Cây bảy lá một hoa “thất diệp nhất chi hoa”, thần dược hay bịp dược?
Cây bảy lá một hoa “thất diệp nhất chi hoa” 1. Mô tả cây Cây bảy lá một hoa là một loại cỏ nhỏ, có dạng rất khác biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5-15cm, đường kính 2.5-3.5cm rất nhiều đốt, khó bẻm vết bẻ trông như có bột, màu vàng trắng hay xám vàng. Từ thân rễ nổi ...
Cây bảy lá một hoa “thất diệp nhất chi hoa”
1. Mô tả cây
Cây bảy lá một hoa là một loại cỏ nhỏ, có dạng rất khác biệt, sống lâu năm, thân rễ ngắn, dài chừng 5-15cm, đường kính 2.5-3.5cm rất nhiều đốt, khó bẻm vết bẻ trông như có bột, màu vàng trắng hay xám vàng. Từ thân rễ nổi lên mặt đất một thân mọc thẳng đứng cao tới 1m, phía gốc có một số lá thoái hoá thành vẩy, bao lấy thân cây. Giữa thân có một tầng lá mọc vòng gồm 3 đến 10 lá, nhưng thường là 7 lá, cuống lá dài 2.5-3cm, phiến lá hình mác rộng, dài 15-21cm, rộng 4-8cm, đầu phiến lá nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt dưới màu xanh nhạt, đôi khi có màu tím nhạt. Hoa mọc đơn độc ở đỉnh cành, cuống hoa dài 15-30cm. Lá đài gồm 5 đến 10, thường là 7, máu xanh lá cây, dài 3-7cm, rời từng cái một trông như lá, không rụng. Số cánh tràng bằng số là đài. Nhuỵ màu tím đỏ, bầu thường 3 ngăn. Quả mọng màu tím đen. Mùa hoa vào các tháng 10-11.
2. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây bảy lá một hoa được phát hiện gần đây tại các vùng núi Cúc Phương thuộc Hà Nam, Ninh Bình, Sa Pa (Lào Cai), Đà Bắc ( Hoà Bình), Sơn Động (Hà Giang). Trước đây không thấy mô tả trong Bộ thực vật chí Đông Dương. Đầu năm 1934, Péctelot có phát hiện thấy quanh vùng Sa Pa nhiều loài khác nhau, nhưng chưa được khai thác sử dụng.
Người ta thường dùng thân rễ với tên tảo hưu, có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông, đào về rửa sạch, phơi khô.
3. Thành phần hoá học
Trong tảo hưu người ta đã nghiên cứu thấy có chất glucozit, tính chất saponin gọi là paridin C16H28O7 và paristaphin C38H64O18 cũng là một glucozit.
Trong thân rễ và quả Paris quadrifolia L. người ta chiết được một glucozit gọi là paristaphin, khi thuỷ phân paristaphin sẽ cho glucoza và một glucozit mới gọi là pairdin, thuỷ phân paridin, ta lai được glucoza và một chất nhựa gọi là paridol.
Tiềm hiểu bảy lá một hoa thần dược hay bịp dược ?
1. “Thần dược nhất chi hoa (TDNCH) là anh em của cây lưỡi rắn. Cả 2 cây này có tác dụng giải độc chống viêm nhưng TDNCH lợi hại hơn rất nhiều. Tôi có quen ông thầy rất giỏi về cây này và nhờ có nhân duyên nên lĩnh hội được từ ổng rất nhiều thông tin giá trị. Ông thầy phân tích rất chí lý rằng một người khi bị đau bệnh, nhất là bệnh nan y là do độc chất tồn đọng trong cơ thể gây nên.
Với người bình thường hay có thể chất khỏe mạnh thì độc chất ấy đến từ những thực phẩm nhiễm độc sẽ được bài thải qua các đường mồ hôi, nước tiểu. Nhưng gặp người bệnh suy yếu, chất độc không được bài thải hết mà ứ đọng lại, làm tắc nghẽn dòng chảy của khí huyết gây nên tình trạng viêm nhiễm. Trường hợp nhẹ thì độc chất phát ra ngoài da qua các biểu hiện nổi u, hạch, mụn nhọt, mề đay… Nguy kịch hơn, nếu độc chất quá nhiều dẫn đến ứ bên trong cơ thể lâu ngày nếu không được khơi thông thì sẽ phát các chứng ung thư này nọ”.
Đến tìm hiểu về cuộc sống của những bệnh nhân ung bướu tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, tôi tình cờ nghe được đoạn trò chuyện liên quan đến cây TDNCH kể trên từ hai phụ nữ luống tuổi lúc đợi kết quả xét nghiệm. Người có vẻ ngoài sang trọng rôm rả kể với người ngồi cạnh bên bị ung thư vú.
Theo chị nọ, qua nghiên cứu của y học cổ truyền và hiện đại cho thấy tinh chất của cây TDNCH được ví như lưỡi tầm sét của thiên lôi, đánh đến đâu thì độc chất tiêu tan đến đó: “Cũng có ông thầy ví tính chất từ cây 7 lá 1 hoa nó như dầu nhờn bôi trơn động cơ xe máy. Cơ thể con người được ví như một hệ thống máy móc hoàn chỉnh, chạy lâu ngày thì bị trục trặc này nọ, như bị chai lì máy, máy chạy yếu, có khi máy hoạt động ì ạch… hoặc hư bộ phận này, hỏng bộ phận kia. Để kích ứng động cơ, người ta đổ dầu vào, dầu trôi đến đâu thì máy được phục hồi đến đấy, TDNCH cũng có tác dụng như thế”.
Đang rầu rĩ chờ kết quả xét nghiệm, nghe có người nhắc đến chuyện cây thuốc trị ung thư hữu hiệu, vậy là không chỉ người phụ nữ bị ung thư vú mà nhiều phụ nữ khác đang bị hoặc nghi bị các triệu chứng ung thư vú, ung thư cổ tử cung, u nang buồng trứng… cũng xán tới lắng nghe.
Và rồi cả thảy họ xin số điện thoại của người phụ nữ nọ khi nghe chị ta quả quyết mình cũng từng chết lặng khi bị bác sĩ kết luận “bị K” (ung thư-PV) nhưng may mắn thoát “án tử” nhờ dùng cây thuốc có công năng diệt mầm bệnh: “Nói thiệt tôi từng bị kết luận ung thư vú. Lúc bác sĩ bảo mổ cắt một bên tôi sợ lắm vì nghe nói mổ xẻ như thế 5 ăn 5 thua. May nhờ có người quen giới thiệu cây TDNCH này nên tôi uống cầu may. Ơn trời là có thể nhờ hợp thuốc mà tôi thấy ổn, đi tái khám thấy khối u nhỏ dần đến bác sĩ chuyên khoa còn ngạc nhiên đến lạ”.
Trước những yêu cầu của người bệnh nghe chuyện, người phụ nữ nọ nhanh nhảu đọc một vài địa chỉ bán cây TDNCH tại quận 1, quận 5 và quận Bình Thạnh.
Từ danh sách này của chị ta, chúng tôi ghé đến 1 trong những điểm như thế ở khu chuyên bán trà thảo dược trên đường Điện Biên Phủ (phường Đa Kao, quận 1) và hoảng hồn khi được người bán bảo 1 kg cây TDNCH như thế giá đến 6 triệu đồng: “Tại anh bệnh, hoàn cảnh khó khăn nên tôi để giá hữu nghị chứ thực giá của cây này lên đến cả chục triệu vì quá hiếm” – người bán ra chiều nhân đạo. Chúng tôi ghé một vài điểm khác và giá bán cũng tương tự như vậy. Và tất nhiên, cả thảy người bán đều có chung quả quyết rằng cây TDNCH mà họ bán có tác dụng chữa trị các bệnh nan y của phụ nữ.
Tin được không?
2. Có điều gì đó bất ổn quanh lời kể của người phụ nữ kia chăng, điều đó hậu xét. Chỉ biết rằng trong câu chuyện của chị nọ, bên cạnh cây TDNCH còn có cây lưỡi rắn. TDNCH là cây gì thú thiệt tôi mù tịt. Nhưng cây lưỡi rắn thì chẳng có gì xa lạ bởi cách đây 4 năm, cây này được một số người buôn bán dược liệu vô lương tâm đơm đặt, nâng tầm thành “thần dược” cùng với cây xạ can (rẻ quạt-PV) trị bá chứng khiến con bệnh ngờ nghệch phát cuồng bỏ tiền mua về tiêu diệt mầm bệnh.
Khi ấy qua tìm hiểu chúng tôi được biết cây lưỡi rắn còn có tên gọi khác là bạch hoa xà thiệt thảo. Qua ứng dụng lâm sàng, cây thảo dược này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng trị các chứng viêm ruột, viên gan, viêm niệu đạo, lợi niệu, khử ứ khi vết thương ứ huyết, xung huyết cùng các chứng đau nhức xương, thấp khớp. Ngoài ra theo y học cổ truyền, khi phối với trần bì thì bạch hoa xà thiệt thảo dùng trị các chứng viêm họng, viêm amidan hữu hiệu.
Về cơ bản, bạch hoa xà thiệt thảo hay cây lưỡi rắn là cây thuốc có nhiều tác dụng chữa trị nhưng “trừ khử” các chứng ung thư mà phụ nữ dễ mắc phải như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng… như có một dạo người ta rêu rao thì quá ư vô căn cứ. Vậy với cây TDNCH thì sao?
TDNCH như cây lưỡi rắn, xạ can, ngư tinh thảo (cây diếp cá-PV) nằm trong nhóm thuốc thanh nhiệt. Cây này có vị đắng, tính hàn, hơi có độc chứ không phải là cây thuốc bổ thuần túy. Đi vào kinh can và phế, cây TDNCH thường mọc nhiều ở những nơi ẩm thấp, ven suối, trong các khu rừng ở một số tỉnh phía Bắc, thường thấy tại các vùng núi Cúc Phương thuộc Ninh Bình, Sapa (Lào Cai), Hòa Bình, Sơn Động (Bắc Giang)…” – lương y Nguyễn Trọng Bá (Đồng Nai), cho biết.
Theo lương y Bá, trong những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, cố GS-TS Đỗ Tất Lợi ghi cây TDNCH là cây 7 lá 1 hoa, còn có những tên gọi khác như: độc cước liên, thảo hà xa, thiết đăng đài. Theo đó, 7 lá 1 hoa là loài cỏ nhỏ với thân rễ ngắn, sống lâu năm, giữa thân có 1 tầng lá mọc vòng gồm 3-10 lá nhưng thường là 7 lá (thất diệp-PV) với hoa mọc đơn độc ở đỉnh cành (nhất chi hoa).
Về tác dụng đích thực của cây 7 lá 1 hoa, cố GS-TS Đỗ Tất Lợi cho biết, cây này là vị thuốc dùng trong dân gian với tác dụng chủ yếu là thanh nhiệt giải độc, đặc biệt với các loài rắn độc: “Tại vùng Quảng Tây (Trung Quốc), trong nhân dân có câu ngạn ngữ: “Ốc hữu thấp diệp nhất chi hoa/ Độc xà bất tiến gian) nghĩa là trong nhà mà có cây 7 lá 1 hoa thì rắn độc không vào được. Ngoài công dụng chữa sốt và rắn độc, cây TDNCH còn dùng chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, sốt rét, ho lao lâu ngày, hen suyễn, dùng ngoài thì giã đắp lên những nơi sưng đau không kể liều lượng. Ngày dùng 4-12gr dưới dạng thuốc sắc”.
3. Từ những cơ sở trên cho thấy cây TDNCH là loài thảo dược có nhiều giá trị trong việc chữa bệnh nhưng không phải là các chứng ung thư mà phụ nữ dễ mắc phải: “TDNCH là cây thuốc quý chứ không phải là cây thuốc hiếm. Còn quý đến đâu thì phải có đánh giá cụ thể của các thầy thuốc chuyên môn vì ít được sử dụng phổ biến. Thực tế có nhiều cây thuốc có rất nhiều tác dụng chữa trị nhưng để có được kết quả đánh giá khách quan, khoa học thì cần phải có công trình nghiên cứu chuyên sâu, người bệnh không được tự ý sử dụng” – Lương y, Thượng tọa Thích Truyền Tứ, trụ trì chùa Huyền Trang (TP HCM), Phó ban từ thiện Báo Giác ngộ TP HCM, lưu ý.Y văn mới nhất mà chúng tôi cập nhật được liên quan đến tác dụng của cây TDNCH là tài liệu giảng dạy dùng cho khoa Y học cổ truyền của Trường đại học Y Hà Nội: “Dùng trong các trường hợp mụn nhọt sưng đau, đau hầu họng, các trường hợp sưng tấy ứ huyết, còn dùng để chữa viêm gan, vàng da, chữa nhọt ở vú, lở loét tai có thể dùng TDNCH 8gr, bồ công anh 40gr. Ngoài ra còn dùng để chữa say nắng dẫn đến đau họng, có thể dùng trị bệnh viêm – lao phổi (TDNCH 200gr phơi khô nghiền thành bột mịn mỗi lần 4gr, ngày uống 2 lần). Còn dùng để điều trị bệnh sởi ở trẻ em với liều lượng dùng 4-12gr/ngày).
Trở lại cuộc trò chuyện của người phụ nữ tự xưng mình bị ung thư vú nhưng nhờ cái duyên với cây TDNCH mà hết bệnh mà chúng tôi gặp tại Bệnh viện Ung Bướu.
Một lương y đề nghị giấu tên phân tích nhiều khả năng người phụ nữ nọ là con buôn dược liệu này hay có người thân kinh doanh cây ấy: “Đánh vào nỗi lo sợ bệnh tật, cái chết và những biến chứng trong quá trình hóa trị, xạ trị như rụng tóc, cơ thể gầy guộc, đau đớn, mệt mỏi…. của người bệnh, không ít con buôn vào vai người bệnh, người từng lâm trọng bệnh hay người có lòng hảo tâm trà trộn vào các bệnh viện kể chuyện khỏi bệnh của mình để tạo niềm tin của người bệnh thật sự. Bị thuyết phục, choáng ngợp bởi câu chuyện phịa, vậy là nhiều người hỏi địa chỉ nơi bán cây thuốc với những mong biết đâu mình sẽ gặp may và đấy là lúc… cá cắn câu”.
Quanh chuyện con buôn dược liệu tấn công vào các bệnh viện, một số lương y cho biết hồi cây xáo tam phân lên cơn sốt với giá cả leo thang không phải từng ngày mà là từng giờ, chuyện con buôn “đóng kịch” như thế diễn ra nhiều. Có con buôn còn photo những bài báo viết về tác dụng của cây thần dược rồi đính kèm danh thiếp của mình với lưu ý mình là nhân vật chính trong bài viết nay hết bệnh nên tìm cách cứu người qua việc bán cây thuốc chính hiệu với giá rẻ bất ngờ. Cả tin, rất đông người bệnh bỏ tiền ra mua mà không hề biết rằng “thần dược” mà mình mua không phải có nguồn gốc tại Ninh Vân (Khánh Hòa) mà có xuất thân từ Campuchia tồn ẩn độc chất nguy hại.