Cách khắc phục lỗi: viết văn sa vào kể chuyện
Cách khắc phục lỗi: viết văn sa vào kể chuyện 5 (100%) 1 vote Thường khi phân tích tác phẩm văn học, học sinh thường sa vào diễn xuôi (đối với thơ) và kể chuyện (đối với văn xuôi). Đi chấm thi, giáo viên rất không thích những bài làm ngớ ngẩn này nên điểm thi của bạn dưới TB là cái chắc. Những ...
Cách khắc phục lỗi: viết văn sa vào kể chuyện 5 (100%) 1 vote Thường khi phân tích tác phẩm văn học, học sinh thường sa vào diễn xuôi (đối với thơ) và kể chuyện (đối với văn xuôi). Đi chấm thi, giáo viên rất không thích những bài làm ngớ ngẩn này nên điểm thi của bạn dưới TB là cái chắc. Những hướng dẫn nhỏ bé sau của thầy hi vọng sẽ giúp đỡ em trong cách hành ...
Thường khi phân tích tác phẩm văn học, học sinh thường sa vào diễn xuôi (đối với thơ) và kể chuyện (đối với văn xuôi). Đi chấm thi, giáo viên rất không thích những bài làm ngớ ngẩn này nên điểm thi của bạn dưới TB là cái chắc. Những hướng dẫn nhỏ bé sau của thầy hi vọng sẽ giúp đỡ em trong cách hành văn. Ở đây thầy hướng dẫn văn xuôi trước nhé (Hướng dẫn khắc phục lỗi diễn xuôi thơ sẽ nằm sau sêri bài này)
-
Phải đọc kỹ tác phẩm để nắm được dẫn chứng nhất là những chi tiết nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với tác phẩm. Ngoài ra cũng phải nắm được hoàn cảnh ra đời cũng như xuất xứ, đồng thời phải thuộc lòng phong cách tác giả.
-
Tiếp theo là phải xác lập được luận điểm trong bài làm (Luận điểm nên viết một cách khái quát và cô đúc nếu viết tốt thì phải thêm thắt thế nào đó để thật sắc sảo – cái này thầy nói sau). Sau luận điểm này là lúc chúng ta cảm nhận, phân tích… Từ chỗ này trở đi lỗi của em bắt đầu xuất hiện. Thầy lấy ví dụ phân tích nhân vật Tràng chẳng hạn. Ví dụ luận điểm đưa ra là: Tràng là người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm chất hiền lành, tốt bụng; sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng khiếp.
-
Học sinh thường làm bài bắt đầu bằng việc kể chuyện. Ví dụ: Tràng vốn xuất thân từ xóm ngụ cư, làm nghề đẩy xe bò thuê. Gia cảnh rất nghèo khó. Đã vậy anh còn xấu xí. Đầu thì nhẵn thín, cái mặt thì “quai hàm bạnh, mắt nhỏ tý gà gà”, lưng thì “to như lưng gấu”. Một hôm Tràng kéo xe bò lên dốc tỉnh, mệt quá Tràng hò một câu chơi cho đỡ mệt thì có một người con gái chạy ra đẩy xe cho Tràng. Người con gái đó vừa đẩy xe vừa cười tít mắt. Tràng sung sướng lắm vì từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ chưa có ai cười với hắn một cách tình từ đến thế…..
-
Trên là kiểu bài làm kể chuyện không có chất văn chương. Vậy làm sao để khắc phục?
-
Muốn khắc phục trước hết phải chọn chi tiết nghệ thuật trong bài. Không phải chi tiết nào cũng chọn nhé mà chỉ chọn những chi tiết liên quan đến việc cảm nhận của mình thôi. Trong ví dụ về luận điểm trên ta thấy có hai vế. Vế 1: Tràng là người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm chất hiền lành, tốt bụng. Vế 2: sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng khiếp. Bây giờ ta hãy chọn những chi tiết tiêu biểu cho cả hai vế.
-
Vế 1: Tràng là người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm chất hiền lành, tốt bụng. Ta chọn các chi tiết sau:
+ Ngoại hình: đầu nhẵn thín, mắt nhỏ tý gà gà, quai hàm bạnh, lưng to như lưng gấu.
+ Tính cách: ngộc nghệch, chỉ chơi với trẻ con (cái này có cũng được, không có không sao nhé)
+ Tình huống truyện: câu hò và sự xuất hiện của thị; lần thứ hai gặp lại, Tràng cho thị ăn bốn bát bánh đúc.
-
Vế 2: sẵn lòng cưu mang người đồng cảnh ngộ trong nạn đói khủng khiếp. Ta chọn các chi tiết sau:
+ Câu nói đùa của Tràng : “có muốn theo tớ thì ra ….”
+ Hành động: Ai ngờ thì về thật; Tràng chợn nghĩ….
…..vân ….vân….
-
Sau khi chọn các chi tiết tiêu biểu ấy, ta sử dụng thao tác bình giảng, cảm nhận. Nghĩa là dùng lời văn để bình các chi tiết ấy bằng giọng điệu của người cảm nhận chứ không phải dựa trên ngôn ngữ của tác giả để kể lại.
-
Ta bình vế 1 như sau:
Kim Lân có một cách xây dựng motip nhân vật rất đặc biệt: hồn hậu, chân chất thật thà, sự nghèo khổ luôn đi đôi với sự trong sạch và nghĩa tình. Với motip thường gặp ấy thì nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” là một điển hình. Trong tác phẩm, Tràng hiện lên là một người dân ngụ cư nghèo khổ, có phẩm chất hiền lành, tốt bụng rất tiêu biểu cho phong cách ấy của Kim Lân. Dưới ngòi bút tài hoa ấy, Tràng được đặt trong sự tương phản giữa ngoại hình và tâm hồn. Kim Lân không có ý định biếm hoạ hoá nhân vật của mình nhưng Tràng lại hiện lên như một trò đùa của tạo hoá. Tả khuôn mặt, Kim Lân điểm lên đấy hai nét vẽ nguệch ngoạc “mắt nhỏ tí gà gà”, “quai hàm bạnh” lại thêm cái “đầu nhẵn thín”, cái lưng “to bè như lưng gấu” khiến Tràng vốn đã thô kệch lại càng trở nên thô kệch hơn. Cái nghèo lại đeo bám Tràng như một định mệnh, nạn đói đã thổi Tràng và người mẹ già tội nghiệp phiêu dạt đến mảnh đất này để rồi phải tha phương cầu thực qua ngày…. (còn nữa…Kiểu kiểu như vậy nhé – thầy không viết dài)
Trong nghệ thuật viết truyện ngắn, tình huống truyện được xem như một nguyên tắc cần phải có của quá trình sáng tạo. Nhà văn tôn trọng nguyên tắc ấy thì tác phẩm mới thật sự có giá trị. Là nhà văn bậc thầy về truyện ngắn chắc chắn Kim Lân không bỏ sót yếu tố cần thiết này. Có phải vì vậy mà trong truyện ngắn này nhà văn đã tạo ra tình huống truyện độc đáo, bất ngờ khiến bạn đọc phải thán phục. Cái anh Tràng xấu xí, nghèo khổ ấy hoá ra không ngốc nghếch như chúng ta tưởng. Câu hò của anh đang kích thích cả những cái dạ dày rỗng của mấy cô gái đang ngồi “vêu mặt” kia. “Cơm trắng” rồi lại “mấy giò” cùng với “nì” như kéo dài ra mời gọi để rồi người đàn bà ấy xuất hiện trong cuộc đời anh như một định mệnh […..] (Thầy chỉ dẫn đến đó thôi nhé). Lại tiếp chỗ khác nào:
Cô gái ấy xuất hiện trước mặt Tràng mà mãi đến vài giây sau Tràng mới nhận ra. Cái đói đã làm thị trở nên nhếch nhác, khổ sở. Thị tiều tuỵ đến thảm hại: bộ “quần áo rách như tổ đỉa” tương hợp với “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Trong hình dung ấy thị giống như một con ma đói hay bóng dáng của những “xác sống” mà có lần nhà thơ Bàng Bá Lân trong bài thơ “Đói” nổi tiếng của mình đã viết:
Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải những đau thương
Những thây ma thất thểu đầy đường
Rồi ngã gục không đứng lên vì đói
Có lẽ vì đói chăng mà thị bỗng trở nên chua ngoa, đanh đá, chao chát, chỏng lỏn. Thị nanh nọc, sỗ sàng, trơ trẽn để có miếng ăn, thị cùng đường rồi! Phút chốc ngỡ ngàng rồi cũng đến lúc Tràng nhận ra, cái người đàn bà tội nghiệp đang đứng trước mặt mình đang đối diện với đói khát, đối diện với cái chết. Tràng đã cảm nhận nỗi khổ đau ấy ở thị bằng chính nỗi khổ đau của chính mình vì bản thân Tràng cũng đồng cảnh ngộ. Không do dự, Tràng hào phóng, hào hiệp khoản đãi thị bốn bát bánh đúc mà không hề toan tính thiệt hơn. Cái hành động vỗ tay vào túi “rích bố cu” đến cái ban ơn cho một người đói khát khiến ta cảm động biết bao trước tấm lòng nhân hậu, tốt bụng ấy ở Tràng. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” – đó là truyền thống nhân văn của dân tộc. Và hôm nay đây có ai ngờ lại hiện lên rất rõ ràng ở con người ấy – con người mà ta tưởng chừng như thất học, ngộc ngệch lại thấm đẫm chất nhân văn con người Việt. […]
-
Tương tự vế 2, các em tự làm, thầy sẽ tiếp tục update sau. Có thể commet phần vế 2 ở dưới để thầy sửa nhé!
-
Và bạn Quỳnh Trang đã tiếp lời như sau:
-
Khắc họa nhân vật Tràng hiện lên với diện mạo, hình dáng, tính cách có phần thô phác nhưng giàu lòng tốt bụng kia. Phải chăng chỉ dừng lại ở hành động mời thị ăn một bữa. Nhưng không, ngòi bút đầy thương yêu của Kim Lân đã thổi vào phẩm chất tốt bụng kia một hành động. Tràng sẵn sàng cưu mang con người nghèo đồng cảnh ngộ với mình trong cái cảnh ngộ nạn đói khủng khiếp tưởng như ” thân mình còn chưa lo nổi “. Một hành động đầy tình thương yêu mang giá trị lại những giá trị hết sức to lớn. Hành động đó đã góp phần mở ra sự sống mới đối với những con người trong năm đói. Với ý nghĩa như vậy, đáng lẽ nó phải được thực hiện nghiêm túc lắm! Ấy vậy mà lại bắt đầu bởi những câu đùa bâng quơ của anh Tràng ” Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về ” câu nói ấy đối với con người ngờ nghệch như Tràng thì nó chỉ mang ý nghĩa là một câu nói đùa. Nhưng đối với người đàn bà “chao chát, chỏng lỏn ” kia anh đã ném cho con người ấy một cái phao, tuy mong manh lắm trước cái “cơn lũ ” của nạn đói lúc này người đàn bà ấy cũng không ngại ngần suy nghĩ mà ngay lập tức bám víu lấy.
Kim Lân đã sắp xếp một tình huống có phần như trớ trêu. Một người đàn bà đói rách như tổ đỉa, một người ngờ nghệch thích trêu đùa với trẻ con, hai con người gặp nhau như một cái duyên và câu nói đùa kia mà lại nên vợ nên chồng. Không biết con người ngờ nghệch, có phần dở hơi kia có lo nổi cho gia đình không, mà còn người mẹ già ở nhà nữa? Lí giải cho hàng loạt câu hỏi, nhà văn bắt đầu từ việc lo sợ của chàng, Mới đầu anh chàng cũng chợn nghĩ ” thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi hay khong, lại còn đèo bòng” cuộc sống ngày qua ngày của anh cũng như những người dân khác trong hoàn cảnh này chỉ mong đủ ăn, chỉ lo về cái ăn trước mắt để tồn tại chứ không nghĩ đến việc dư giả. Rồi như bỏ mặc hết mọi sự lo lắng lúc này,” tặc lưỡi một cái: Chậc, kệ!” sau cái quyết định có phần vô tư mà có phần liều lĩnh của anh. Ẩn sau cái chậc kệ kia đó là một quyết định chấp nhận dám đối mặt với cái dòng lũ đó, ẩn chứa một thái độ sống, dám thách thức với số phận.
Sau tất cả, sự liều lĩnh và đi đến quyết định hiện lên khuôn mặt Tràng lúc này “niềm vui sướng như phấn trấn cả cõi lòng”, “khuôn mặt hắn phởn phơ” khác thường và những sự lo lắng tràn ngập lúc trước đã biến đi đâu mất, hắn như quên hết cái đói cái khổ và chỉ còn tình nghĩa với người đàn bà đi bên.