12/01/2018, 17:11

Cách làm bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Cách làm bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh Muốn giới thiệu một danh lam thắng cảnh, ta phải đến tận nơi thăm thú để nhận diện cảnh sắc thiên nhiên; phải hỏi han những người bản địa hoặc có hiểu biết về danh lam thắng cảnh ấy, lại còn phải tra cứu sách vở, nhất là khi viết về di tích ...

Cách làm bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

Muốn giới thiệu một danh lam thắng cảnh, ta phải đến tận nơi thăm thú để nhận diện cảnh sắc thiên nhiên; phải hỏi han những người bản địa hoặc có hiểu biết về danh lam thắng cảnh ấy, lại còn phải tra cứu sách vở, nhất là khi viết về di tích lịch sử.

  1. Phương pháp

Muốn giới thiệu một danh lam thắng cảnh, ta phải đến tận nơi thăm thú để nhận diện cảnh sắc thiên nhiên; phải hỏi han những người bản địa hoặc có hiểu biết về danh lam thắng cảnh ấy, lại còn phải tra cứu sách vở, nhất là khi viết về di tích lịch sử.

Bài thuyết minh cũng có ba phần, trong đó tự sự, miêu tả và biểu cảm là những yếu tố chủ đạo.

2.Bài đọc tham khảo

Côn Sơn - di tích và danh thắng

Núi Kỳ Lân, tức Côn Sơn dân gian quen gọi là núi Hun, cao gần 200 mét, dài trên 1km, gần địa phận trang Chu Ca xưa, sau thuộc xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn thời Trần, thời Lê đổi thành Phượng Nhỡn, nay là xã Cộng Hoà, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Núi có hình con sư tử khổng lồ, sau những năm tháng viễn du, về đây dừng chân, nhìn về phương đông mà suy nghĩ.

Bắc Côn Sơn giáp núi Ngũ Nhạc, cao 238 mét, trên đỉnh có miếu thờ thần núi gọi là "Ngũ Nhạc linh từ'. Tây tiếp nối với núi U Bò và một thung lũng xanh tươi những luỹ tre, ẩn hiện những mái nhà tranh đây đó. Cách xa 5km là Kiếp Bạc, nơi Trần Hưng Đạo đóng đại bản doanh trong thời kì kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông và nơi ông sống những năm tháng đất nước thanh bình. Nam có xóm Tiên Sơn và một bãi giễ thanh hao mênh mông, mịn màng. Tương truyền khi Trần Nguyên Đán về đây, ông trồng thông, bà trồng giễ tức lá bãi giễ này. Xa hơn là thung lũng núi Phượng Hoàng nơi Chu Văn An - một nhà giáo mẫu mực thời Trần lui triều dựng nhà dạy học. Đông là chùa Côn Sơn, hồ Bán Nguyệt, hồ Côn Sơn - xa hơn là Chi Ngại, cố hương của Nguyễn Phi Khanh. Từ đỉnh cao của Côn Sơn nhìn về đông bắc l0km tại Thanh Mai có một quả núi hình hoa sen quanh năm cỏ cây tươi tốt, đây chính là núi Bái Vọng, nơi để di hài của Phi Khanh, người cha muôn vàn kính yêu của Nguyễn Trãi.

Đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Ở đây có di tích nền một kiến trúc cổ, hình chữ công (I). Từ đây có thể nhìn được toàn cảnh Côn Sơn và vùng núi kế cận. Từ chùa lên Bàn Cờ Tiên có bậc đá xếp từ nhiều thế ki trước, nay đã được khôi phục gồm trên 600 bậc.

Rừng Côn Sơn thông mã vĩ mọc bạt ngàn, có cây tuổi vài thế kỉ. Ngoài thông là trúc, nứa, sim, mua, mẫu đơn. Xưa còn có mai. Mỗi năm khi mùa xuân đến, Côn Sơn khoác trên mình tấm áo hoa tươi thắm.

Suối Côn Sơn chảy rì rào quanh năm suốt tháng. Bên suối có hai tảng đá sỏi kết lớn tương đối bằng phẳng, gọi là Thạch Bàn. Thạch Bàn lớn (28,5x6m) gọi là "Hòn đá năm gian". Đây là di tích thường được nhắc đến trong thơ văn cổ. Tương truyền Nguyễn Trãi thường ngồi đây ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước. Suối xưa có cầu Thấu Ngọc được các sử gia và thi nhân ca ngợi như một công trình tuyệt mĩ.

Sáu thế kỉ trước, Côn Sơn như cảnh thần tiên qua ngòi bút của Phi Khanh trong 'Thanh Hư động kí' viết năm 1834: "Khói đầu non, ráng ngoài đáo, gấm vóc phô bày. Hoa dọc suối, cỏ ven rừng, biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem. Phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối reo xa vời mà hư không, sâu thẳm mà yên lặng, hợp với tai mắt và tâm hồn người ta ở đây đều có đủ cả...". Với Nguyền Trãi, Côn Sơn hữu tình và tha thiết:

" Côn Sơn có suối, nước chảy rì rầm, ta lấy làm đàn cầm.

Côn Sơn cỏ đá, mưa xối, rêu xanh đậm, ta lấy làm chiếu thảm.

Trong núi có thông, muộn dặm rờn rờn biếc một vùng, ta tha hồ nghỉ ngơi ở trong

Trong rừng có trúc, ngàn mẫu, in biếc lục, tư tha hồ ngân nga bên gốc...".

(Trích tài liệu của Hội đổng nghiên cứu lịch sử tỉnh Hải Dương,)

Núi Bà Đen

Người ta bảo núi Bà Đen là một thắng cảnh của miền sơn cước Tây Ninh, thật không phải quá đáng!

Những buổi bình minh, mặt trời còn bẽn lẽn núp sau sườn núi, phong cảnh nhuộm những màu sắc đẹp lạ lùng. Hòn núi từ màu xám xịt đổi ra màu tím sẫm; từ màu tím sẫm đổi ra màu hồng; rồi từ màu hồng lần lần đổi ra màu vàng nhạt. Cho đến lúc mặt trời chễm chệ ngự trị trên chòm mây, ngọn núi mới trở lại màu xanh biếc thường ngày của nó.

Ngoài cảnh rừng sâu và núi cao, núi Bà Đen còn chứa bao nhiêu là kì quan và di tích: nào gót chân Phật trên thạch bàn; nào suối vàng, hang gió, nào điện, đảnh cổ kính, uy nghi. Đâu đâu cũng có thơ đề, phú vịnh của khách thập phương vãng lai.

Nhưng phần đông khách thập phương đến viếng núi, không phải vì hâm mộ thắng cảnh danh lam, mà chính vì họ kính phục uy linh của đức Bà Đen. Tục truyền, ngày xưa, khi chúa Nguyền Ánh còn bôn đào vì Tây Sơn đánh đuổi, một hôm phải dừng chân lánh nạn trên núi. Đức Bà hiển linh cho chúa nằm mộng, chỉ con dường cho chúa thoát thân. Vì nhớ ơn ấy, sau khi phục quốc, chúa liền sắc phong cho Bà chức "Linh Sơn thánh mẫu".

Chung quanh một di tích lịch sử, người ta thường hay thêu dệt những chuyện hoang đường huyền bí, để cho người đời sau thêm phần kính phục. Câu chuyện tục truyền trên đây cũng ớ trong trường hợp đó.

Thẩm Thệ Hà

 

Thác Vàng, Thác Bạc trên non Yên

Có du khách đã nói: “Đến với Yên Tử là đi về cõi Phật”. Non Yên là Yên Tử, miền đất linh thiêng của Đại Việt, ở về phía đông bắc của nước ta, thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Yên Tử gắn liền bao huyền tích huyền thoại về An Kỳ Sinh, về Trần Nhân Tông. Đến Yên Tử, du khách sẽ được thăm thú hàng trăm con suối, con thác, thảo am, chùa chiền, những rừng tùng, những rừng trúc,... Cảnh lâm tuyền như vẫy mời, như níu giữ. Chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu,... và chót vót là chùa Đồng, mở ra một thế giới kì thú như đi dần về cõi Phật.

Bạn đã được soi mình vào thác Ngự Dội chưa? Bạn đã được trầm ngâm lắng nghe và ngắm nhìn Thác Vàng lúc bình minh, Thác Bạc lúc chiều tà chưa?

Thác Ngự Dội nước trong lành, cát sỏi trắng phau mang bao hương rừng hoa núi, là nơi vua Trần Nhân Tông hơn 700 năm về trước, ngày ngày ra tắm mát trước khi về am Thiền Định cầu kinh.

Con đường đèo, đường núi từ Thác Vàng đến Thác Bạc, từ tây sang đông, du khách phải leo đèo, lội suối, len lỏi qua nhiều rừng tùng, rừng trúc, mất gần trọn một ngày. Chỉ một hai nắm cơm vừng, một chai nước lọc hay nước suối, thế mà ai cũng cảm thấy thư thái, thênh thênh.

Hãy ôm lấy một cây lão tùng mà lắng tai nghe đàn chim rừng thánh thót hót hoà điệu với thác dội ầm ầm, tiếng suối tuôn róc rách. Từ vách núi cao hàng mấy chục mét, hàng trăm mét, Thác Vàng tuôn lấp lánh. Nước như từ trời cao trút xuống ầm ầm quanh năm. Có đoạn thác uốn cong như một tấm lụa mỡ gà khổng lồ căng lên dưới ánh nắng, cứ nhấp nha nhấp nhánh. Trúc và tùng khép tán, rì rầm lao xao. Đứng dưới chân thác nhìn lên, ta chỉ thấy ánh mặt trời xanh trên ngọn tháp. Bọt nước tung mù mịt trong ánh mạt trời xiên ngang, Thác Vàng mờ ảo, lung linh trong bảy sắc cầu vồng làm mê hồn du khách. Nước suối Vàng chảy về suối Tiên ở chùa Giải Oan.

Một chén tà sương pha bằng nước Thác Vàng, mấy đọt măng trúc nấu bằng nước suối Tiên, đã mấy ai được một lần thưởng thức? Cái ngọt thơm của hương rừng hoa núi chốn non Yên ấy làm cho ta ngất ngây, và mới cảm thấy ý vị sâu xa của thu lâm tuyền mà cổ nhàn mến trọng.

Càng lên cao, tưởng như Phật cho ta sức khỏe để lội suối leo đèo. Thác Bạc đã hiện ra phía trước lúc mặt trời đã ngả bóng. Qua Am Diêm là ta đến Thác Bạc. Tiếng chim gõ kiến, tiếng gà rừng, tiếng chim đại bàng đất... đồng thanh cất lên như hoan hỉ chào mừng.

Vẻ đẹp của Thác Bạc là dòng nước như một chiếc đuôi rồng rủ xuống, êm đềm và huyền ảo, không rền vang như tiếng Thác Vàng. Nơi chân thác, nước tạo thành một chiếc hồ tuyệt đẹp. Có đủ dáng hình đá nằm trong lòng hồ nước trong vắt, có thể nhìn thấy tận đáy. Những con cá nhỏ óng ánh như chiếc kim tung tăng bơi lượn. Chân Thác Bạc có nhiều cây tùng cổ thụ vài trăm tuổi, trải qua nhiều sương tuyết mà vẫn biếc xanh, đứng trầm mặc soi bóng xuống lòng hồ. Gần Thác Bạc là Am Diêm, Am Hoa, Am Dược; am nào cũng rêu phong lờ mờ, với bao kì tích cổ sự như ru hồn du khách vào cõi mộng.

Thác Vàng, Thác Bạc là địa danh cẩm tú của non thiêng Yên Tử. Thác Vàng Thác Bạc là niềm tự hào của giang sơn gấm vóc. Mùa xuân đi lễ Yên Tử, hỡi du khách gần xa, trước khi đi lễ chùa Đổng, xin đừng quên Thác Vàng, Thác Bạc nhé.

Lê Phan Quỳnh

Du lịch sóng nước miệt vườn Tiên Giang

Với đặc trưng là một vùng sinh thái sông nước, miệt vườn, Tiền Giang đã tạo nên một điểm thu hút du lịch rất hấp dẫn với các cù lao cây trái xanh tươi, các khu dân cư giữa các hệ thống kênh rạch chằng chịt, mênh mông sông nước.

Dựa trên những thế mạnh sinh thái, ngành du lịch Tiền Giang đã đầu tư khai thác nhiều tuyến du lịch đặc sắc. Đến đây, khách du lịch được hít thở không khí thiên nhiên khoáng đạt, hoà mình vào cuộc sống bình dị của cư dân đôi bờ sông Tiền Giang. Hãy vui vẻ chan hoà các trò chơi dân gian như câu cá, chèo thuyền, bơi lội, tăm mát. Hãy nhấm nháp, hãy thướng thức các đặc sản miệt vườn, và trải hồn mình với những bản đờn ca tài tử đậm chất Nam Bộ.

Đặc biệt ấn tượng với du khách là các phiên chợ nổi tấp nập ghe xuồng to nhỏ đủ kiểu. Ghe xuồng nào cũng chất đầy các sản vật miền sông nước và nếp sống thương hồ của người dân miền Tây Nam Bộ.

Tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt, phương thức làm vườn, làng nghề, truyền thống của bà con cô bác nơi đây, cũng là một điều vô cùng thú vị đối với khách thập phương gần xa.

Văn hoá miệt vườn Tiền Giang là một nét đặc sắc của văn hoá Việt Nam, của tâm hồn Việt Nam. Dòng kênh, hoa trái miệt vườn, bông lúa hạt gạo, tôm cá... là hồn quê Tiền Giang, mảnh đất thân yêu của quê hương xứ sở.

Du lịch Vàm Sát bằng thuyền buồm

Vàm Sát nằm trong rừng ngập mặn Cần Giờ thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày nay, Vàm Sát đã trở thành khu du lịch hấp dẫn. Du khách đến Vàm Sát bằng thuyền buồm, một cuộc du lịch hấp dẫn và vô cùng kì thú.

Từ bến Bạch Đằng, vào sáng sớm, du khách sẽ bắt đầu chuyến hành trình trên con thuyền có hai cột buồm nâu mang tên Đông Dương chạy dọc theo sông Sài Gòn đến Lòng Tàu, rồi xuôi Soài Rạp đến Vàm Sát.

Vàm Sát thời chống Mỹ là căn cứ địa của các chiến sĩ đặc công nước Giải phóng quân anh hùng. Hàng trăm tàu chiến giặc đã bị đánh chìm, hàng nghìn lính Mỹ, lính nguỵ đã bị tiêu diệt.

Vàm Sát giờ đây đón du khách bằng một màu xanh bát ngát bao la của            những cánh rừng bần, rừng dước ngập mặn hoang dã. Ngạc nhiên và thú vị vô cùng, du khách sẽ được ngắm nhìn hàng trăm, hàng nghìn con dơi ngủ ngày treo mình trên các vòm lá xanh. Lúc mặt trời sắp lặn, đàn dơi ríu rít, chiu chít gọi nhau bay đi tìm mồi. Con vật lành, cánh xanh biếc, bụng trắng phau, vút bay như những con thoi trên mặt nước.

Sóng vỗ vào mạn thuyền lao xao. Con thuyền buồm len lỏi trong một hệ thống kênh rạch quanh co, len lỏi giữa màu xanh của rừng bần, rừng đước. Bức tranh thiên nhiên như đưa du khách vào cõi thần tiên thơ mộng. Gió mát rượi, lòng nhẹ thênh thênh. Một, hai, ba... đảo khỉ hiện ra, khác nào Hoa Quả Sơn mà Tây du kí đã nói tới.

Ngày tàn. Những đàn cò trắng, hàng nghìn hàng vạn con, nối đuôi nhau, xếp hàng chấp chới bay. Có du khách khẽ thốt lên: “Cò ơi ! Bay về đâu, hỡi cò?” Con cò hiền lành đáng yêu lạ! Vàm Sát thanh binh đáng yêu lạ!..    

Thác Đa trong màn sương mai

Thác Đa nằm bên sườn núi Tản Viên, thuộc huyện Ba Vì, cách Thủ đô Hà Nội 60km.

Thác Đa nổi tiếng với Thác Ông, Thác Bà. Những ngôi nhà sàn xinh xắn Inằm nép dưới tán cây là nơi nghỉ đêm của du khách. Nhiều lối mòn được sắp đặt tự nhiên trong rừng tạo cho Thác Đa vẻ thơ mộng.

Theo đường mòn lên đỉnh thác, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đoá hoa  lan rừng bám trên vách đá, những bụi chuối đơm hoa đỏ rực bên suối.

Càng lên cao, mây như vờn quanh bản, đồng ruộng và bán làng của người Mường hiện lên đẹp như một bức tranh.

Cái thú đến du ngoạn Thác Đa là nhấm nháp rượu cần với thịt nướng và thưởng thức điệu múa của dân tộc Mường xung quanh đống lửa trại.

0