Bùi Quang Chiêu và Đảng Lập Hiến tạo Nam Kỳ thuộc Pháp, 1017-30
R. B. Smith Ngô Bắc dịch Những năm 1916-17 đúng là có một điều gì đó của một khúc quanh trong sự phát triển trong chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Tại Nam Kỳ (Cochinchina), một cuộc tấn công không thành công vào nhà tù trung ương Sàigòn trong tháng Hai 1916 được tiếp nối bởi ...
R. B. Smith
Ngô Bắc dịch
Những năm 1916-17 đúng là có một điều gì đó của một khúc quanh trong sự phát triển trong chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Tại Nam Kỳ (Cochinchina), một cuộc tấn công không thành công vào nhà tù trung ương Sàigòn trong tháng Hai 1916 được tiếp nối bởi nhiều vụ bắt bớ lớn lao và sự phá hoại thực sự, trong thời gian này, của mạng lưới các hội kín vốn đã tăng trưởng tại nhiều tỉnh ở thuộc địa trong suốt thập niên trước. Nhiều đoàn viên của các hội kín như thế đã bị mang ra trước các pháp đình quân sự đặc biệt (được biện hộ bởi sự kiện rằng nước Pháp đang trong thời chiến tại Âu Châu) và bị kết án tử hình, lưu đầy, hay án tù dài hạn. Tại Trung Kỳ (An Nam), một âm mưu khác bị bóp chết, có lẽ hoàn toàn riêng biệt, được trù tính tại Huế trong Tháng Năm 1916, liên can đên việc bắt cóc vị hoàng đế thiếu niên, Duy Tân; nhưng nhà vua bị tìm thấy bởi người Pháp hai năm sau đó, trước khi một cuộc nổi dậy dự phóng tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có thể được khởi sự. Nhà lãnh tụ của âm mưu này, ông Trần Cao Vân, đã bị hành quyết cùng với ba người khác, và vị hoàng đế bị truất ngôi đã bị đầy sang đảo Réunion. 2 Các biến cố này tại Nam Kỳ và Trung Kỳ đã đưa đến một sự đình chỉ, ít nhất trong một thời gian, các hoạt động của các nhóm dân tộc chủ nghĩa bí mật, mà nguồn cảm hứng ban đầu được rút ra từ Nhật Bản, vốn gia tăng sức mạnh từ khoảng năm 1905. Tại Bắc Kỳ (Tongking), cũng đã có các hội đoàn bí mật, phần lớn nhìn nhận sự lãnh đạo của ông Phan Bội Châu, người khi đó đang lưu vong tại thành phố Quảng Châu (Canton), và bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các phương pháp cách mạng của Tôn Dật Tiên (Sun Yat-Sen). Nhưng cũng có diễn ra, hoạt động quan trọng sau cùng của họ trong vài năm, hồi Tháng Chín 1917, khi Lương Ngọc Quyến, trốn thoát khỏi nhà tù ở Thái Nguyên và đã có thể nắm quyền kiểm soát thị trấn trong một tuần lễ, trước khi bị đánh đuổi và đã tự vẫn. 3 Chính ông Phan Bội Châu đã bị bắt giữ bởi Trung Hoa vào năm sau đó.
Chính trong các tình huống này, với việc người Pháp thụ hưởng một sự kiểm soát vững chắc tại Đông Dương hơn bao giờ hết, đã bắt đầu xuất hiện tại Sàigòn một phong trào chính trị thuộc một loại khá khác biệt, được lãnh đạo bởi các người chuẩn bị sử dụng các phương pháp hiến định nhằm cố gắng cưỡng buộc chính quyền thực dân phải tuân hành đúng theo các lý tưởng được bày tỏ của chính nó. Sự việc khởi đầu với sự thành lập, trong tháng Tám 1917, một tờ báo bằng Pháp ngữ, tờ La Tribune Indigène (Diễn Đàn Bản Xứ). Sự ấn hành các tờ báo, hay bất kỳ thể loại văn chương nào khác, bằng tiếng Việt phải chịu các hạn chế nghiêm ngặt và sự kiểm duyệt thường trực, nhưng các ấn phẩm bằng tiếng Pháp thì được chấp thuận. Từ lâu đã có một số nhật báo và tuần báo phục vụ cộng đồng người Pháp tại Sàigòn, và ít nhất một tờ trong chúng đã hoàn toàn bộc trực trong sự chỉ trích của nó đối với nhà chức trách đã được thiết lập: tức là tờ La Cochinchine Libérale, vốn được thành lập trong năm 1915 bởi ông Jules-Adrien Marx. Nhưng vào lúc này đã có một số lượng gia tăng dân cư của Sàigòn là những kẻ, mặc dù là người Việt Nam khi sinh ra và nói tiếng mẹ đẻ, nhưng là người Pháp về mặt giáo dục và trong một số trường hợp, có quốc tịch Pháp. Một thiểu số nhỏ có quốc tịch Pháp có quyền tự do như bất kỳ công dân nào khác của nước đó để thành lập một tờ báo bằng Pháp ngữ, và một người trong họ, ông Nguyễn Phú Khai, đã thành lập tờ La Tribune Indigène. 4 Ông Khai, nguyên quán tỉnh Bà Rịa, đã được giáo dục tại Pháp như một người được bảo trợ bởi [ký giả] Pierre Loti, nhưng khi hồi hương, đã quyết định chống lại việc xin việc làm trong công sở thực dân Pháp. Ông lập luận rằng đồng bào ông từ lâu đã bị ám ảnh bởi ý tưởng làm công chức [function, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch], bất luận trong chế độ quan lại cũ hay trong sự phục vụ người Pháp, với kết quả rằng họ đã trở nên bị bóc lột về mặt kinh tế bởi người Trung Hoa một cách chặt chẽ y như họ bị cai trị về mặt chính trị bởi người Pháp. Nếu đất nước có bao giờ làm được bất kỳ sự tiến bộ nào, nhu cầu đầu tiên của nó không phải dành độc lập về chính trị, mà lại sự canh tân hóa về kinh tế, có nghĩa người Việt Nam sẽ phải đi vào các nghề khác ngoài công việc chính phủ. Chính trong tinh thần này mà ông Nguyễn Phú Khai đã tự mình gắng sức để thành lập nhà máy xay lúa do người Việt làm chủ đầu tiên tại Mỹ Tho trong năm 1915, nhằm cạnh tranh với người Trung Hoa. 5
Các quan điểm của ông được chia sẻ bởi một người Nam Kỳ khác, có lẽ là kẻ thúc đẩy chính yếu đàng sau sự thành lập tờ báo và người lãnh đạo thực sự của nhóm ủng hộ tờ báo. Người này là ông Bùi Quang Chiêu (1873-1945), người con trai thứ nhì của ông Bùi Quang Đại [?], nguyên quán quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre trong vùng châu thổ, thuộc gia đình có truyền thống mạnh mẽ theo Nho Học lẫn chống đối người Pháp. 6 Bản thân ông Chiêu theo học ở một trường Pháp và, bất kể một vài sự miễn cưỡng từ phía cha của ông, ông đã chụp lấy cơ hội để ra đi và theo học ở hải ngoại. Trước tiên ông đến Algiers, nơi mà người che chở cho ông là cựu hoàng Hàm Nghi, kẻ đã bị người Pháp lưu đày đến đó trong năm 1888; và sau đó đến chính nước Pháp. Trở về nước năm 1917, ông gia nhập vào công việc của Phủ Toàn Quyền Đông Dương vào lúc bắt đầu có các sự cải cách của Paul Doumer, và không lâu sau đó được bổ nhiệm về Sở Canh Nông (Service Agricole). Có khả năng chuyên môn về kỹ sư nông nghiệp, và đặc biệt về ngành trồng dâu nuôi tằm, ông ở vào vị thế thăng tiến cao hơn nhiều trong công vụ thuộc địa so với các thư ký và các thông dịch viên vốn tạo thành khối đông đảo thành viên bản xứ trong guồng máy hành chính. Vào năm 1913 ông thuyết trình tại Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) như một chuyên viên về lụa. 7 Bởi ông được tuyển dụng bởi Phủ Toàn Quyền chứ không bởi Chính Quyền Nam Kỳ, ông đã được bổ nhiệm tại các kỳ khác nhau trong Liên Bang, và trong những năm đầu tiên của thế kỷ này [thứ hai mươi, bài này được ấn hành năm 1969, chú của người dịch], ông có mặt ở Huế. Rất có thể ông đã gặp ở đó các nhân vật nổi tiếng gần thời đại của ông, ông Phan Bội Châu (1867-1940) và ông Phân Chu Trinh (1872-1926), các người mà trong năm 1904 ở trong số các nhà thành lập ra Duy Tân Hội (Reformation Association). Tuy nhiên, ông Chiêu bị cách biệt với các nhân vật như thế bởi một biển học to lớn, bởi trong khi ông đã thành công trong hệ thống của Pháp ở Đông Dương, họ lại tiếp nhận nền giáo dục Trung Hoa cần thiết để chuẩn bị cho họ trong các cuộc khảo thí làm quan của An Nam. Rất nhiều phần rằng ông Chiêu đã không tham gia vào phong trào Duy Tân, nhưng có lẽ ông có hay biết về sự hiện diện của nó và về nỗ lực mà phong trào đưa ra trong các năm 1905-8 nhằm thuyết phục thanh niên rời nước và đi học tại Nhật Bản. Quan điểm riêng của ông rõ ràng là bởi Việt Nam không thể nào hy vọng sẽ thành công trong việc canh tân hóa kinh tế và xã hội của mình nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, nó có thể học hỏi từ Pháp giống như từ người Nhật. Vào năm 1906 ông Chiêu đang làm việc tại Hà Nội, và trong Tháng Tám năm đó, ông được đề cập tới như là vị chủ tịch đầu tiên của một Hội Tương Trợ (Société de Secours Mutuel) được thành lập bởi cư dân Nam Kỳ tại miền Bắc Kỳ. 8 Hội tương trợ lẫn nhau là một tổ chức mang đặc tính Việt Nam, và trong thực tế các hội kín có các hoạt động chính trị làm kinh hoàng người Pháp rất nhiều, đã có như một trong các mục đích chính yếu của chúng, mục tiêu giúp cho các hội viên nương tựa vào người khác khi cần thiết. Người Pháp đã sẵn sang để cấp phép cho các hội không có mục đích chính trị, và ông Bùi Quang Chiêu đã làm nhiều việc để phát huy sự khai triển các hội hợp pháp thuộc loại này. Vài năm sau đó, trở lại Sàigòn, ông đã đóng một vai trò lãnh đạo trong sự tạo lập một hội của các cựu học sinh Trường Collège Chasseloup-Laubat, cũng như trong sự mở rộng Hội Giáo Dục Tương Trợ (Société d’Enseignement Mutuel) nguyên thủy được thành lập bởi người Pháp tên A Salles. Vào năm 1918, ông là chủ tịch của cả hai hội. 9 Chính từ các hội thuộc loại này mà Đảng Lập Hi9ến đã được tạo lập.
Từ Tháng Tư năm 1919, trang đầu của tờ La Tribune Indigène mang tiêu đề “cơ quan của Đảng Lập Hiến”, nhưng đảng rõ ràng đã được thành lập cùng lúc với tờ báo, với ông Chiêu là lãnh tụ thực sự của nó và có lẽ chỉ với một nhóm nhỏ các người thân cận làm đảng viên. Cả các mục tiêu lẫn phương thức của nó được nêu ra trong danh xưng của đảng. Nó hy vọng đạt được, xuyên qua sự hành động của chính người Pháp, các sự cải cách sẽ dẫn tới sự canh tân hóa đất nước và một mức độ tự do lớn hơn cho các cư dân của nó. Ngay từ 1908, ông Phan Châu Trinh đã kêu gọi Toàn Quyền Pháp hãy đối xử với người dân một cách ưu ái hơn nếu ông ta muốn có sự ủng hộ của họ; nhưng ông ta chỉ làm như thế trong các điều kiện rất tổng quát, ngoài lời thỉnh cầu cắt giảm các sắc thuế. 10 Phe Lập Hiến mặt khác quan tâm đến việc dành đạt các sự cải tổ cụ thể, và các cột báo của họ đầy các sự thảo luận về các sự cải cách nào cần phải có. Không có bản tuyên ngôn thông thường về các mục tiêu của Đảng còn tồn tại từ thời kỳ ban sơ này, nhưng có lẽ chúng cũng gần giống như những gì được phát biểu bởi ông Diệp Văn Cương trong bài diễn văn hồi tháng Chín 1917 trước Hội Đồng Thuộc Địa Nam Kỳ (Conseil Colonial de la Cochinchine) nơi mà ông là một trong sáu hội viện bản xứ. 11
Ông Diệp Văn Cương (1876-1918) sinh ra tại Bạc Liêu nhưng định cư tại Bến Tre và hẳn phải là một người quen biết của ông Bùi Quang Chiêu nếu không thực sự là một đảng viên trong đảng của ông; ông ta có thể trở nên nổi bật hơn nữa trong phong trào nếu ông không chết đi vào Tháng Một 1918. 12 Trong bài diễn văn này, ông nêu ra sáu đòi hỏi cụ thể cho sự cải cách: thứ nhất, sự biến đổi xã [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] cổ truyền (công xã địa phương) thành các thành phố chính danh với các hội đồng do dân bầu ra; thứ nhì, xóa bỏ những gì còn lại của hệ thống quan lại cổ truyền tại Nam Kỳ và thay thế nó bằng một hệ cấp hành chính hiện đại hơn; thứ ba, cắt giảm số công chức người Việt không quan trọng và tăng lương đáng kể cho số còn lại; thứ tư, bổ nhiệm tại mỗi tổng một thẩm phán hòa giải [juge de paix, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] độc lập với thẩm quyền hành pháp; thứ năm, cải cách luật nhập tịch để tạo dễ dàng hơn cho người Việt Nam trở thành công dân Pháp; và thứ sáu, mở rộng sự đại diện bản xứ trong Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial) để có số đại biểu người Pháp và người Việt ngang nhau, với các đại biểu kể sau được tuyển cử trong một cuộc đầu phiếu rộng rãi hơn nhiều.
Các hy vọng của phe Lập Hiến được nâng cao bởi sự kiện rằng trong năm 1917 viên Toàn Quyền Đông Dương mới là Albert Sarraut, kẻ mà các lời phát biểu công khai cho thấy ông ta có thể sẵn lòng áp dụng một cách chân thành triết lý của thực dân về sự “liên kết” (association), và giải thích nó theo một ý nghĩa thực sự mang lại sự tiến bộ cho thuộc địa. Trong một số khía cạnh, điều mà các ông Bùi Quang Chiêu và Diệp Văn Cương mong muốn là sự đồng hóa (assimilation) hơn là sự liên kết (association): sự du nhập tính hiện đại theo kiểu Pháp nhiều hơn chứ không phải ít đi. Nhưng họ cũng muốn sự tiến triển hiến định theo kiểu Pháp, và trong các tình huống của năm 1917, có nhiều cơ may để đạt được điều đó từ các chính trị gia chủ trương liên kết hơn là từ các nhà hành chính theo chủ trương đồng hóa. Như sự việc diễn ra, Sarraut quan tâm nhiều đến các sự cải cách giáo dục hơn là dến các sự thay đổi chính trị hay hành chính, và dành phần lớn năng lực của ông đến việc hoàn thành cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ loại giáo dục Pháp đã sẵn hiện hữu tại Nam Kỳ; trong diễn tiến, ông ta đã xóa bỏ các cuộc khảo thí cổ truyền, và thiết lập một đại học tại Hà Nội. 13 Bởi thế, phe Lập Hiến, mặc dù bản thân họ không phải là không quan tâm đến giáo dục, song vẫn chưa đạt được bất kỳ điều nào trong các mục tiêu đề ra bởi ông Cương vào lúc nhiệm kỳ của Sarraut làm Toàn Quyền chấm dứt trong năm 1919.
Vào khoảng giữa năm 1919 họ quay trở về với một chủ đề từ lâu ấp ủ trong lòng của ông Nguyễn Phú Khai, tức sự khống chế của người Hoa trên nền kinh tế Nam Kỳ. Vào ngày 28 Tháng Tám, tờ La Tribune Indigène công bố lời loan báo rằng sẽ có một sự tẩy chay người Trung Hoa, và hai ngày sau đó một Hội Thương Mại An Nam (Société Commerciale Annamite) được thành lập, với ông Khai làm chủ tịch. 14 Các phó chủ tịch của hội là ông Nguyễn Chánh Sắt, chủ bút tờ báo bằng Việt ngữ Nông Cổ Mín Đàm (một tuần báo phát hành từ năm 1901 cho đến 1924) và ông Trần Quang Nghiêm, một tiểu thương gia; nó đã tổ chức phiên họp đầu tiên tại trụ sở của Hội Giáo Dục Tương Trợ (Société d’Enseignement Mutuel). Trong Tháng Mười, [phong trào] được tiếp nối với sự thành lập một Ngân Hàng An Nam (Banque Annamite), và hồi đầu Tháng Mười Một các người tẩy chay đã tổ chức một Hội Nghị Kinh Tế Nam Kỳ (Congrès Économique de la Cochinchine) được tham dự bởi các đại diện từ mười sáu trong hai mươi tỉnh của thuộc địa. 15 Tuy nhiên, các hội nghị cho thấy chúng dễ dàng để tố chức hơn là [có được] hành động kinh tế của đại chúng, và người Trung Hoa đã nắm sự kiểm soát quá chặt chẽ trên công cuộc mậu dịch lúa gạo, nên khó cảm thấy bị quấy rầy một cách nghiêm trọng bởi bất kỳ hoạt động nào nhẹ ký hơn. Vào khoảng giữa năm 1920, cuộc tẩy chay lịm dần, và ngoài việc lôi cuốn vào hoạt động thương mại thêm được một ít người Việt Nam so với trước đó, nó chỉ đạt được sự thay đổi kinh tế chút ít. Dù thế, nó chứng tỏ rằng giới tinh hoa do Pháp đạo tạo của Nam Kỳ có khả năng tự tổ chức họ, và họ đã dành được từ đó kinh nghiệm chứng tỏ quý báu sau này.
Một công việc táo bạo thứ nhì của phe Lập Hiến vào cùng lúc đó là chiến dịch của họ nhằm ủng hộ một trong các ứng cử viên trong cuộc bầu cử chức dân biểu Nam kỳ (député de la Cochinchina) diễn ra vào ngày 1 Tháng Mười Hai năm 1919. Là một thuộc địa, Nam Kỳ được có đại diện tại Quốc Hội Pháp, nhưng chỉ có các công dân Pháp mới hội đủ điều kiện để bỏ phiếu. Hai ứng cử viên chính là Ernest Outrey, nguyên là một viên chức cao cấp tại thuộc địa, và Paul Monin, một luật sư khuynh hướng tự do đã sống tại Sàigòn nhiều năm; phe Lập Hiến ủng hộ Monin, nhưng ông ta chỉ được 396 phiếu so với 1,486 phiếu bầu cho Outrey. Ngay giới tinh hoa Việt Nam tại Sàigòn không cách nào thống nhất đàng sau Monin: Outrey đã có sự ủng hộ của một nhóm tự xưng là Hội Những Người An Nam Công Dân Pháp (Société đes Annamites Citoyens Franҫais), đứng đầu bởi một ông Diệp Văn Cương (khác), kẻ sau này đã bị kết án mạnh mẽ bởi phe Lập Hiến. 16
Điều rõ rệt rằng một số người Việt Nam do Pháp đào tạo sẽ không bao giờ đứng lên chống lại các thực dân [colons, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] Pháp bảo thủ, ngay trong phạm vi cho phép bởi luật pháp. Chính phe Lập Hiến sau này bị nhìn bởi các nhóm cực đoan hơn như phe thân Pháp, nhưng họ không đủ ngoan ngoãn để ưa thích Outrey. Hơn nữa, giữa các năm 1917 và 1924 họ thực sự là nhóm chính trị có tổ chức duy nhất tại Nam Kỳ, vào một lúc mà sự đối lập thuộc bất kỳ loại nào cực đoan hơn sẽ bị đàn áp một cách khốc liệt. Trong suốt các năm đó, họ đã có khả năng gia tăng số người theo họ trong cộng đồng người Việt. Trong năm 1920, một tờ báo bằng Pháp ngữ khác được thành lập tại Sàigòn bởi người Việt Nam. Đây là tờ L’Écho Annamite (Tiếng Vang An Nam), mà sáng lập viên thực tế là ông Nguyễn Phan Long, mặc dù ông đã không trở thành chủ biên mãi cho đến hai năm sau. Sự móc nối của ông với ông Bùi Quang Chiêu trước thời gian này không rõ rệt, nhưng ngay trong năm 1919 ông có biểu lộ tình cảm đối với tờ La Tribune Indigène qua việc đóng góp cho tờ báo một truyện đăng nhiều kỳ nhan đề Le Roman de Mademoiselle Lys (Chuyện Cô Lys), trong đó ông đưa vào các sự suy tưởng của mình về các vấn đề của các cá nhân cũng như của thuộc địa có văn hóa một phần Pháp và một phần Việt Nam. 17 Một biến cố khác của năm 1920 có thể được ghi nhận thoáng qua: sự thành lập tại Paris, trong Tháng Mười Một của năm đó, một Hội Tương Trợ Đông Dương (Association Mutuelle des Indochinois). Một trong những người sáng lập là ông Nguyễn Phú Khai, kẻ có lẽ đã ở Pháp từ năm 1920 đến 1923; các sáng lập viên khác là Bác Sĩ y khoa Lê Quang Trinh [?], và luật sư Dương Văn Giáo. 18 Vào thời điểm này, đã có nhiều người Việt Nam sẵn lòng ủng hộ một tổ chức thuộc loại này hơn là chuẩn bị để đi theo ông Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) để gia nhập Đảng Cộng Pháp mà ông ấy giúp vào việc thành lập tại Tours trong tháng sau đó.
Vào khoảng giữa năm 1921, tờ La Tribune Indigène đã khởi sự một chiến dịch đòi hỏi sự cải tổ Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial) và mở rộng sự đại diện của người Việt Nam. Vào lúc này ông Sarraut đã được kế nhiệm trong chức Toàn Quyền bởi một kẻ theo “phe liên kết” khác, ông Maurice Long, kẻ đã giữ chức vụ từ năm 1920 cho đến khi ông từ trần vào năm 1922. Không có gì nghi ngờ rằng nhờ ở thái độ cởi mở của ông ta mà chiến dịch đòi cải tổ đã đạt được một số thắng lợi, chiếu theo sắc lệnh ngày 9 Tháng Sáu năm 1922, đã gia tăng số đại diện bản xứ trong Hội Đồng từ sáu lên mười người, và mở rộng cử tri đoàn người Việt từ khoảng 1,500 người lên hơn 20,000 người. 19 Tuy nhiên, vào lúc đó, số hội viên người Pháp thực sự được gia tăng lên thành mười bốn người khiến cho họ vẫn còn nắm đa số; và 20,000 người không phải là một cử tri đoàn to lớn trên một dân số hơn ba triệu người. Các cuộc tuyển cử đầu tiên theo các sự quy định mới đã được tổ chức trong các Tháng Mười và Mười Một 1922, và mười hội viên bản xứ được tuyển cử bao gồm một số đảng viên Đảng Lập Hiến. Nổi bật nhất trong họ là ông Nguyễn Phan Long, người đã trở thành Phó Chủ Tịch Hội Đồng cũng như phát ngôn viên chính của Đảng ở đó; ông đại diện cho đơn vị tuyển cử bao gồm cả Sàigòn. 20 Một lãnh vực khác trong đó ông Maurice Long đã chuẩn bị để thực hiện các sự thay đổi được hoan nghênh bởi phe Lập Hiến là giáo dục. Giữa thời cuối năm 1918 và cuối năm 1922 số trường tiểu học tại Nam Kỳ đã gia tăng từ 905 lên 1,017, và một trường trung học thứ ba, hay trường cao đẳng (college), được thành lập tại Cần Thơ. 21 Nhưng nhịp độ phát triển đã không được duy trì, và ít năm sau đó, chúng ta thấy ông Bùi Quang Chiêu vạch ra rằng mặc dù số học trò tại các trường ở Nam Kỳ đã gia tăng gấp mười lần giữa các năm 1904 và 1924, tổng số 72,809 trong năm kể sau không phải là một tỷ lệ rất lớn so với 600,000 trẻ em trong tuổi đến trường. 22 Phe Lập Hiến vì thế khởi sự thành lập “các trường miễn phí” dưới sự quản lý của chính họ. Trong năm 1923, ông Nguyễn Phan Long có mở một “trường tư thục nội trú” [pensionnat, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] tại Gia Định, và vào cùng lúc, ông Bùi Quang Chiêu có thành lập một trường tưng tự được gọi là An Nam Học Đường tại Phú Nhuận, thuộc ngoại ô Sàigòn. 23 Nhưng các nhà hành chính Pháp ít nhiệt tình hơn về tất cả sự mở rộng giáo dục này, và trong Tháng Chín 1924, một sắc lệnh đã hạn chế nghiêm ngặt sự thành lập các trường tư thục. Dù thế, trường học của ông Bùi Quang Chiêu vẫn còn tồn tại trong năm 1927, khi ông Tạ Thu Thâu, một lãnh tụ sau này của phe Công Sản Trotsky tại Đông Dương, đã là một thày giáo ở đó trước khi ông xuất dương sang Pháp. 24
Trong các năm 1923-4, nhiệt độ chính trị tại Sàigòn bắt đầu lên cao khi các đảng viên Lập Hiến nhận thấy mình ngày càng cách biệt với phe bảo thủ người Pháp vào lúc đó đang kiểm soát chính quyền Nam Kỳ. Người kế nhiệm Maurice Long làm Toàn Quyền là ông Merlin dè dặt hơn (kẻ đã là đối tượng của một mưu toan ám sát khi ông ta thăm viếng Thành Phố Quảng Châu hồi Tháng Sáu 1924); và viên Phó Thống Đốc Nam Kỳ mới, Maurice Cognacq, 25 được bổ nhiệm trong Tháng Hai 1922, là kẻ bảo thủ với kinh nghiệm lâu năm tại Nam Kỳ. Sự đụng độ quan trọng đầu tiên giữa Cognacq và phe Lập Hiến xảy ra hồi Tháng Mười Một 1923, khi ông Nguyễn Phan Long phát biểu tại Hội Đồng Thuộc Địa chống lại các đề nghị cho một quy ước mới của hải cảng Sàigòn. Ông đã trình bày hùng hồn nhưng không thể ngăn cản sự thông qua bản quy định tại Hội Đồng với một đa số mười bốn phiếu trên bẩy. 26
Trong Tháng Một và Tháng Hại phe Lập Hiến thực hiện một chiến dịch hội họp và diễn thuyết để cố gắng có được một sự đảo ngược quyết định, và lần đầu tiên điều gì đó giống như công luận đã được khơi động tại Sàigòn. Một tờ báo định kỳ bằng tiếng Việt, Nam Kỳ Kinh Tế Báo (Economic Journal of Cochinchina) đã bị đóng cửa hồi đầu năm 1924 vì tội không đếm xỉa đến sự kiểm duyệt về vấn đề này. 27 Chính quyền lập luận rằng đó là một vấn đề chính trị, trong khi phe Lập Hiến tuyên bố rằng nó hoàn toàn là một câu hỏi kinh tế; nhưng không có gì phải ngờ vực về phe bên nào mạnh hơn, và chính quyền đã dành được chiến thắng trong dip này. Phần lớn sự chua chát của các kẻ chống đối bản quy định về hải cảng phát sinh từ sự kiện rằng tại Hội Đồng Thuộc Địa một số các đại biểu bản xứ đã bỏ phiếu chấp thuận nó, nổi bật là Bác Sĩ Lê Quang Trinh, kẻ đã nhận được sự ủng hộ của đảng Lập Hiến trong cuộc bầu cử năm 1922. Ông đã bị tấn công một cách mạnh mẽ trên các cột báo của tờ La Tribune Indigène, và trong Tháng Ba 1924, ông đã trả miếng bằng việc thành lập một tờ báo của chính ông, tờ Le Progrès Annamite (Tiến Bộ Của An Nam). Cuộc tranh chấp kết thúc bằng sự kiện cáo, và ông Lê Quang Trinh bị phạt tại Tòa Cải Chính hay Cải Huấn [?] (Tribune Correctionnel) về tội phỉ báng. 28
Tờ Le Progrès Annamite là tờ báo bằng Pháp ngữ thứ tư tại Sàigòn được điều hành bởi và dành cho người Việt. Tờ thứ ba được thành lập trong tháng Mười Hai 1923 bởi các ông Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường: tờ La Cloche Fêlée (Cái Chuông Rè). Giống như các ông Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai, ông Nguyễn An Ninh (1900-43) đã theo học tại Pháp và đã hấp thụ các lý tưởng chính trị của Pháp. 29 Nhưng ông thuộc vào một thế hệ mới và nóng nảy hơn nhiều so với các người lớn tuổi hơn. Khởi đầu, ông tán thành các mục tiêu của họ về tiến triển theo hiến định, nhưng ngay từ năm 1923 ông có viết về khả tính rằng các mục tiêu đó có thể không đạt được một cách mau chóng bằng các phương thức hòa bình, có thể cần đến phương sách bằng bạo lực. 30 Phe Lập Hiến nhận thấy mình trong năm 1924 đi theo con đường trung lập, giữa các người trong đồng bào của họ đi theo sự dẫn đạo của các ông Diệp Văn Cương và Lê Quang Trinh trong việc ủng hộ các kẻ thực dân (colons) bảo thủ, và những người đã bắt đầu nghĩ đến bạo lực. Triết lý của họ được tóm lược bằng chữ nghĩa của một bài xuất hiện trên tờ La Tribune Indigène hồi giữa năm 1923: 31
“Có hai cách để chinh phục tự do: bằng súng đại bác hay bằng văn hóa; chúng tôi chọn văn hóa.” [Il y a deux faҫons de conqueror la liberté: par la canon ou par la culture; nous sommes pour la culture, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].
Về mặt chính trị của Pháp, ông Bùi Quang Chiêu rõ ràng đã là một đảng viên của Đảng Cấp Tiến và Xã Hội Chủ Nghĩa Cấp Tiến (Parti Radicale et Radical-Socialiste) với một chi nhánh được thành lập tại Sàigòn trong Tháng Tám 1924. Đảng này không nghiêng đủ về cánh tả đối với ông Nguyễn An Ninh, người sau này trở thành Cộng Sản, nhưng nó lại quá đáng đối với Outrey. Có lẽ vì hành động của kẻ kể tên sau mà vào đầu Tháng Một 1925 ông Chiêu bị thuyên chuyển đến một nhiệm sở tại Căm Bốt; ông hiển nhiên là một ảnh hưởng gây xáo trộn tại Sàigòn và tốt hơn là nên được đẩy đi cho khuất mắt. 32 Trong tháng Hai, tờ La Tribune Indigène bị đóng cửa. Trong khi đó, ở Paris, ông Dương Văn Giáo và một cảm tình viên người Phap, ông Georges Grandjean đã thành lập một Nhóm Lập Hiến (Groupe Constitutionaliste) và đã thuyết phục ông Phan Châu Trinh làm chủ tịch. Nhóm đã đóng góp một phần nào trong các bước tiến dẫn chính phủ Pháp đến việc cho phép ông Trinh được trở về Sàigòn (nhưng không về miền Trung Kỳ sinh quán của ông) sau này trong năm 1925. 33
Trong phần lớn năm 1924 phe Lập Hiến đã không có cơ quan ngôn luận chính thức, mặc dù tờ L’Écho Annamite của ông Nguyễn Phan Long tiếp tục ấn hành. Tuy nhiên, trong ít tháng của mùa hè, và một lần nữa trong mùa đông của năm đó, một tờ báo khác đã có một loạt bài đả kích lại các chính sách của Cognacq và tình trạng tham nhũng nói chung: tờ Indochine của Paul Monin và André Malraux. 34 Từ giữa Tháng Sáu đến giữa Tháng Tám 1925, tờ báo chống đối viên Thống Đốc dữ dội đến nỗi ông ta tìm cách đóng của tờ bào bằng cách đe dọa mọi nhà in tại Sàigòn. Tờ báo tái xuất bản trong tháng Mười Một, dưới tên L’Indochine Enchainé (Đông Dương Bị Xiềng Xích), dùng máy in nhập lậu từ Hồng Kông, và xuất bản được vài tháng nữa. Chính Malraux đi đến Hồng Kông vào lúc này, và cũng thực hiện một cuộc thăm viếng ngắn tại Thành Phố Quảng Châu. Cả hai nơi đều rơi vào sự kiềm tỏa của phong trào đình công mở màn cho cuộc cách mạng thứ nhì của Trung Hoa, và trong bối cảnh của các biến cố này, người ta hẳn phải nhìn thấy sự quan tâm gia tăng của Cognacq và bạn hữu ông ta về các phong trào chống đối tại Đông Dương. Không rõ ở giai đọan chính xác nào mà họ hay biết được rằng trong Tháng Sáu 1925, cán bộ Văn Phòng Cộng Sản Quốc Tế (Comintern) Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Hội tại Thành Phố Quảng Châu.
Đây là lúc bắt đầu nhìn như thể chính quyền tại Nam Kỳ sẽ không dung chấp sự đối lập thuộc bất kỳ loại nào, và cũng sẽ không thực hiện các sự cải cách nghiêm chỉnh, khi vào Tháng Bẩy 1925, chính phủ mới ở Paris đã bổ nhiệm làm Toàn Quyền Đông Dương một người phe xã hội chủ nghĩa, ông Alexandre Varenne. Một lần nữa có hy vọng rằng các đòi hỏi của phe Lập Hiến sẽ có thể được đáp ứng, và nó đã không hoàn toàn bị hủy diệt bởi cuộc phỏng vấn công khai giữa viên Toàn Quyền mới đến với ông Nguyễn Phan Long trong Tháng Mười Một khi ông Varenne nói rõ rằng sẽ không thể nào chấp thuận các quyền tự do đầy đủ ngay tức thì. 35 Sự thử nghiệm cụ thể đầu tiên của ông là vụ án ông Phan Bội Châu, người vừa mới bị kết án chung thân khổ sai sau sự bắt giữ ông tại Thượng Hải hồi Tháng Sáu. Đã có sự lên tiếng ồn ào của quần chúng, y như ở Paris, tại Sàigòn và Hà Nội; và theo đúng thủ tục, Varenne đã đi đến quyết định rằng nhà tranh đấu dân tộc chủ nghĩa kỳ cựu sẽ phải được phóng thích, nhưng chỉ cho phép sống ở Huế và không được du lịch trong nước cũng như hải ngoại. 36 Vào khoảng cuối năm ông Bùi Quang Chiêu quyết định tự mình đi sang Paris, và liên kết với ông Dương Văn Giáo trong một bản lên tiếng để thuyết phục chính phủ tại Paris về tính chất đáng mong muốn của các sự cải cách.
Các khát vọng của họ được ghi nhận trong một bài báo mà họ đã góp mặt trong một tạp chí của Bỉ, tờ L’Essor Colonial et Maritime (Sức Bật Thuộc Địa và Hàng Hải). 37 Có sáu khát vọng [được đưa ra]: thứ nhất, các quyền tự do công dân căn bản, kể cả quyền được viết mà không bị kiểm duyệt bằng tiếng Việt, tự do hội họp và lập hội, và tự do du hành mà không cần giấy phép đặc biệt; thứ nhì: sự mở rộng hệ thống giáo dục, mang lại cho người Việt Nam các cơ hội thích đáng theo học bậc đại học; thứ ba, một sự gia tăng số viên chức bản xứ, với các trách nhiệm và sự trả công tương xứng với học vấn của họ; thứ tư, sự đại diện thích hợp của người Việt Nam, cả ở chính Đông Dương và tại Quốc Hội, và sự thiết lập tại Paris một Ủy Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Commission d’Études Indochinoises) để cố vấn chính phủ, với các đại diện dân cử từ thuộc địa; thứ năm, cải cách hệ thống tư pháp, và áp dụng tại Đông Dương pháp chế xã hội và lao động hiện hành tại Mẫu Quốc Pháp; và thứ sáu, bãi bỏ các độc quyền về rượu và thuốc phiện. Các đòi hỏi như thế đã tạo ra một tác động trên một số người Pháp, chẳng hạn như ông Georges Garros có quyển Les Forceries Humainesxuất bản cùng năm đó, và các thanh niên cấp tiến như André Malraux. Nhưng chúng chỉ có một tác động rất nhỏ trên chính quyền, và ông Chiêu đã quay lại Sàigòn hồi Tháng Ba 1926 với bàn tay trắng.
Ông được đón tiếp tại bến tàu bằng một cuộc biểu tình của các thực dân (colons) Pháp chống đối các ý tưởng của ông, nhưng ít ngày sau đó đã có một cuộc phản biểu tình ủng hộ ông bởi các thành viên của phong trào các người trẻ hơn sẽ được gọi là Jeune Annam (Thanh Niên An Nam). Không lâu sau đó cái chết đã xảy đến cho ông Phan Châu Trinh, và đám tang ông vào Chủ Nhật Phục Sinh đã tạo ra cơ hội cho một cuộc biểu tình bởi 25,000 người dự đám ma và một cuộc đình công của các phu khuân vác các nhà máy xay lúa trong Chợ Lớn. Học trò tại một số trường học đeo băng tang màu đen, và khi việc này bị cấm đóan và lệnh cấm không được đếm xỉa đến, một số em học sinh bị đuổi học; tại Mỹ Tho, đã có một sự đụng độ giữa các học sinh và dân quân địa phương. 38 Hai thành viên của Jeune Annam bị bắt giữ và bị kết án tù tại một phiên tòa ở Sàigòn hôm 23 Tháng Tư: Nguyễn An Ninh bị kết án hai năm về tội tuyên truyền cho một cuộc đấu tranh bạo động chống lại người Pháp, và Lâm Hiệp Châu một năm tù về việc công nhiên xúi dục sự làm loạn trong số báo độc nhất của một tờ báo, chính nó cũng mang tên Jeune Annam. 39 Các thực dân (colons) bảo thủ tiến xa hơn, và thực hiện các sự chuyển động để cố gắng bãi nhiệm ông Varenne khỏi chức Toàn Quyền. Vào ngày 27 Tháng Năm, Outrey đệ trình một đề nghị khiển trách ông tại Viện Dân Biểu. Varenne được biện hộ bởi Bộ Trưởng Thuộc Địa và đề nghị bị bác bỏ, nhưng sự kiện rằng viên toàn quyền giờ đây xích mích với nhiều nhà hành chính của mình có nghĩa ông ta ít có cơ hôi để thực hiện các sự cải cách quan trọng.
Trong Tháng Tám 1926, đảng lập Hiến tái lập tờ báo của họ, dưới tên La Tribune Indochinoise (Diễn Đàn Đông Dương), và một giai đoạn mới của sự hoạt động đầy sinh khí lại khởi sự. Ông Bùi Quang Chiêu giờ đây chính thức là giám đốc của tờ báo, và sự quản lý của tờ báo nằm trong tay ông Nguyễn Kim Đính [?], người cũng điều hành một tờ báo Việt ngừ là tờ Đông Pháp Nhật Báo từ 1923 đến 1929. ((Một kết quả không phải là không quan trọng của mọi hoạt động báo chí từ năm 1917 là sự đào tạo tại Sàigòn một nhóm người với kinh nghiệm báo chí đáng kể). Một mục trong số báo thứ nhì của cơ quan ngôn luận mới mang lại một số chỉ dấu về tình trạng chính trị Sàigòn vào lúc này. Tại một phiên họp gần đây của Hội Đồng Thuộc Địa, một người Pháp tự do tên là Gallet đã đệ trình một đề xuất cho một “sự tiến lại gần nhau giữa người Pháp và người An Nam” (rapprochement Franco-Annamite) mà ông Nguyễn Phan Long và phe Lập Hiến ủng hộ. Nhưng năm người trong các hội viên Việt Nam hợp cùng phần lớn người Pháp để chống đối đề nghị và đề nghị này bị bác bỏ. Rất có thể việc bỏ phiếu này làm gia tăng quyết tâm của phe Lập Hiến để đoạt lấy sự kiểm soát trên tất cả số ghế bản xứ tại Hội Đồng, và đó là điều họ đạt được trong kỳ bầu củ Tháng Mười 1926: tất cả mườì ứng cử viên phe Lập Hiến đều đắc cử và ông Bùi Quang Chiêu đã liên kết cùng với ông Nguyễn Phan Long với tư cách một hội viên. 40 Đây là một cao điểm trong sự thành công của đảng.
Đên nay chúng ta quan tâm hầu như hoàn toàn chuyên chú vào các sự phát triển chính trị tại Nam Kỳ, nơi mà các luật lệ cho phép một vài mức độ đối lập với chính quyền trong một nền báo chí Pháp ngữ cởi mở hơn nhiều so với trường hợp của Trung Kỳ và Nam Kỳ. Tại các miền kể sau này, giới tinh hoa do Pháp đào tạo ít hơn nhiều, và ngay các nhân vật hàng đầu như ông Phạm Quỳnh (1892-1945) còn bám víu vào truyền thống Khổng Nho cổ xưa nhiều hơn các đối tác của họ tại miền Nam. Trong suốt các năm 1917 đến 1926, trong khi ông Bùi Quang Chiêu và các bạn hữu đang phát triển một nền báo chí băng Pháp ngữ cấp tiến hơn tại Sàigòn, ông Phạm Quỳnh đã đảm nhận sự chỉ đạo trong việc phát huy một ấn phẩm văn chương định kỳ bằng quốc ngữ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] trong các giới hạn của một chế độ kiểm duyệt đã thực sự ngăn cản bất kỳ nội dung chính trị nào. Tuy nhiên, ông cũng đã thành lập một tờ báo bằng tiếng Pháp, tờ France-Indochine, trong năm 1922, và đã chú ý đến một số vấn đề từng làm bận tâm phe Lập Hiến ở Nam Kỳ. Trong mùa hè năm 1926, ông đề nghị thành lập một đảng chính trị hợp pháp tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ sẽ cộng tác với người Pháp trong việc phát huy sự phát triển tinh thần, kinh tế và tri thức của cộng đồng. Ông đã dành được sự ủng hộ của ông Phan Bội Châu về ý tưởng này, nhưng không phải với Varenne, và sự thừa nhận pháp lý bị đình chỉ. Một đảng mới trong tbực tế được thành lập tại Tourane (Đà Nẵng) trong Tháng Chín 1926, Đảng Tiến Bộ Của Người Dân Việt Nam (Parti Progressive du Peuple Annamite), nhưng không đạt được sự chấp thuận của ông Phạm Quỳnh và không bao lâu nó hoàn toàn bị xâm nhập bởi các kẻ cực đoan. 41 Ông Bùi Quang Chiêu hiển nhiên được tiếp xúc bởi các kẻ thành lập ra đảng kể sau, nhưng ông đã từ chối tham gia, có thể lo sợ rằng sự nới rộng đến các phong trào chính trị của Bắc Kỳ và Trung Kỳ khởi sự tại Nam Kỳ có thể đưa đến sự mở rộng xuống miền kể sau [miền nam] các quy định báo chí và chính trị rất hạn chế của các xứ bảo hộ. Vì thế, Đảng Lập Hiến, mặc dù tự xưng là bao gồm Đông Dương, tiếp tục giới hạn các hoạt động của nó ở miền nam. Vài năm sau đó, năm 1933, ông Phạm Quỳnh đã tham dự vào một nỗ lực thành lập một chính quyền “lập hiến” tại Huế dưới vị hoàng đế mới, Bảo đại, nhưng ông Ngô Đình Diệm có lẽ đã nghĩ đúng rằng sự thí nghiệm sẽ không bao giờ dẫn tới sự độc lập đích thực, dù theo chế độ lập hiến hay cách nào khác. 42
Trong những năm 1927-28, tất nhiên đã có một số sự đua tranh giữa phe Lập Hiến và nhóm Thanh Niên An Nam (Jeune Annam) ít ôn hòa hơn; tuy nhiên nó vẫn chưa đến độ mà phe Lập Hiến phải tự tách biệt ra khỏi các hoạt động của các người trẻ tuổi hơn. Trong Tháng Ba 1927, tờ La Tribune Indochinoise chỉ trích các ông Nguyễn An Ninh và Trần Huy Liệu (sau này nổi tiếng trong hàng ngũ Việt Minh) về việc tổ chức một cuộc biểu tình riêng rẽ tại mộ ông Phan Châu Trinh vài ngày trước ngày giỗ của ông, và tố cáo họ lạm dụng danh nghĩa vị anh hung một cách vô ích. 43 Nhưng việc này không tượng trưng cho một sự tan vỡ nghiêm trọng. Vào lúc này, ông Ninh, kẻ đã không thể thụ án năm trước trọn vẹn [?], đã tổ chức một hội kín mới tại vùng thôn quê Nam Kỳ. Đảng Cao Vọng Thanh Niên [?] (Hope of Youth Party), thực sự mang tính chất Cộng Sản trong cả các mục tiêu lẫn các kỹ thuật của nó; nếu Đảng Lập Hiến có hay biết về điều này, họ đã không làm điều gì công khai để tiết lộ các hoạt động của nó với Sở Công An Pháp (Sureté). 44 Trong Tháng Tư hay Tháng Năm 1927, Jeune Annam đưa ra một lời kêu gọi sự triệt thoái của Pháp ra khỏi thuộc địa, được tiếp nối bởi cuộc bầu cử một Nghị Viện Việt Nam và sự độc lập trọn vẹn; và trong số các tên tuổi được đưa ra làm hội viên của một Ủy Hội Di Tản (Commission d’Évacuation) có tên của ông Bùi Quang Chiêu. Không có điều gì khiến ta nghĩ rằng ông hay bất kỳ người nào khác đã cho phép tên tuổi họ được được đề cập đến theo lối này, nhưng khi ông bị thách đố bởi một tờ báo tiếng Pháp bảo thủ đòi ông công bố lập trường của mình, ông Chiêu đã từ chối tự tách mình hoàn toàn ra khỏi lời kêu gọi; ông chỉ nói rằng các thanh niên luôn luôn nóng nảy. 45 Một lần nữa, trong Tháng Bẩy khi ông Phan Văn Trường, giám đốc tờ báo L’Annam, bị buộc tội xúi dục nổi loạn, tờ La Tribune Indochinoise bày tỏ sự ủng hộ cho ông. Nội vụ kéo dài cho đến Tháng Ba 1928, khi ông Trường bị kết án hai năm tù giam; lập tức ông Bùi Quang Chiêu đề cử ông làm một ứng cử viên vào chức Dân Biểu Nam Kỳ (Député dela Cochinchine) trong tháng kế đó, và thực hiện một chiến dịch vận động nhân danh ông này, và dành cho ông được 175 phiếu, bất kể đến bản án. 46 (Outrey, như thường lệ, được bầu bằng tuyệt đại đa số.) Các cột báo của tờ La Tribune cũng tiếp tục bênh vực cho các người yếu thế bị mắc kẹt trong các tình trạng nơi mà sự bất công của Pháp xem ra nhiều phần thắng thế. Trong suốt nữa đầu năm 1928, thí dụ, nó tìm cách biện hộ cho một gia đình nông dân ở tỉnh Bạc Liêu đã từ chối giao nhượng đất đai của mình cho một kẻ cho vay tiền người Hoa cố tình gian lận, với hậu quả là một lính canh (gendarme) Pháp và ba thành viên của gia đình này đã bị giết chết trong một vụ ấu đả. 47
Tuy nhiên, vào cuối năm 1928, tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn cho phe Lập Hiến né tránh việc tách mình ra khỏi các nhóm cực đoan hơn. Trong hai hay ba năm sắp tới, họ đã chỉ có thể tồn tại bằng việc tuyên bố sự ôn hòa của họ đến mức độ làm mất mọi ảnh hưởng trên các kẻ cực đoan. Về phía chính quyền, ông Varenne được kế nhiệm bởi ông Pasquier trong năm 1928 và phe bảo thủ một lần nữa nắm quyền kiểm soát. Trong mùa thu năm 1928 và nửa đầu năm 1929, họ đã khởi sự đàn áp các tổ chức bí mật nhiều đến mức mà Công An có thể khám phá ra được. Các hoạt động của ông Nguyễn An Ninh giờ đây không còn là bí mật như ông mong muốn, và trong Tháng Mười ông bị bắt và ít tháng sau đó bị kết án ba năm tù. 48 Kế đó trong Tháng Mười Hai xảy ra vụ giết người tại đường Rue Barbier tại Sàigòn, dẫn đến việc bắt giữ bốn mươi lăm đảng viên cộng sản và các tố chức bí mật khác hoạt động tại Sàigòn, kể cả, một cách tình cờ, ông Phạm văn Đồng là kẻ đã sẵn giữ một vai trò ít nhiều quan trọng trong Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (Revolutionary Youth Association). Họ bị giam giữ trong tù cho đến phiên xử trong Tháng Bảy 1930, và phần lớn trong họ vẫn còn bị tù trong một thời hạn khá lâu sau vụ đó. 49 Báo chí cũng bị canh chừng cẩn mật bởi Sở Công An, và một số ký giả đã bị bắt giữ và bị phạt: thí dụ, Dương Văn Lợi [?], nguyên trợ bút tờ La Tribune Indigène và giờ đây một biên tập viên của tờ L’Écho Annamite, bị phạt bởi một tòa án Sàigòn hôm 1 Tháng Sáu, 1929; và hai tuần sau đó cảnh sát đã bắt giữ ông Cao Hải Để [hay Đệ?], biên tập của một tờ báo bằng tiếng Pháp, L’Ère Nouvelle. 50 Tuy thế, các ký giả lớp trẻ hơn đã trở nên can đảm hơn, nổi bật là ông Diệp Văn Kỳ, người thành lập tờ báo Việt ngữ mang tên Thần Chung vào năm 1929, lại chỉ thấy nó bị đóng cửa vào Tháng Ba năm sau. 51
Tuy nhiên thực hiện các cuộc bắt giữ tại Sàigòn thì dễ dàng hơn nhiều so với việc giữ sự kiểm soát các hoạt động bí mật tại các làng xã. Sự kiện rằng các nhà chức trách thực dân không cách nào thành công trong việc hủy diệt phong trào đối kháng mới tại vùng nông thôn Nam Kỳ trở nên rõ ràng trong những tháng tiếp theo sau Tháng Năm 1930, khi một loạt các cuộc biểu tình và rối loạn xảy ra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và tại vùng phía bắc Sàigòn. Khởi thủy, các cuộc biểu tình này nhằm ủng hộ cho một yêu cầu giảm thuế, nhưng với thời gian, chúng trở nên cực đoan. Các kẻ phe Cộng sản (kẻ đã thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hồng Kông trong Tháng Hai 1930) đã tuyên nhận công lao về các sự xáo trộn này, mặc dù họ đã không hoàn toàn phụ trách. Sự bất ổn ở đây ít nghiêm trọng hơn so với Trung Kỳ phía bắc, đặc biệt tại tỉnh Nghệ An; nhưng nó đã đã diễn ra trong một thời gian đáng kể, và phải chờ mãi đến khoảng Tháng Sáu năm 1931, Nam Kỳ mới hoàn toàn yên tĩnh trở lại. 52 Một số kẻ dính líu hiển nhiên nhất bị bắt giữ và gửi ra đảo Côn Sơn (Poulo Condore) hay bị đầy đi xa hơn nữa. Nếu các sự xáo trộn tự bản thân có thể được so sánh trong một vài khía cạnh với phong trào hội kín năm 1916, hậu quả cũng chúng cũng có thể so sánh như thế, rằng sự tan rã của phong trào đã tạo ra chúng, và một thời kỳ yên tĩnh phát sinh tiếp đó.
Đối với phe Lập Hiến, họ không có thềm gì nhiều hơn việc nhấn mạnh rằng chính họ không phải là kẻ chịu trách nhiệm; một số trong họ còn đi xa hơn nữa và lập luận rằng chính họ là tầng lớp tư sản, và vì thế là một mục tiêu của Cộng Sản không khác gì chính các người Pháp. Sự thực có thể phức tạp hơn đôi chút, bởi đường lối chủ trương bởi tờ L’Écho Annamite trong cuộc khủng hoảng xem ra làm liên tưởng rằng một số người trong phe Lập Hiến đã ủng hộ các cuộc biểu tình ban đầu hồi Tháng Năm và Tháng Sáu, năm 1930 và cho các đòi hỏi giảm thuế của nông dân tiếp theo sau một trận bão ở miền Tây Nam Kỳ, và rằng họ chỉ trở nên lo lắng khi các kẻ cực đoan trong số các người biểu tình cương quyết đòi tiến xa hơn. 53 Nhưng ngay dù trong trường hợp này, hiệu quả của các sự rối loạn nói chung chứng tỏ rằng Cộng sản và các kẻ cực đoan khác đã có một ảnh hưởng ở nông thôn lớn hơn nhiều, so với phe Lập Hiến, và cùng một lúc, khiến cho bất kỳ một sự liên minh thực sự nào giữa hai nhóm trở nên điều bất khả trong tương lai. Phe Lập Hiến kể từ đó bị gạt bỏ bởi nhiều người dân Nam Kỳ như là thân Pháp.
Tuy nhiên, sẽ là điều sai lầm để giả định rằng phe Lập Hiến và phe Cộng Sản là hai nhóm duy nhất tranh dành một vị thế sức mạnh tại Nam Kỳ vào lúc này. Một thành tố thứ ba trong tình hình là liên hiệp các giáo phái được kết hợp lại để thành lập ra đạo Cao Đài. 54 Đạo này đã được mở màn tại một ngôi thánh thất thuộc tỉnh Tây Ninh hồi Tháng Mười 1926, và vào cuối năm đó, nó đã có khoảng hai mươi “thánh thất” (oratories) tại tám tỉnh. Vị giáo chủ thực thụ của nó, ông Lê Văn Trung (1875-1934), gần như đồng thời với ông Bùi Quang Chiêu, và là một bạn đồng song tại Trường Collège Chasseloup-Laubat; ông đã từng là một hội viên của Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial), và sau này, đại biểu của Nam Kỳ trong một hội đồng (được chỉ định) để cố vấn Toàn Quyền tại Hà Nội, một chức vụ mà ông ta đã xin từ chức vào năm 1925. 55 Nhưng đã có các nhân vật trẻ hơn đứng phía sau, nổi bật là ông Phạm Công Tắc (chết năm 1958) người có các đường dây liên lạc với ông hoàng lưu vong Cường Để hãy còn sống tại Nhật Bản, và nhánh ở Tây Ninh của phong trào [có lập trường] thân Nhật Bản một cách mạnh mẽ kể từ khoảng 1937. Phong trào trong thực tế cực kỳ phân hóa, điều đó không có gì gây ngạc nhiều bởi nó thực sự là một liên hiệp các giáo phái. Rất có thể là ngay vào năm 1930, một số trong các tín đồ của nó đã cộng tác với Cộng Sản, vào lúc khi mà ông Lê Văn Trung hô hào các đệ tử của ông đến định cư tại Tây Ninh hầu né tránh sự ngược đãi bởi Cộng Sản. Các tín đồ Cao Đài khác là các người ủng hộ Đảng Lập Hiến: thí dụ, Lê Kim Ty [?] đã là một trong những người trong danh sách các ứng củ viên của tờ báo Tribune ra tranh chức trong Hội Đồng Thành Phố Sàigòn năm 1929; và ông Trần Quang Nghiêm, người mà chúng ta đã hay biết đến như một phó chủ tịch của cuộc tẩy chay chống Trung Hoa năm 1919. 56 Không có điều nào làm người ta nghĩ rằng chính ông Bùi Quang Chieu có bao giờ là một tín đồ; nhưng ông Nguyễn Phan Long, kẻ đã phủ nhận rằng ông là một kẻ theo đạo Cao Đài năm 1930, đã đóng giữ một vai trò tích cực tại một bộ phận của phong trào vào khoảng 1937. 57
Ngay dù có một số sự trùng hợp trong danh sách đoàn viên giữa phe Lập Hiến và đạo Cao Đài, nhóm sau này tượng trưng cho một kỹ thuật chính trị hoàn tòan khác biệt với chủ trương lập hiến. Họ đã không nhất thiết mong muốn sử dụng đến bạo lực, cũng như họ không nhất thiết chống đối một hệ thống chính quyền theo hiến định nếu Việt Nam trở thành độc lập. Nhưng chính họ chấp nhận kỹ thuật của hội kín, trong nhiều khía cạnh là sự liên tục hay phục hồi phong trào của các năm 1913-16. Sự tương phản giữa phe Cao Đài và phe Lập Hiến biểu lộ, có lẽ rõ hơn bất kỳ điều nào khác, ý nghĩa chân thực của nhóm kể sau: rằng họ cố gắng du nhập vào chính trị Việt Nam một phương pháp chính trị mới, phát sinh từ sự giáo dục của Pháp nơi họ. Họ đã làm như thế trong khuôn khổ của một quyền công dân chật hẹp và của các các cơ hội giáo dục hạn chế đến mức tất nhiên phương pháp của họ chỉ có thể được tự thiết định tại Sàigòn và có lẽ các thị trấn ở địa phương. Tại các làng xã, phương pháp của họ mới chỉ có ý nghĩa nhỏ nhoi, và vì thế vùng nông thôn bị bỏ ngỏ cho các hội kín, bất luận là phe Cao Đài hay Cộng Sản. Khoảng cách giữa sự ôn hòa của phe Lập Hiến và chủ trương cực đoan của các nhóm khác rất thường có khuynh hướng trùng hợp với khoảng cách giữa các thành phố và nông thôn. Không may cho phe Lập Hiến, Việt Nam là một xứ sở nơi mà số phận chính trị nói chung được quyết định tại các làng xã, hơn là tại các thị trấn. Phe Lập Hiến, bất kể một số sự khác biệt nội bộ không tránh khỏi trong một tình thế khi mà sự việc không đi theo đường hướng của họ, vẫn còn có khả năng dành thắng các ghế đại diện trong Hội Đồng Thuộc Địa (Conseil Colonial) như các cuộc bầu cử năm 1930 cho thấy. Nhưng sự việc không kéo dài cho đủ lâu. Một cơ may cho việc phát triển của Nam Kỳ một hệ thống Nghị Viện cùng loại tự phát như đã xảy ra tại Ấn Độ thuộc Anh, tùy thuộc vào việc các làng xã được hấp thụ vào trong một hệ thống hiến định trong suốt các thập niên 1920 và 1930. Sự cải cách năm 1922 tượng trưng cho một bước tiến theo chiều hướng đó, nhưng nó đã không được tiếp nối. Khi người Pháp sau rốt rời bỏ thuộc địa, họ đã không để lại đàng sau họ bất kỳ căn bản nào cho nền dân chủ ở thôn quê, và sự bầu cử các thành viên hội đồng làng xã đã không thay thế cho một truyền thống để tuyển chọn các đại diện tham d