Cảm nghĩ về sách vở mình đọc và học hàng ngày – văn hay lớp 7
Cảm nghĩ về sách vở mình đọc và học hàng ngày – văn hay lớp 7 Bài làm 1 M. Go-rơ-ki từng nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Từ lâu, sách đã là người bạn tri âm tri kỉ của con người trong việc chiếm lĩnh tri ...
Cảm nghĩ về sách vở mình đọc và học hàng ngày – văn hay lớp 7
Bài làm 1
M. Go-rơ-ki từng nói: “Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống”. Từ lâu, sách đã là người bạn tri âm tri kỉ của con người trong việc chiếm lĩnh tri thức cũng như là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần. Những cuốn sách ta đọc và học hàng ngày có một vai trò không nhỏ trong cuộc sống của chúng ta.
Sách đã có mặt từ lâu trong đời sống con người. Thuở xa xưa, sách là những con chữ được ghi trên thẻ tre, mai rùa. Qua thời gian, nhờ việc phát minh ra giấy và công nghệ in ấn, sách trở nên phổ biến và là công cụ đắc lực giúp con người tiến đến chân trời của kiến thức.
Chúng ta yêu quý và trân trọng sách vì nó chứa đựng nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại. Những kinh nghiệm, tư tưởng và học vấn của ông cha ta qua mấy nghìn năm lịch sử đều được lưu giữ trong sách. Sách lịch sử là cỗ máy thời gian giúp ta quay lại thời quá khứ xa xưa, ta dường như được chứng kiến những trận đánh oanh liệt mà hào hùng của dân tộc thuở nào. Sách địa lí lại đưa ta đi du lịch vòng quang trái đất, từ những khu rừng rậm xa xôi đến tận nơi sâu thẳm dưới lòng đại dương. Nhờ sách địa lí, ta có thể hiểu thêm về một đất nước, nền văn hóa, những phong tục tập quán của các dân tộc trên thế giới. Sách văn học dạy ta biết yêu thương nhiều hơn, ta vui cái vui của nhân vật, buồn cái buồn của nhân vật trong sách. Thậm chí, nó còn khiến ta phải nhỏ lệ hay lên tiếng bức xúc, căm hờn. Từ đó, ta thêm thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với những nỗi đau khổ, bất hạnh của con người. Sách kĩ năng lại cung cấp cho ta những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống, để ta tự tin vững bước trong cuộc đời. Sách đã trở thành người thầy của muôn triệu người, là chìa khóa để ta mở cửa lâu đài tri thức. Muốn thành công, ta không thể không có sách dẫn đường chỉ lối.
Sách còn mang lại cho ta niềm vui khi được hòa mình và chìm đắm trong một thế giới khác. Ở thế giới đấy, ta có cơ hội để thỏa sức tưởng tượng bay bổng và tìm ra con người thật của chính mình. Những lúc khó khăn, tìm đến sách, ta sẽ có được những lời khuyên đúng đắn và quý giá. Lúc ta bế tắc, buồn phiền hay đau khổ, sách lại nhẹ nhàng an ủi, vỗ về tâm hồn ta, cùng ta vượt qua những trắc trở trong cuộc sống. Nhờ có sách, chúng ta không còn cô đơn. Sách chính là người bạn gần gũi, không bỏ mặc ta ngay cả trong giờ phút tăm tối nhất. Sách đã trở thành món ăn bổ dưỡng cho tâm hồn, giúp ta nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp và phát triển nhân cách.
Bên cạnh những cuốn sách bổ ích, vẫn có những cuốn sách chứa nội dung không lành mạnh, phản cảm, đồi trụy. Những cuốn sách ấy sẽ làm hoen ố tâm hồn chúng ta khi truyền đạt những thông tin sai sự thật, khiến ta chán nản, bi quan, tuyệt vọng. Vì thế, chúng ta cần biết chọn sách mà đọc, đọc để lấy kiến thức, bồi đắp cho bản thân chứ không phải để làm màu, khoe mẽ. Đọc sách cũng là một thú vui giúp ta giải tỏa căng thẳng trong học tập và làm việc. Vậy nên, mỗi người cần rèn luyện thói quen đọc sách cho mình, đọc lấy chất lượng chứ không phải là số lượng, kết hợp giữa sách phổ thông, thường thức với sách chuyên sâu.
Sách có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc sống của mỗi con người, vì vậy, chúng ta phải biết trân trọng, nâng niu những cuốn sách, những tri thức đã được ông cha ta dày công tích lũy trong sách. Sách không chỉ là nguồn kiến thức mà còn là nguồn vui, nguồn an ủi, nguồn động viên trong cuộc sống hàng ngày.
Bài làm 2
Nhà văn nổi tiếng của Nga Gorki nói: " Sách vở là cái thang để tiến bộ xã hội". Sách là thiên đường tri thức, là thức ăn tinh thần của nhân loại còn việc học chính là cách con người lên đến thiên đường.
Sách vở và học tập vốn dĩ luôn đi liền với nhau. Người ta nói rằng " trong sách giấu vàng". Tri thức của sách vở là vô cùng, vô tận, đọc sách để tiếp thu tinh hoa của nhân loại, mở rộng tâm nhìn, giúp chúng ta có kĩ năng sáng tạo, thực hiện công việc của đời mình.
Điều quan trọng nhất ở sách vở không phải nhiều hay ít mà chất lượng mới quan trọng. Một cuốn sách hay giúp người đọc mở mang tư duy nhạy bén, những kiến giải tinh thâm, rèn luyện tư tưởng, đạo đức cần có, hình thành nhân cách của con người. Còn những loại sách văn hóa phẩm đồi trụy, sách không có nội dung răn dạy con người, chúng ta không nên đọc. Về mặt này, Anghen là một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, 19 tuổi ông đã tinh thông 12 thứ tiếng, sau đó ông luôn duy trì thói quen đọc sách để tích lũy vốn tri thức. Cuối cùng ông trở thành nhà nghiên cứu khoa học và đưa ra những vận động của chủ nghĩa tư sản quốc tế, mang lại nhiều thành tựu to lớn cho xã hội.
Sách vở và học tập, luôn đi liền, ta học tập và rèn luyện từ sách vở và nhờ việc tích cực tĩnh luy tri thức ta lại tạo ra những cuốn sách mới. Lenin từng nói rằng:" học học nữa học mãi", có lẽ việc học là việc cả đời và tri thức là vô hạn mà đời người là hữu hạn. Ta dùng tất cả khả năng để tiếp nhận được càng nhiều kiến thức càng tốt nhưng không bao giờ có thể hiểu thấu hết bể tri thức rộng lớn. Học tập khiến con người ta có thêm nhiều điều mới mẻ, có những nhận thức đúng đắn về mọi sự vật, sự việc xung quanh mình. Khi ta học, ta mới biết vì sao có những đám mây, mới biết đó là do hơi nước tích tụ. Chỉ có học ta mới khám phá ra những vị tinh tú trên bầu trời, mới có thể biết nơi ta sinh sống không phải là duy nhất, mà còn nhiều hành tinh khác tồn tại những điều bí ẩn mà con người chưa biết. Khi học, ta hiểu được những đạo lí làm người, người ta nói rằng " tiên học lễ, hậu học văn", chính học tập giúo ta nhận thức được những điều sâu sa đó. Chúng ta có rất nhiều cách học, trong đó có sự kiên trì trước sau như một là điều cần thiết. Kiên trì học tập giúp ta ở vào vị trí bất khả chiến bại, nhưng nếu không tiếp tục bổ sung kiến thức, kinh nghiệp thì sẽ bị xã hội đào thải. Giống như lời nói củ Johann Wolfgang von Goether:" Ai lạc hậu so với thời đại sẽ gánh chịu tất cả những khổ đau do thời đại đó để lại". Nhưng trong thực tế, vẫn có những bạn học sinh lười học, coi chuyện học là việc không cần thiết, hoặc học chỉ để lấy bằng cấp chứ không thực tâm muốn tích lữu tri thức của nhân loại. Mỗi con người chúng ta nên ý thức việc học tập và sách vở của mình một cách tốt nhất. Hãy sử dụng tất cả những gì mình có để biến tri thức của nhân loại thành nguồn kiến thức của riêng mình.
Thế kỉ XXI là thời kì bùng nổ tri thức, kinh tế dựa trên cơ sở tri thức- nền kinh tế tri thức, vì vậy mỗi chúng ta cần phải không ngừng học tập, tiếp thu từ sách vở và từ đời sống để bắt kịp thời đại. Hãy nhớ rằng thời gian là vàng là bạc, hãy học tập và tích lũy tri thức từ hôm nay để mai sau ta trở thành một con người có ích cho xã hội.