Các thời kì phát triển lịch sử dân tộc
Các thời kì phát triển lịch sử dân tộc Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai. ...
Các thời kì phát triển lịch sử dân tộc
Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai.
1.Thời kì 1919-1930
(Từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến khi Đảng ra đời năm 1930)
-Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai (1919-1929) của Pháp đã làm chuyển biến tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, tạo cơ sở xã hội (giai cấp) và điều kiện chính trị(phong trào yêu nước) để tiếp thu luồng tư tưởng cách mạng vô sản.
-Nguyễn Ái Quốc và một số nhà yêu nước khác đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin, truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin, những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc Việt Nam và bài học của Cách mạng tháng Mười Nga về trong nước, đã làm chuyển biến phong trào yêu nước chống Pháp từ lập trường tư sản sang lập trường vô sản.
-Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của một bộ phận tiểu tư sản chuyển sang lập trường vô sản, cùng với phong trào công nhân chuyển sang tự giác, đòi hỏi phải có Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. Ba tổ chức cộng sản ra đời vào nửa sau năm 1929 rồi thống nhất thành một đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam (đầu năm 1930) đã đáp ứng nhu cầu đó.
2.Thời kì 1930-1945
(Từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam đến ngày 2-9-1945)
-Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933) cùng với sự gia tăng áp bức, bóc lột và cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp sau khởi nghĩa Yên Bái (9-2-1930), đã làm bùng nổ phong trào cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm 1930-1931, với đỉnh cao Xô viết Nghệ -Tĩnh.
-Trong bối cảnh lịch sử những năm 1936-1939, khi chủ nghĩa phát xít xuất hiện, đe dọa hòa bình thế giới, ở nước ta dấy lên phong trào đấu tranh công khai rộng lớn đòi tự do, dân sinh, dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là phong trào quần chúng rộng lớn với mục tiêu, hình thức đấu tranh mới.
-Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) đã tác động đến toàn thế giới. Cuộc chiến đấu của nhân dân Liên Xô và các lực lượng dân chủ thế giới chống phát xít thắng lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng nước ta và nhiều nước tiến lên giải phóng dân tộc.
-Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Hội nghị Trung ương 8 (5-1941) đã hoàn chỉnh chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu được đề ra từ Hội nghị Trung ương tháng 11-1939. Từ đây cách mạng nước ta tập trung vào mục tiêu giải phóng dân tộc, ra sức chuẩn bị, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
-Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là kết quả của quá trình chuẩn bị và tập dượt trong 15 năm kể từ khi Đảng ra đời năm 1930. Khởi nghĩa được tiến hành theo hình thái phù hợp, từ khởi nghĩa từng phần phát triển lên tổng khởi nghĩa. Cuộc Tổng khởi nghĩa thắng lợi đã giành được độc lập, chính quyền về tay nhân dân.
3.Thời kì 1945-1954
(Từ sau thắng lợi cách mạng tháng Tám năm 1945 đến ngày 21-7-1954)
-Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, trong tình hình đất nước gặp muôn vàn khó khăn thử thách, nhân dân ta vừa xây dựng chính quyền cách mạng, giải quyết nạn đói, nạn dốt và khó khăn về tài chính, vừa đấu tranh chống ngoại xâm, nội phản bảo vệ chính quyền và từ cuối năm 1946, chống thực dân Pháp mở rộng xâm lược cả nước.
-Cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) tiến hành trong điều kiện nước ta đã có độc lập và chính quyền. Vì vậy kháng chiến và kiến quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong thời kỳ này:
+Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, và từ năm 1950 chống cả sự can thiệp Mĩ, trải qua nhiều giai đoạn với các mốc chiến thắng Việt Bắc thu-đông 1947, chiến thắng Biên giới thu-đông 1950, chiến thắng trong Đông-Xuân 1953-1954. Điện Biên Phủ là trận thắng quyết định đưa đến việc kí kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, kết thúc chiến tranh.
+Kiến quốc nhằm xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, phục vụ kháng chiến, phục vụ dân sinh, tạ tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội sau chiến tranh kết thúc.
4.Thời kì 1954-1975
(Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954 đến ngày 30-4-1975)
-Xuất phát từ tình hình đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Đảng đề ra nhiệm vụ cho cách mạng từng miền và nhiệm vụ chung cho cách mạng cả nước, mối quan hệ giữa cách mạng hai miền, xác định vị trí, vai trò của cách mạng từng miền. Nhiệm vụ chung là “kháng chiến chống Mĩ, cứu nước”.
-Ở miền Nam, tiến hành cuộc đấu tranh chính trị phát triển lên khởi nghĩa (từ “Đồng khởi” 1959-1960), rồi chiến tranh giải phóng (từ giữa năm 1961), trải qua năm giai đoạn, lần lượt đánh bại các chiến lược thống trị và xâm lược thực dân mới của Mĩ: 1954-1960, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đông phương”; 1961-1965; đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”; 1965-1968, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”; 1969-1973, đánh bại về cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mĩ phải rút quân khỏi miền Nam; 1973-1975, đánh bại hoàn toàn chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
-Ở miền Bắc: thực hiện những nhiệm vụ của cách mạng trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và khi Mĩ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc, thì kết hợp chiến đấu với sản xuất. Miền Bắc còn làm nghĩa vụ của hậu phương, chi viện cho tiền tuyến miền Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Campuchia. Nhân dân miền Bắc đã giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ qua hai lần: lần thứ nhất bắt đầu từ ngày 5-8-1964, chính thức từ ngày 7-2-1965 đến ngày 1-11-1968. Lần thứ hai bắt đầu từ ngày 6-4-1972, chính thức từ ngày 16-4-1972 đến 15-1-1973.
5.Thời kì 1975-2000
(Từ sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước năm 1975 đến năm 2000)
-Cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kì cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước từ sau khi đất nước độc lập và thống nhất.
-Trong 10 năm đầu (1976-1986) đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai kế hoạch Nhà nước 5 năm do Đại hội IV (12-1976) và Đại hội V (3-1982) của Đảng đề ra, bên cạnh thành tựu và ưu điểm, chúng ta gặp không ít khó khăn, yếu kém, cả sai lầm, khuyết điểm. Khó khăn của ta ngày càng lớn, sai lầm chậm được sửa chữa, đưa đến khủng hoảng, trước hết về kinh tế-xã hội, đòi hỏi phải đổi mới.
-Đường lối đổi mới được đề ra từ Đại hội VI (1986) nhằm khắc phục khó khăn, sửa chữa sai lầm, vượt qua khủng hoảng , đâỷ mạnh sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đến năm 2000, năm cuối của thế kỉ XX, nhân dân ta đã thực hiện thắng lợi ba kế hoạch Nhà nước 5 năm và từ năm 2001 thực hiện tiếp các kế hoạch 5 năm.
-Công cuộc đổi mới đã và đang giành được thắng lợi. Thắng lợi đó đã từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng, bước đi của công cuộc đổi mới là phù hợp.