Các đặc điểm của ngư cụ và phân loại ngư cụ
Về lý thuyết, một tiến trình khai thác có thể được xem là một sự kiểm soát có chủ định thông qua hệ thống đánh bắt. Trong đó, một thành tố quan trọng của hệ thống này là cá, tác động của ngư cụ lên cá là đầu vào và phản ứng của cá là đầu ra ...
Về lý thuyết, một tiến trình khai thác có thể được xem là một sự kiểm soát có chủ định thông qua hệ thống đánh bắt. Trong đó, một thành tố quan trọng của hệ thống này là cá, tác động của ngư cụ lên cá là đầu vào và phản ứng của cá là đầu ra của hệ thống này. Trong ngữ cảnh như thế, thì các phương pháp đánh bắt có thể được phân loại như sau: (1) Các kiểu kiểm soát qua tập tính cá; và (2) các cơ chế đánh bắt.
Khai thác bao gồm 2 hoạt động chính: (1) Tác động (hoặc kiểm soát) tập tính cá, nhằm lôi cuốn hoặc hướng cá vào nơi mà ta muốn; (2) bắt cá, nghĩa là làm sao giữ cá lại và cho nước lọc qua.
Để kiểm soát tập tính cá có hiệu quả, cần tạo các kích thích để gây cho cá phản ứng lại theo tính chất mà ta mong muốn. Ta biết rằng phản ứng của tập tính cá là biểu hiện bản năng của loài với tác động của môi trường và ngoại cảnh. Vì thế, bản chất của khai thác là cố lợi dụng các đặc tính này để gây cho cá phản ứng lại trong tính chất có lợi cho người khai thác chúng.
Các kiểu kích thích trong vùng tác động của ngư cụ có thể gây cho cá phản ứng như: chạy trốn hoặc tự vệ; đổi hướng đi, chạy lao về một bên hoặc di chuyển lên, xuống, hoặc gắng chui qua khỏi mắt lưới. Phản ứng của cá sẽ phức tạp hơn một khi có các kích thích phụ trợ tăng cường như: quang, điện, âm học, thủy động học, cơ học, ...
Việc đánh bắt cá được thực hiện chỉ bởi 1 trong 5 cơ chế cơ bản là: đóng (vướng); bẫy; lọc; móc-xỏ; và bơm hút.
Do có nhiều loại ngư cụ nên việc phân loại phải được làm rõ trước khi các vấn đề về lý thuyết, tính toán và thiết kế chúng được nghiên cứu.
Có nhiều cách phân loại khác nhau dựa trên các đặc điểm cơ bản và kiểu dáng kỹ thuật độc đáo của ngư cụ. Nhưng phổ biến nhất là dựa trên hệ thống phân loại của FAO. Đó là các lớp phân loại nên dựa trên nguyên lý đánh bắt của chúng. Trong mỗi lớp còn được chia phụ theo cấu trúc và phương thức hoạt động của ngư cụ. Có 12 lớp ngư cụ cơ bản là:
1. Lưới Vây (hay còn gọi là lưới bao hoặc lưới Rút) là ngư cụ khai thác chủ động, đánh bắt theo nguyên lý lọc nước bắt cá, chủ yếu bắt cá đàn hoặc kết cụm thành đàn. Lưới vây thường không bao vây đàn cá hết độ sâu nơi khai thác, mà thông qua giềng rút chì để chặn cá thoát xuống phía dưới (H 1). Lưới Vây có thể đánh bắt bằng 1 tàu hoặc 2 tàu. Nếu đánh bắt bởi 1 tàu lưới Vây có cánh không đối xứng thường được áp dụng; còn đánh 2 tàu thì áp dụng lưới Vây đối xứng.
Lưới vây rút chì (Ảnh của FAO, 1985)
2. Lưới rùng là ngư cụ đánh bắt theo nguyên lý lọc nước bắt cá, cấu tạo gần tương tự lưới vây nhưng không có giềng rút chì, lưới được thả từ bờ và kéo lên bờ. Lưới hoạt động ở ven bờ (biển hoặc sông) nơi có nền đáy tương đối bằng phẳng (H.2).
Lưới rùng (Ảnh của FAO, 1985)Lưới có thể có cánh đối xứng hoặc không đối xứng, có túi hoặc không túi. Do hoạt động ven bờ nên lưới rùng đánh cá từ tầng mặt đến sát đáy. Điển hình cho loại lưới này là lưới rùng bờ biển và lưới rùng tàu nhỏ.
3. Lưới kéo hay còn gọi là lưới cào, hoặc lưới Giả cào) là ngư cụ khai thác chủ động, đánh bắt theo nguyên lý lọc nước bắt cá, cá bị lùa vào lưới dưới sức kéo đi tới của tàu và lưới. Lưới kéo có thể làm việc ở mạn hoặc đuôi tàu, được kéo bởi 1 hoặc 2 tàu (cào đôi). Lưới kéo 1 tàu cần phải có ván lưới để tạo độ mở ngang miệng lưới. Lưới Kéo có thể phân loại theo lưới kéo tầng đáy, lưới kéo tầng giữa, lưới Cào rường, lưới Cào đôi (H.3).
Lưới kéo tầng giữa (Ảnh của FAO, 1985)
4. Cào khung gồm một khung cứng bằng thép có mắc lưới túi (H 4). Cào khung chủ yếu cào sát và sâu vào nền đáy nhằm bắt các thủy sinh vật nhỏ như giáp xác, nhuyễn thể. Điển hình cho loại ngư cụ này là cào tay và cào xuồng nhỏ.
Cào khung (Ảnh của FAO, 1985)5. Lưới nâng là ngư cụ khai thác chủ động, đánh bắt theo nguyên lý lọc nước bắt cá, lưới được thả ngầm dưới nước và được kéo nâng lên khỏi mặt nước để bắt những loài cá đang kết tập ở trên lưới. Lưới nâng thường kết hợp với nguồn sáng để tạo sự tập trung đàn cá. Lưới nâng có thể phân loại như: lưới vó cất tay (H 1.8a), lưới vó khung, lưới vó mạn tàu (H 1.8b) (H.5)
Lưới nâng
6. Lưới Chụp cũng là ngư cụ lọc nước bắt cá, lưới được thả chụp từ trên xuống, cá bị giữ lại trong lưới bởi sự gom tụ lại của giềng chì, rồi được kéo lên khỏi mặt nước. Lưới chụp có thể kết hợp với ánh sáng điện để tăng hiệu quả đánh bắt. Điển hình cho loại lưới này là chài quăng (H 1.9), chài rà, chụp mực,... (H.6)
Lưới chụp7. Lưới Rê và lưới đóng đánh bắt theo nguyên lý lưới được thả chặn ngang đường di chuyển của cá, cá sẽ bị vướng vào mang hoặc bị giữ lại bởi tấm lưới (rê 3 lớp) khi tìm cách vượt qua lưới. Lưới có thể được thả cố định hoặc được thả trôi. Điển hình cho lưới này là: lưới rê cố định; rê trôi ở cả tầng mặt hoặc tầng đáy (H 7).
Các dạng lưới rê (Ảnh của FAO, 1985)
8. Ngư cụ bẫy, là loại ngư cụ đánh bắt thụ động. Cá bị dẫn dụ vào nơi đã bố trí ngư cụ, từ đây cá có thể được dẫn đi tiếp dọc theo tường lưới để đến cửa cánh gà hoặc miệng hom và không thể thoát trở lại được. Điển hình cho lớp này là đăng, lọp, lú, và đáy (H 8).
Các ngư cụ dạng bẫy (Ảnh của FAO, 1985)
9. Ngư cụ câu, là ngư cụ mà ở đó cá bị dụ, lôi cuốn, nhữ bởi mồi tự nhiên hoặc nhân tạo và bị bắt khi gắng ăn mồi có mắc lưỡi câu (câu có mồi). Tuy vậy, cá cũng có thể bị ngạnh câu móc vướng vào thân khi đi lại gần lưỡi câu (câu không mồi). Điển hình cho lớp ngư cụ câu này là câu cần, câu tay, câu giàn, câu chạy và câu kiều (H.9).
Các loại câu (Ảnh của FAO, 1985)
10. Ngư cụ tóm, bắt, đâm, chĩa. Các ngư cụ này được dùng để làm bất động hoặc bắt giữ cá bằng cách làm bị thương, giết hoặc tóm bắt. Điển hình cho lớp này là lao, chỉa, cào, móc và bất cứ ngư cụ nào gây sát thương cá.
11. Máy bơm lọc nước bắt cá, là thiết bị bơm hút cả cá lẫn nước rồi tách nước để bắt cá. Điển hình cho lớp này là bơm hút cá bởi tạo một dòng hút mạnh và nước được lọc ra bởi thiết bị đặc biệt, cá sẽ bị giữ lại (H 10).
Bơm hút cá (Ảnh của FAO, 1985)12. Các ngư cụ đánh bắt khác, bao gồm: lưới kéo tay, lưới bao chà, bắt cá bằng tay (nôm, móc hang,...), các chất gây ngộ độc, gây nổ, sốc xung điện làm chết cá,...
Ngoài ra, ngư cụ còn được phân loại theo phương thức gây ảnh hưởng đến tập tính cá. Việc tác động đến tập tính cá nhằm làm cho cá bơi theo hướng mà người đánh bắt mong muốn bởi gây tác động lên các giác quan của cá như: thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và thính giác. Từ đó gây cho cá bị hấp dẫn; hoặc xua đuổi; hoặc đánh lừa để mà cá không thể tránh né khỏi ngư cụ đánh bắt chúng.