26/08/2018, 17:30

Cảm nghĩ về tác phẩm Rừng Xà Nu

(Văn lớp 12) – Cảm nghĩ về tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Bài phân tích tác phẩm văn học của bạn Trần Thị Lý lớp 12A5 trường THPT Tạ Quang Bửu). BÀI LÀM Nguyễn Trung Thành là một trong những cây bút điển hình nhất cho nền văn học kháng chiến ...

(Văn lớp 12) – Cảm nghĩ về tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành (Bài phân tích tác phẩm văn học của bạn Trần Thị Lý lớp 12A5 trường THPT Tạ Quang Bửu).

BÀI LÀM

Nguyễn Trung Thành là một trong những cây bút điển hình nhất cho nền văn học kháng chiến chống Mĩ với những tác phẩm hừng hực như có lửa. Và ngọn lửa nồng đượm rực rỡ nhất có lẽ chính là nhựa xà nu. Truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành đem đến ấn tượng về bối cảnh, con người Tây Nguyên những năm kháng chiến chống Mĩ và nhiều nghệ thuật văn học đặc sắc.

Truyện ngắn “Rừng xà nu” ra đời vào bối cảnh quân Mỹ ồ ạt đổ bộ xuống Đà Nẵng (1965) đặt ra vấn đề sống còn với dân tộc, hoặc chịu làm nô lệ, hoặc đứng lên đấu tranh. Nguyễn Trung Thành đã viết tác phẩm “Rừng xà nu” nhằm cùng với các nhà văn chung chí hướng cổ vũ, khơi dậy tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước. Truyện ngắn được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”.

>>>Xem thêm:

  • Tóm tắt truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
  • Cảm nhận về nhân vật Tnú trong Rừng Xà Nu

Nội dung tác phẩm phản ánh nhiều vấn đề có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Trước hết, nhà văn đã khai thác lịch sử hào hùng của dân tộc Tây Nguyên từ những ngày đồng khởi chống kẻ thù. Lịch sử hào hùng ấy được thể hiện trong chính thế hệ các nhân vật. Thế hệ đầu tiên chính là những con người đi trước như cụ Mết, anh Quyết… Họ là người sống trong những buổi đầu lịch sử đấu tranh đầy đau thương. Sự khiếm khuyết, hi sinh, mất mát họ trải qua là nỗi đau khôn nguôi về thế hệ cha ông ngã xuống ngày còn chịu áp bức. Tiếp đến, thế hệ Mai, Tnú… là những người chứng kiến đau thương và nhận lại lời sấm truyền xương máu của thế hệ trước: “Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo”. Tnú thực sự đã “cầm giáo”. Thế hệ tiếp nối mang dòng máu anh hùng và tinh thần quật khởi. Đau thương thúc bức người ta đứng lên. Trái tim bị bóp nghẹt khi chứng kiến vợ con chết ấy hừng hực mài giáo mài mác đi trả thù. Đôi bàn tay cụt mười ngón vì bị giặc dùng nhựa xà nu đốt đã bóp cổ chết tên tướng giặc. Trong đêm tại nhà sinh hoạt tập thể của buôn làng, thế hệ thứ ba là những Dít, Heng… đang được truyền dạy bài học xương máu, được lĩnh hội con đường cách mạng và dũng khí ngời sáng của dân tộc. Chúng sẽ lại tiếp bước đàn anh trên con đường chiến đấu vì độc lập dân tộc. 

cam-nghi-ve-tac-pham-rung-xa-nucam-nghi-ve-tac-pham-rung-xa-nu

Thứ hai, từ việc phản ánh lịch sử hào hùng, tác giả đồng thời phản ánh quy luật đấu tranh cách mạng. Đó là quy luật có áp bức thì có đấu tranh, có đau thương ắt có quật khởi. Cái chết của anh Quyết, anh Xút, bà Nhan và mẹ con Mai là những mất mát không thể cứu vãn. Hình ảnh người dân làng Xô Man đêm đêm mài giáo là thời gian nung nấu ý định trả thù. Vậy, từ thế bị động, con người đã chuyển sang thế chủ động, chủ động đoàn kết, chủ động tìm giặc mà đánh. “Cán bộ là Đảng, Đảng còn thì núi nước này còn”. Tư tưởng đi theo Đảng và trung thành với Đảng cũng được phản ánh. Cuộc đời Tnú đã tuân theo và phát triển đúng như những quy luật được đưa ra trong tác phẩm. 

Về đặc sắc nghệ thuật, điều đầu tiên ta thấy được từ tác phẩm đó là khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Khuynh hướng sử thi được thể hiện rõ từ nội dung phản ánh vấn đề trọng đại của dân tộc, trong xây dựng không gian và thời gian, trong các hình tượng tập thể mang sức mạnh cộng đồng và từ hệ thống ngôn ngữ trang trọng. Cảm hứng lãng mạn thể hiện từ bức tranh thiên nhiên rừng xà nu bi tráng đau thương mà đầy sức sống, từ tinh thần lạc quan, từ kết thúc đầy hứa hẹn về tương lai… Ngoài ra, nghệ thuật tạo dựng hình tượng văn học rất xuất sắc. Đặc biệt, hình tượng rừng xà nu trong tầm đại bác giặc có vị thế đối sánh tương đương với sức sống của con người làng Xô Man. Ngôn ngữ tác phẩm đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên, mang âm hưởng sử thi Đăm Săn, Xinh Nhã…

Truyện ngắn “Rừng xà nu” thể hiện rõ phong cách nghệ thuật và tư tưởng của Nguyễn Trung Thành. Mong muốn viết lên tác phẩm cổ vũ chiến đấu, cổ vũ tinh thần dân tộc của nhà văn đã được hiện thực hóa từ trang văn “Rừng xà nu”. 

>>>Xem thêm:

  • Phân tích nhân vật tnú trong tác phẩm rừng xà nu
  • Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng Xà Nu
  • Hình ảnh con người tây nguyên trong truyện ngắn Rừng Xà Nu
  • Chủ nghĩa anh hùng trong truyện ngắn Rừng xà nu
0