24/05/2018, 22:11

BUS NỐI NGOẠI VI VÀO BỘ XỬ LÝ VÀ BỘ NHỚ TRONG

Trong máy tính, bộ xử lý và bộ nhớ trong liên lạc với các ngoại vi bằng bus. Bus là một hệ thống các dây cáp nối (khoảng 50 đến 100 sợi cáp riêng biệt) trong đó một nhóm các cáp được định nghĩa chức năng khác nhau bao gồm: các đường dữ liệu, ...

Trong máy tính, bộ xử lý và bộ nhớ trong liên lạc với các ngoại vi bằng bus. Bus là một hệ thống các dây cáp nối (khoảng 50 đến 100 sợi cáp riêng biệt) trong đó một nhóm các cáp được định nghĩa chức năng khác nhau bao gồm: các đường dữ liệu, các đường địa chỉ, các dây điều khiển, cung cấp nguồn. Dùng bus có 2 ưu điểm là giá tiền thấp và dễ thay đổi ngoại vi. Người ta có thể gỡ bỏ một ngoại vi hoặc thêm vào ngoại vi mới cho các máy tính dùng cùng một hệ thống bus.

Giá tiền thiết kế và thực hiện một hệ thống bus là rẻ, vì nhiều ngã vào/ra cùng chia sẻ một số đường dây đơn giản. Tuy nhiên, điểm thất lợi chính của bus là tạo ra nghẽn cổ chai, điều này làm giới hạn lưu lượng vào/ra tối đa. Các hệ thống máy tính dùng cho quản lý phải dùng thường xuyên các ngoại vi, nên khó khăn chính là phải có một hệ thống bus đủ khả năng phục vụ bộ xử lý trong việc liên hệ với các ngoại vi.

Một trong những lý do khiến cho việc thiết kế một hệ thống bus khó khăn là tốc độ tối đa của bus bị giới hạn bởi các yếu tố vật lý như chiều dài của bus và số bộ phận được mắc vào bus.

Các bus thường có hai loại: bus hệ thống nối bộ xử lý với bộ nhớ (system bus, Front Side Bus-FSB) và bus nối ngoại vi (bus vào/ra – I/O bus) (hình V.4). Bus vào/ra có thể có chiều dài lớn và có khả năng nối kết với nhiều loại ngoại vi, các ngoại vi này có thể có lưu lượng thông tin khác nhau, định dạng dữ liệu khác nhau. Bus kết nối bộ xử lý với bộ nhớ thì ngắn và thường thì rất nhanh. Trong giai đoạn thiết kế bus kết nối bộ xử lý với bộ nhớ, nhà thiết kế biết trước các linh kiện và bộ phận mà ông ta cần kết nối lại, còn nhà thiết kế bus vào/ra phải thiết kế bus thoả mãn nhiều ngoại vi có mức trì hoãn và lưu lượng rất khác nhau (xem hình V.6).

Hình V.4: Hệ thống bus trong một máy tính

Hiện nay, trong một số hệ thống máy tính, bus nối ngoại vi được phân cấp thành hai hệ thống bus con. Trong đó, bus tốc độ cao (high-speed bus) hỗ trợ kết nối các thiết bị tốc độ cao như SCSI, LAN, Graphic, Video,…và hệ thống bus mở rộng (expansion bus) được thiết kế để kết nối với các ngoại vi yêu cầu tốc độ thấp như: modem, cổng nối tiếp, cổng song song,…Giữa hai hệ thống bus nối ngoại vi trong tổ chức hệ thống bus phân cấp là một giao diện đệm (hình V.5).

Hình V.5: Hệ thống bus phân cấp

Hình V.6: Bảng biểu diễn tốc độ dữ liệu của các ngoại vi

Ta có thể có nhiều lựa chọn trong việc thiết kế một bus, như trong bảng V.3.

Bảng V.3: Các lựa chọn chính yếu cho một bus

Trong bảng V.3 có khái niệm sau đây liên quan đến các chủ nhân của bus - các bộ phận có thể khởi động một tác vụ đọc hoặc viết trên bus. Ví dụ bộ xử lý luôn là một chủ nhân của bus. Một bus có nhiều chủ nhân khi nó có nhiều bộ xử lý, hoặc khi các ngoại vi có thể khởi động một tác vụ có dùng bus. Nếu có nhiều chủ nhân của bus thì phải có một cơ chế trọng tài để quyết định chủ nhân nào được quyền chiếm lĩnh bus. Một bus có nhiều chủ, có thể cấp một dãi thông rộng (bandawidth) bằng cách sử dụng các gói tin thay vì dùng bus cho từng tác vụ riêng lẻ. Kỹ thuật sử dụng gói tin được gọi là phân chia nhỏ tác vụ (dùng bus chuyển gói). Một tác vụ đọc được phân tích thành một tác vụ yêu cầu đọc (tác vụ này chứa địa chỉ cần đọc), và một tác vụ trả lời của bộ nhớ (chứa thông tin cần đọc). Mỗi tác vụ đều có một nhãn cho biết loại của tác vụ. Trong kỹ thuật phân chia nhỏ tác vụ, trong khi bộ nhớ đọc các thông tin ở địa chỉ đã xác định thì bus được dành cho các chủ khác.

Bus hệ thống là một bus đồng bộ, nó gồm có một xung nhịp trong các đường dây điều khiển, và một nghi thức cho các địa chỉ và các số liệu đối với xung nhịp. Do có rất ít hoặc không có mạch logic nào dùng để quyết định hành động kế tiếp nào cần thực hiện, nên các bus đồng bộ vừa nhanh, vừa rẻ tiền. Trên bus này, tất cả đều phải vận hành với cùng một xung nhịp.

Ngược lại, các bus vào/ra thuộc loại bus bất đồng bộ, các bus này không có xung nhịp đồng bộ trong hệ thống bus. Thay vào đó có các nghi thức bắt tay với các quy định riêng về thời gian, được dùng giữa các bộ phận phát và bộ phận thu của bus. Bus bất đồng bộ rất dễ thích ứng với nhiều ngoại vi và cho phép nối dài bus mà không phải lo ngại gì đến vấn đề đồng bộ. Bus bất đồng bộ cũng dễ thích ứng với những thay đổi công nghệ.

0