi tới gần đây, do mình ko tự tin với kết quả học tập. Nhưng bù lại mình có những đam mê và mục tiêu thực sự, xuất phát từ những gì mình đã và đang thực làm. Mình nghĩ đó là tiêu chí quan trọng nhất. Trong quá trình apply mình vẫn cố gắng enjoy life (đi du lịch dài ngày, học ngoại ngữ...).
6. Một số câu hỏi mình cho là phổ biến
*Phỏng vấn APS có bắt buộc không?
TL: một số trường bắt buộc trong bộ hồ sơ (như trường mình), một số trường khác lại không yêu cầu.
*IELTS cần được bao nhiêu để xin học bổng?
TL: càng cao càng tốt, mức tối thiểu mà các trường yêu cầu thì khó có khả năng được học bổng. Tốt nhất nên được 7 (nếu trường yêu cầu tối thiểu là 6) hoặc 7.5 trở lên (nếu trường yêu cầu tối thiểu cao hơn 6).
*Chương trình học bằng tiếng Anh, nếu biết thêm tiếng Đức có phải lợi thế ko?
TL: có, việc nộp các chứng chỉ tiếng Đức hoặc chứng nhận đã tham gia khóa học tiếng Đức sẽ làm mạnh hồ sơ của bạn. Bản thân mình khi nộp hồ sơ đã học tiếng Đức được 8 tháng ở Viện Goethe.
*2 năm kinh nghiệm có bắt buộc không? Với ít hơn 2 năm kinh nghiệm nhưng có những điểm mạnh khác bù lại trong hồ sơ, liệu có hy vọng được học bổng không?
TL: 2 năm kinh nghiệm là bắt buộc với học bổng EPOS này. Chi tiết cách tính 2 năm KN vui lòng xem phía trên. Nếu 1 học bổng yêu cầu 2 năm kinh nghiệm có nghĩa bạn phải bắt buộc đủ 2 năm. Đó là lời khuyên của mình vì mình đã apply 3 học bổng khác (ngoài DAAD) cũng yêu cầu tương tự. Trong trường hợp học bổng có ngoại lệ cho ứng viên nổi bật có ít hơn 2 năm KN, họ sẽ ghi rõ trên website (VD học bổng NZAID của New Zealand). Nếu họ không ghi gì, tốt nhất bạn nên kiên nhẫn chờ đủ số năm.
DAAD cũng có những học bổng cao học khác không yêu cầu 2 năm kinh nghiệm (VD PPGG). Chi tiết có thể xem trên website, mình không tìm hiểu sâu các học bổng đó.
*Có cần thư bảo đảm của cơ quan sẽ nhận về sau khi học xong không?
TL: Thư này không bắt buộc (nếu có thì càng tốt) và mình cũng không nộp. Tuy nhiên thư giới thiệu của mình do sếp ở cơ quan hiện tại này kí, tức là họ biết và ủng hộ mình đi học.
*Mức độ cover các HB khác nhau của DAAD có giống nhau ko?
TL: Với bậc Master, tiền sinh hoạt cố định là 750E; bậc PhD là 1000E. Các chi phí khác hơi có sự khác nhau (VD tiền vé máy bay, trợ cấp nghiên cứu, thời gian học tiếng).
*Điểm GPA bình thường có khả năng xin học bổng không?
TL: Điểm GPA càng cao sẽ càng tăng khả năng được nhận HB. Điểm bình thường (như mình được 7.76) vẫn được nhận nếu bạn có những điểm mạnh khác (IELTS, kinh nghiệm làm việc, thư giới thiệu, motivation letter). Điểm thấp (dưới 7.5) thì mình không dám chắc.
*Profile của mình không có gì nổi bật, liệu có khả năng xin được học bổng không?
TL: KHÔNG. Những người được học bổng đều có một mặt nào đó nổi trội và khiến họ tự hào. Nếu như bạn không tự tin vào chính mình, không thể tìm ra điểm mạnh của chính mình, thì bạn cũng không có lí do nào để thuyết phục được người khác trao học bổng cho bạn.
* Có thể nộp hồ sơ xin học bổng khi đang ở Đức không?
Có, miễn là ở thời điểm nộp hồ sơ, bạn chưa tạm trú ở Đức quá 15 tháng.

DAAD Học bổng EPOS

 
Tác giả bài viết: Lê Huyền Nga 
Nguồn tin: Ban HTSV

0