02/03/2018, 22:36

Cảm nghĩ của em đêm trăng trung thu

Đề bài: Bài làm Vào mỗi độ thu về, khi nghe tiếng múa trống sư tử vang dội khắp thôn cùng ngõ hẻm, khi hương thơm của cốm Vòng quấn quýt, quyện vào hương thơm ngọt ngậy của bánh trung khi, cũng là lúc những cảm xúc về đêm trăng trung thu lại ùa về. Mùa thu- ...

Đề bài:

Bài làm

Vào mỗi độ thu về, khi nghe tiếng múa trống sư tử vang dội khắp thôn cùng ngõ hẻm, khi hương thơm của cốm Vòng quấn quýt, quyện vào hương thơm ngọt ngậy của bánh trung khi, cũng là lúc những cảm xúc về đêm trăng trung thu lại ùa về.

Mùa thu- người ta thường nói đó là mùa của sự xao xuyến. Bởi lẽ, chẳng có khi nào đất trời và con người lại cùng nhuốm một màu tâm trạng như khi thu sang. Sắc trời bớt dần tia nắng, chuyển sang dần ảm đạm, lẩn quẩn đâu đây là gió thu nhè nhẹ. Trên khắp các hàng cây, lá vàng rụng nhiều, có những con đường trải kín lá: người ta còn lãng mạn đặt tên cho những con đường như thế là con đường mùa thu. Con người mùa thu chẳng hiểu sao cũng buồn như mùa thu vậy. Cũng chẳng biết từ đâu, từ bao giờ mà mùa thu lại khiến cho con người ta xao xuyến, tràn đầy xúc cảm. Và có lẽ, ngày rằm trung thu chính là khoảng thời gian hiếm hoi trong mùa thu mà không khí rộn ràng, nô nức lại lan tỏa khắp nơi nơi.

Vào ban ngày người ta tất cả chuẩn bị mọi thứ để có mâm cỗ vào đêm trung thu sao cho như ý nhất. Nào chó bòng, chó bưởi, ngộ nghĩnh như những chú cún bước ra từ cuốn truyện Doremon. Nào bánh trung thu nhân thập cẩm, nhân đậu xanh cắt ra từng miếng nhỏ với nhân trứng mặn vàng ươm. Mà kể cũng lạ, ở thời đại đồ Tây đồ Tàu, bánh trung thu không còn là món hàng xa xỉ và khan hiếm như thời chiến tranh, con người có thể ăn bánh trung thu cả ngày, thậm chí cả năm, với đủ các kiểu dáng, mùi vị pha trộn và biến hóa khác nhau. Thế nhưng, chỉ ăn bánh trung thu vào đúng dịp trung thu, nhất là vào đêm trung thu, chúng ta mới cảm thấy hương vị ngon đầy trọn vẹn. Ngoài ra, theo sở thích mỗi gia đình, có người chuẩn bị những gói bỏng, bánh kẹo nhỏ cho trẻ con hàng xóm sang chơi cùng phá cỗ. Cũng có nhà chuẩn bị nhiều hoa quả, bên cạnh chó bưởi là ông tây bằng quả cam, là con gà bằng quả táo, đủ mọi hình hài từ dễ thương ngộ nghĩnh đến mới lạ, dị thường.

Và khi mọi thứ dường như đã chuẩn bị hòm hòm, cũng là lúc trời sẩm tối. Sau khi cơm nước xong xuôi, những đứa trẻ con hàng xóm quây tụ hết vào một nhà có mâm cỗ to nhất. Trẻ con không biết nhiều thơ ca, cũng không lãng mạn như những thi sĩ đời xưa mà vừa uống trà, vừa thưởng trăng. Chúng chỉ biết reo lên: “Kìa, kìa, ông trăng to quá, sáng quá”. Có những đứa lớn hơn, hiểu biết hơn thì ngồi tần ngần, choáng ngợp trước ánh trăng sáng vằng vặc. Nếu mặt trời buổi sáng như quả cầu lửa thì mặt trăng đêm trung thu lại như chiếc mâm vàng, rực rỡ và tươi sáng, khiến ai cũng trầm trò lóa mắt. Và rồi, điều đặc biệt nhất của đêm trung thu đã đến, trước khi phá cỗ, mỗi đứa trẻ lại mang ra những chiếc đèn ông sao của mình để cùng xem chiếc đèn nào đẹp nhất, tinh xảo nhất. Chiếc đèn được các cô bác đánh giá là đẹp nhất thì đứa trẻ đó sẽ có miếng bánh trung thu to hơn, nhiều trứng hơn. Phần quà tưởng chừng nhỏ bé ấy lại được những đứa trẻ trong xóm xem như báu vật của kho báu. Có những đứa mới lớp một, vẫn còn tính làm nũng. Khi chiếc đèn ông sao của mình không được đánh giá đẹp nhất liền lăn ra giữa sân mà kêu gào, giãy giụa, khiến cho mọi người được phen cười vỡ bụng. Vừa ăn, vừa trò chuyện, mâm cỗ trung thu cũng vơi dần, đám trẻ con ban đầu còn hihi haha cười đùa vang khắp xóm bây giờ cũng thấm mệt, có đứa lăn ra ngủ lúc nào không hay, bố mẹ phải sang để bế về. Tiếng cười vơi dần như ánh trăng trung thu cũng bớt rực rỡ hơn, vì đêm trắng sắp tàn hay vì mặt trăng thật sự cảm nhận được niềm vui của con người, ngại ngùng mà trốn vào đám mây.

Đêm trăng thu qua nhanh, khiến ai ai cũng tiếc nuối. Nhiều năm trôi qua, cuộc sống hiện đại làm lu mờ đi những niềm vui thời thơ ấu. Nhưng những cảm xúc về đêm trăng trung thu vẫn khiến tôi nhớ mãi không quên.

Nhẫn Đông

0