Cách phát triển tư duy cho bé
Cách phát triển tư duy cho bé Dạy con cách tư duy thông minh Cách phát triển tư duy cho trẻ Gien di truyền tác động phần nào đến kết quả học tập của các bé. Tuy nhiên, chính môi trường, phương pháp học, ...
Cách phát triển tư duy cho bé
Cách phát triển tư duy cho trẻ
Gien di truyền tác động phần nào đến kết quả học tập của các bé. Tuy nhiên, chính môi trường, phương pháp học, sự tác động tích cực từ cha mẹ, thầy cô có thể cải thiện năng lực của bé. Vì vậy thay vì dạy con ghi nhớ những điều máy móc, các bạn hãy dạy con cách khả tư duy, sáng tạo.
Trong giai đoạn trẻ học mẫu giáo, một trong những cách cha mẹ có thể thúc đẩy sự phát triển tư duy của con là chỉ ra đặc điểm của những đồ vật, sự vật mà lúc bình thường trẻ có thể không để ý tới. Và mặc dù trẻ từ 3 đến 4 tuổi thường đủ khả năng làm theo những trình tự đơn giản để thực hiện một mục tiêu nào đó, các con sẽ thấy khó khăn hơn nhiều nếu phải chủ động hình dung ra một bức tranh lớn hơn trong đầu và giữ được mục tiêu của mình trong ý thức. Vì thế, hãy luôn nhắc nhở con về những công việc mà con đang cố gắng thực hiện cũng như những quy định và nguyên tắc liên quan tới công việc đó. Một số nhà nghiên cứu tin rằng ở độ tuổi từ 3 đến 5, hầu hết các bé đã bắt đầu biết nhìn nhận từ những kinh nghiệm mà mình trải qua, và từ đó đã sẵn sàng để phát triển những kỹ năng căn bản như: dự đoán, kiểm tra kết quả, tự giám sát và thử nghiệm thực tế.
Một số gợi ý có ích để giúp trẻ phát triển kỹ năng tư duy:
Thực hiện những hoạt động mà qua đó bạn có thể tư duy cùng với con. Hãy chắc chắn rằng bạn luôn nói ra tiếng những suy nghĩ của mình: "Chúng ta sẽ làm gì tiếp theo nhỉ?", "Việc mẹ con mình đang làm bây giờ có giống với việc mình đã từng làm trước đây không?", "Hãy dừng lại một chút và xem chúng ta đang làm như thế nào rồi." "Hai mẹ con mình đang cố gắng làm việc gì thế?", "Con có thể làm gì để thực hiện việc này tốt hơn?"
Luôn luôn bắt đầu bằng việc giúp con bạn tóm tắt lại những gì con đã biết về một đề tài hoặc một vấn đề nào đó, từ đó con có thể có được sự kết nối và hình dung ra hoàn cảnh của công việc con đang thực hiện. Sử dụng phương pháp bản đồ tư duy sẽ rất tuyệt vời.
Hãy hướng dẫn con bạn xây dựng một kế hoạch giúp con tiến tới mục tiêu cuối cùng qua từng bước. Con sẽ thực hiện công việc này như thế nào? Những trở ngại gì mà con có thể gặp phải? Con sẽ đối phó với những trở ngại đó ra sao?
Thúc đẩy 4 kỹ năng siêu nhận thức căn bản: dự đoán, kiểm tra, giám sát và đánh giá.
Giúp con hiểu được tại sao việc làm chủ một vấn đề hoặc kỹ năng cụ thể sẽ có ích cho cuộc sống của con và làm thế nào để con học được cách liên hệ từng sự việc tới những gì con đã biết.
Luôn luôn khuyến khích trẻ tự đánh giá hiệu suất công việc của mình. Nhiệm vụ này có gì khó khăn? Những điều gì đã giúp con thực hiện nhiệm vụ này? Con đã học được những gì để có thể tiếp cận những nhiệm vụ tương tự trong tương lai?
Nguyên tắc chung là hãy đặt câu hỏi để hỗ trợ hoặc khuyến khích con bạn tự tư duy, thay vì hướng dẫn và đưa ra những đáp án dễ dàng. Huấn luyện viên David Hemery – người đã từng đạt huân chương Olympic – nhận xét: "Nếu những câu hỏi của chúng ta có thể thúc đẩy nhận thức và ý thức tự chịu trách nhiệm của trẻ, chắc chắn điều đó sẽ giúp gia tăng sự tự tin của chúng."
Khuyến khích trẻ tự nói chuyện với bản thân khi giải quyết một nhiệm vụ nào đó, từ đó trẻ sẽ có ý thức hơn về quá trình tư duy của mình.
Hãy cẩn thận để không nhắc nhở trẻ quá nhiều. Trẻ sẽ học tốt nhất khi có thể tự mình phát hiện ra một điều gì đó. Nếu bạn đưa ra những câu hỏi gợi ý hoặc những lời nhắc nhở quá nhanh thì trẻ sẽ trở nên phụ thuộc vào bạn.
Thuyết phục trẻ không nên vội vàng. Trẻ sẽ không thể có được sự tự ý thức, tự giám sát và những nhìn nhận sâu sắc nếu bé luôn hấp tấp để đạt được kết quả cuối cùng. Bé chắc chắn sẽ bất cẩn và dễ mắc lỗi hơn. Hãy làm gương và cho trẻ thấy những thói quen tốt, chứng minh cho bé hiểu rằng đôi khi việc dành thời gian để thực sự nắm được một điều gì đó một cách cặn kẽ là rất quan trọng.
Cuối cùng, luôn luôn giúp con bạn xác định và chỉ ra được những nguyên tắc, chiến lược, hoặc quy định nào đã giúp làm tăng hiệu suất công việc của con trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Điều này cho phép con bạn xây dựng được những kỹ năng giải quyết vấn đề. Nhà toán học và triết học người Pháp – Rena Descartes đã nhận xét: "Mỗi vấn đề mà tôi giải quyết đều trở thành một nguyên tắc để áp dụng cho những vấn đề sau đó." Trẻ thường suy luận và áp dụng những nguyên tắc một cách không ý thức, vì thế trẻ sẽ khó có thể biết cách sử dụng những nguyên tắc này trong những hoàn cảnh khác.