25/05/2018, 12:30

Bóng đá tại Việt Nam

Bóng đá, môn thể thao vua được nhiều người yêu thích, đã theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1896. Đầu tiên, môn bóng đá phát triển tại Nam Kỳ, sau đó lan ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đó là những dấu ấn đầu tiên của Lịch sử ...

Bóng đá, môn thể thao vua được nhiều người yêu thích, đã theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1896. Đầu tiên, môn bóng đá phát triển tại Nam Kỳ, sau đó lan ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đó là những dấu ấn đầu tiên của Lịch sử bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Nam Kỳ

Những người chơi bóng đầu tiên ở Sài Gòn là những công chức, thương gia hay binh lính người Pháp, sau đó, một số ít người Việt Nam cũng bắt đầu tham gia. Họ tập hợp nhau lại thành câu lạc bộ, lấy tên là Cercle Sportif Saigonnais. Quả bóng bầu dục xuất hiện lúc đầu sau được thay hẳn bằng bóng tròn, sân chơi là công viên thành phố, còn gọi là Jardin de la Ville, nay là sân Tao Đàn.

Năm 1905, đội bóng của chiến hạm Anh mang tên King Alfred ghé thăm Sài Gòn, và đã đấu giao hữu với một đội gồm những cầu thủ người Pháp và Việt, đây là trận bóng quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 1906, E. Breton, một uỷ viên Pháp trong L'Union des Sociétés Francaises des Sports Athlétiques đem luật bóng đá sang Việt Nam phổ biến, và trong vai trò hội trưởng, ông đã chấn chỉnh lại Cercle Sportif Saigonnais theo cách tổ chức của các câu lạc bộ bóng đá bên Pháp. Nhiều câu lạc bộ khác được bắt chước thành lập và hoạt động, như: Infanterie, Saigon Sport, Athletic Club, Stade Militaire, Tabert Club... Các giải bóng đá cũng bắt đầu được tổ chức từ đó. Đội Cercle Sportif Saigonnais do được tổ chức, huấn luyện có bài bản, nên đã liên tiếp thắng nhiều mùa giải trong các năm: 1907, 1909, 1910, 1911, 1912, 1916...

Nhiều người Việt nắm được luật và kỹ thuật bóng đá nên tự lập đội bóng của mình. Hai đội bóng Việt Nam đầu tiên thành lập năm 1907 là Gia Định Sport do các ông Ba Vẻ, Phú Khai dẫn dắt và đội thứ hai là Ngôi sao Xanh (Etoile Bleue) của ông huyện Nguyễn Đình Trị, về sau hợp nhất lại thành đội Ngôi sao Gia Định. Trước năm 1920, đội Ngôi sao Gia Định đã thắng tất cả các đội bóng kể cả đội Cercle Sportif Saigonnais của ông Breton (1917), giành Cúp vô địch.

Ngoài ra còn có các đội như: Victoria Sportive, Commerce Sport, Jean Comte, Sport Cholonaise, Khánh Hội Sport, Tân Định Sport, Gò Vấp, Hiệp Hoà, Chợ Quán, Phú Nhuận, Đồng Nai, Enfants de Troupe...; ở các tỉnh có các đội: Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Gò Công, Châu Đốc, Mỹ Tho...

Sân bãi cũng được phát triển thêm như sân Citadelle (tức sân Hoa Lư), sân Renault (tức sân Thống Nhất); sân Fourières (ở Bà Chiểu, gần lăng Lê Văn Duyệt), sân Mayer (góc đường Võ Thị Sáu - Trần Quốc Thảo), sân Marine (ở gần Trung tâm Mắt thành phố Hồ Chí Minh)...

Sau đó, giới hâm mộ và những nhà dẫn dắt hợp tác thành lập một Tổng cuộc Bóng Đá riêng cho người Việt, bầu ông Nguyễn Đình Trị làm Trưởng ban Trị sự, và mua đất làm sân riêng. Lúc ấy đã có một Tổng cuộc Bóng Đá do người Pháp chủ trì, nên việc hợp tác giữa hai Tổng cuộc không thể thực hiện, nhưng hai bên vẫn hợp tác tổ chức những cuộc thi đấu, như giải Vô địch Nam Kỳ. Trong trận đấu giữa Cercle Sportif Saigonnais và Ngôi sao Gia Định năm 1925, trọng tài người Pháp đã đuổi cầu thủ Paul Thi ra khỏi sân, khiến cầu thủ này của đội Ngôi sao Gia Định bị treo giò vĩnh viễn làm cho việc hợp tác thêm khó khăn. Giải Vô địch Nam Kỳ bị gián đoạn trong nhiều năm, chỉ bắt đầu lại năm 1932, với 6 đội người Việt và 3 đội người Pháp.

Giai đoạn 1925-1935, đội Ngôi sao Gia Định tiếp tục nổi tiếng với các cầu thủ như: Sách, Thơm, Nhiều, Quý, Tịnh, Xường, Trung, Thi, Vi, Mùi, Tiếc, Rớt, Tài, Út, Danh, Giỏi, E. Quang... Trong thời gian này, có khoảng 29 giải bóng đá đủ loại được tổ chức, đội Ngôi sao Gia Định đăng quang vô địch 8 lần, số còn lại chia đều cho các đội Victoria, Khánh Hội, Cercle Sportif Saigonnais, Jean Comte, Auto-Hall (Nam), Commerce Sport, Thủ Dầu Một...

Khoảng năm 1932, ở Cần Thơ xuất hiện đội bóng đá nữ đầu tiên là đội Cái Vồn do ông bầu Sửu (tức Trần Khắc Sửu) thành lập, vài năm sau, có thêm đội Bà Trưng ở Rạch Giá - Long Xuyên. Năm 1933, đội nữ Cái Vồn thi đấu với đội nam Paul Bert tại sân Mayer và hòa 2-2, lập nên một kỳ tích trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Giai đoạn 1945-1954, đội Ngôi sao Gia Định tiếp tục ngự trị trên bóng đá Nam Kỳ với những cầu thủ xuất sắc khác như: Maurice Tài, Coón, Lý Đức, Quới, Hiếu, Thọ 2, Tư (Mũi tên Vàng),Dương Bạch Mai, Mỹ (Cọp Đông nam Á) , Đỗ quang Thách (thuật sỹ bóng đá) , Thọ Ve, Bùi Nghẻn, Khê...

Ngoài các giải, Cup được tổ chức tại Sài Gòn và ở các tỉnh, Tổng cuộc Bóng Đá An Nam còn tổ chức tiếp đón nhiều đội bóng nước ngoài, và cử đội tuyển đi thi đấu tại Thái Lan, Campuchia, Malaysia,... cao trào ấy đã làm môn thể thao vua này lan rộng ra cả nước.

Bóng đá Bắc Kỳ và Trung Kỳ

Bóng đá xâm nhập Bắc Kỳ khoảng năm 1906-1907. Báo thời đó đề cập năm 1909, hai đội Lê Dương Đáp Cầu (Legion Đáp Cầu) và đội Olympique Hải Phòng đã thi đấu với nhau. Trận đầu đội Olympique Hải Phòng thắng 2-1, nhưng ở lần sau đội Lê Dương Đáp Cầu đã thắng lại đội Olympique Hải Phòng 8-1 trên sân Hải Phòng.

Tại Hà Nội, tháng 2 năm 1912, Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội (Stade Hanoien) ra đời, gồm các cầu thủ người Việt và một số người Pháp như Menin, Megy, Bernard, Bonardi... Về phía quân đội Pháp có các đội như Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa (Régiment d'Infanterie Coloniale, RIC), Ngôi Sao Xanh (Étoile Bleue), Lê Dương Đáp Cầu, Lê Dương Việt Trì... Ngày 1 tháng 11 năm 1913, đội Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội đá với Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa, kết quả đội bộ binh Pháp thắng 5-3.

Những năm 1910-1920, các đội bóng ở Bắc Kỳ phát triển nhưng các trận đấu thường diễn ra ở các bãi trống, như các ngã ba, ngã tư phố vắng... Về sau, đội Chớp Nhoáng (Eclair) và Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội mới hợp tác lập ra sân Nhà Dầu (gần cầu Long Biên). Còn sân Mangin (nay là sân Cột Cờ) là do Quân đội Pháp quản lý và dùng cho các giải đấu chính thức.

Giai đoạn 1930-1940, Hà Nội có các đội bóng như: Chớp Nhoáng (do Trần Văn Quý đứng đầu), Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội, Racing Club, Lạc Long Ngọn giáo (La Lance), Hoả Xa (Usaga), Trường Bưởi (Chu Văn An hiện nay), Đại học (Université Club), Ngân Hàng, Ô-tô Han (Auto Hall). Hải Phòng có các đội Voi vàng Đất cảng, Olympique Hải Phòng, Mũi Tên (La Flèche), Radium (Trung Học), Thanh niên Bắc Kỳ (La Jeunesse Tonkinoise). Nam Định có đội Hồng Bàng; Phủ Lý có đội Phủ Lý Thể thao; Lạng Sơn có đội Le Semeur.

Miền Trung Việt Nam có các đội như ASNA (Vinh); Sept (Huế); Touranne và Faifo Cheminot của Nha Trang.

Thế chiến thứ hai và chiến tranh Việt - Pháp đã làm gián đoạn sự phát triển bóng đá Việt Nam. Cho đến năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, phong trào bóng đá ở cả hai miền mới được phục hồi và phát triển trở lại.

Miền Bắc: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Tại miền Bắc Việt Nam đội bóng đá Thể Công của Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập ngày 23 tháng 9 năm 1954, nhiều năm liền đoạt chức vô địch.

Năm 1960 Đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (do cầu thủ của Trường Huấn luyện quốc gia và đội Thể Công) được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Đức... đã thi đấu ở các giải GANEFO (Indonesia, 1963) và GANEFO Châu Á (Campuchia, 1966).

Những cầu thủ nổi tiếng giai đoạn này: Thọ, Long, Phàn, Ngọc, Chính, Vinh, Từ Hiển, Hùng (xồm), Khánh, Giáp, Thế Anh...

Miền Nam: Việt Nam Cộng hòa

Tại miền Nam Việt Nam, vào cuối thập kỷ 1950, đội bóng của Việt Nam Cộng hòa đã trở thành 1 trong 4 cường quốc bóng tròn châu Á, khi lọt vào vòng chung kết giải Vô địch châu Á 1960 cùng với Nam Hàn, Ấn Độ, Trung Hoa (do Hồng Kông đại diện).

Năm 1954, đội Ngôi sao Gia Định giải tán, nhóm cầu thủ về đầu quân cho AJS (Association de la Jeunesse Sportive), hoặc đội Cảnh Sát.

Từ năm 1960 đến năm 1966, đội bóng của Việt Nam Cộng hoà thường được xếp hạng từ thứ ba đến thứ nhất trong các giải bóng đá tại châu Á. Đội bóng của Việt Nam Cộng hòa đã đoạt chiếc huy chương vàng bộ môn bóng đá tại SEA Games 1959 và dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Karl-Heinz Weigang người Đức, đã đoạt Cúp Merdeka lần thứ 10 do Malaysia tổ chức năm 1966, với sự tham dự của 12 đội bóng của 12 nước.

Đội AJS, đội Cảnh Sát, đội Tổng Tham Mưu (của Quân lực Việt Nam Cộng hòa) và đội Quan Thuế luân phiên thống trị bóng đá miền Nam cho đến năm 1975.

Giải vô địch thế giới

Năm 1974: Vòng loại cho Giải thế giới, khu vực châu Á

VNCH - Đại Hàn: 0-4

VNCH - Hồng Kông: 0-1

VNCH - Thái Lan: 1-0

Thế vận hội

Năm 1963: Vòng loại cho Thế Vận Hội Tokyo 1964

VNCH - Israel: 0-1 (tại Sài Gòn)

Israel - VNCH: 0-2 (tại Tel Aviv)

Đại Hàn - VNCH: 3-0 (tại (Seoul)

VNCH - Đại Hàn: 2-2 (tại Sài Gòn)

Năm 1968: Vòng loại cho Thế Vận Hội Mexico 1968

VNCH - Philippines: 10-0

VNCH - Đài Loan: 3-0

VNCH - Liban: 1-1

Nhật Bản - VNCH: 1-0

Đại Hàn - VNCH: 3-0

Giải vô địch châu Á

Lần 1: năm 1956 (tại Hồng Kông), VNCH thua Israel và Đại Hàn, không vượt qua vòng loại

Lần 2: năm 1960 (tại Hàn Quốc), VNCH đứng đầu bảng ở vòng loại, tại vòng chung kết:

VNCH - Đại Hàn: 1-5

VNCH - Đài Loan: 1-3

VNCH - Israel: 1-5

Á vận hội (ASIAD)

Lần 1: năm 1951, (tại New Dehli), VNCH không tham dự

Lần 2: năm 1954, (tại Manila), VNCH không vượt qua vòng loại:

VNCH - Philippines: 3-2

VNCH - Hồng Kông: 1-2

Lần 3: năm 1958, (tại Tokyo)

VNCH - Pakistan: 1-1

VNCH - Malaysia: 6-1

Lần 4: năm 1962, (tại Jakarta), VNCH đứng thứ 4

VNCH - Ấn Độ: 2-3 (ở trận bán kết)

VNCH - Malaysia: 1-4 (ở trận tranh huy chương đồng)

Lần 5: 1966, (tại Bangkok), VNCH không vượt qua vòng loại

Lần 6: 1970, (tại Bangkok), VNCH không vượt qua vòng loại

Cúp Merdeka

Cúp Merdeka do Malaysia tổ chức, thường mời một số đội mạnh châu Á nên có giá trị như một giải châu Á thu nhỏ.

Lần 10, năm 1966, 12 đội tham dự: VNCH đoạt cúp. Huấn luyện viên: Karl-Heinz Weigang (Đức).

SEA Games

Lần 1: năm 1959, (tại Bangkok), VNCH đoạt huy chương vàng

VNCH - Thái Lan: 3-1

Lần 2: 1961, (tại Rangoon), VNCH đoạt huy chương đồng

VNCH - Thái Lan: 0-0

VNCH - Lào: 7-0

Lần 3: 1965, (tại Kuala Lumpur), VNCH đoạt huy chương đồng

VNCH - Singapore: 4-1

Lần 4: năm 1967, (tại Bangkok), VNCH đoạt huy chương bạc

VNCH - Miến Điện: 0-1

Lần 5: năm 1969, (tại Rangoon), VNCH hoà Thái Lan, đoạt huy chương đồng

Lần 6: năm 1971, (tại Kuala Lumpur), VNCH hoà Thái Lan, huy chương đồng

Lần 7: năm 1973, (tại Singapore), VNCH đoạt huy chương bạc

VNCH - Miến Điện: 2-3

Lần 8: năm 1975, (tại Bangkok), Việt Nam không tham dự

Xem thêm bài Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam

Trận cuối cùng của đội Việt Nam Cộng hòa là vào năm 1975, sau đó thì đội tuyển thống nhất của 2 nước Việt Nam mãi đến năm 1991 mới bắt đầu tham gia đấu trường quốc tế. Giải đấu quốc tế đầu tiên mà đội tuyển Việt Nam "thống nhất" tham gia thi đấu được công nhận là SEA Games 1991 được tổ chức tại Manila. Trong trận đầu tiên đội gặp đối thủ nước chủ nhà Philippines và đã hòa với tỉ số 2–2.

Giải vô địch quốc gia

xem Giải vô địch bóng đá Việt Nam

Cúp quốc gia

xem Cúp bóng đá Việt Nam

Siêu Cúp quốc gia

xem Siêu cúp bóng đá Việt Nam

Giải vô địch thế giới

Giải vô địch châu Á

Cúp Merdeka

Lần 40, năm 2008, 08 đội tham dự: U22 Việt Nam đoạt Cúp Merdeka. Huấn luyện viên: Mai Đức Chung.

Giải vô địch Đông Nam Á

Bài chi tiết: Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á

Bóng dá nam Việt Nam sau 50 năm mới lại giành được huy chương vàng năm 2008

SEA Games

Lần 22: năm 2003: Việt Nam đoạt huy chương vàng bảng nữ, và huy chương bạc bảng nam.

Nam: Thái Lan - Việt Nam: 2 - 1

Nữ: Việt Nam - Myanma: 2 - 1

Lần 23: năm 2005: Việt Nam đoạt huy chương vàng bảng nữ, và huy chương bạc bảng nam.

Nam: Thái Lan - Việt Nam: 3 - 0

Nữ: Việt Nam - Myanma: 1 - 0

0