06/02/2018, 15:12

Cảm xúc khi rời xa mái trường THPT

– Bài viết 1 Vậy là quãng đời, học sinh của Tôi dần trôi qua, gần 3 năm học tập dưới mái trường THPT Nguyễn Huệ với biết bao kỉ niệm, vui có, buồn có, nhưng đọng lại trong trái tim tôi vẫn là những cảm xúc ấm áp của những năm tháng cùng sống, cùng học tập và trưởng thành dưới mái trường ...

– Bài viết 1

Vậy là quãng đời, học sinh của Tôi dần trôi qua, gần 3 năm học tập dưới mái trường  THPT Nguyễn Huệ với biết bao kỉ niệm, vui có, buồn có, nhưng đọng lại trong trái tim tôi vẫn là những cảm xúc ấm áp của những năm tháng cùng sống, cùng học tập và trưởng thành dưới mái trường thân yêu này. Khoảng thời gian ấy tuy không dài so vơí 1 đời người, nhưng cũng đủ để in dấu vào lòng người những bài học của cuộc sống, sâu sắc và đáng quý.

Cổng trường mở ra và khép lại, đón và đưa lớp lớp thế hệ học sinh nhập học rồi ra trường, mang theo những thành quả của ước mơ mà 3 năm về trước họ đã ấp ủ cho vào hành trang để họ lớn lên trên mái trường THPT. Và tôi – mội học sinh  lớp 12A2 cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Sắp phải rời xa mái trường mà tôi đã gắn bó để nhường chỗ cho những thế hệ mới với những con người mới. Trong tôi lắng đọng những suy nghĩ,  suy tư, của một thanh niên trẻ, một học sinh sắp rời ghế nhà trường để bước vào trường ĐH hay những thử thách mới đầy cam go nhưng cung không kém phần thú vị của cuộc đời. trong cái se lạnh của thời tiết đầu mùa, những kỉ niệm dưới mái trường THPT sống lại trong tôi như muốn, nhắc nhở tôi về một mái trường thân yêu, gần gũi, ấm áp đã giúp tôi nuôi lớn ước mơ của mình.

Ước mơ để trở thành học sinh cấp 3 xuất hiện hơn 4 năm về trước – từ ngày tôi còn là một học sinh cấp 2. Con đường dẫn tôi đến với ngôi trường này cũng nhiều khó khăn, nhưng bằng chinh những nỗ lực của mình, cổng trường THPT Nguyễn Huệ đã rộng mở đón chào tôi lần đầu tiên bỡ ngỡ bước vào.

Nhớ xiết bao buổi đầu tiên ấy. Bước chân vào cổng trường THPH mà lòng tôi đan xen biết bao cảm xúc, vừa hân hoan trong niềm vui của một học sinh cấp 3 trước một chân trời mới của tri thức, vừa lo lắng, sợ sệt không biết học ở đây như thế nào. Nhưng rồi, tất cả cảm xúc ấy cũng trôi xa nhường chỗ cho những tiếng cười, khi mà tôi được trực tiếp gặp mặt và giao lưu với các học sinh xã khác. Buổi gặp mặt với những tiết mục văn nghệ đầy sôi nổi và quan trọng nhất là những thông tin giới thiệu của các anh chị khóa trước về mái trường và thầy cô ở nơi đây.

 Hình ảnh thầy giáo Hiệu trưởng giới thiệu về môi trường và chào đón những thế hệ đầu tiên hiện rõ trong kí ức của tôi. Thầy nói về những thách thức về ô nhiễm môi trường mà chúng ta sẽ phải chịu đựng trong quá trình phát triển kinh tế, về tình trạng thực tế của môi trường xung quanh chúng ta và trách nhiệm của 1 người công dân, 1 học sinh. Ngoài ra, thầy giáo còn giới thiệu về cách học và tầm quan trọng của thời học sinh, cấp 3 này… Tất cả đã mang cho tôi một cái nhìn tổng quát về tầm quan trọng của cấp 3.

Học kỳ đầu tiên đối với tôi thật nặng nề, có lẽ, vì tôi chưa quen với những phương pháp dạy và học mới ở bậc cấp 3, và cũng bởi vì tôi phải tiếp xúc với những kiến thức hoàn toàn mới trong khi tôi chưa chuẩn bị được nền tảng. Kỳ đầu tiên với kết quả không như tôi mong đợi đã làm cho tôi lo lắng. Tôi tự đổ lỗi cho nhà trường vì chương trình và nội dung không cuốn hút mà quên mất rằng chính mình đã không thực sự cố gắng và chú tâm vào học tập cho thực chất.

Và rồi cuối cùng tôi cũng nhận ra khi bạn bè xung quanh tôi ai cũng học tốt và đạt thành tích cao. Khi đó tôi tự hứa với lòng mình phải gác lại những tình cảm cá nhân, không nên dành nhiều thời gian cho những người thân yêu ở nhà mà phải lấy họ làm động lực để cố gắng. Những năm tháng dưới mái trường THPT Nguyễn Huệ, tôi không chỉ được học những kiến thức hay, tính tự lập hơn và đã giúp tôi trưởng thành vững vàng hơn rất nhiều.

Trường THPT Nguyễn Huệ đã trở thành niềm tự hào của riêng tôi và tất cả các bạn. Ở đó có đội ngũ thầy cô thật tận tụy, những người bạn chân thành, mà có cả tình người ấm áp trong môi trường giáo dục chất lượng và đỉnh cao. Nhà trường cũng luôn theo sát hoàn cảnh của mỗi học sinh thông qua Đoàn trường và Hội học sinh, kịp thời động viên chia sẻ những khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học tập tại trường.

Bây giờ đã là một học sinh năm cuối, hơn hai năm gắn bó với mái trường tôi càng thêm tin tưởng và hi vọng nhiều hơn. Niềm tin đó giúp tôi vững vàng với lựa chọn của mình, tự tin trong học tập và rèn luyện, tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những gì trường Nguyễn Huệ đã dành cho tôi. Ngày hôm nay tôi có thể tự tin nói rằng vào THPT Nguyễn Huệ là lộ trình đúng bởi nơi đây chính là cánh cửa mở ra cho tôi nhiều cơ hội, là chìa khóa cho những ai muốn thay đổi.

Cuối cùng sau bao nhiêu nỗ lực dìu dắt và truyền đạt kiến thức của các thầy cô và sự cố gắng của bản thân tôi, tôi cũng đã thực sự được trưởng thành cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Tôi xin được gửi tới Thầy Cô của mái trường mến yêu của mình lời hứa rằng dù ở nơi đâu, làm bất cứ việc gi, tôi cũng sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với thương hiệu học sinh THPT Nguyễn Huệ.

Nhân ngày 20/11 em xin chúc các thầy cô giáo cán bộ, công nhân viên nhà trường sức khỏe và công tác tốt để xây dựng trường THPT Nguyễn Huệ ngày càng phát triển.

– Bài viết 2

Trường THPT B Phủ Lý, một ngôi trường đơn sơ tuổi đời còn rất trẻ, không nằm ở trung tâm thành phố ồn ào, náo nhiệt nên ngôi trường có một sự thanh bình hiếm có: không gian yên tĩnh, không khí trong lành. Nơi đây, em đã gắn bó trong suốt 3 năm học cấp 3.

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có ngày đầu tiên đi học, với em, những ngày đầu tiên ấy không thể nào quên. Còn nhớ ngày đầu tiên bước chân vào ngôi trường cấp 3 này, cảm giác bỡ ngỡ, xa lạ với trường mới, thầy cô mới, bạn mới đã khiến em rụt rè, lo sợ, nhưng các thầy cô ở đây với lòng nhiệt huyết của “người lái đò tận tụy” đã xóa tan đi những cảm giác ban đầu đó. Quen dần với những ngày đến lớp, thầy cô, bạn bè, quen với một mái trường với hàng cây xanh rợp bóng và con đường sớm tối đi về đã trở thành những kỷ niệm khó quên. Mái trường là biểu hiện sức sống, sự vươn lên của xã hội. Dường như mỗi người đều có một mối liên hệ nào đó với một mái trường. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn…”. Đúng như vậy, thời gian chính là thứ keo gắn bó kì diệu nhất, mái trường, thầy cô, bạn bè giờ đây đã trở thành gia đình thứ hai của em cũng như các bạn học sinh ở đây. Giờ sắp phải rời xa nơi này, bất cứ học sinh lớp 12 nào cũng có chút không nỡ…

Nhưng dòng đời phải luôn luôn chuyển động, con người ai ai cũng phải lớn lên, kết thúc đời học sinh để bước sang một trang mới của cuộc đời, để sống có ích một cách trọn vẹn. Tốt nghiệp cấp 3, mỗi người chọn cho mình một ngã rẽ nhưng em tin rằng không ai có thể quên kỉ niệm của những năm tháng học trò. Nếu năm học lớp 10, chúng ta có thể run sợ khi đứng trước giáo viên nhưng đến năm học lớp 12 này, thầy cô vừa là cha mẹ, vừa như những người bạn của chúng ta, thân thiết, gần gũi, đầy tình cảm. Đứng trước ngã rẽ của cuộc đời ta mới thấy lời khuyên của các thầy cô có ý nghĩa biết bao.

Sau mỗi tiết học, nhìn những giọt mồ hôi lăn trên trán và ướt đẫm áo thầy cô, lòng tôi bất chợt xót xa. Nhưng các bạn khác có ai biết đâu, có ai từng ngắm nhìn kĩ bất cứ một thầy cô nào, nhìn bằng cả tấm lòng thì sẽ thấy thầy cô như mỉm cười sau một tiết truyền thụ kiến thức khiến học sinh hiểu bài và ngược lại. Có thể chúng ta cho rằng đó là bổn phận, trách nhiệm của giáo viên. Chúng ta vào học thì đã đóng học phí cho nhà trường thì coi như đó là sự trao đổi công bằng nhưng đó có thật sự là công bằng không khi thầy cô tốn bao công sức, tâm huyết, yêu thương chúng ta và xem như là một phần của cuộc sống, niềm vui.

Khi chúng ta rời khỏi con đường học vấn, bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, tuổi xuân đang phơi phới vẫy gọi thì lúc đó thầy cô đã về tuổi xế chiều. Suốt cả cuộc đời dạy học thầy cô nhân được gì? Niềm vui? Có đấy nhưng nỗi buồn thì lại rất nhiều. Những cơn giận được biểu thị qua thái độ, hành động khi thầy cô la rầy hoặc bị điểm kém. Những điều đó tuy rất đơn giản và đến với chúng ta chỉ trong phút chốc nhưng lại là một vết thương trong lòng thầy cô.

Tình cảm thầy trò rất thiêng liêng, cao cả. Và công lao thầy cô được ví như người lái đò thầm lặng chở học trò qua sông. Dù cho con sông đó phẳng lặng hay phong ba bão táp thì thầy cô vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Từng chuyến đò qua là biết bao thế hệ trưởng thành nhưng khi con thuyền đó quay trở về để tiếp tục sự nghiệp thì chỉ còn một mình thầy cô “lẻ bóng”, học trò đã đi xây dựng sự nghiệp, cuộc sống mới, có ai còn nhớ đến người đã chở con thuyền tri thức và tình thương đó không? Nhưng thầy cô không hề nghĩ đến, đơn giản là vì thầy cô biết rằng đó là quy luật sống và là lương tâm của một nhà giáo chân chính. Thầy cô không mong sau này học trò sẽ nhớ đến mình, sẽ quay trở về và báo đáp công ơn dạy dỗ mà chỉ hi vọng những đứa trẻ đó sẽ thành công, mang danh dự về cho quê hương, đất nước thế là đã làm cho thầy cô vui lòng. Buồn lắm chứ, và cả thương nữa, không đành lòng xa những đứa con yêu dấu trong đại gia đình nhưng biết làm thế nào đây, thầy cô không thể nào mãi mãi giữ chúng ta bên mình để dạy dỗ. Chúng ta như những con chim non đang tập bay, khi đủ trình độ thì phải thả con chim đó ra để cho chúng bay lượn trên bầu trời tự do. Đây là nỗi buồn sâu lắng nhất và là nỗi niềm chung của tất cả những người theo nghiệp Nhà giáo.

Không chỉ dạy chữ, quan trọng hơn cả là thầy cô dạy chúng ta cách làm người. Uốn nắn, rèn luyện chúng ta trở thành con người nhân nghĩa, lễ phép… công ơn thầy cô không có gì so sánh được. Thế là chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa chúng ta bước sang một ngả khác, thời gian thoăn thoắt như thoi đưa, ước như thời gian quay được trở về thời điểm mới bước vào ngôi trường này để được từng thầy cô ân cần dạy dỗ.

Trong cuộc sống hối hả, nhộn nhịp của xã hội và đầy rẫy những cạm bẫy của cuộc đời chúng ta cảm thấy mệt mỏi, muốn quay về và muốn quay về bến đò xưa thì thầy cô là người luôn chờ đợi và dang tay ra để chào đón những đứa con thân yêu trở về. Chúng ta hãy dùng trí óc và con tim để ghi khắc từng kỉ niệm, từng chút một để chúng ta sẽ không lầm đường lạc lối trong cuộc đời tấp nập xô đẩy với vô vàn sóng gió. Chúng ta hãy tự tin và đứng vững trên đôi chân mình và hãy tin rằng thầy cô luôn bên cạnh, sẵn sàng nâng đỡ khi chúng ta vấp ngã.

Những ngày này, học sinh khối 12 đang tất bật bước vào giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, ôn thi đại học, những lo lắng cho kì thi sắp tới dường như bao trùm tất cả nhưng một chút nào đó trong chúng ta là sự tiếc nuối, tiếc nuối quãng đời học sinh, tiếc nuối sự gắn bó được tạo ra như một thói quen. 3 năm học, dài đấy nhưng cũng thật nhanh, và dù sao nó cũng để lại trong ta biết bao kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng mà có lẽ cả cuộc đời này không bao giờ quên. Bỗng dưng trong e rộn ràng câu hát: “Em yêu trường em

                Với bao bạn thân

                Và cô giáo hiền

                Như yêu quê hương

                Cắp sách đến trường

                Trong muôn vàn yêu thương…”

– Bài viết 3

Tùng!Tùng!Tùng!!!……

Hồi trống quen thuộc lại vang lên báo hiệu hết tiết học. Tiến trống này theo nhỏ suốt gần 12 năm nay. Và mỗi lần nghe, nhỏ đều cảm thấy hết sức bình thường. Ấy thế mà không hiểu vì sao gần đây mỗi lần nghe những tiếng trống nhỏ lại cảm thấy thân thương làm sao. Có lẽ vì nhỏ cảm nhận được nỗi buồn của năm cuối cấp khi sắp phải chia xa tuổi học trò. Chỉ còn 7 tháng nữa thôi là nhỏ phải chia xa bạn bè, xa thầy cô thân thương, xa mái trường yêu dấu này. Bấy chợt tim nhỏ thấy nhoi nhói, lòng nhỏ nghẹn ngào. Ba năm dưới mái trường THPT Trần Quốc Tuấn với nhỏ đây như là một chặn đường dài giúp nhỏ trưởng thành lên rất nhiều. Cảm xúc đang lâng lâng trong nhỏ bỗng dưng xen vào cảm xúc đó nhỏ nghe có tiếng bài ca quen thuộc “ Trần Quốc Tuấn trường tôi” phát ra từ văn phòng đoàn trường. Tiếng nhạc của bài ca sao mà nghe du dương, ấm áp tình học trò. Nhỏ nghồi ngả đầu vào ghế đá dưới tản cây xà cừ và hồi tưởng lại ngày mình mới vào trường.

 Mới ngày nào nhỏ được tin mình thi đỗ vào trường THPT Trần Quốc Tuấn, niềm vui không tả xiết hiện lên trong nhỏ không tránh khỏi những nỗi lo lắng, bỡi lẽ nhỏ là một cô bé xa trường, nhỏ lo về môi trường học tập mới của mình, về những điều mới lạ mà mình sắp gặp phải, nhỏ lo về chỗ ở trọ, lo những ngày tháng sống xa ba mẹ, không biết mình sẽ vượt qua sao đây rồi còn nhiều vấn đề khác nữa.

Thế rồi ngày khai trường cũng đã đến, nhỏ tung tăng đến lớp với một bộ áo dài mới trên chiếc xe đạp cũ rích của mình. Nhìn mọi người xung quanh ai cũng chớp nhoáng bỡi một chiếc xe “Martin” mới toanh. Nhỏ cảm thấy hơi chạnh lòng nhưng rồi nhỏ chợt nghĩ đến những giọt mồ hôi rơi trên  áo ba mẹ tần tảo nuôi nhỏ ăn học, nhỏ tự động viên chính bản thân mình không nên đề cao những cái xa xỉ ấy. Bởi vào ngôi trường lạ lẫm, vào một lớp học vẻn vẹn chỉ có bốn học sinh Hòa Định Tây trong đó có nhỏ. Nhỏ cảm thấy hơi sợ bởi cái vẻ lạ lẫm ghê người, nhưng rồi vô tình nhỏ bắt gặp được một ánh mắt đầy thân thiện điểm trên khuôn mặt trìu mến là một nụ cười đầy ắp tình người của thầy Hòa Hiệu trưởng. Chính từ giọng nói mang đậm vẻ yêu thương học trò của thầy kéo nhỏ ra khỏi sự sợ hãi lúc ban đầu, không những thế thầy còn tạo một niềm phấn khởi cho nhỏ ở môi trường học tập mới này.

Nhìn cảnh vật, nhỏ thấy thời gian khẽ trôi ấy thế mà nhanh thật. Mới đây mà đã gần 3 năm trôi qua, giờ đây nhỏ đã trở thành cô học sinh lớp 12 đã là năm cuối cấp rồi. Mọi thứ với nhỏ giờ đây đã quá quen thuộc. Chính vì sự quen thuộc, thân thiện của trường lớp, của thầy cô bạn bè nên nhỏ không nỡ rời xã những kỷ niệm mà nhỏ đã có, nhỏ làm sao quên được cô Thoa với những tiết học Toán, nhỏ làm sao quên được lời giảng ấm áp trong những tiết học Văn của cô Trang và cả lời giảng đầy sức lôi cuốn của thầy Sung, nhỏ càng không quên những giờ học Sử đầy vui nhộn hứng thú của thầy Thành, và đặc biệt hơn cả nhỏ nhớ lắm người cô giáo chủ nhiệm – cô Hoa với một môn Hóa đầy lý thú và còn nhiều thầy cô khác nữa mà nhỏ sẽ không bao giờ quên được. Nhớ đến thầy cô, nhỏ càng nhớ đến tập thể lớp A3 đầy vui nhộn với 48 người, 48 tính cách khác nhau, nhưng tạo nên một tập thể đầy năng động. Đúng vậy, nhỏ nhớ sao những lúc tụi thằng Dũng, thằng Duy dở một giọng cười “dê” đầy đặc sài nhỏ nhớ dáng vẻ yểu điệu của con Tâm, nhớ tinh cách hơi  “đàn bà” của thằng Đạt nhưng học rất giỏi, rồi nhỏ không thể quên những lúc “chiến tranh” với thằng Hinh……. Hàng loạt kỷ niệm cứ hiện ra trước mắt nhỏ, khiến nhỏ thêm xao xuyến, bồi hồi. Nghe tiếng gió thổi rào xe qua tán xà cừ. Nhỏ sẽ đâu còn được háo hức nghe tiếng con ve gọi hè, nhỏ đâu còn được ngắm những đóa phượng lập lòe trong nắng mới, báo hiệu sắp đến hè hay thoảng nghe trong sân trường một hương thơm mùi hoa sữa, những lúc sang thu. Nhỏ sẽ nhớ những lúc bạn bè khoe áo mới, rủ nhau lên kế hoạch đi chơi mỗi lúc tết đến xuân về. Nhỏ còn đâu cái cảm giác vui sướng khi đạt điểm cao, những nỗi buồn khi bị điểm kém, rồi cả những lúc kiểm tra lật tài liệu, quay cóp. Nhỏ sẽ thèm nghe tiếng thầy cô la rầy, nhắc nhở.

Những kỷ niệm khó phai mà nhỏ có được ở ngôi trường mang tên vị anh hùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn này nhỏ sẽ nhớ mãi nhớ mãi. Trường đã nuôi dạy bao anh tài cho đất nước với nhiều thành tích vượt trội đáng ghi nhận. Nhỏ tự hào vì mình là học sinh trường Trần Quốc Tuấn với 30 năm tuổi này.

Tùng!Tùng!Tùng!!!……

Hồi trống bào hiệu vào lớp đã kết thúc khoảng không gian trầm tư của nhỏ, và ca khúc “Trần quốc Tuấn trường tôi”cũng đã giục “ nếu có ước muốn cho cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại……” những câu hát trong bài “Mong ước kỷ niệm xưa” vang lên từ miệng nhỏ cũng như là lời nhỏ muốn nói. Nhỏ ước mình mãi là học sinh của trường, nhỏ thầm cảm ơn tất cả các thầy cô, bạn bè đã cho những tháng ngày của đời học sinh dưới mái trường Trần quốc Tuấn thân thương này. Nhỏ sẽ nhớ mãi nơi đây với những kỷ niệm mà nhỏ đã có. Nhỏ chúc cho tất cả thầy cô sẽ có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc với các học trò ngoan hiền. Nhỏ yêu mọi thứ nơi đây…

– Bài viết 4

Có lẽ là những giọt nắng nhảy nhót trên những cành phượng đỏ bên hiên cửa sổ cháy rực cả một khoảng trời kia thì tôi cũng biết rằng mùa hạ đã đến và giờ phút chia tay bạn bè, thầy cô và mái trường đang đến gần. Nhưng khác với mọi năm, sau lần chia tay này cuộc đời học sinh lớp 12 sẽ kết thúc. Sau khi bước ra khỏi cổng  trường này mỗi người sẽ đi một  hướng,mỗi người sẽ có một ngã rẽ riêng…

Trong giây phút xúc động này, tôi nhìn lại chặng đường mà tất cả chúng ta vừa đi qua đó là ba năm học tại trường THPT Lý Thái Tổ, tôi không khỏi bồi hồi và dạt dào khi nhớ lại những kỉ niệm của chúng ta đã dành cho nhau cũng như những tình cảm mà thầy cô dành cho chúng ta. Ba năm, khoảng thời gian không dài với một đời người, nhưng đủ để lưu giữ nhưng kỉ niệm tốt đẹp về bạn bè, thầy cô và mái trường …

Vào lúc này đây tôi cảm thấy thật buồn … Muốn viết một điều gì đó cho nhẹ lòng nhưng không biết viết gì cả và không làm được gì cả. Cảm giác nhớ, buồn và lo sợ cứ đan xen vào nhau… Tôi lo sợ mất đi một điều gì đó đã hình thành trong tôi mà tôi vô tình không biết. Sợ phải rời xa nơi mà có nhiều khi mình ghét cay ghét đắng không muốn đối mặt. Sợ phải chia tay những đứa bạn vẫn ngày ngày cùng mình đùa nghịch và chọc ghẹo lẫn nhau… và tôi sợ cái cảm giác cô đơn, trống rỗng mất phương hướng cứ bủa vây bọc kín trong tầm hồn khi không có cô ở bên.

Ở nơi đây tôi đã yêu, yêu mái trường này, yêu nơi tôi ngồi học có điều hòa mát lạnh, yêu đứa bạn thân dạy tôi học Toán, yêu đám bạn bè hùa nhau nghịch ngợm, yêu ánh mặt trời chiếu qua cây cọ bên hành lang vào mỗi buổi chiều tà… tôi yêu tất cả mọi thứ và quan trọng hơn tôi đã yêu cô, cô giáo dạy tôi học, dạy tôi làm người… Nhiều lúc tôi chỉ muốn nói với cô rằng: “ Cô ơi không biết bây giờ cô nghĩ như thế nào về em nhỉ? Cô dành cho em điều gì? Có còn nhiều có còn sâu sắc nữa không. Khi em vấp ngã, khi em thất bại cô có tha thứ cho e không? Có mở rộng vòng tay đón em về như đứa con lạc đàn nơi xứ lạ hay không khi ngày xưa em đã không nghe lời cô trang bị những kĩ năng trước khi va vấp vào cuộc sống này để rồi vấp ngã? Nếu như không có cô em cảm giác như đã mất đi một người yêu mình, một người hiểu mình… trái tim em thắt lại và lo sợ cô sẽ quên em khi em rời xa mái trường này cô ạ … Cô ơi, em yêu cô nhiều lắm và e chỉ muốn dừng lại mãi khoảng thời gian này để được ở bên cô và được cô dạy dỗ, được cô chăm sóc mãi thôi…”

Tình yêu thực sự sẽ ko bao giờ thay đổi, nếu như hình ảnh đã ở trong trái tim thì sẽ không bao giờ biến mất. Và nỗi nhớ thì không thể đo được ít hay nhiều… Hôm nay, ngày mai, ngày kia và mãi mãi thì tình cảm sẽ không kết thúc. Hiện tại hay tương lai thì hình ảnh trong trái tim mình sẽ chỉ in đậm hơn rõ nét hơn. Nỗi nhớ theo thời gian sẽ ngày một đong đầy, những gì thầy cô và chúng em dành cho nhau sẽ còn mãi và luôn là những hoài niệm tươi đẹp trong quá khứ.

Rời xa mái trường này, mỗi người một ngả, mỗi người một phương trời,  lại là những lối đi riêng, cái gì cũng riêng… nhưng em biết rằng các thầy cô vẫn luôn ở đây, luôn để lại hình ảnh của chúng em ở một gọc nhỏ trong trái tim, vẫn mỉm cười khi chúng em thành công và hạnh phúc… Có lẽ bao nhiêu lời cảm ơn cũng không đủ. Nhưng một lần cuối cùng, xin cảm ơn mái trường này đã cho em gặp được những người thầy cô tuyệt vời, những người bạn tốt và những bài học sẽ chẳng bao giờ quên được… xin cảm ơn tất cả… và em cũng như các bạn sẽ luôn nhớ mãi nơi đây – trường THPT lý thái tổ, nơi đã chắp cánh cho tâm hồn em!

Từ khóa tìm kiếm

0