Các trò chơi dân gian không thể nào quên dịp Tết Trung Thu
Cứ mỗi mùa Trung thu, hẳn không ít người lại bồi hồi nhớ về tuổi thơ với những trò chơi không thể nào quên... Múa lân Múa lân hay còn gọi là múa sư tử. (Ảnh: internet). Múa lân hay còn gọi là múa sư tử vào Tết Trung Thu là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa có từ hàng ngàn năm trước. ...
Cứ mỗi mùa Trung thu, hẳn không ít người lại bồi hồi nhớ về tuổi thơ với những trò chơi không thể nào quên...
Múa lân
Múa lân hay còn gọi là múa sư tử. (Ảnh: internet).
Múa lân hay còn gọi là múa sư tử vào Tết Trung Thu là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa có từ hàng ngàn năm trước. Thể theo sách Tàu thì "kỳ" là tên con sư tử đực, "lân" là tên con sư tử cái. Người ta không phân biệt chúng là đực hay cái nên gọi chung là kỳ lân.
Theo dân gian, kỳ lân là con vật thần thoại huyền bí, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng. Đó là con vật rất hiền (còn gọi là nhân thú), không đạp lên cỏ cây, không làm hại vật sống. Kỳ lân chỉ xuất hiện khi có Thánh nhân ra đời hoặc dưới thời thái bình thịnh trị. Như vậy trò múa lân trong đêm Trung Thu tượng trưng cho sự xuất hiện của kỳ lân, cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, nhà nhà gặp nhiều may mắn.
Rước đèn ông sao
Tại nông thôn người ta thường tổ chức cho trẻ em cùng nhau rước đèn đi khắp thôn, xóm, khu phố trong đêm Trung thu. Lễ hội rước đèn có thể được phát động bởi chính quyền địa phương hoặc những nhóm thanh niên trong làng xóm. Họ phân công nhau làm những lồng đèn ông sao thật lớn hoặc những lồng đèn thật đẹp để thi thố với nhau trong lễ rước đèn.
Cùng đèn ông sao, ngày nay, đèn được làm đa dạng với các hình thù khác nhau. (Ảnh: internet).
Cùng đèn ông sao, ngày nay, đèn được làm đa dạng với các hình thù khác nhau: đèn ông sư, đầu sư tử, đèn hình con cá, hình con thỏ…
Cùng với rước đèn, mỗi em thiếu nhi cầm trên tay một đồ chơi tinh nghịch cho riêng mình: mặt nạ các nhân vật hoạt hình khác nhau.
Những chiếc mặt nạ này thường được làm bằng bìa hoặc bằng giấy bồi: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Bạch Cốt Tinh.
Đêm Trung thu có ý nghĩa gắn kết tình thân, bồi đắp tình yêu thương gắn bó giữa làng xóm, gia đình, giữa người lớn và trẻ nhỏ. Các trò chơi dân gian không chỉ mang lại niềm vui, tiếng cười mà còn ý nghĩa hướng mỗi cá nhân vào những hoạt động lành mạnh, mang tính tập thể.
Nhảy vòng
Số lượng người chơi: 10 em trở lên, chia làm 2 đội chơi.
“Oẳn-tù-tì” chọn ra đội nhảy trước (đội A). Đội còn lại (đội B) cầm tay nhau ngồi xổm, tạo nên một “hàng rào” vòng tròn. Từng cặp “bàn tay liên kết” đặt chùng xuống chạm mặt sân chơi làm “cửa bẫy”, sẵn sàng hất lên khi đối thủ nhảy qua…
Các thành viên đội nhảy A đi lại quanh vòng ngoài, chọn thời điểm mất cảnh giác của một cửa bẫy đội B để bất ngờ nhảy lọt vào trong vòng. Nếu được, đội B phải “mở cửa” đúng vị trí đó cho cả đội A vào. Đội A thắng trận lại tìm cơ hội khác để vượt vòng đội B ra ngoài. Và cứ tiếp tục ra vào như vậy nếu đội nhảy còn thắng…
Trường hợp cửa bẫy của hàng rào đội B kịp thời hất lên tạo chướng ngại vật và chạm được vào chân người nhảy của đội A, thậm chí có thể gây ngã đối thủ, thì đội A coi như bị thua và phải ngồi xuống thay thế tạo vòng nhảy cho đội B xung trận…
Lưu ý, cặp “bàn tay liên kết” khi hất lên gây chướng ngại có thể cao thấp tùy ý, nhưng người chơi của đội tạo vòng nhảy phải luôn ở nguyên tư thế “ngồi xổm”. Nếu cặp nào đó đứng lên để hất là vi phạm nội quy chơi và đội chơi coi như thua trận ấy.
Cam quýt mít dừa…
Đây là một trò chơi lâu đời của trẻ em miền Bắc. Một lượt chơi gồm 8 bé.
Cách hàng ngang này 10 – 15m, vẽ một đường thẳng để làm đích đến. (Ảnh: internet).
Trong nhóm, chọn ra một bé “cầm cái”. Còn 7 bé còn lại xếp hàng ngang, được đặt tên theo 7 loại quả: Cam, Quýt, Mít, Dừa, Dưa, Hồng, Cậy. Mỗi người đứng độc lập với nhau và đưa hai bàn tay ra sau lưng, đan vào nhau tạo thành một cái bát hứng. Cách hàng ngang này 10 – 15m, vẽ một đường thẳng để làm đích đến.
Bạn nhỏ cầm cái sẽ cầm một quả banh nhỏ hay trái cây, bất ngờ đặt vào bát hứng của 1 trong 7 người chơi còn lại. Người nhận cái phải nhanh chóng chạy về vạch đích, trong khi đó, 2 người sát 2 bên sẽ tìm cách ngăn lại.
Nếu về được đến đích, bé có thể gọi tên một bạn bất kỳ (gọi tên loại quả) lên để cõng mình về. Khi đã trở về vị trí ban đầu, trò chơi tiếp tục được lặp lại.
Lưu ý là bé không được làm rơi quả bóng xuống đất hoặc bị giữ lại. Nếu một trong 2 điều xảy ra, bé sẽ phải quay về vị trí ban đầu.
Trò chơi Trời - Đất - Nước
Người quản trò nói: “Trời” và chỉ vào bất kỳ bạn nào, bạn đó sẽ phải đáp “Chim”, khi quản trò nói “Đất” và chỉ vào một bạn, bạn nhỏ này tiếp tục đáp lại: “Cây”. Ngược lại, nếu quản trò nói “Chim” thì bạn nhỏ sẽ phải đáp lại là “Trời”. Trong trò chơi, có 3 cặp từ cần nhớ là Trời – Chim, Đất – Cây và Nước – Cá. Nếu bạn nhỏ nào đáp sai sẽ bị phạt làm theo yêu cầu của quản trò hoặc các bạn còn lại.
Một phiên bản khác của trò chơi này là trò “Ta là vua”. Trong đó, người quản trò sẽ nói “Ta là vua”, các bạn còn lại cúi thấp xuống và nói “Muôn tâu bệ hạ”. Ngược lại, khi người quản trò hạ thấp người và nói “Muôn tâu bệ hạ” thì các bạn phải đáp “Ta là vua”. Những trò chơi dạng này thích hợp cho nhóm đông trẻ nhỏ và tạo ra một bầu không khí hết sức náo nhiệt.
Chuột nhử mèo
Số lượng người chơi: 6-7 em trở lên.
Chuột tránh đòn phải chạy nhanh hết vòng và ngồi vào vị trí của mèo bỏ lại mới thoát. (Ảnh: internet).
Cả nhóm các em cử ra (hoặc “oẳn-tù-tì”) 01 em làm chuột. Còn lại là mèo, ngồi bệt thành vòng tròn quay mặt vào tâm, hai tay quơ ra phía sau lưng đón mồi. Em “chuột” cầm chiếc khăn (mồi) chạy quanh ngoài vòng tròn và kín đáo thả khăn sau lưng một “mèo” nào đó, cố gắng đừng để mèo đó biết…
Chạy hết một vòng, nếu chuột phát hiện thấy mèo kia chưa biết có khăn mồi sau lưng, thì chuột có quyền cầm khăn mồi lên mà quất mạnh vào vai, vào lưng của chú mèo mất cảnh giác… Mèo bị thua phải đứng dậy chạy quanh tránh đòn, rồi về ngồi lại chỗ cũ thì thoát.
Nếu mèo ranh ma hơn mà phát hiện khăn mồi sau lưng, thì cầm khăn đứng lên và lao đi đánh đuổi chuột kia quanh vòng tròn. Chuột tránh đòn phải chạy nhanh hết vòng và ngồi vào vị trí của mèo bỏ lại mới thoát.
Trò chơi cứ thế liên tục với “chú chuột” mới chính là… “mèo” thắng cuộc.
Đốt pháo bằng hạt bưởi khô
Chờ đúng đêm Trung thu, lúc bắt đầu phá cỗ sẽ đốt đèn bưởi. (Ảnh: internet).
Đó là chuỗi đèn hạt bưởi như chiếc vòng cổ xinh xinh! Để có chiếc đèn độc đáo này, mấy chị em cố công tìm thật nhiều hạt bưởi để làm đèn. Bóc vỏ, tách đôi hạt bưởi ra, lấy dây đồng xiên vào thành chuỗi, uốn vòng tròn rồi đem phơi khô. Chờ đúng đêm Trung thu, lúc bắt đầu phá cỗ sẽ đốt đèn bưởi. Khi chuỗi đèn hạt bưởi cháy sáng, tiếng nổ lách tách vui vui, hương thơm của tinh dầu bưởi lan tỏa quấn quýt với những đốm lửa xanh nhấp nháy.
- Chùm ảnh hoài niệm về Tết Trung Thu xưa