Phân tích hình tượng nhân vật cụ Mết
(Văn lớp 12) – Em hãy phân tích hình tượng nhân vật cụ Mết trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành (Bài phân tích tác phẩm văn học của một học sinh chuyên văn trường THPT Trần Phú). BÀI LÀM “Lớp cha trước, lớp con sau Đã ...
(Văn lớp 12) – Em hãy phân tích hình tượng nhân vật cụ Mết trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành (Bài phân tích tác phẩm văn học của một học sinh chuyên văn trường THPT Trần Phú).
BÀI LÀM
“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí nên câu quân hành”
(Tố Hữu)
Hai câu thơ trên nhắc tôi nhớ về tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Truyện ngắn “Rừng xà nu” đã tạc vào nền văn học Việt Nam hình tượng tập thể người dân làng Xô Man truyền dạy, lưu giữ và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác tinh thần dân tộc và phẩm chất con người. Trong đó, thế hệ đầu tiên – lớp người đau thương nhất và ý thức sâu sắc nhất về con đường cách mạng với đại diện là cụ Mết để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.
Nguyễn Trung Thành là cây bút thuộc về đất và người Tây Nguyên. Tuy quê đất Quảng, nhưng hình ảnh đất và người Tây Nguyên trong trang văn Nguyễn Trung Thành chân thực, sống động và lấp lánh bản sắc anh hùng. Truyện ngắn “Rừng xà nu” cũng tương tự như một cuốn sử thi. Tuy nhiên, ở đó không tập trung làm bật lên hình tượng tù trưởng như Đăm Săn, Xinh Nhã mà là hình tượng tập thể các thế hệ làng Xô Man anh hùng. Thế hệ đầu tiên, người còn lại gần như là duy nhất – cụ Mết. Do vậy khi khắc họa hình tượng nhóm thế hệ đời đầu, Nguyễn Trung Thành tập trung vào khắc họa nhân vật cụ Mết.
>>>Xem thêm:
- Cảm nghĩ về tác phẩm Rừng Xà Nu
- Tóm tắt truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
- Cảm nhận về nhân vật Tnú trong Rừng Xà Nu
Nhắc lại về vị trí nhân vật, cụ Mết là nhân vật tiêu biểu cho lớp già làng dân làng Xô Man, tựa cây xà nu đại thụ. Cụ Mết như chứng nhân lịch sử, là pho tàng kinh nghiệm sống, là bộ biên niên sử của một thời “đất nước đứng lên”. Hơn ai hết, các thế hệ sau coi cụ Mết như cây cột vững chắc để nương tựa tinh thần và niềm tin vào cách mạng. Cụ Mết dạy con cháu lẽ phải, điều đúng. Lời cụ Mết như lời sấm truyền chân chính thay phát ngôn về tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành.
Về ngoại hình, cụ Mết có vẻ đẹp ấn tượng. Dáng hình cụ Mết tương ứng với một cây xà nu đại thụ: “ngực căng như một cây xà nu lớn”, râu “đã dài tới ngực và vẫn đen bóng”, “bàn tay chắc nịch nặng như kìm sắt và sần sùi như vỏ cây”, “mắt sáng và xếch ngược”, “vết sẹo láng bóng”… Đặc biệt, cụ Mết có “giọng nói ồ ồ dội vang trong lồng ngực” tựa âm hưởng núi rừng đại ngàn, kết tinh mọi trầm tích văn hóa.
Về tính cách, cụ Mết là người tuyệt đối trung thành với cách mạng. “Đảng còn thì núi nước này còn”. Cụ Mết yêu dân làng hết mực, tin yêu vào thế hệ con cháu. Cụ Mết đặt bàn tay chắc nịch ấy lên vai Tnú vừa động viên vừa đặt niềm tin trọn vẹn. Cụ Mết thực hiện đúng nghĩa vụ truyền lại cho con cháu truyền thống và phẩm chất con người Tây Nguyên. Nhân vật đã lấy chính bản thân và hình ảnh thế hệ cha anh còn sống như Tnú để giáo dục con cháu. “Nhớ lấy… ghi lấy…”, “không có gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “gạo người Strá mình làm ra ngon nhất vùng”… những lời cụ Mết là tâm huyết của cả thế hệ. Cùng với việc truyền đạt truyền thống, phẩm chất, cụ Mết còn đúc kết triết lí sống và chân lí cách mạng nhắc nhở thế hệ trẻ: “Đánh thằng Mỹ phải đánh dài”, “Chúng nó cầm súng thì mình phải cầm giáo”…
Tóm lại, nhân vật cụ Mết là hội tụ khí thiêng sông núi, in đậm dấu vết siêu phàm của ông già trong truyện thần thoại nhưng cũng vô cùng gần gũi, thân thương. Nguyễn Trung Thành đã sử dụng hệ thống ngôn từ linh hoạt, giàu sức biểu cảm cùng nghệ thuật xây dựng không gian đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn để phục dựng chân dung một cụ Mết thần thoại. Truyện ngắn “Rừng xà nu” đã khẳng định tài năng và vị trí Nguyễn Trung Thành trong nền văn học kháng chiến 1945-1975 bên cạnh nhiều cái tên khác như Nguyễn Thi, Nguyễn Khải hay Nguyễn Minh Châu.
>>>Xem thêm:
- Phân tích nhân vật tnú trong tác phẩm rừng xà nu
- Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng Xà Nu
- Hình ảnh con người tây nguyên trong truyện ngắn Rừng Xà Nu
- Chủ nghĩa anh hùng trong truyện ngắn Rừng xà nu