24/05/2018, 17:33

Cải tiến và phổ cập phương pháp cứu lò ngải

Ảnh lò ngải cứu Các phương pháp cứu truyền thống ngày nay ít được phổ cập do có nhiều nhược điểm không còn thích hợp với con người hiện đại, như cứu bằng mồi ngải (trực tiếp hoặc gián tiếp) dễ gây ...

Ảnh lò ngải cứu

Các phương pháp cứu truyền thống ngày nay ít được phổ cập do có nhiều nhược điểm không còn thích hợp với con người hiện đại, như cứu bằng mồi ngải (trực tiếp hoặc gián tiếp) dễ gây bỏng phồng lỡ sẹo, hoặc cứu bằng điếu ngải thường tốn công cầm hơ từng huyệt một, lại do thường xê dịch (vì mỏi tay) làm sức nóng không đều không tập trung nên hiệu quả kém.

Để khắc phục các nhược điểm trên đây, Lương y Phan Công Tuấn đã cải tiến phương pháp cứu điếu ngải thành phương pháp cứu lò ngải, với dụng cụ đặc chế lò cứu dùng phố hợp với điếu ngải truyền thống, cùng một số phụ liệu như vải điều lót trên huyệt để điều chỉnh độ nóng, rượu gừng, rượu gấc, rượu tỏi ... để xoa lên vùng huyệt nhằm tăng cường tác dụng tán hàn, hoạt huyết, tiêu độc ... như trong các cách cứu cách gừng, cách gấc, cách tỏi.

Nhìn chung, so với các phương pháp châm và cứu truyền thống, cứu lò ngải có nhiều ưu điểm tiện ích hơn hẳn như sau :

* Cứu lò ngải có thể điều tiết độ nóng (bằng cách tăng hay giảm số lần vải lót) phù hợp theo cảm thụ riêng của từng người bệnh, nên tránh được tai biến bỏng lỡ thường gặp khi đốt cứu.

* Cứu lò ngải có lò cứu giữ cố định điếu ngải trên huyệt cần cứu nên nhiệt lượng tập trung, sức nóng ổn định giúp hiệu quả tăng cường, mặt khác nhờ không phải dùng tay cầm giữ, nên cùng một lúc có thể cứu nhiều huyệt, giúp thầy thuốc tiết kiệm đựoc thời gian làm việc, cũng như người bệnh đỡ tốn thời gian chờ đợi.

* Cứu lò ngải chủ yếu mang lại cảm giác ấm nóng khoan khoái dễ chịu (tính ôn bổ), thích hợp cho nhiều loại hình bệnh tật, nhất là các bệnh chứng suy nhược mạn tính; không gây đau rát, không có nguy cơ lây nhiễm bệnh qua đường máu, không đòi hỏi chế độ thanh tiệt trùng nghiêm ngặt, nên có thể thực hiện điều trị lâu dài mà người bệnh không phải e dè sợ hãi.

* Cứu lò ngải dùng thủ thuật thao tác đơn giản, ấn định vùng huyệt rộng rãi dễ xác định, nên người bệnh hay người nhà sau một vài lần được thầy thuốc hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” là có thể tự thực hiện đốt cứu trị bệnh tại nhà.

* Cứu lò ngải không những tiết kiệm tiền bạc (vì chi phí giá thành điều trị rất thấp) thích hợp cho quãng đại quần chúng lao động nghèo, mà còn phù hợp với ngân quỹ thời gian rất eo hẹp của con người hiện đại.

Tóm lại, lò cứu ngải là phương pháp cứu cải tiến mang đậm bản sắc khoa học, dân tộc, đại chúng, nếu được các cẫp lãnh đạo hội ngành y tế quan tâm tạo điều kiện phổ cập rộng rãi trong công tác CSSKCĐ chắc chắn sẽ góp phần đắc lực phục vụ cho công tác xã hội hóa y dược học cổ truyền và sự nghiệp hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Châm cứu là phương pháp chữa bệnh độc đáo chiếm vị trí rất quan trọng trong hệ thống Đông y học cổ truyền. Đó là những y thuật quen thuộc, đơn giản nhưng hiệu quả, được quảng đại quần chúng ưa thích và tín nhiệm từ ngàn đời nay. Việt Nam chúng ta rất đỗi tự hào là một trong các nước có lịch sử châm cứu lâu đời nhất trên thế giới, trải qua bao biến thiên thăng trầm vẫn tồn tại và phát triển trong lòng văn hóa dân tộc cho đến ngày nay. Đặc biệt trong hơn nửa thế kỷ vừa qua, châm cứu Việt Nam với con chim đầu đàn là GS. Nguyễn Tài Thu đã không ngừng đi lên đạt được nhiều thành tựu to lớn trên cả hai bình diện phổ cập và chuyên sâu, phục vụ đắc lực sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng (CSSKCĐ).

Phương pháp cứu là một trong hai bộ phận của khoa châm cứu, thuộc phạm vi phép chữa ngoài (ngoại trị, khác với nội trị là dùng thuốc uống trong), tức thông qua tác động kích thích lên huyệt vị từ mặt ngoài cơ thể nhằm điều chỉnh khí huyết kinh mạch và công năng tạng phủ bên trong để đạt mục đích phòng trị bệnh tật. Nếu châm là dùng các loại kim nhỏ châm vào huyệt vị rồi làm thủ thuật kích thích đau - tức - tê - nặng, thì cứu lại dùng mồi ngải hoặc điếu ngải đốt hơ trên huyệt vị, lấy sức nóng và khí thuốc tác động, vừa có tác dụng điều khí trị thần như phép châm, lại có công năng ôn kinh tán hàn, thông hành huyết mạch, thăng đề tạng khí, phò nguyên cố thoát chiếm ưu thế hơn hẳn so với phép châm. Chính vì vậy mà trong tác phẩm kinh điển Nội Kinh Linh Khu (thiên Quan Năng) đã viết rằng các chứng châm không tác dụng thì dùng cứu rất tốt (châm sở bất vi, cứu chi sở nghi). Do đó từ ngày xưa, châm và cứu là được kết hợp sử dụng trong một khoa thống nhất thể hiện qua danh xưng châm cứu còn đến ngày nay.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, hiện nay đang có sự phát triển mất cân đối trầm trọng giữa hai bộ môn châm và cứu. Có thể nói không ngoa, là toàn bộ thành tựu phát triển của châm cứu Việt Nam trong mấy chục năm qua gần như gói trọn trong lĩnh vực châm, nhất là các phương pháp châm mới như mãng châm, điện châm, thủy châm, nhu châm, châm tê, châm loa tai ... Còn về phương pháp cứu thì hầu như giẫm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là ngày càng mai một. Có trên 90% bệnh nhân đi điều trị châm cứu nhưng thực tế chỉ được châm chứ không hề được cứu.

Theo chúng tôi, sở dĩ phương pháp cứu không thịnh hành là do các nguyên nhân chính sau :Đối với thầy thuốc, dùng phép cứu tốn thời gian gấp đôi ba lần so với châm, vì phải cứu từng huyệt một, phải trực bên bệnh nhân suốt thời gian cứu, trong khi đó nếu dùng châm thì thời gian lưu kim có thể đi khám bệnh, bốc thuốc hoặc châm cho người khác. Đối với bệnh nhân, dùng cứu - nhất là cứu bằng mồi ngải, cứu trực tiếp thường gây nóng rát, phồng lỡ thành sẹo nên ít muốn tiếp nhận phương pháp này. Hơn nữa, đối với các bệnh thích ứng cho phép cứu thường thiên về hư hàn, suy nhược lâu ngày, bệnh mạn tính, đòi hỏi thời gian trị liệu lâu dài, nếu công việc bận rộng không có điều kiện đến cơ sở chẩn trị thường xuyên thì khó đạt kết quả như mong muốn.

Để giải quyết những khó khăn thực tiễn trên đây, sau nhiều năm mày mò thực nghiệm cải tiến các phương pháp đốt cứu, cuối cùng chúng tôi đã tìm ra phương pháp cứu lò ngải khả dĩ khắc phục được những nguyên nhân bất lợi nêu trên đồng thời có thể hướng dẫn cho bệnh nhân tự thao tác thực hành điều trị tại nhà theo chỉ định của thầy thuốc.

Phương pháp phòng chữa bệnh đơn giản và hiệu quả này, nếu được tổ chức phổ cập rộng rãi trong nhân dân, nhất là ở những vùng sâu vùng xa sẽ trở thành một công cụ đắc lực phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

0