Chấm dứt quan hệ tài sản do ly hôn hoặc hủy hôn nhân trái pháp luật
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 giải quyết vấn đề tuỳ theo phần quyền của vợ chồng trong khối tài sản chung của đại gia đình có được xác định hay không. Trường hợp phần quyền của vợ chồng trong khối tài sản chung của đại gia đình ...
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 giải quyết vấn đề tuỳ theo phần quyền của vợ chồng trong khối tài sản chung của đại gia đình có được xác định hay không.
Trường hợp phần quyền của vợ chồng trong khối tài sản chung của đại gia đình không xác định được
Phân chia trực tiếp
Đốt giai đoạn. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 96 khoản 1, trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được, thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như dựa vào đời sống chung của gia đình.
Đáng lý ra, sự đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của gia đình là một phần của hoạt động tạo ra tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và phải là tài sản chung của vợ chồng. Bởi vậy, việc thanh toán phần quyền và phân chia tài sản loại này phải được tiến hành theo hai bước: ở bước thứ nhất, phầìn của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình được cụ thể hoá bằng các hiện vật hoặc một số tiền mặt và được tách ra khỏi khối tài sản chung đó; ở bước thứ hai, các hiện vật và tiền mặt ấy được nhập vào các tài sản chung khác của vợ chồng và toàn bộ khối tài sản ấy được phân chia sau khi đã xác định được phần quyền của vợ, chồng.
Hình thức đóng góp. Trong điều kiện không có quy định rõ ràng của luật viết, ta nói rằng các hình thức đóng góp được ghi nhận và dùng làm căn cứ để tính toán công sức đóng góp của người đi ra cũng giống như trong trường hợp thanh toán tài sản chung của vợ chồng theo luật chung: lao động tạo ra của cải, nội trợ, chuyển tài sản riêng thành tài sản chung,...
Xác định mức đóng góp. Cần nhấn mạnh rằng “nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được” chỉ là cách mô tả ngắn gọn một tình trạng mà trong đó việc thiết lập bằng chứng về sự đóng góp của vợ chồng, cho phép xác định chính xác sự đóng góp đó bằng con số, là không thể được. Một khi có một hoặc nhiều tài sản được trích từ khối tài sản chung của gia đình để chia cho vợ hoặc chồng, ta luôn có thể thiết lập được một tỷ lệ so sánh giữa giá trị của các tài sản đó và giá trị của toàn bộ khối tài sản của gia đình; song tỷ lệ đó chỉ là kết quả xác định một cách tương đối, chấp nhận được, phần đóng góp của vợ hoặc chồng vào khối tài sản chung
Cấu tạo phần tài sản chia
Dù nhận được tài sản nào, người đi ra thường sẽ có trọn quyền sở hữu đối với tài sản nhận được. Hơn nữa, các tài sản nhận được thường đồng bộ
Nguyên tắc bình đẳng về giá trị
Khi chia tài sản của đại gia đình để cho một thành viên ra khỏi gia đình sau khi ly hôn, các thoả thuận hoặc quyết định của Toà án thường được xây dựng như thế nào để người đi ra có thể nhận được các tài sản đồng bộ đồng thời không phải trả tiền chênh lệch cho đại gia đình. So với công sức đóng góp của người được chia, giá trị phần tài sản chia có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn, nhưng sự sai biệt phải ở mức chấp nhận được. Ta có thể nhận thấy ngay những nét đặc trưng của cách chia tài sản chung theo nguyên tắc bình đẳng về giá trị.
Bình đẳng về hiện vật trong trường hợp chia quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 97 khoản 2 điểm b, trong trường hợp vợ chồng có quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản chung với hộ gia đình, thì khi ly hôn, phần quyền sử dụng đất của vợ chồng được tách ra và chia theo quy định tại điểm a khoản này. Điểm a khoản 2 Điều 97 nói rằng đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất, thì được chia theo thoả thuận của hai bên; nếu không thoả thuận được, thì yêu cầu Toà án giải quyết, theo quy định tại Điều 95 của Luật này.
Điều 95 của Luật sẽ được phân tích sau. Ở đây, ta thừa nhận rằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản của gia đình không thể được cấp trọn cho một người cũng không thể được bán để chia tiền. Kết hợp các điều luật liên quan, ta nhận thấy rằng riêng đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, việc phân chia được tiến hành theo hai bước.
- Bước thứ nhất. Tách phần quyền sử dụng đất của vợ chồng ra khỏi quyền sử dụng đất chung của gia đình. Dùng thuật ngữ “tách”, hẳn người làm luật cho rằng phần quyền sử dụng đất của vợ chồng đã được xác định trước mà không cần tiến hành thủ tục thanh toán phần quyền. Xác định phần quyền sử dụng đất mà không cần tiến hành thủ tục thanh toán phần quyền chỉ có thể được thực hiện bằng cách dựa vào các định mức đất được quy định trong luật đất đai. Thực ra, việc “tách” dựa vào định mức đất do pháp luật quy định chỉ thay thế được thủ tục thanh toán tài sản chung chứ không thay thế được thủ tục phân chia: một khi phần quyền sử dụng đất của vợ chồng đã được tách, thì vợ chồng sẽ nhận phần đất nào thuộc thửa đất chung của hộ gia đình ? Góc bên phải hay góc bên trái của thửa đất chung ? Góc nam hay góc bắc ? Chắc chắn, trước hết những người có liên quan sẽ phải thảo luận với nhau để đi tới những thoả thuận cần thiết; nếu không thoả thuận được, thì một bên hoặc các bên sẽ yêu cầu Toà án giải quyết.
- Buớc thứ hai. Chia quyền sử dụng đất đã được tách ra cho vợ và chồng. Việc phân chia có thể được thực hiện theo thoả thuận hoặc bằng con đường tư pháp trong trường hợp không thoả thuận được. Vậy, nghĩa là vợ chồng không xác định phần quyền sử dụng của mỗi người đối với đất bằng cách áp dụng các định mức của luật đất đai mà phải bằng cách thanh toán tài sản chung. Việc thanh toán và phân chia tài sản chung của vợ chồng sẽ được phân tích sau.
Trường hợp phần quyền của vợ chồng trong khối tài sản chung của đại gia đình xác định được
Phân chia bước đầu. Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 96 khoản 2, trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần, thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung để chia. Câu chữ của luật không rõ lắm; song, có thể nghĩ rằng một khi phần công sức đóng góp của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể được xác định bằng con số, thì con số đó coi như thể hiện giá trị phần quyền của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình. Phần giá trị này được ghi nhận như một thành phần của khối tài sản có chung của vợ chồng và được chia trong khuôn khổ phân chia khối tài sản chung đó.
Thanh toán quan hệ tài sản
Các nguyên tắc chung. Các nguyên tắc chung của việc thanh toán tài sản chung của vợ chồng được ghi nhận tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 95 khoản 2 điểm a và b.
a. Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Nhận xét. Có ba nhận xét.
- Hoàn cảnh sống của mỗi bên và tình trạng tài sản, trên nguyên tắc, không phải là căn cứ thanh toán mà là căn cứ phân chia tài sản chung. Không thể nói một cách đơn giản rằng bên nghèo hơn phải được chia nhiều hơn; nhưng bên nghèo hơn có thể được chia các tài sản bằng hiện vật cho phép dễ kiếm sống hơn.
- Việc bảo vệ quyền lợi của các con và việc phân chia tài sản chung của vợ chồìng hình như không có liên quan gì với nhau, bởi trước hết các con không phải là người có quyền sở hữu đối với khối tài sản chung của vợ chồng. Cá biệt, trong trường hợp vợ chồng và các con hoạt động kinh tế chung trong khuôn khổ hộ gia đình, thì sau khi ly hôn, vợ hoặc chồng phải đi ra. Các quy định ở điểm b trên đây cho phép nghĩ rằng khi người đi ra là người chồng, thì tài sản chung của các thành viên hộ gia đình được phân chia như thế nào để người chồng nhận được phần của mình và đi ra, còn các tài sản khác vẫn tiếp tục thuộc sở hữu chung của các thành viên còn lại trong hộ gia đình (từ nay chỉ gồm người vợ và các con). Song, hình như đó không phải là giả thiết được dự kiến trong khung cảnh của điều luật, bởi các con ở đây là con chưa thành niên và con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trong trường hợp chấm dứt hôn nhân do ly hôn, các con này sẽ được giao cho một trong hai người chăm sóc, nuôi dưỡng. Hẳn người làm luật muốn nói rằng trong trường hợp các con này được một người nào đó trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, thì người sau này phải được ưu tiên nhận những tài sản thích hợp để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Mà nếu vậy, thì nguyên tắc bảo đảm được thiết lập trong lĩnh vực phân chia chứ không phải trong lĩnh vực thanh toán tài sản.
- Có thể ghi nhận gì từ nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ ở góc độ thanh toán tài sản chung? Tất nhiên, thẩm phán không thể tuỳ tiện thanh toán phần quyền của người vợ trong khối tài sản chung theo ý mình, bởi vì xác định phần của người vợ không tương xứng với công sức đóng góp của người này vào khối tài sản chung đồng nghĩa với việc thiết lập tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật. Thẩm phán cũng không thể cho người vợ được hưởng sự ưu đãi trong việc chứng minh công sức đóng góp của mình. Trong trường hợp công sức của vợ và công sức của chồng được xác định rõ, thẩm phán không thể quyết định rằng theo luật, chỉ có công sức của người vợ được bảo vệ, còn công sức của người chồng thì không hoặc công sức của người vợ được bảo vệ ưu tiên, còn công sức của người chồng thì không được bảo vệ ưu tiên. Có thể nói rằng cũng như các yếu tố “hoàn cảnh sống của mỗi người” và “tình trạng của tài sản”, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ, trên nguyên tắc, cũng chỉ được đặt ra khi tiến hành phân chia chứ không phải ở giai đoạn thanh toán tài sản chung.
Tóm lại, ở góc độ thanh toán tài sản chung của vợ chồng, ta rút ra được một nguyên tắc từ các quy định trên đây: nguyên tắc xác định phần quyền của vợ, chồng trong tài sản chung dựa vào công sức đóng góp.
Lý thuyết về công sức đóng góp
Sự đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức. Việc đánh giá công sức đóng góp chủ yếu được thực hiện bằng con đường thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì một bên hoặc cả hai bên có thể yêu cầu Toà án giải quyết. Giả sử Toà án được yêu cầu giải quyết, thì sẽ có hai vấn đề đáng chú ý mà Toà án phải xem xét như các vấn đề thuộc cơ sở của việc đánh giá công sức đóng góp: xác định các hình thức đóng góp và xác định cách đánh giá công sức đóng góp.
Hình thức đóng góp
Đóng góp tích cực và đóng góp tiêu cực. Đóng góp vào một khối tài sản, trong quan niệm rộng nhất, được hiểu theo hai nghĩa: một mặt, đó là sự đóng góp vào việc làm giàu cho khối tài sản ấy (đóng góp tích cực); mặt khác, đó có thể là việc góp phần làm nghèo đi khối tài sản ấy (đóng góp tiêu cực).
a. Đóng góp tích cực
a1. Đóng góp không hoàn trả
Hoa lợi của tài sản riêng. Hoa lợi của tài sản riêng thuộc về khối tài sản chung như đã biết. Nhưng liệu có thể coi việc thu hoạch hoa lợi từ tài sản riêng như một cách đóng góp của chủ sở hữu (riêng) vào sự phát triển của khối tài sản chung ? Nói chung, hoa lợi từ một tài sản có công dụng chủ yếu là phục vụ cho cuộc sống vật chất hàng ngày của chủ sở hữu: trong phần lớn trường hợp, hoa lợi, lợi tức được chuyển thành vật tiêu hao, tiêu dùng. Một phần hoa lợi, lợi tức được dùng để bảo quản, sửa chữa nhỏ tài sản sinh lợi.
Tất nhiên, vẫn có trường hợp đặc thù mà hoa lợi, lợi tức được thu hoạch một lần cho một khoảng thời gian dài, và trở thành một tài sản có giá trị lớn. Thế nhưng, khác với việc chuyển một tài sản gốc riêng thành một tài sản chung, việc tạo ra một tài sản gốc chung bằng hoa lợi không làm cho khối tài sản riêng bị thiệt hại. Hơn nữa, việc tích lũy của cải từ hoa lợi thường được thực hiện với sự hợp tác giữa vợ và chồng: nếu coi đó là sự đóng góp, thì sự đóng góp là của chung vợ và chồng.
Trúng thưởng.Việc một người trúng thưởng và làm cho khối tài sản chung giàu lên nhờ được bổ sung bằng tiền hoặc hiện vật trúng thưởng không thể coi là sự đóng góp của người đó vào khối tài sản chung: trúng thưởng chỉ là kết cục có hậu trong diễn biến của một cơ may, chứ không phải của ý chí tạo ra của cải. Khi người trúng thưởng có gia đình, khối tài sản chung thụ hưởng kết quả đó: ta nói rằng cơ may là của chung vợ chồng chứ không của riêng ai; khi hôn nhân chấm dứt và cần phải thanh toán khối tài sản chung, thì những gì còn lại của kết quả đó phải được chia đều cho vợ và chồng, những người đã gặp may. Liệu có giải pháp nào khác phù hợp hơn với nếp suy nghĩ của người Việt ? Hơn nữa, ta đã thừa nhận rằng tiền hoặc hiện vật trúng thưởng có thể coi như một loại hoa lợi bất thường: nói chung, hoa lợi trong thời kỳ hôn nhân, dù gắn với tài sản chung hay tài sản riêng, đều là kết quả công sức chung của vợ và chồng và được chia đều cho cả hai.
a2. Đóng góp đối xứng
Khái niệm. Gọi là đóng góp đối xứng sự đóng góp của vợ hoặc của chồng được thực hiện trong khuôn khổ phân công nội bộ giữa hai người nhằm xây dựng cơ sở vật chất, kinh tế của gia đình. Đối xứng, bởi vì sự đóng góp của một người thường được coi là phần đối ứng với sự đóng góp của người còn lại, đồng thời, về phương diện đạo đức, là điều kiện để người này thụ hưởng sự đóng góp của người kia. Ở một góc nhìn nào đó, sự đóng góp đối xứng của vợ chồng còn có tác dụng bổ khuyết cho nhau: sự đóng góp của người này tỏ ra cần thiết cho việc hoàn thiện ý nghĩa của sự đóng góp của người kia.
- Các loại hình đóng góp đối xứng
Lao động. Một trong những ví dụ điển hình của đóng góp tích cực đối xứng bằng lao động là lao động nhằm tạo ra của cải. Hoạt động nghề nghiệp là loại hình lao động tạo ra của cải có tính chất phổ biến. Thu nhập trung bình của người Việt Nam còn thấp; bởi vậy, sự đóng góp bằng lao động tạo ra của cải vào khối tài sản chung, dù là trường hợp điển hình của đóng góp tích cực, có giá trị, nói chung, khiêm tốn.
Vả lại, tập quán thừa nhận rằng vợ, chồng có quyền sử dụng thu nhập do lao động để đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt của mình (mua sắm quần áo, đồ dùng cá nhân, thậm chí tư trang), sau khi đã thanh toán các chi phí cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình. Lao động tạo ra của cải chỉ đóng góp vào khối tài sản chung bằng những gì còn lại.
Nội trợ. Lao động trong gia đình được coi như lao động có thu nhập (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 95 khoản 2 điểm a). Đây không phải là lao động trong khuôn khổ kinh tế hộ gia đình, bởi lao động loại này rõ ràng là lao động trực tiếp tạo ra của cải và do đó, là lao động trực tiếp có thu nhập. Động từ “coi như” cho phép nghĩ rằng cụm từ “lao động trong gia đình” ám chỉ một loại công việc gì đó, được thực hiện trong gia đình, không trực tiếp tạo ra của cải, nhưng được xếp ngang với lao động tạo thu nhập về phương diện giá trị kinh tế. Thực ra,lao động trong gia đình chỉ là cách diễn đạt hoa mỹ của công việc nội trợ. Tất nhiên, nếu người ta chỉ sống một mình, thì việc nội trợ chắc chắn không thể được coi là lao động có thu nhập; nhưng trong cuộc sống vợ chồng, việc nội trợ của một người và việc lao động trực tiếp có thu nhập của một người khác có tác dụng tạo điều kiện cho nhau: một người bảo đảm việc nội trợ để người kia yên tâm lao động tạo ra của cải; việc người kia tạo ra của cải có tác dụng tạo sự yên tâm cho người này trong công tác chăm sóc việc nhà. Trong chừng mực đó, ta nói rằng việc nội trợ thực sự là một khâu trong sự phân công lao động xã hội trong phạm vi gia đình. Cũng chính trong chừng mực đó mà việc nội trợ được coi là hoạt động lao động có thu nhập.
- Xác định mức hoàn trả
Trường hợp sự đối xứng được ghi nhận. Đâu là căn cứ tính toán cụ thể mức thu nhập được coi là có nguồn gốc từ việc nội trợ ? Luật viết không có giải pháp chính thức. Mà suy cho cùng, tính toán cụ thể giá trị của công việc nội trợ, cũng như tính toán giá trị cụ thể của phần đóng góp bằng lao động ngoài xã hội, là việc không có ý nghĩa. Thực tiễn, về phần mình, có xu hướng thừa nhận rằng trong một gia đình hộ điển hình, gồm có vợ, chồng và hai con, nếu chỉ có người chồng trực tiếp lao động nuôi sống gia đình, người vợ lo việc nhà và chăm sóc các con, thì khối tài sản chung được coi như là kết quả của sự đóng góp ngang nhau của người chồng và người vợ: nếu hôn nhân chấm dứt, khối tài sản này thuộc sở hữu chung theo phần của hai người, mỗi người một nửa. Cũng coi như có đóng góp ngang nhau, vợ chồng cùng lao động và cùng chia xẻ gánh nặng của công việc nội trợ. Thậm chí, nếu cả hai cùng lao động, nhưng công việc nội trợ lại do một người nhận lãnh phần lớn hoặc nhận lãnh trọn vẹn, thì sự đóng góp cũng không bị đánh giá là có chênh lệch. Nói tóm lại, chỉ cần việc nội trợ được ghi nhận, việc đối ứng với lao động ngoài xã hội coi như hoàn hảo
Trường hợp sự đối xứng không tồn tại. Riêng trường hợp không hề có đóng góp đối xứng, thì theo câu chữ của Điều 95 khoản 1 điểm a lại cho phép nghĩ rằng không hẳn người ngồi không ăn bám không được gì: “tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét..., công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản này...”. Vậy, nếu không tính đến công sức đóng góp thì phải chia đôi. Còn nếu tính đến công sức đóng góp, thì... Nói chung, người làm luật xuất phát từ giải pháp chia đôi khối tài sản và tìm cách điều chỉnh nội dung của giải pháp nguyên tắc này tuỳ theo các trường hợp đặc thù. Thoạt tiên, vợ, chồng, mỗi người được chia một nửa; nếu một người nào đó có đóng góp tích cực, thì sẽ được lấy hơn một nửa; và trong điều kiện khối tài sản chia chỉ có chừng đó, việc cấp thêm phần cho một người chỉ có thể được thực hiện bằng cách lấy bớt phần của người khác. Tất nhiên, việc định lượng phần lấy thêm cho một người (cũng là phần lấy bớt của người còn lại) phải được thực hiện trên cơ sở đánh gíá công sức đóng góp (tức công sức lao động được chuyển thành của cải tích lũy).
a3. Đóng góp đích thực
Chuyển tài sản riêng thành tài sản chung. Như đã nói, việc chuyển nhượng có đền bù đối với tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân có tác dụng làm cho tài sản riêng trở thành tài sản chung, do không có lý thuyết tài sản thay thế. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc chuyển tài sản riêng thành tài sản chung thực sự là việc đóng góp tích cực của người có tài sản riêng vào khối tài sản chung. Đây chỉ là việc áp dụng các quy định về tình trạng được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật vào trường hợp đặc thù. Bằng việc chuyển tài sản riêng thành tài sản chung, khối tài sản riêng bị thiệt hại, khối tài sản chung được lợi, rõ ràng là có mối quan hệ nhân quả giữa tình trạng thiệt hại của khối tài sản riêng và tình trạng được lợi của khối tài sản chung; bởi vậy, khối tài sản chung phải hoàn trả. Thế nhưng, do tính đặc thù của quan hệ vợ chồng, mà nghĩa vụ hoàn trả chỉ đến hạn thực hiện khi tiến hành thanh toán và phân chia tài sản chung.
Việc chuyển tài sản riêng thành tài sản chung cũng xảy ra trong các trường hợp sáp nhập, trộn lẫn, chế biến. Đặc biệt, luật Việt Nam hiện hành có quy định cho phép vợ, chồng nhập tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung, như đã biết. Trong điều kiện giao dịch không được coi như một vụ tặng cho, việc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung (còn gọi là việc thoả thuận giữa vợ chồng coi một tài sản nào đó là của chung) phải được ghi nhận như một hình thức đóng góp tích cực phải hoàn trả, cũng do áp dụng lý thuyết được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật.
Mua trọn tài sản có quyền sở hữu chung theo phần. Như đã nói, trong trường hợp vợ hoặc chồng cùng với một người khác có quyền sở hữu chung theo phần đối với một tài sản, sau đó được chia trọn tài sản bằng hiện vật với điều kiện trả tiền chênh lệch cho người cùng có quyền sở hữu chung theo phần, ta không biết liệu tài sản chia được coi là tài sản riêng hay tài sản chung. Nếu coi đó là tài sản chung, thì phần quyền sở hữu chung trước đó của người này được ghi nhận như phần đóng góp tích cực của người này vào khối tài sản chung và được hoàn trả sau khi hôn nhân chấm dứt.
Bảo quản tài sản. Thuế sử dụng tài sản.Việc bảo quản tài sản, dù là của chung hay của riêng, đều thuộc trách nhiệm của khối tài sản chung, theo đúng nguyên tắc ubi emolumentum ibi onus, như đã nói. Thông thường, chi phí bảo quản tài sản được thanh toán bằng hoa lợi, lợi tức gắn với tài sản đó hoặc với các tài sản khác. Nhưng, không loại trừ trường hợp vợ hoặc chồng dùng tài sản riêng để thanh toán nghĩa vụ đối với người bảo quản. Nếu tài sản được bảo quản là tài sản riêng, thì sự đóng góp tích cực của khối tài sản riêng vào khối tài sản chung vẫn được ghi nhận (và cũng phải được ghi nhận ngay nếu như tài sản riêng được bảo quản thuộc loại không sinh lợi).
Cũng như vậy trong trường hợp thuế sử dụng tài sản được trả bằng tiền riêng của vợ hoặc chồng.
Việc sửa chữa nhỏ đối với tài sản riêng cũng thuộc trách nhiệm của khối tài sản chung. Nếu khối tài sản riêng trả chi phí sửa chữa, thì việc đóng góp tích cực vào khối tài sản chung cũng được ghi nhận.
b. Đóng góp tiêu cực
b1. Đóng góp tiêu cực không hoàn trả
Phá tán tài sản. Có thể gọi là có hành vi phá tán tài sản chung, việc sử dụng tài sản chung vào những chuyện vô ích. Điển hình cho sự phá tán là việc tiêu pha tài sản chung trong các cuộc ăn chơi, bài bạc. Tài sản bị phá tán thường là các của cải tích lũy; nhưng cũng có nhiều trường hợp của cải bị phá tán ngay khi còn ở dạng thô (như tiền lương mới lĩnh, lợi tức mới thu) hoặc mới được chuyển hoá thành tiền từ dạng vật chất ban đầu (như tiền bán hoa lợi vừa thu hoạch).
Vấn đề là: liệu có thể coi việc phá tán tài sản như là một hình thức đóng góp tiêu cực phải hoàn trả? Liệu người phá tán tài sản chung có phải chịu để bị trừ giá trị của phần tài sản đã phá tán vào phần quyền của mình trong khối tài sản chung? Tất nhiên, hành vi phá tán tài sản chung đáng bị lên án; nhưng trong khung cảnh của luật thực định, hầu như không thể tìm được lý lẽ thuyết phục cho việc trừng phạt người phá tán bằng cách cắt bớt phần của người này trong khối tài sản chung. Cũng giống như trường hợp đóng góp tích cực bằng công việc nội trợ, việc đóng góp tiêu cực bằng cách phá tán tài sản không thể được định lượng cụ thể; trong khi muốn loại bỏ nguyên tắc chia đều, thì thẩm phán phải giải quyết cho được hai vấn đề: phần của mỗi người được xác định là bao nhiêu? và tại sao?. Hơn nữa, với chế định hạn chế năng lực hành vi, vợ (chồng) của người phá tán đã có thể ngăn chặn hoặc hạn chế sự phá tán của chồng (vợ) mình: không sử dụng biện pháp đó có thể cho phép nghĩ rằng vợ (chồng) chấp nhận sự phá tán đó và không yêu cầu trừng phạt người phá tán.
b2. Đóng góp tiêu cực phải hoàn trả
Tu bổ tài sản riêng. Tu bổ tài sản là việc tiến hành các công tác nhằm cải thiện hình thức thể hiện hoặc chất lượng của tài sản theo ý muốn của chủ sở hữu. Khác với công tác bảo quản, công tác tu bổ không phải là điều kiện cần thiết đối với sự tồn tại và duy trì công dụng đích thực của tài sản: không được tu bổ, tài sản vẫn tồn tại và vẫn có thể được khai thác công dụng một cách bình thường. Việc tu bổ tài sản riêng mà được thanh toán bằng tài sản chung có tác dụng làm cho khối tài sản chung bị hao hụt, trong khi khối tài sản riêng thụ hưởng kết quả tu bổ ấy: việc khối tài sản riêng hoàn lại cho khối tài sản chung phần hao hụt ấy là hợp lý.
Cá biệt có trường hợp (không phải hiếm) trong đó tài sản riêng được tu bổ nhưng cuối cùng lại không tăng giá trị. Khi đó, khối tài sản riêng cũng phải hoàn trả cho khối tài sản chung, như một kiểu chế tài đối với việc đầu tư thiếu cân nhắc.
Sửa chữa lớn tài sản riêng. Việc sửa chữa lớn tài sản riêng là việc làm cần thiết để khôi phục tài sản cả về ngoại hình và công năng. Tuy nhiên, khác với việc bảo quản, việc sửa chữa lớn đòi hỏi chi phí lớn. Hơn nữa, việc sửa chữa lớn thường mang tính chất tái đầu tư, tái tạo tài sản: tuổi thọ của tài sản đã hết; nếu không sửa chữa lớn, thì tài sản chấm dứt sự tồn tại vật chất của mình. Trong chừng mực đó, nếu tài sản được sửa chữa lớn là tài sản riêng, thì khó có thể thừa nhận rằng việc sửa chữa lớn tài sản thuộc trách nhiệm của khối tài sản chung. Đúng là khối tài sản chung thụ hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng; nhưng việc thụ hưởng đó đã được đánh đổi bằng trách nhiệm bảo quản, sửa chữa nhỏ đối với tài sản sinh lợi. Vả lại, chi phí sửa chữa lớn thường vượt giá trị của phần hoa lợi thu được từ tài sản và được tích lũy.
Mà nếu việc sửa chữa lớn không thuộc trách nhiệm của khối tài sản chung, thì trong trường hợp khối tài sản chung ứng trước chi phí, khối tài sản riêng phải có trách nhiệm đền bù.
Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Như đã nói, việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có thể chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vợ hoặc chồng trong hoạt động kinh doanh. Nếu việc chia tài sản chung được thực hiện nhằm mục đích đó, thì người hoạt động kinh doanh thường nhận được tài sản chia tuỳ theo nhu cầu kinh doanh và theo khả năng đáp ứng của khối tài sản chung, hơn là theo công sức đóng góp của người đó vào khối tài sản chung. Trong trường hợp vợ hoặc chồng đã được chia phần có giá trị lớn hơn giá trị công sức đóng góp của mình, thì chồng hoặc vợ có quyền yêu cầu trừ phần chênh lệch vào phần quyền của vợ hoặc chồng trong khối tài sản chung được chia sau khi hôn nhân chấm dứt.
Trái lại, nếu, khi chia tài sản chung, vợ chồng tiến hành thanh toán phần của mỗi người dựa theo công sức đóng góp vào khối tài sản chung, thì ta có thể ghi nhận khả năng bù trừ nghĩa vụ: một mặt, người được phân chia đã đóng góp vào việc tạo lập, phát triển khối tài sản chung; mặt khác, người được phân chia được chuyển giao các tài sản chung để làm tài sản riêng. Khi hôn nhân chấm dứt, những đóng góp tích cực và tiêu cực đã được bù trừ không được nhắc lại nữa.
Bảo quản, sửa chữa nhỏ tài sản riêng do được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Việc bảo quản, sửa chữa nhỏ đối với tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân thuộc trách nhiệm của khối tài sản riêng, do hoa lợi, lợi tức gắn liền với các tài sản này là của riêng. Giả sử việc bảo quản, sửa chữa nhỏ tài sản riêng trong trường hợp này lại được thanh toán bằng tài sản chung, thì tài sản chung coi như bị hao hụt và có thể được bù đắp theo yêu cầu của vợ (chồng) của chủ sở hữu tài sản riêng. Giải pháp này nên được chấp nhận cả trong trường hợp tài sản được chia trong thời kỳ hôn nhân không thuộc loại có sinh lợi.
Thực hiện nghĩa vụ riêng bằng tài sản chung. Nghĩa vụ riêng tất nhiên được bảo đảm thực hiện bằng tài sản riêng. Trong trường hợp người có nghĩa vụ riêng không tự giác thực hiện nghĩa vụ, thì chủ nợ chỉ có thể yêu cầu kê biên tài sản riêng và, nếu tài sản riêng không đủ để thanh toán, thì có thể yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng để bổ sung lực lượng cho khối tài sản riêng. Nhưng mặt khác, nếu giữa vợ chồng có sự đồng thuận, thì không ai cấm người có nghĩa vụ dùng tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ riêng
Đánh giá công sức đóng góp
Không có quy tắc chung. Lý thuyết về công sức đóng góp trong luật Việt Nam hiện hành chỉ mới ở giai đoạn định hình. Luật chưa có một quy định nào về cách đánh giá công sức đóng góp của vợ chồng vào khối tài sản chung. Các tình huống trong thực tiễn, về phần mình, rất đa dạng. Có thể lấy vài ví dụ.
Ví dụ 1. Người vợ chia tài sản thừa kế do cha, mẹ ruột chết để lại, nhận được 100 triệu đồng. Người vợ dùng số tiền đó để trả một phần lớn tiền mua một căn nhà với giá 150 triệu đồng. Được mua trong thời kỳ hôn nhân, căn nhà đó tất nhiên là của chung, nhưng người vợ đã đóng góp phần lớn vào việc tạo lập tài sản đó. Ở thời điểm thanh toán quan hệ tài sản giữa vợ chồng, giá trị của căn nhà đã lên tới 450 triệu đồng. Làm thế nào để xác định phần đóng góp của người vợ vào khối tài sản chung ?
Ví dụ 2. Người chồng tiến hành tu bổ, nâng cấp căn nhà riêng và thanh toán chi phí bằng một phần tiền do vợ chồng dành dụm được. Trước khi tu bổ, căn nhà được định giá 300 triệu đồng. Chí phí tu bổ khoảng 200 triệu đồng. Ở thời điểm thanh toán quan hệ tài sản giữa vợ chồng, giá trị của căn nhà là 400 triệu đồng. Phần đóng góp của khối tài sản chung vào việc tu bổ nhà phải được định giá bao nhiêu?
Ví dụ 3. Vợ có quyền sử dụng một miếng đất và quyền sở hữu đối với một ngôi nhà cũ nằm trên miếng đất đó. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng phá dỡ ngôi nhà cũ và xây dựng một ngôi nhà mới bằng tiền do vợ và chồng dành dụm. Ở thời điểm phá dỡ, ngôi nhà cũ cùng với quyền sử dụng đất có giá trị tương đương 200 triệu đồng. Khi thanh toán quan hệ tài sản giữa vợ chồng, giá trị của ngôi nhà mới cùng với quyền sử dụng đất lên tới 600 triệu đồng. Tính toán ra sao công sức đóng góp của khối tài sản chung và khối tài sản riêng vào sự hình thành giá trị đó ?
Việc đánh giá công sức đóng góp càng trở nên phức tạp, nếu cuộc sống chung càng kéo dài và nếu càng có nhiều giao dịch được thực hiện nối tiếp nhau.
Ví dụ 4. Vợ có quyền sở hữu chung theo phần, cùng với hai anh trai, đối với một căn nhà do cha mẹ chết để lại, mỗi người 1/3. Phân chia tài sản chung, vợ nhận được trọn căn nhà và thanh toán tiền chênh lệch cho hai anh trai, mỗi người 80 triệu đồng, bằng tài sản chung của vợ chồng. Ít lâu sau, người vợ bán trọn căn nhà với giá 300 triệu đồng. Người vợ dùng 60 triệu đồng để tu bổ căn nhà chung của vợ chồng (trị giá trước khi tu bổ là 300 triệu đồng), 120 triệu đồng để góp vốn vào một công ty trách nhiệm hữu hạn, 10 triệu đồng để mua sắm một số thiết bị gia dụng, còn 10 triệu đồng được chi tiêu lặt vặt. Đến khi thanh toán quan hệ tài sản giữa vợ và chồng, căn nhà chung của vợ chồng có giá 500 triệu đồng, phần hùn trong công ty được định giá 350 triệu đồng, toàn bộ thiết bị gia dụng mua sắm trước đây đều đã hư hỏng và không có giá trị đáng kể. Làm thế nào để tính toán công sức đóng góp của người vợ ?
Luật so sánh
Luật của Pháp
a. Các căn cứ xác lập quyền yêu cầu đền bù
Quyền yêu cầu đền bù của khối tài sản riêng đối với khối tài sản chung. Trên nguyên tắc, nếu khối tài sản chung được làm giàu nhờ thu lợi ích từ khối tài sản riêng, thì phải đền bù cho khối tài sản riêng (BLDS Pháp Điều 1433 khoản 1). Các trường hợp phổ biến nhất mà trong đó khối tài sản chung làm giàu nhờ khối tài sản riêng được dự kiến như sau:
- Khối tài sản chung đã thu các khoản tiền riêng hoặc tiền có được từ việc bán các tài sản riêng của vợ chồng;
- Khối tài sản riêng đã trả những món nợ mà về phương diện đóng góp vào việc thực hiện nghĩa vụ, khối tài sản chung phải chịu trách nhiệm. Ví dụ điển hình của các món nợ loại này là nợ phát sinh từ các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Khối tài sản chung thu hút về phía mình các tài sản được mua sắm trong thời kỳ hôn nhân bằng tiền riêng hoặc tiền bán tài sản riêng.
Quyền yêu cầu đền bù của khối tài sản chung đối với khối tài sản riêng. Trên nguyên tắc, nếu vợ hoặc chồng dùng tài sản chung để làm lợi cho riêng mình, thì khối tài sản chung có quyền yêu cầu đền bù thông qua vai trò của chồng (vợ) của người thụ hưởng (BLDS Pháp Điều 1437). Việc thu lợi riêng thông qua việc sử dụng, định đoạt tài sản chung có thể được ghi nhận trong ba trường hợp phổ biến nhất.
-Phát triển khối tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân bằng nguồn lực của khối tài sản chung. Vi dụ điển hình là viêc sáp nhập tài sản chung vào tài sản riêng, do áp dụng quy tắc “vật phụ đi theo vật chính”, trong trường hợp xây dựng nhà bằng tiền chung trên đất thuộc quyền sở hữu riêng của vợ hoặc chồng. Trong một ví dụ khác, vợ hoặc chồng dùng tiền chung để mua trọn một tài sản mà trước kia có quyền sở hữu chung theo phần cùng với một hoặc nhiều người khác.
-Trả nợ riêng bằng tài sản chung.
- Bảo quản, tu bổ, sửa chữa lớn tài sản riêng bằng tài sản chung.
b. Cách tính mức đền bù
b1. Nguyên tắc
Chi tiêu thực tế và lợi ích còn lại. Nguyên tắc về xác định mức đền bù được thiết lập tại BLDS Pháp Điều 1469, theo đó mức đền bù ngang bằng với con số nhỏ nhất trong hai con số thể hiện mức “chi tiêu thực tế”(dépense faite) và giá trị của “lợi ích còn lại” (profit subsistant).
- Chi tiêu thực tế: là khoản chi được ghi nhận tại thời điểm chi, bằng một số tiền cụ thể.
- Lợi ích còn lại: là phần chênh lệch giá trị của tài sản sau khi khoản đầu tư được thực hiện so với giá trị của tài sản trước đó. Phần chênh lệch này được định giá tại thời điểm thanh toán khối tài sản chung.
Ví dụ. Chi phí tu bổ một tài sản là 20 triệu đồng. Ở thời điểm thanh toán khối tài sản chung, người ta nói rằng nếu không tu bổ, thì tài sản có giá trị 150 triệu đồng; sau khi được tu bổ, giá trị của tài sản được xác định là 180 triệu đồng. Khoản chênh lệch 30 triệu đồng được gọi là lợi ích còn lại của khoản đầu tư.
b2. Các trường hợp đặc thù
Chi tiêu cần thiết. Trong trường hợp khoản chi tỏ ra cần thiết, thì mức đền bù không được thấp hơn số tiền đã chi ra (Điều 1469 khoản 2). Nếu do khoản chi cần thiết đó mà tài sản thụ hưởng biện pháp đầu tư tăng giá trị và khoản giá trị gia tăng lớn hơn số tiền đã chi ra, thì mức đền bù được xác định ngang với khoản giá trị gia tăng ấy.
Ví dụ 1. Vào năm 1986, nhà ở chung của gia đình bị hư hỏng nặng phần mái sau một trận bão; vợ chồng tiến hành lợp lại mái nhà; chi phí lợp lên tới 20 triệu đồng, trả bằng tiền bán hai chiếc nhẫn kim cương của người vợ. Đến năm 2000, nhà lại xuống cấp và được sửa chữa lớn. Trong các hạng mục sửa chữa có phần lợp mái. Toàn bộ chi phí sửa chữa được trả bằng tiền tiết kiệm của vợ và chồng.
Khối tài sản chung trong trường hợp này phải đền bù cho khối tài sản riêng của người vợ 20 triệu đồng, dù lợi ích còn lại của khoản đầu tư thực hiện vào năm 1986 chỉ còn là con số 0.
Ví dụ 2. Vào năm 2000, nhà ở chung được dỡ mái và lợp lại. Chi phí lợp lên tới 20 triệu đồng. Tài sản chung được thanh toán vào năm 2004. Theo kết quả giám định, nếu vào năm 2004, nhà vẫn giữ tình trạng như trước khi mái được lợp lại, thì giá trị vào khoảng 250 triệu đồng; nay, nhờ có mái nhà mới, giá trị căn nhà là 320 triệu đồng.
Khối tài sản chung trong trường hợp này phải đền bù cho khối tài sản riêng 320 - 250 = 70 triệu đồng, tương ứng với giá trị của lợi ích còn lại của khoản đầu tư. Tất nhiên, nếu việc thanh toán tài sản chung được dời đến một thời điểm nào đó xa hơn mà ở thời điểm đó, nhà lại xuống cấp và cần được đầu từ sửa chữa lớn, thì mức đền bù cho khối tài sản riêng lại trở về ngang với mức chi phí cần thiết, như trong ví dụ trên.
Chi phí cho việc tạo lập, bảo quản hoặc tu bổ tài sản. Trong trường hợp khoản đầu tư được dùng để mua sắm, bảo quản hoặc tu bổ tài sản, thì mức đền bù không được thấp hơn giá trị của phần lợi ích còn lại, được xác định tại thời điểm thanh toán tài sản chung (Điều 1469 khoản 3)
Ví dụ 1. Người chồng mua một bức tranh của một nhà danh hoạ với giá 20 triệu đồng, trả một nửa bằng tiền được thừa kế của cha mẹ và một nửa còn lại bằng tiền dành dụm từ lương. Ở thời điểm thanh toán tài sản chung, bức tranh trị giá 80 triệu đồng. Áp dụng điều luật vừa dẫn, ta xác định khoản tiền đền bù của khối tài sản chung đối với khối tài sản riêng của người chồng, như sau: (10/20)*80 = 40 triệu đồng.
Ví dụ 2. Người chồng mua một chiếc ô tô với giá 150 triệu đồng, trả bằng tiền được thừa kế của cha ruột. Vài năm sau, chiếc ô tô được đem bán với giá 120 triệu đồng. Số tiền bán xe được dùng để trả một phần giá mua một căn nhà (200 triệu đồng); phần còn lại (80 triệu đồng), được trả bằng tiền dành dụm từ lương của vợ và chồng. Ở thời điểm chấm dứt hôn nhân, căn nhà trị giá 400 triệu đồng và nằm trong khối tài sản chung được chia giữa vợ và chồng. Áp dụng điều luật vừa dẫn, ta xác định khoản đền bù của khối tài sản chung đối với khối tài sản riêng như sau: (120/200)*400 = 240 triệu đồng.
Các nguyên tắc thanh toán tài sản chung đặc biệt
Các trường hợp áp dụng các nguyên tắc thanh toán tài sản chung đặc biệt. Các nguyên tắc thanh toán tài sản chung đặc biệt được áp dụng trong trường hợp cần tiến hành phân chia quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản hoặc chia nhà ở. Đó là những tài sản mà, trong khung cảnh của luật thực định, được chia theo nguyên tắc bình đẳng về hiện vật, như ta sẽ thấy sau đây.
Cần nhấn mạnh rằng, dù chia theo hiện vật, quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản và nhà ở được chia trong khuôn khổ thanh toán và phân chia tài sản chung; bởi vậy, việc thanh toán phần quyền của mỗi người trong quyền sử dụng đất chung hoặc trong nhà ở chung phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng kết quả thanh toán phần quyền của mỗi người trong toàn bộ khối tài sản chung
Nội dung của các nguyên tắc thanh toán tài sản chung đặc biệt. Trong trường hợp tài sản chia là quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 97 khoản 2 điểm a quy định rằng nếu cả hai bên đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất, thì được chia theo thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì yêu cầu Toà án giải quyết theo Điều 95 của Luật. Áp dụng Điều 95, việc thanh toán phần quyền của mỗi người đối với quyền sử dụng đất loại này trước hết phải dựa vào công sức đóng góp. Tuy nhiên, là một tài sản cần được khai thác công dụng nhằm tạo ra các loại hoa lợi có thể được gọi là vừa dùng được một cách trực tiếp vào việc nuôi sống con người, vừa là nguồn tích lũy, quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản phải được chia trên cơ sở xem xét năng lực khai thác của mỗi người. Nếu năng lực khai thác của mỗi người đều ngang nhau, thì nên xem xét tổng diện tích đất cùng loại mà mỗi người đang sử dụng ở thời điểm phân chia, so với hạn mức đất tối đa mà người đó được sử dụng. Nếu không ai sử dụng đất vượt quá hạn mức, thì nên xét đến khả năng sinh lợi của khối tài sản riêng của mỗi người (tình trạng tài sản) và cả của các tài sản chung khác sẽ được chia cho mỗi người, khả năng làm nghề phụ (hoàn cảnh sống), tình hình gia đình mà mỗi người (thường là người phụ nữ) phải cưu mang,...
Trường hợp tài sản chia là nhà ở, Luật nói rằng nhà ở được chia theo Điều 95. Vậy nghĩa là trước hết các bên cũng có thể chia theo thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì Toà án giải quyết, cũng theo Điều 95. Việc thanh toán phần quyền của mỗi người trong tài sản chia trước hết cũng dựa vào công sức đóng góp của mỗi người và nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người vợ. Nhưng bên cạnh đó, còn có các tham số khác. Một cách hợp lý, người cùng sống với nhiều con, nói chung, với những người mà mình có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng phải có phần lớn hơn người sống một mình, do cần có một diện tích sinh hoạt đủ cho nhiều người. Cũng cần có một phần thoả đáng, người thường sử dụng mặt bằng của nhà ở để làm kinh tế gia đình, trong trường hợp người kia hoạt động nghề nghiệp ở bên ngoài.
Phân chia tài sản chung
Tài sản chung được phân chia gồm có tài sản có và tài sản nợ.
Phân chia tài sản có
Chuẩn bị phân chia
Tài sản có được chia. Các tài sản có được chia bao gồm tất cả c