Các mức điểm của tiêu chí đánh giá giáo viên
Các mức điểm của tiêu chí đánh giá giáo viên Đánh giá xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp VnDoc.com mời các bạn tham khảo các mức điểm của các tiêu chí đánh giá giáo viên đúng chuẩn kèm theo Công văn ...
Các mức điểm của tiêu chí đánh giá giáo viên
VnDoc.com mời các bạn tham khảo các mức điểm của các tiêu chí đánh giá giáo viên đúng chuẩn kèm theo Công văn số 660/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và đào tạo. Đánh giá xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT là nhiệm vụ bắt buộc hàng năm.
Phiếu giáo viên tự đánh giá 2017
Phiếu tổng hợp xếp loại giáo viên của tổ chuyên môn
Phiếu xếp loại giáo viên của hiệu trưởng
CÁC MỨC ĐIỂM CỦA TIÊU CHÍ
(Ban hành kèm theo Công văn số 660/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 09/02/2010)
Tiêu chí 1. Phẩm chất chính trị
1 điểm. Chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia hoạt động chính trị, xã hội; thực hiện nghĩa vụ công dân.
2 điểm. Tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tự giác tham gia các hoạt động chính trị, xã hội; tự giác thực hiện nghĩa vụ công dân.
3 điểm. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu tham gia các hoạt động chính trị, xã hội; gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân.
4 điểm. Gương mẫu và vận động mọi người chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia các hoạt động chính trị, xã hội; thực hiện nghĩa vụ công dân.
Tiêu chí 2. Đạo đức nghề nghiệp
1 điểm. Hoàn thành các nhiệm vụ được giao; có ý thức học hỏi đồng nghiệp; chấp hành các điều lệ, quy chế, quy định của bộ, ngành; không có hành vi tiêu cực.
2 điểm. Yên tâm với nghề, có ý thức cải tiến, đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục; hoàn thành đúng thời hạn và yêu cầu các nhiệm vụ được giao; tự giác chấp hành các điều lệ, quy chế, quy định của bộ, ngành; có ý thức đấu tranh với những hành vi tiêu cực.
3 điểm. Tận tuỵ với nghề, tích cực cải tiến, đúc rút kinh nghiệm trong hoạt động giáo dục; gương mẫu chấp hành các điều lệ, quy chế, quy định của bộ, ngành; tự giác tham gia đấu tranh với những hành vi tiêu cực.
4 điểm. Say mê, toàn tâm toàn ý với nghề, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm và vận dụng một cách sáng tạo trong hoạt động giáo dục; gương mẫu và vận động mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các điều lệ, quy chế, quy định của bộ, ngành; tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực.
Tiêu chí 3. Ứng xử với học sinh
1 điểm. Thân thiện với học sinh, quan tâm giúp đỡ học sinh; không thành kiến, thiên vị; không có hành vi xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh.
2 điểm. Chân thành, cởi mở với học sinh, sẵn sàng giúp đỡ học sinh khi có khó khăn; không phân biệt đối xử với học sinh; tham gia các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của học sinh.
3 điểm. Chân thành, cởi mở với học sinh, chủ động tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh, giúp đỡ học sinh khắc phục khó khăn trong học tập và rèn luyện đạo đức; đối xử công bằng với học sinh; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của học sinh.
4 điểm. Luôn chăm lo đến sự phát triển toàn diện của học sinh; dân chủ trong quan hệ thầy trò; tích cực tham gia và vận động mọi người tham gia các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của học sinh.
Tiêu chí 4. Ứng xử với đồng nghiệp
1 điểm. Đoàn kết, khiêm tốn học hỏi, biết lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp.
2 điểm. Phối hợp với đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh, cùng với đồng nghiệp cải tiến công tác chuyên môn góp phần xây dựng tập thể sư phạm tốt.
3 điểm. Sẵn sàng hợp tác, cộng tác và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh; lắng nghe và góp ý thẳng thắn với đồng nghiệp để xây dựng tập thể sư phạm tốt.
4 điểm. Chủ động hợp tác, cộng tác với đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh; tiếp thu và áp dụng kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục; biết chấp nhận sự khác biệt của đồng nghiệp góp phần xây dựng tập thể sư phạm tốt.
Tiêu chí 5. Lối sống, tác phong
1 điểm. Thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc và môi trường giáo dục; có tác phong đúng đắn.
2 điểm. Tự giác thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc và môi trường giáo dục; có tác phong mẫu mực.
3 điểm. Gương mẫu thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc và môi trường giáo dục; có tác phong mẫu mực, làm việc khoa học.
4 điểm. Gương mẫu và vận động mọi người thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, phù hợp với bản sắc dân tộc và môi trường giáo dục; có tác phong mẫu mực, làm việc khoa học.
Tiêu chí 6. Tìm hiểu đối tượng giáo dục
1 điểm. Tìm hiểu khả năng học tập và tình hình đạo đức của học sinh trong lớp được phân công dạy qua việc tổ chức kiểm tra đầu năm học và nghiên cứu hồ sơ kết quả học tập của học sinh những năm trước, kết quả tìm hiểu được sử dụng để xây dựng kế hoạch dạy học và kế hoạch giáo dục.
2 điểm. Tìm hiểu khả năng, nhu cầu học tập, tình hình đạo đức và hoàn cảnh gia đình của học sinh qua việc kiểm tra kiến thức đầu năm; nghiên cứu hồ sơ kết quả học tập năm trước, gặp gỡ phụ huynh học sinh, kết quả tìm hiểu được sử dụng để xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục.
3 điểm. Cập nhật được các thông tin về việc học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh qua kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ, phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh giúp cho việc xây dựng và điều chỉnh kịp thời hoạt động dạy học và giáo dục.
4 điểm. Có nhiều phương pháp sáng tạo và phối hợp với đồng nghiệp, tổ chức Đoàn, Đội, cha mẹ học sinh để thường xuyên thu thập thông tin về học sinh phục vụ cho việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch dạy học và giáo dục.
Tiêu chí 7. Tìm hiểu môi trường giáo dục
1 điểm. Nắm được điều kiện cơ sở vật chất thiết bị dạy học môn học của nhà trường, đánh giá được mức độ đáp ứng yêu cầu dạy học môn học và giáo dục.
2 điểm. Biết thâm nhập thực tế tìm hiểu tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương nơi trường đóng qua tiếp xúc với cán bộ chính quyền, đoàn thể và cha mẹ học sinh.
3 điểm. Biết vận dụng các phương pháp điều tra để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nhà trường, gia đình, cộng đồng và các phương tiện truyền thông đến việc học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh.
4 điểm. Thông tin về môi trường giáo dục thường xuyên được cập nhật và được sử dụng trực tiếp có hiệu quả vào quá trình dạy học và giáo dục học sinh.
Tiêu chí 8. Xây dựng kế hoạch dạy học
1 điểm. Biết lập kế hoạch dạy học năm học, bài học (giáo án) theo yêu cầu quy định.
2 điểm. Kế hoạch dạy học năm học, bài học thể hiện đầy đủ các mục tiêu dạy học, những hoạt động chính kết hợp chặt chẽ giữa dạy và học, giữa dạy học và giáo dục, tiến độ thực hiện phù hợp, khả thi.
3 điểm. Kế hoạch dạy học năm học luôn được bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Kế hoạch bài học (giáo án) thể hiện sự thống nhất giữa dạy và học, giữa dạy học và giáo dục, đã tính đến đặc điểm học sinh, dự kiến được các tình huống sư phạm có thể xảy ra và cách xử lí.
4 điểm. Kế hoạch dạy học năm học đảm bảo kết hợp chặt chẽ dạy học với giáo dục, kết hợp các hoạt động đa dạng, chính khoá và ngoại khoá thể hiện sự phối hợp, hợp tác với đồng nghiệp. Kế hoạch bài học thể hiện sự thống nhất giữa dạy và học, giữa dạy học và giáo dục, có nhiều phương án thích ứng với các đối tượng khác nhau, dự kiến được các tình huống sư phạm có thể xảy ra và cách xử lí.
Tiêu chí 9. Đảm bảo kiến thức môn học
1 điểm. Nắm vững nội dung môn học được phân công để đảm bảo dạy học chính xác, có hệ thống.
2 điểm. Nắm vững các mạch kiến thức môn học xuyên suốt cấp học để đảm bảo tính chính xác, lôgic, hệ thống; nắm được mối liên hệ giữa kiến thức môn học được phân công dạy với các môn học khác đảm bảo quan hệ liên môn trong dạy học.
3 điểm. Nắm vững kiến thức môn học; có kiến thức chuyên sâu để có thể bồi dưỡng học sinh giỏi.
4 điểm. Có kiến thức sâu, rộng về môn học, có thể giúp đỡ đồng nghiệp những vấn đề chuyên môn mới và khó.
Tiêu chí 10. Đảm bảo chương trình môn học
1 điểm. Đảm bảo dạy học bám sát theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học, có tính đến yêu cầu phân hoá.
2 điểm. Đảm bảo dạy học bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, thực hiện đúng kế hoạch dạy học đã thiết kế, có chú ý thực hiện yêu cầu phân hoá.
3 điểm. Đảm bảo dạy học đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học, thực hiện đầy đủ kế hoạch dạy học đã được thiết kế, thực hiện tương đối tốt yêu cầu phân hoá.
4 điểm. Đảm bảo dạy học đúng theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học, thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo kế hoạch dạy học đã được thiết kế, thực hiện tốt yêu cầu phân hoá.
Tiêu chí 11. Vận dụng các phương pháp dạy học
1 điểm. Vận dụng được một số phương pháp dạy học đặc thù của môn học theo hướng phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh đã xác định trong kế hoạch bài học.
2 điểm. Tiến hành một cách hợp lý các phương pháp dạy học đặc thù của môn học phù hợp với tình huống cụ thể trong giờ học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh, giúp học sinh biết cách tự học.
3 điểm. Biết phối hợp linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học gây được hứng thú học tập, kích thích tính tích cực, chủ động học tập của học sinh và rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh.
4 điểm. Phối hợp một cách thành thục, sáng tạo các phương pháp dạy học đặc thù của môn học, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học theo hướng phân hoá, phát huy tính tích cực nhận thức và phát triển kỹ năng tự học của học sinh.
Tiêu chí 12. Sử dụng các phương tiện dạy học
1 điểm. Sử dụng được các phương tiện dạy học quy định trong chương trình môn học (trong danh mục thiết bị dạy học môn học).
2 điểm. Biết lựa chọn và sử dụng phương tiện dạy học phù hợp với mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học.
3 điểm. Sử dụng một cách thành thạo các phương tiện dạy học truyền thống và biết sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại làm tăng hiệu quả dạy học.
4 điểm. Sử dụng một cách sáng tạo các phương tiện dạy học truyền thống kết hợp với sử dụng máy tính, mạng internet và các phương tiện hiện đại khác; biết cải tiến phương tiện dạy học và sáng tạo những phương tiện dạy học mới.
Tiêu chí 13. Xây dựng môi trường học tập
1 điểm. Tạo được bầu không khí học tập thân thiện, lành mạnh, khuyến khích học sinh mạnh dạn tham gia các hoạt động học tập, trả lời các câu hỏi của giáo viên; đảm bảo điều kiện học tập an toàn.
2 điểm. Biết khuyến khích học sinh mạnh dạn, tự tin không chỉ trả lời các câu hỏi của giáo viên mà còn nêu thắc mắc và trình bày ý kiến của mình; đảm bảo điều kiện học tập an toàn.
3 điểm. Tạo được bầu không khí hăng say học tập, lôi cuốn mọi học sinh tham gia vào các hoạt động học tập có sự hợp tác, cộng tác với nhau; đảm bảo điều kiện học tập an toàn.
4 điểm. Luôn giữ thái độ bình tĩnh trong mọi tình huống; tôn trọng ý kiến học sinh, biết tổ chức các hoạt động để học sinh chủ động phối hợp giữa làm việc cá nhân và nhóm tạo không khí thi đua lành mạnh trong lớp học; đảm bảo điều kiện học tập an toàn.
Tiêu chí 14. Quản lý hồ sơ dạy học
1 điểm. Xây dựng được hồ sơ dạy học và bảo quản, phục vụ cho dạy học theo quy định.
2 điểm. Trong hồ sơ dạy học, các tài liệu, tư liệu được sắp xếp một cách khoa học và dễ dàng sử dụng.
3 điểm. Hồ sơ dạy học được bảo quản tốt và thường xuyên được bổ sung tư liệu.
4 điểm. Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng, lưu giữ và thu thập tư liệu bổ sung thường xuyên vào hồ sơ dạy học, phục vụ tốt cho việc dạy học.
Tiêu chí 15. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh
1 điểm. Bước đầu vận dụng được chuẩn kiến thức, kĩ năng của môn học để thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo quy định.
2 điểm. Vận dụng được chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để xác định mục đích, nội dung kiểm tra đánh giá và lựa chọn các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp.
3 điểm. Sử dụng thành thạo các phương pháp truyền thống và hiện đại để kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, đảm bảo tính công khai, khách quan, chính xác, toàn diện và công bằng; biết sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy học.
4 điểm. Sử dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các phương pháp truyền thống và hiện đại, biết tự thiết kế công cụ để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, đảm bảo tính công khai, khách quan, chính xác, toàn diện và công bằng; biết sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh hoạt động dạy học và phát triển năng lực tự đánh giá của học sinh.
Tiêu chí 16. Xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục
1 điểm. Kế hoạch thể hiện được mục tiêu, các hoạt động chính, tiến độ thực hiện.
2 điểm. Kế hoạch thể hiện mục tiêu, các hoạt động chính phù hợp với đối tượng giáo dục, tiến độ thực hiện khả thi.
3 điểm. Kế hoạch thể hiện rõ mục tiêu; các hoạt động được thiết kế cụ thể phù hợp với từng đối tượng học sinh theo hướng phát huy tính tự chủ, độc lập, sáng tạo ở học sinh; tiến độ thực hiện khả thi.
4 điểm. Kế hoạch đảm bảo tính liên kết, phối hợp giữa các lực lượng giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Tiêu chí 17. Giáo dục qua môn học
1 điểm. Khai thác được nội dung bài học, liên hệ với thực tế cuộc sống để giáo dục tư tưởng, tình cảm, thái độ cho học sinh.
2 điểm. Khai thác được nội dung bài học, thực hiện liên hệ một cách hợp lí với thực tế cuộc sống để giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh.
3 điểm. Khai thác được nội dung bài học, thực hiện liên hệ một cách sinh động, hợp lí với thực tế cuộc sống gần gũi với học sinh để giáo dục tư tưởng, tình cảm, thái độ cho học sinh.
4 điểm. Liên hệ một cách sinh động, hợp lí nội dung bài học với thực tế cuộc sống ; biết khai thác nội dung môn học phục vụ cho giáo dục các vấn đề về pháp luật, dân số, môi trường, an toàn giao thông, v.v...
Tiêu chí 18. Giáo dục qua các hoạt động giáo dục
1 điểm. Thực hiện được một số hoạt động giáo dục chủ yếu theo kế hoạch đã xây dựng.
2 điểm. Thực hiện đầy đủ các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng.
3 điểm. Thực hiện một cách linh hoạt các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng.
4 điểm. Thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo các hoạt động giáo dục, ứng xử kịp thời hợp lý với các tình huống xảy ra khác với kế hoạch đã thiết kế.
Tiêu chí 19. Giáo dục qua các hoạt động trong cộng đồng
1 điểm. Thực hiện được một số hoạt động giáo dục trong cộng đồng theo kế hoạch đã xây dựng.
2 điểm. Thực hiện một cách đầy đủ các hoạt động giáo dục trong cộng đồng theo kế hoạch đã xây dựng.
3 điểm. Thực hiện một cách linh hoạt các hoạt động giáo dục trong cộng đồng theo kế hoạch đã xây dựng.
4 điểm. Thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo các hoạt động giáo dục trong cộng đồng, ứng xử kịp thời, hợp lý với các tình huống xảy ra khác với kế hoạch đã thiết kế.
Tiêu chí 20. Vận dụng các nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục
1 điểm. Vận dụng được một số nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục vào tình huống sư phạm cụ thể.
2 điểm. Vận dụng được các nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục vào tình huống sư phạm cụ thể phù hợp với đối tượng và môi trường giáo dục.
3 điểm. Vận dụng hợp lý các nguyên tắc, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục vào tình huống sư phạm cụ thể, đáp ứng yêu cầu giáo dục, phù hợp với đối tượng, môi trường giáo dục và có chuyển biến tích cực.
4 điểm. Vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục vào tình huống sư phạm cụ thể, đáp ứng yêu cầu giáo dục, phù hợp đối tượng, môi trường giáo dục và có chuyển biến tích cực; có kinh nghiệm giáo dục học sinh cá biệt.
Tiêu chí 21. Đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh
1 điểm. Biết thực hiện đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh theo quy định.
2 điểm. Thực hiện được việc theo dõi, thu thập thông tin về từng học sinh làm cơ sở cho đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh.
3 điểm. Biết phối hợp các cách thu thập thông tin về việc rèn luyện đạo đức của từng học sinh làm cơ sở cho việc đánh giá một cách khách quan, chính xác, công bằng kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh và có tác dụng thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên.
4 điểm. Phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh, cộng đồng và tổ chức Đoàn, Đội trong trường tạo ra sự thống nhất trong việc đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh, đảm bảo tính khách quan công bằng, chính xác và có tác dụng giáo dục học sinh.
Tiêu chí 22. Phối hợp với gia đình học sinh và cộng đồng
1 điểm. Thực hiện được việc phối hợp với cha mẹ học sinh thông qua hình thức hội nghị cha mẹ học sinh, liên lạc với gia đình và thăm gia đình học sinh nhằm hỗ trợ và giám sát việc học tập, rèn luyện của học sinh.
2 điểm. Phối hợp với cha mẹ học sinh và với chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội của địa phương nhằm hỗ trợ và giám sát việc học tập, rèn luyện của học sinh.
3 điểm. Có nhiều phương pháp và hình thức phối hợp với cha mẹ học sinh và với chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội của địa phương trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện của học sinh.
4 điểm. Có sáng tạo trong phương pháp và hình thức phối hợp thường xuyên với cha mẹ học sinh và chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội của địa phương trong hỗ trợ và giám sát việc học tập, rèn luyện của học sinh.
Tiêu chí 23. Tham gia hoạt động chính trị, xã hội
1 điểm. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ một thành viên của một trong các tổ chức chính trị, xã hội ở nhà trường; có tiến hành tìm hiểu tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương nơi trường đóng.
2 điểm. Tham gia các hoạt động chính trị, xã hội do các tổ chức chính trị, xã hội trong nhà trường khởi xướng và do địa phương tổ chức.
3 điểm. Chủ động tham gia các phong trào do các tổ chức chính trị, xã hội trong nhà trường khởi xướng và tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương tổ chức.
4 điểm. Biết cách vận động lôi cuốn đồng nghiệp và học sinh tham gia các hoạt động xã hội trong trường; biết tuyên truyền vận động nhân dân tham gia vào việc phát triển nhà trường, địa phương và xây dựng xã hội học tập.
Tiêu chí 24. Tự đánh giá, tự học và tự rèn luyện
1 điểm. Cầu thị, lắng nghe những nhận xét đánh giá của người khác; thực hiện đầy đủ yêu cầu đối với việc bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.
2 điểm. Biết rút kinh nghiệm trong công tác, tự đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân về phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó có kế hoạch và thực hiện kế hoạch tự học, tự rèn luyện.
3 điểm. Biết phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó có kế hoạch và phương pháp tự học, tự rèn luyện phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân và thực hiện kế hoạch đạt kết quả rõ rệt.
4 điểm. Thực hiện đúng kế hoạch tự học, tự rèn luyện đã vạch ra, đem lại kết quả rõ rệt về phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; được tập thể thừa nhận là một tấm gương để học tập.
Tiêu chí 25. Phát hiện và giải quyết vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục
1 điểm. Nhận ra được một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp và cùng đồng nghiệp tìm cách giải quyết.
2 điểm. Đề xuất được các giải pháp giải quyết một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp.
3 điểm. Biết nghiên cứu phát hiện một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp và đề xuất được giải pháp giải quyết.
4 điểm. Biết hợp tác với đồng nghiệp trong việc tổ chức nghiên cứu phát hiện và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp.
NGUỒN MINH CHỨNG CỦA CÁC TIÊU CHUẨN
(Ban hành kèm theo Công văn số 660/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 09/02/2010)
Bảng minh chứng đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non
Minh chứng đánh giá xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học
Thống kê minh chứng chuẩn giáo viên THCS
Nguồn minh chứng của tiêu chuẩn 1
- Hồ sơ thi đua của nhà trường.
- Hồ sơ kiểm tra, đánh giá giáo viên và nhân viên.
- Biên bản góp ý cho giáo viên của tập thể lớp học sinh (nếu cần).
- Biên bản góp ý cho giáo viên của Ban đại diện cha mẹ học sinh (nếu có).
- Báo cáo sáng kiến, kinh nghiệm (nếu có).
- Nội dung trả lời các câu hỏi của người đánh giá (nếu cần).
- Biên bản đánh giá của Hội đồng giáo dục (nếu có).
- Nhận xét của địa phương nơi cư trú (nếu có).
Nguồn minh chứng của tiêu chuẩn 2
- Hồ sơ khảo sát do giáo viên tiến hành.
- Kết quả sử dụng thông tin khảo sát, điều tra.
- Nội dung trả lời các câu hỏi của người đánh giá (nếu cần).
Nguồn minh chứng của tiêu chuẩn 3
- Bản kế hoạch dạy học; tập bài soạn thể hiện phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh.
- Các loại sổ sách, hồ sơ quản lý dạy học theo quy định của các cấp quản lý.
- Biên bản đánh giá bài lên lớp (của tổ chuyên môn, của học sinh ...).
- Hồ sơ kiểm tra, đánh giá giáo viên và nhân viên.
- Đề kiểm tra đánh giá; ngân hàng bài tập và câu hỏi môn học (nếu có).
- Bài kiểm tra, bài thi, bảng điểm kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
- Báo cáo kinh nghiệm, sáng kiến của giáo viên (nếu có).
- Nội dung trả lời các câu hỏi của người đánh giá (nếu cần).
Nguồn minh chứng của tiêu chuẩn 4
- Bản kế hoạch các hoạt động giáo dục được phân công.
- Các loại sổ sách, hồ sơ quản lý dạy học theo quy định của các cấp quản lý.
- Hồ sơ kiểm tra, đánh giá giáo viên và nhân viên.
- Sổ biên bản sinh hoạt lớp, sổ chủ nhiệm lớp, sổ liên lạc (đối với giáo viên chủ nhiệm); sổ công tác Đoàn, sổ tay công tác của giáo viên (đối với giáo viên không làm chủ nhiệm)...
- Hồ sơ thi đua của nhà trường (kinh nghiệm, sáng kiến, nếu có).
- Nhận xét của đại diện cha mẹ học sinh, học sinh, các tổ chức chính trị, xã hội, đồng nghiệp... (nếu có).
- Tư liệu về một trường hợp giáo dục cá biệt thành công (nếu có).
Nguồn minh chứng của tiêu chuẩn 5
- Hồ sơ kiểm tra, đánh giá giáo viên và nhân viên.
- Hồ sơ thi đua của nhà trường (kinh nghiệm, sáng kiến, nếu có).
- Ý kiến xác nhận của lãnh đạo địa phương, đại diện cha mẹ học sinh.
- Các hình thức khen thưởng về thành tích tích hoạt động xã hội của giáo viên (nếu có).
Nguồn minh chứng của tiêu chuẩn 6
- Hồ sơ bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.
- Văn bằng, chứng chỉ các lớp bồi dưỡng.
- Sáng kiến kinh nghiệm.
- Hồ sơ đánh giá giáo viên, nhân viên của nhà trường.