30/07/2018, 17:43

Cảm nhận về tác phẩm Thái sư Trần Thủ Độ

Cảm nhận về tác phẩm Thái sư Trần Thủ Độ Bài làm “Hỏi ai thề trước mặt vua Đầu thần chưa rụng thì chưa nên hàng Một lời quyết chiến hô vang Phá quân Mông Cổ chặn đàng xâm lăng”. ...

Cảm nhận về tác phẩm Thái sư Trần Thủ Độ

Bài làm

“Hỏi ai thề trước mặt vua

Đầu thần chưa rụng thì chưa nên hàng

Một lời quyết chiến hô vang

Phá quân Mông Cổ chặn đàng xâm lăng”.

Trải qua nhiều năm tháng, nhưng cho đến nay – ông – nhân vật được nhắc đến trong bài thơ trên vẫn là một vị thái sư kì lạ nhất, đặc biệt nhất trong lịch sử dân tộc. Ông – không ai khác – chính là thái sư Trần Thủ Độ. Triều đại Trần đã sản sinh nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng mà muôn đời sau còn nhắc đến. Một trong số đó là Trần Thủ Độ – người được một số sử gia xem là “đại khai quốc công thần” của nhà Trần. Ông qua con mắt của Ngô Sĩ Liên với “Đại Việt sử kí toàn thư” hiện lên với một hình tượng thật đẹp và hùng hồn.

Đại Việt sử kí toàn thư hoàn thành năm 1498 dựa trên cơ sở là bộ Đại việt sử kí của Lê Văn Hưu và Sử kí tục biên của Phan Phu Tiên. Bộ sử kí này gồm có hai phần là ngoại kỉ và bản kỉ. Phần ngoại kỉ viết về lịch sử nước ta thời Hồng Bàng đến thế kỉ 10. Phần bản kỉ viết từ thời Đinh Tiên Hoàn đến thời Hậu Lê. Ban đầu thì có 15 quyển sau đó Phạm Công Trứ viết thêm năm quyển là 20 quyển.

Bài Thái sư Trần Thủ Độ được trích từ quyển năm thuộc phàn bản kỉ. Đoạn trích này khắc tạc lên một bức tượng đài về một con người không chỉ có phẩm chất của một vị tướng giỏi mà còn có đức. Tài năng của ông không ai không công nhận còn tích cách nhân phẩm đạo đức của ông thật sự phải đọc đoạn trích này mới thấy hết được.

Ngô Sĩ Liên mở đầu bài sử, đã dùng sự trang nghiêm, tôn kính để thông báo về cái chết của Thái sư Trần Thủ Độ, cái chết của ông là sự mất mát to lớn đối với dân tộc ta:

“Giáp Tí, năm thứ bảy

Mùa xuân, tháng giêng.

Thái sư Trần Thủ Độ chết, truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương.”

Hai chữ “thượng phụ” là cha vua, hai chữ “thái sư” có nghĩa là thầy của vua, đó là tước bậc cao nhất của thời phong kiến lúc bấy giờ. Vậy mục đích của tác giả khi mở đầu bằng sự kiện đau buồn đáng tiếc này là gì?. Phải chăng tác giả muốn nhắc đến những công lao mà Trần Thủ Độ đã đạt được trong cuộc đời của mình? Trần Thủ Độ là người có công lớn trong việc thúc đẩy sự chuyển đổi vai trò lịch sử từ thời nhà Lý sang thời nhà Trần. Không những tế ông là người có tài đầy mưu trí trong triều đình trung thành tận tụy với vua, giúp vua dựng việc lớn chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc. Tuy ông là người không có học vấn nhưng lại tài lược hơn người.

Qua các tình huống mà Ngô Sĩ Liên đã chọn để làm rõ con người thật của Thái sư cho dù là người không quen biết hay chưa từng gặp mặt ông cũng sẽ hiểu rõ Thái sư Trần Thủ Độ là con người như thế nào.

Ở vào tình huống thứ nhất, với cách xử lí tài tình của Thái sư đã giúp cho mâu thuẫn của ông và vua Thái Tông được hòa giải nếu như ông không biết cách xử lí còn có thể dẫn đến những hậu quả hết sức khôn lường. Vì lúc này vua còn trẻ nên mọi việc triều chính hầu hết là do ông tiếp quản và xử lí nên người hặc đã sợ ông sẽ cướp nước hoặc cũng có thể một tay che trời để làm nhiều việc xấu bán nước hại dân. Vua lập tức dẫn người tới nhà Thái sư để hỏi rõ ngọn ngành xem xét sự việc ra sao. Thì trái với những gì nhà vua và người hặc đó nghĩ, rằng Thái sư sẽ chối tội, sẽ nổi giận trị tội người hặc kia. Nhưng Thái sư đã làm ngược lại điều đó làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên. Khi nghe nhà vua hỏi xong Thái sư đầu tiên ông nhận lỗi “ đúng như lời người ấy nói”. Rồi ông tiếp tục đưa mọi người từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ông lấy tiền thưởng cho người kia. Vào ở tình huống thứ nhất, mẫu thuẫn của ông với vua được giải quyết nhanh chóng và nhanh chóng dứt khoát. Sự khác thường của ông không phải là sự dị biệt, mà đó chính là “cây ngay không sợ chết đứng” cho thấy ông là người thẳng thắn, thật thà, chính trực thừa nhận lỗi lầm của mình, không ghen ghét, thù hận người khác đã vạch tội bản thân mà còn khích lệ tặng thưởng động viên cho người vạch tội. Người có quyền cao, chức trọng, có quyền cao hơn cả vua mà làm sai thì cũng không nên vì thế mà nịnh nọt vào hùa với nhau kết bè kéo phái. Nhưng với ông thì ông chỉ làm vậy với người có ý tốt, không lợi dụng, khiêu khích việc này làm tổn hại đến đất nước.

Sự việc thứ hai là người quân hiệu không cho Linh Từ Quốc mẫu (vợ Trần Thủ Độ) ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm. Khi vợ khóc và nói là bị bọn quân kiệu “khinh nhờn”. Trần Thủ Độ giận, sai đi bắt. Anh ta chắc là mình phải chết. Nhưng sau khi nghe anh ta đem sự thực trả lời điều “vặn hỏi”: của mình, Thái sư đã hết lời khen: “Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa?”. Rồi ông lấy tiền vàng lụa thưởng cho người quân hiệu. Sự việc đó cho thấy Trần Thủ Độ là một người trung thực, cương trực, giữ gìn và tôn trọng các luật lệ chung của phép nước. Cách hành xử ấy rất đáng làm gương cho những người quyền quý trong xã hội, cho quan trong triều. Ông không vì người đó là vợ mình mà thiên vị xử phạt người đó cho thấy ông là người liêm minh chính trực, công tư phân minh tôn trọng kỉ cương phép nước, không vì mình chức cao hơn mà hách dịch với cấp dưới hơn mà ông còn tôn trọng, động viên những người luôn làm đúng phép nước dù cho người đó làm chức cao hay thấp hay kể cả những người lính nhỏ bé.

Sự việc thứ ba thật bất ngờ và thú vị. Đây là tình huống phu nhân của ông muốn xin cho một người họ hàng làm chức quan nhỏ- chức câu đương, một chức dịch trong xã và lo việc bắt giữ và áp giải phạm nhân. Thái sư không cần suy nghĩ mà gật đầu ngay lập tức, lấy giấy bút ra để biên lấy họ tên quên quán của người đó. Hắn thật sự bất ngờ ngạc nhiên, trong đầu suy nghĩ chẳng lẽ Thái sư Trần Thủ Độ chỉ được vẻ bề ngoài công minh chính trực ngay thẳng chứ thực ra cũng giống như các vị quan quyền cao chức trọng thối nát như trước kia. Đúng là “ một người làm quan cả họ được nhờ”. Nhưng khi Thái sư nói “Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt”. Đó là cái kết khiến mọi người thán phục khen ngợi Thái sư với cách xử lí để răn đe, làm gương cho những người có ý là nhờ vả người thân làm quan để được thơm lây. Với cách xử lí đó Thái sư vừa không làm mất lòng vợ mình mà lại vừa giữ được trọng trách của mình đối với đất nước. Mặt khác ở tình huống này còn cho chúng ta thấy được ông luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên đầu, công bằng, minh bạch, tài trí hơn người, không chấp nhận thói xu nịnh hót, biếu xén để được làm quan kể cả đó là người thân, họ hàng.

Ngô Sĩ Liên ông đã cho chúng ta thấy con người thật của Thái sư còn thông qua tình huống thứ tư là việc vua định đem anh em Trần Thủ Độ cùng nắm chức quan trọng trong triều đình nhưng ông tán thành. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về việc đó. Theo ông thì chỉ cần những người tài giỏi nhất làm là được chứ nhiều người thì tài chính sẽ rối ren. Theo lẽ thường anh em được nhận chức thì phải cảm ơn mới phải nhưng ông nhất định từ chối bởi để tránh việc kéo bè kết đảng làm khó cho vua. Điều đó thể hiện Trần Thủ Độ là người không tư lợi, hết mình về việc chung của đất nước, không thiên vị anh em, trung thành và làm mọi điều tốt cho vua.

Bằng nghệ thuật viết sử vừa chân thực vừa hấp dẫn kịch tính của tác giả đã đem đến cho ta một bức tượng vĩ đại về một vị thái sư học vấn ít nhưng tài lược thì hiếm ai bằng. Qua đoạn trích ta thấy một con người có tài, có chức có quyền nhưng không vì thế mà coi thường người khác, cũng không vì thế mà che đỡ cho người thân. Ông luôn hết lòng vì vua vì dân vì nước, thật xứng đáng để người đời sau nhớ đến.

Từ nhân vật lịch sử ấy chúng ta càng thêm tự hào về dân tộc Việt Nam cũng như con người Việt Nam. Nó đặt ra cho chúng ta một bài học, một quy luật tất yếu của sự phát triển, đất nước muốn giàu mạnh thì cần phải có những con người lãnh đạo với những phẩm chất như Trần Thủ Độ.

0