31/05/2017, 12:34

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 33

Câu thơ cuối của khổ thơ là một câu thơ đầy bí ẩn. Nó chứa đựng những hình ảnh rất quen thuộc của nông thôn, làng cảnh với tre trúc trong vườn. Hình ảnh đa nghĩa và bí ẩn nhất trong câu thơ là mặt chữ điền - vừa có thể hiểu là một gương mặt người phúc hậu sau hàng tre trúc, vừa có thể hiểu lá đồng ...

Câu thơ cuối của khổ thơ là một câu thơ đầy bí ẩn. Nó chứa đựng những hình ảnh rất quen thuộc của nông thôn, làng cảnh với tre trúc trong vườn. Hình ảnh đa nghĩa và bí ẩn nhất trong câu thơ là mặt chữ điền - vừa có thể hiểu là một gương mặt người phúc hậu sau hàng tre trúc, vừa có thể hiểu lá đồng ruộng xa xa.

Câu 1.

1.   Phát hiện các lỗi trong đoạn văn sau đây và chữa lại:

Thơ tự do có hình thức phân biệt vói thơ cách luật. Không bị ràng buộc vào số câu, sốchữ, niêm luật, đối. Thơ tự do là thơ có phân dòng dài ngắn khác nhau. Tuỳ theo nhu cầu của tiết tấu, nhịp điệu. Nó có thể là hợp thể. Phối xen các đoạn thơ làm theo thể khác nhau hoặc hoàn toàn tự do.

2.   Phân tích giá trị của các biện pháp tu từ được gạch chân trong các đoạn văn sau:

a)   Hắn đã tới cái dốc bên kia của đời. Ởnhững người như hắn, chịu đựng bao nhiêu là chất độc, đầy đoạ cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm, một trận ốm có thể gọi là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều.

(Nam Cao, Chí Phèo)

b)  Nhưng Liên không nghĩ được lâu, mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch Mịch và đầy bóng tối.

(Thạch Lam, Hai đứa Trẻ)

Câu 2.

Nói điều xấu của ta, đó là thầy ta vậy; nói điều tốt của ta, đó là kẻ thù của ta vậy.

Viết bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.

Câu 3.

Có ý kiến cho rằng Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ gắn với những hồi ức của Hàn Mặc Tử về thôn Vĩ, về vẻ đẹp của một vùng nông thôn mà nhà thơ buộc phải xa cách. Lại có ý kiến cho rằng nội dung chủ yếu của bài thơ chính là những tâm trạng thầm kín của nhà thơ. Bằng những hiểu biết về tác phẩm, hãy nêu suy nghĩ của anh (chị) về hai ý kiến trên.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1. Lỗi trong văn bản gồm các lỗi đặt sai dấu chấm câu. Chữa lại:

Thơ tự do có hình thức phản biệt với thơ cách luật. Không bị ràng buộc vào số câu, số chữ, niêm luật, đối, thơ tự do là thơ có phân dòng dài ngắn khác nhau, tuỳ theo nhu cầu của tiết tấu, nhịp điệu. Nó có thể là hợp thể, phối xen các đoạn thơ làm theo thể khác nhau hoặc hoàn toàn tự do.

2.  a) Nhà văn dùng phép tu từ so sánh. Cuộc đời con người giống như một con dốc, chia làm hai phần, bên này là tuổi trẻ, bên kia là tuổi già. Phép so sánh cho thấy nhân vật đã chớm già. Con dốc gợi lên liêp tưởng về chuyện sẽ “đổ dốc”, tuổi già sẽ ập đến rất nhanh.

b) Nhà văn dùng phép tu từ so sánh giấc ngủ ngon, nhẹ nhàng, người ngủ chìm dần vào giấc ngủ với sự yên tĩnh của đêm nơi phố huyện.

Câu 2.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Giải thích ý kiến:

+ Để hiểu câu nói trên, cần hiểu đúng nghĩa của người thầy và kẻ thù. Trong trường họp này, thầy không có nghĩa là người giữ nhiệm vụ truyền đạt kiến thức trong lớp học. Thầy được hiểu một cách chung nhất là người có thể cho ta những bài học có ích trong cuộc sống. Tương tự như vậy, kẻ thù không chỉ kẻ có quan hệ đối lập, thù ghét ta, đấu tranh để tiêu diệt ta. Kẻ thù có thể được hiểu là người gây cho ta những điều không tốt, dù vô tình hay hữu ý. Như vậy, theo câu nói trên, có thể hiểu người chỉ ra những điều xấu, những điều chưa được của ta có thể coi như người thầy, người cho ta những bài học có ích; trong khi đó, người chỉ nói những điều tốt của ta có thể xem như kẻ thù, người gây ra những điều không tốt cho ta.

+ Nội dung của câu nói: hãy biết trân trọng những lời phê phán mình, chính những người phê phán mình sẽ mang lại cho mình những điều bổ ích trong khi đó những người chỉ nói về cái hay của mình, khen ngợi mình lại là những người gây hại cho mình.                                              .

-   Bàn luận về ý kiến:

+ Trong cuộc sống ai cũng có những điều hay và những điều dở. Những điều hay là những điều con người ta nên phát huy; những điều dở là những điều cần nhận ra để sửa chữa, hoàn thiện mình. Chính những điều dở sẽ gây cho ta hậu quả xấu, khiến ta thất bại trong cuộc sống hoặc làm giảm giá trị của ta trong mắt mọi người xung quanh.

+ Cái khó nhất của một con người là tự nhận thức về mình, hiểu rõ cái hay, cái dở của chính mình, đặc biệt là cái dở, cái xấu của chính mình. Con người thường có khuynh hướng chỉ muốn nhìn thấy cái hay của mình mà bỏ qua cái xấu, cái dở. Chính vì vậy, được người khác nói cho biết về những cái hay, cái dở của chính mình là điều cần thiết.

+ Người chỉ ra cho ta cái xấu của ta, dù với mục đích nào, cũng là người đang làm điều tốt cho ta. Đó là người giúp ta nhìn thấy những điều ta không thấy hoặc không muốn thấy. Chính những điều phê phán đó sẽ giúp ta tự hoàn thiện mình. Tất nhiên, lắng nghe những lời phê phán không hề dễ, nhất là khi những lời phê phán ấy có thể đến từ những người mà ta không có cảm tình hoặc thậm chí căm ghét.

+ Người nói cho ta cái tốt của ta, dù với động cơ nào, cũng đang làm điều có hại cho ta. Những lời nói đó có thể khiến ta chủ quan, đánh giá cao chính mình mà quên đi những điều xấu, từ đó khiến ta không thể tự hoàn thiện được mình.

+ Về cơ bản, câu nói trên là đúng nhưng cũng có phần cực đoan. Thực ra, nói đúng, nói khách quan cái tốt của ta cũng là một cách giúp ta nhìn ra điều tốt ở mình để phát huy, nó cũng cần thiết không kém việc chỉ ra cái xấu, cái dở của ta. Hơn nữa, cũng không nên hiểu một cách quá cực đoan câu nói này để thù ghét tất cả những ai khen ngợi mình.

-   Bài học nhận thức và hành động: cần biết trân trọng những lời phê phán và cảnh giác với những lời khen ngợi.

Câu 3

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Vài nét về tác giả, tác phẩm:

+ Hàn Mặc Tử là nhà thơ có cuộc đời rất ngắn ngủi nhưng lại là một trong những ngôi sao, toả ra ánh sáng lạ và để lại một văn học đồ sộ. Chỉ trong hành trình sáng tác ngắn ngủi (chưa đầy mười năm), Hàn Mặc Tử đã đi từ những tập thơ mang dấu ấn thơ Đường luật đến với thơ ca hiện đại. Mang dấu ấn của cuộc đời riêng nhiều bất hạnh vì bệnh tật, thơ Hàn Mặc Tử là sự pha giữa của những hình ảnh đầy thiêng liêng, tinh sạch với những ám ảnh ma quái, điên loạn, đẫm máu... Tuy vậy, ẩn sau thế giới tinh thần phức tạp và bí ẩn đó vẫn là một tâm hồn thiết tha yêu cuộc sống.

+ Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ được trích từ tập Đau thương, tập thơ được coi là kiệt tác của Hàn Mặc Tử. Đây là một trong số hiếm hoi những bài thơ giữ được sự dung dị, không có những ám ảnh ma quái, điên loạn. Dầu vậy, đây vẫn là một trong những bài thơ có những hình ảnh thơ rất bí ẩn.

+ Hoàn cảnh ra đời đặc biệt của bài thơ (lấy cảm hứng từ mối quan hệ với Hoàng Thị Kim Cúc, từ tấm bưu thiếp được gửi vào bệnh viện cho Hàn Mặc Tử) cùng những lối diễn đạt, những hình tượng thơ mơ hồ khiến tồn tại nhiều ý kiến gắn với nhiều cách hiểu khác nhau về bài thơ.

-   Hình ảnh vùng quê thôn Vĩ trong bài thơ:

+ Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ có những câu thơ tuyệt đẹp tả phong cảnh nông thôn, điền viên, đặc biệt là khổ thơ đầu tiên của bài thơ. Đó là một vùng quê thanh bình trong buổi sớm mai.

•  Khổ thơ được mở đầu bằng một câu hỏi như một lời trách móc, một lời mời gọi sao không về thăm lại thôn Vĩ. Chữ về thể hiện một mối quan hệ gắn bó rất đặc biệt của nhà thơ với thôn Vĩ.

•  Câu thơ thứ hai tả nắng sớm mai tinh khiết chiếu lên những thân cau. Trong câu thơ, chữ nắng được lặp lại phải chăng để nhấn mạnh sự chuyển động của nắng sớm đang lên trên những thân cau?

• Câu thơ thứ ba tả cây lá trong vườn trong buổi sớm mai. Từ mướt cho thấy cái bóng mượt, tinh sạch của cây lá trong buổi mai. Hình ảnh so sánh xanh như ngọc gợi liên tưởng về sự dịu mát và ánh sáng.

• 

+ Sang đến khổ thơ thứ hai, hình ảnh thiên nhiên, làng cảnh vẫn còn hiện diện nhưng đã trở nên mơ hồ dần.

• Hình ảnh Gió theo lối gió, mây đường mây rõ ràng không phải là tả thực mà chỉ là một ẩn dụ sử dụng chất liệu thiên nhiên.

•  Câu thơ Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay là một câu thơ tuy tả cảnh (dòng nước chậm chạp trôi, hoa bắp khẽ lay động) nhưng là mượn cảnh ngụ tình, là một câu thơ để nói về dòng tâm trạng buồn bã, ngưng đọng.

•  Mặc dù hình ảnh là con thuyền đậu bến sông trăng, chở ánh trăng nhưng trọng tâm của hai câu thơ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó / Có chở trăng về kịp tối nay cũng không phải là cảm xúc của nhà thơ khi nhìn ngắm ánh trăng mà lại là nỗi lo âu về thời gian.

-   Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ nặng trĩu tâm sự:

+ Có thể nói, làng cảnh thôn Vĩ chỉ là một phần nội dung của bài thơ. Ngay cả khổ thơ đậm hình ảnh thôn Vĩ nhất, thì phong cảnh của thôn Vĩ cũng là một phong cảnh hiện lên trong tâm tưởng. Lời thơ cô đọng nhưng hiểu ba câu thơ sau của khổ một trong mối quan hệ với câu thơ đầu, có lẽ, ngữ pháp của đoạn thơ là: sao anh không về chơi thôn Vĩ (để mà được) nhìn nắng hàng cau, nhìn cây lá xanh như ngọc, nhìn lá trúc che ngang mặt chữ điền. Và như vậy, phong cảnh đây là một niềm ao ước, ao ước được về lại để được ngắm nhìn thôn Vĩ.

+ Khổ thơ thứ hai nói về sự chia li (qua hình ảnh mây, gió), về nỗi buồn ngưng đọng, ủ rũ và đặc biệt về nỗi ám ảnh thời gian, nỗi lo sợ thời gian (thể hiện qua câu thơ Có chở trăng về kịp tối nay?).

+ Khổ thơ thứ ba thuần tuý là những tâm trạng. Đó là một vẻ đẹp mơ hồ như ảo ảnh, một sự xa cách (qua từ ở đây phân biệt với ở ngoài kia /ở nơi kia) qua cảm giác bị giam hãm trong một thế giới mờ nhân ảnh và một nỗi hoài nghi.

 

-    Như vậy, có thể nói, Đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ chứa đựng những câu thơ tả phong cảnh làng quê tuyệt đẹp nhưng đây không chỉ thuần tuý là một bài thơ vịnh cảnh. Cảnh ở đây là chỗ dựa của tâm hồn.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0