Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Tiếng gà trưa | Làm văn mẫu
(Văn mẫu lớp 7) – Em hãy phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh (Bài văn phân tích của bạn Trần Bích Thủy lớp 7A trường THCS Lê Quý Đôn). BÀI LÀM Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh không chỉ là nhà thơ của tình yêu mà còn có rất nhiều ...
(Văn mẫu lớp 7) – Em hãy phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh
(Bài văn phân tích của bạn Trần Bích Thủy lớp 7A trường THCS Lê Quý Đôn).
BÀI LÀM
Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh không chỉ là nhà thơ của tình yêu mà còn có rất nhiều bài thơ thân thuộc với thiếu nhi. Tuổi thơ mồ côi mẹ và sống chật vật bên bà nội nơi làng quê bình dị được thi sĩ phản ánh trong bài thơ “Tiếng gà trưa” thật thân thương như tuổi thơ của nhiều đứa trẻ khác. Có lẽ vì thế mà bài thơ “Tiếng gà trưa” để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc.
Bài thơ “Tiếng gà trưa” (1965) được Xuân Quỳnh mượn hình ảnh tiếng gà gáy quen thuộc để khơi gợi những kỉ niệm. Những câu thơ như những hồi ức giản dị mà tươi đẹp, ấm áp lòng người:
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ”
Xuân Quỳnh bắt đầu bằng hình ảnh một chiến sĩ giải phóng quân nghe được âm thanh tiếng gà trưa “cục tác” và bất chợt nhớ da diết tuổi thơ. Tiếng gà gọi dậy tuổi thơ trong lòng mỗi người. Ba từ “nghe” ở mỗi đầu câu thơ như một bậc thang dẫn người đọc ngược về quá khứ tươi đẹp.
Trên con tàu ngược về quá khứ, chúng ta bắt gặp bao điều:
“Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng”
Ta bắt gặp đầu tiên là một “ổ rơm hồng”, “con gà mái mơ”, “con gà mái vàng”… Tuổi thơ thật hấp dẫn với đầy đủ sắc màu nào hồng, nào trắng, nào vàng. Thi sĩ đang đếm từng thứ một “này… này… này…”. Đây đâu chỉ là tuổi thơ của riêng Xuân Quỳnh, đây là tuổi thơ chung của tất cả chúng ta.
Âm thanh tiếng gà trưa còn gợi lên hình ảnh người bà đôn hậu, tần tảo:
“Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng:
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại thơ lo lắng”
Tuổi thơ, bạn có tò mò về việc gà đẻ trứng hay không? Đứa cháu trong câu chuyện thì có đấy! Khi đứa cháu cố tình xem cảnh gà đẻ thì bị bà mắng, dọa rằng sẽ bị bệnh “lang mặt”. Ôi người bà như từ hiện thực bước vào trong thơ! Cách xưng hô “bà” – “mày” mới thật đúng ngữ điệu của người dân làng quê Bắc Bộ.
“Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp”
Đôi bàn tay bà “khum soi trứng” và “chắt chiu” gợi lên người bà tần tảo, chịu thương chịu khó. Người bà trong lòng mỗi đứa trẻ lúc nào cũng lo nghĩ tới tương lai con cháu, dành dụm chỉ để cho con cháu.
Hơn nữa, người bà ấy giàu đức hi sinh trong đoạn thơ tiếp theo:
“Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới
Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh chúc bâu
Đi qua nghe sột soạt”
Cả năm trời chắt chiu từng ổ trứng để cuối năm bà bán gà lấy tiền mua quần áo mới cho cháu đón Tết. Thật giống với người bà trong câu chuyện “Trồng na”. Bà gì rồi nhưng thay vì trồng chuối để nhanh có trái ăn thì bà lại trồng na để nhiều năm nữa con cháu có cái ăn. Người bà trong kí ức của Xuân Quỳnh cũng chịu bao vất vả (“sương muối”) nhưng hạnh phúc khi “cháu được quần áo mới”. Từ “ôi” như thể hiện đứa cháu vui lắm, sung sướng lắm. Dù “cái quần chéo go” dài quá “ống rộng dài quét đất” hay “cái áo cánh chúc bâu” rộng quá “Đi qua nghe sột soạt” thì đứa cháu vẫn vui sướng vì có quần áo mới đón Tết.
Tuổi thơ khép lại bằng tiếng gà trưa:
“Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng”
Mỗi giấc ngủ của cháu vẫn có những “hồng sắc trứng” tức là có sự ấm áp, yêu thương của bà. Nhờ có bà, có tiếng gà trưa mà tuổi thơ cháu thật đẹp, tuy gian khổ nhưng đầy ấm áp.
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Ổ trứng hồng tuổi thơ”
Chuyến hành trình vượt thời gian kết thúc, thi sĩ đưa ra về thực tại. Đứa cháu xưa kia nay đã trở thành một người lính trưởng thành và giỏi giang, biết cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Động lực cho anh làm vậy mỗi ngày chính là người bà và tình thương vô bờ của bà.
Bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh trong sáng, gần gũi và giàu hình ảnh, làm sống dậy kí ức tuổi thơ thân thương của bao người. Đó cũng là nét hấp dẫn riêng từ bài thơ.
>>> XEM THÊM :
-
Bài Văn Miêu Tả Ngôi Trường Em Đang Học
-
Thuyết Minh Về Con Trâu Việt Nam
-
Tóm Tắt Truyện Hai Cây Phong