Bình luận câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” – Văn mẫu lớp 9
Bình luận câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” – Văn mẫu lớp 9 Bình luận câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" – Bài số 1 Lao động tình thương, lẽ phải là vẻ đẹp tính cách của con người Việt Nam. Đặc biệt, tình thương là biểu hiện cao quý của đạo lý dân tộc. Kho tàng văn học dân gian có ...
Bình luận câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” – Văn mẫu lớp 9
Bình luận câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" – Bài số 1
Lao động tình thương, lẽ phải là vẻ đẹp tính cách của con người Việt Nam. Đặc biệt, tình thương là biểu hiện cao quý của đạo lý dân tộc. Kho tàng văn học dân gian có nhiều bài ca dao, tục ngữ tuyệt hay nói về tình thương người. Một trong những câu tục ngữ được cha ông nhắc nhở con cháu là câu:
“Lá lành đùm lá rách”
Chúng ta cần tìm hiểu câu tục ngữ trên thế nào cho đúng?
1. Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng, đưa ra ý nghĩa:
a. "Lá lành, lá rách” là hai trạng thái sống tương phản của cỏ cây trong thiên nhiên. “Đùm" nghĩa là đùm bọc, bao bọc che chở, bảo vệ. “Lá lành đùm lá rách". “Lá lành" đùm bọc, bao bọc, che chở, bảo vệ cho “ lá rách" để cùng tồn tại trong một cơ thể sống của cây cỏ trước nắng gió, thời gian. "Lá rách" có được "lá lành" đùm bọc, chở che thì đất trời mới có màu xanh, mới có sự sinh sôi nảy nở của thực vật. Hình ảnh bình dị dân dã mà xúc động lòng người: sự đùm bọc của những người bình dân.
b. Nhân dân ta mượn cây cỏ làm ẩn dụ nói lên mối quan hệ giữa con người với con người. "Lá lành" – biểu tượng nói về những con người có cuộc đời ấm no, hạnh phúc, vui tươi, khoẻ mạnh. "Lá rách"- biểu tượng chỉ những con người bất hạnh, đói rét, ốm đau, hoạn nạn… Lấy biểu tượng "Lá lành đùm lá rách", nhân dân ta nhằm nhắc nhở mọi người biết thương yêu, đùm bọc đồng loại, biết tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Vượt qua hoạn nạn khó khăn, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no. hạnh phúc lâu đài.
Có thể nói, câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" nêu lên đạo lý về tình thương nhằm giáo dục mọi người.
2. Bình:
Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" là hoàn toàn đúng.
Nó biểu trưng mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó trong nhân dân ta từ bao đời nay. Cùng sinh sống trong một vùng quê, một đường phố, học chung mội mái trường, với tình làng nghĩa xóm, lúc tắt lửa tối đèn có nhau, ngọt bùi đắng cay cùng chia sẻ. Vì tình người và nghĩa đồng bào mà mọi người đều biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, biết sống đẹp “Lá lành đùm lá rách".
Cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Khi gặp thiên tai, địch hoạ, lúc hoạn nạn … mọi người biết dựa vào nhau trên tình thương yêu. Nhờ thế mà cuộc sống đẹp đẽ hơn, đầy màu sắc ý vị hơn. Nào ai sống biệt lập, sống cô đơn, ích kỷ mà được hạnh phúc thật sự bao giờ ?
Mọi người đùm bọc, che chở, thương yêu nhau… sẽ cho ta thêm sức mạnh, sống nhân đạo hơn, xã hội ngày một văn minh, tốt đẹp hơn. Mọi người trong cộng đồng phải biết tương thân tương ái để mưu cầu hạnh phúc và làm sáng đẹp đạo lý của dân tộc "Thương người như thể thương thân".
Bài học mà câu tục ngữ “ Lá lành đùm lá rách” nêu lên luôn luôn mới mẻ với mọi người. Nó nhắc ta biết hướng thiện và làm việc thiện.
3. Luận:
Tình nhân ái là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được hun đúc qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tình thương là thước đo phẩm chất, nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình, ngoài xã hội.
Tình thương phải thể hiện được bằng việc làm cụ thể: săn sóc người già yếu, bệnh tật, an ủi người đau thương, giúp đỡ trẻ mồ côi, chi viện cho đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh. Một miếng khi đói bằng một gói khi no; một con ngựa đau cả tàu bỏ có; chị ngã em nâng… lá lành đùm áú rách là như vậy. “Gia huấn ca” tương truyền là của Nguyễn Trãi(?) có những vần thơ đầy tình người:
Tiếng rằng ngày đói, tháng đông,
Thương người bớt miệng, bớt lòng mà cho.
Miếng khi đói, gói khi no,
Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng
Mấy chục năm chiến tranh, bão lụt cơ hàn triền miên… thế mà nhân dân ta van vượt qua để đi tới. Phong trào giúp đỡ miền Trung bị bão lụt, quỹ giúp đỡ học sinh nghèo, trẻ mồ côi, phong trào xoá đói giảm nghèo… do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đã được đông đảo nhân dân ta hưởng ứng nhiệt liệt. Một ngày công, một quyển vở một chiếc áo… gửi tặng nói lên tấm lòng thơm thảo nghĩa tình, làm cho tình yêu thương đoàn kết dân tộc thêm keo sơn, gắn bó.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã viết:
"Đứa ăn mày cũng trời sinh.
Bệnh còn cứu đặng, thuốc dành cho không”
Tình thương người được nhân lên dưới ánh sáng cách mạng:
“Thương nhau chia củ sắn lùi,
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng"
Đó không chỉ là câu thơ đẹp mà còn là tấm lòng đẹp, tình nhân ái, nghĩa đồng bào đồng chí, và biểu hiện sâu sắc nhất “Lá lành đùm lá rách”.
Tóm lại, câu tục ngữ nêu lên một triết lý sống đẹp: người với người là bạn nên ai cũng phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Con người chỉ đẹp khi sống giàu tình thương. Xã hội không chỉ đẹp vì sự giàu sang vật chất mà còn vì văn minh, nhân ái.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta phấn đấu vì một mục tiêu cao cả: dân giàu nước mạnh. Đến với một ngày mai tốt đẹp ấy, mọi người Việt Nam càng yêu thương, giúp đỡ nhau hơn. Đời đã đẹp và tình người càng thêm đẹp.
Bình luận câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" – Bài số 2
Dân tộc ta có nhiều truyền thống trong đó truyền thống tương thân tương ái lá lành đùm lá rách là truyền thống cao đẹp và phổ biến trong dân tộc việt nam, như chúng ta ai ai cũng đều biết đến truyền thống thương người như thể thương thân, và mỗi chúng ta cần phải học tập và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Là lành đùm lá rách nghĩa đen của câu tục ngữ này lá lá không rách thì có thể đùm bọc lá rách, nhưng ý nghĩ sâu xã của câu tục ngữ này muốn nói đó là tình yêu thương giữa con người với con người,chúng ta cần phải có tấm lòng tương thân tương ai, cần phải giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn. Ai ai trong cuộc sống này cũng đều phải vấp phải những khó khăn và cả những nghiệt ngã trong cuộc sống vì vậy dũng cảm vượt qua và được sự giúp đỡ của người khác thì chúng ta sẽ có một cuộc sống tươi đẹp. Truyền thống lá lành đùm lá rách là truyền thống tốt đẹp đã có từ xưa tới nay, chúng ta luôn luôn tự hào về truyền thống cao đẹp đó, mỗi con người chúng ta đều phải có tấm lòng nhân đạo, những lúc cuộc sống tốt đẹp hay những lúc khó khăn hoạn nạn chúng ta sẵn sang vẫn có thể giúp dỡ những hoàn cảnh xấu số hơn ta vượt qua những khó khăn và cả những thử thách trong cuộc sống.
Dân tộc Việt Nam luôn luôn tự hào vì dân tộc mình có những truyền thống tốt đẹp, chúng ta những con người đang sống trong một xã hội luôn chưa đựng những khó khăn và cả những thử thách đang phải sống và cần phải có tấm lòng nhân đạo cao thượng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn hoạn nạn, mỗi con người chúng ta ai ai cũng đều phải thương người như thể thương thân, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Trong chiến đấu xưa an hem một lòng chúng sức để chống lại kẻ thù xâm lược, chúng ta cần phải tương thân tương ái , đoàn kết với nhau để có thể vượt qua những khó khăn, luôn giúp đỡ nhau để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này. Nhiều những hoàn cảnh khó khăn chúng ta cần phải giúp đỡ và động viên học khi họ vấp ngã trong cuộc sống , không có chúng một huyết thống nhưng chúng ta đều tự hào là người con của đất việt, một mảnh đất có nhiều truyền thống tốt đẹp và cao quý thiêng liêng.
Trong xã hội xưa chúng ta đã gặp rất nhiều những tấm gương sáng về sự thương yêu và đùm bọc lẫn nhau như Chủ Tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài của nước Việt Nam đã rất sáng suốt khi đưa ra chiến lược nhường cơm sẻ áo đây là một chương trình có chưa đựng tấm lòng nhân đạo sâu sắc chúng ta phải tự hào vì người cha già của dân tộc này, chương trình đã cứu đói được rất nhiều đồng bào đang lâm vào tình trạng khó khăn gian khổ, bác hồ đã hiểu được những khó khăn của nhân dân vì vậy bác đã gành hết tấm lòng thương dân của mình và với tài nằng của người đã sáng kiến ra chương trình với mục đích tương thân tương ái, chúng ta luôn luôn tự hào về người cha già của dân tộc Việt Nam người luôn luôn có tấm lòng nhân ái và sẵn sang hi sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam.
Có rất nhiều những chương trình mà nhà nước đã triển khai để phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chúng ta cần phải giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn và thử thách cho cuộc sống như “ chương trình làm từ thiện” đây cũng là chương trình được tổ chức ra nhằm giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta cần phải tích cực tham gia những chương trình nhân đạo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đang bệnh tật để họ thoát khỏi những điều xấu trong cuộc sống, họ vươn lên để thoát khỏi cái đói, cái khổ, bệnh tật đang năm trong con người của họ. Những chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều những cá nhân có những thói ích kỉ chỉ nghĩ tới bản thân mà không lo cho an nguy của người khác những người đó chúng ta cần phê phán sâu sắc.
Chúng ta cần phải đoàn kết tương thân tương ái giúp đỡ mọi người xung quanh, nhiều những tấm gương sáng chúng ta cần phải học tập và nói theo, đây đều là những truyền thống cao quý của dân tộc Việt Nam chúng ta cần phải phát huy những truyền thống cao quý đó của dân tộc mình, nên sống có đạo đức và hiểu được những giá trị đích thực của cuộc sống này.
Bình luận câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" – Bài số 3
Kho tàng ca dao, tục ngữ của Việt Nam vô cùng phong phú, giàu có không chỉ bởi những câu ca dao, tục ngữ nói về kinh nghiệm trong sản xuất, về con người, về phong tục tập quán mà còn đúc kết những truyền thống văn hóa, ứng xử tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Một trong số đó có thể kể đến là câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”
Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” nói về cách ứng xử cũng như là tình nghĩa, sự đoàn kết giữa con người với con người của dân tộc Việt Nam. Ở đây, ông cha ta dùng cách nói biểu tượng để truyền đạt thông điệp đầy nhân văn này đến các thế hệ hậu bối. Hình ảnh “lá lành” là dùng biểu tượng cho những con người có hoàn cảnh sinh sống thuận lợi hơn, có điều kiện về vật chất và tinh thần trong xã hội. Còn “lá rách” là chỉ những con người có hoàn cảnh khó khăn, những người gặp bất hạnh trong cuộc sống. Còn từ đùm lại rất mang ý nghĩa biểu tượng, bởi nó thể hiện được sự chở che, giúp đỡ, chia sẻ của những người có điều kiện, có hoàn cảnh thuận lợi hơn trong cuộc sống dành cho những người bất hạnh. Ngoài ra, nó còn thể hiện được sự đồng cảm sâu sắc, tình cảm gắn bó, tình nghĩa mà con người dành cho nhau.
“Lá lành đùm lá rách” cũng thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, một trong những nguyên nhân làm nên thắng lợi vang dội của các cuộc đấu tranh vệ quốc là xuất phát từ truyền thống tốt đẹp, thiêng liêng này của dân tộc ta. Trong chiến đấu thì con người đoàn kết, tương trợ sức mạnh cho nhau, trong sản xuất thì giúp đỡ, đùm bọc nhau để cùng phát triển làm ăn. Viết về tình thương giữa những con người, nhà thơ Chính Hữu cũng đã từng viết lên những vần thơ đầy xúc động:
“ Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”
Hay:
“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Trong hoàn cảnh mưa bom bão đạn của chiến tranh, đôi khi chỉ cần một cái nắm tay thôi, sự sẻ chia của những người lính cũng đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để những người lính có thể vượt qua mọi gian khó. “Lá lành đùm lá rách” là cách ứng xử đầy tình nghĩa của con người dành cho nhau. Đối với những người gặp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống mà nói, sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người có tấm lòng không chính là động lực để họ vượt qua tất cả.
Sự giúp đỡ, tương trợ ở đây có thể là về vật chất, song đôi khi cũng có khi là về tinh thần. Khi những người gặp những vấn đề bất hạnh trong cuộc sống, được nhận sự giúp đỡ nhiệt thành của mọi người xung quanh, không chỉ giúp họ có thêm nguồn lực để vượt qua, mà chính những hành động cao đẹp ấy cũng đã tiếp thêm một nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, giúp họ có thêm niềm tin để vượt qua mọi chướng ngại. Trong cuộc sống, những trắc trở, khó khăn không bỏ qua bất cứ ai, bởi lẽ cuộc sống này vốn đầy biến động, không phải trải “toàn hoa hồng” nên người hôm nay thành công hơn, thuận lợi hơn nhưng không có gì đảm bảo là ngày sau ta không sa sút, trở ngại. Vì vậy, hành động giúp người cũng chính là tự giúp mình. Nếu ta giúp đỡ người gặp khó khăn bằng cả tấm lòng, cả tấm lòng nhiệt thành thì khi ta gặp khó khăn, ta cũng sẽ nhận được hỗ trợ, tấm lòng tương ái như khi ta đã cho đi.
Nếu trong xã hội, con người luôn thương yêu, giúp đỡ nhau thì không còn khó khăn, những vấn đề gì làm chùn bước của con người nữa. Như vậy, xã hội không chỉ phồn thịnh, phát triển mà còn tràn ngập tình thương mến, xã hội sẽ vững chắc tuyệt đối. Trong xã hội ngày nay, truyền thống “Lá lành đùm lá rách” vẫn được kế thừa và phát huy một cách mạnh mẽ. Cụ thể là đối với những người nghèo khó, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống thì đã có các tổ chức, các hội như “ hội chữ thập đỏ” tổ chức giúp đỡ, tương trợ.
Ngoài ra, người dân cả nước cũng thường xuyên tổ chức quyên góp tình nguyện, có thể là tiền bạc, có thể là đồ dùng, quần áo cũ không mặc đến để quyên góp cho những gia đình nghèo khó, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Hay mỗi khi đồng bào miền Trung gặp khó khăn do bão lớn thì người dân cả nước lại chung tay giúp đỡ, không chỉ ủng hộ nguồn vật lực để người dân ổn định cuộc sống, khắc phục những khó khăn mà còn đưa cả nguồn nhân lực vào giúp đỡ, tổ chức lại cuộc sống khi thiên tai đi qua.
Như vậy, dù bất kì thời kì nào đi nữa, hễ là người dân Việt Nam thì đều mang trong mình truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tấm lòng thương yêu, đoàn kết của dân tộc ta chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim mỗi người. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” vừa thể hiện được truyền thống lâu đời của dân tộc, vừa thể hiện được phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam từ bao đời qua.
Bình luận câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" – Bài số 4
Dân tộc ta lớn lên trên dải đất hình chữ S-bên bờ Thái Bình Dương sóng gió. Người Việt Nam chịu đựng không biết bao nhiêu tai trời ách nước: giặc ngoại xâm, bão lụt, hỏa hoạn, mất mùa, đói kém… Cứ mỗi lần vượt qua một khó khăn, nhân dân ta lại nhắc nhở nhau một cách sống:
Lá lành đùm lá rách.
Ta cần hiểu ý nghĩa và giá trị của câu tục ngữ này như thế nào để thấm nhuần lời nhắn gửi của ông cha ta để lại?
Câu tục ngữ gợi lên một bài học về đạo lí làm người, về quan hệ giữa con người với nhau. Người ta ở đời, có lúc gặp phải khó khăn, thiếu thôn, hoạn nạn. Lúc ấy nếu tự một mình xoay xở lấy thì thật khó mà vượt qua. Trong hoàn cảnh đó, sự giúp đỡ của người khác, sự chia sẻ của người khác là rất quan trọng. Sự đùm bọc lẫn nhau, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là một cách sống cần thiết, đầy nhân ái.
Xét về giá trị của câu tục ngữ, ta thấy có một giá trị thiết thực. Nói "Lá lành đùm lá rách" là nói đến thái độ nhường cơm sẻ áo giữa những người cùng chung cảnh ngộ, trong cùng một cộng đồng trên cùng một đất nước. Tuy có "lành", có "rách" nhưng cũng là "lá". Đây là chia sẻ, là thông cảm. Khi một người bị hoạn nạn, thì những người không bị hoạn nạn cùng nhau giúp đỡ, đó là "lá lành, đùm lá rách", sự giúp đỡ có thể là không nhiều, nhưng nhiều lúc rất có ý nghĩa, có thể giúp cho người hoạn nạn vượt qua cơn hoạn nạn. Khi một phường, một vùng gặp hoạn nạn thì những vùng bên cạnh cùng hợp lại, mỗi người một ít, mỗi nhà một ít, mỗi phường, mỗi huyện, mỗi tỉnh một ít, kết quả tạo ra một sự góp sức rất to lớn.
"Lá lành đùm lá rách", đó là cách sống và đạo lí đã có tự ngàn xưa của nhân dân Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà nhân dân Việt Nam đã vượt lên bao khó khăn có lúc tưởng chừng không vượt nổi để mãi mãi tồn tại vững vàng. Người ta nói: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Trong khi gặp hoạn nạn, người bị ít khó khăn còn chia sẻ cả với người nhiều khó khăn hơn. Giá trị nhân bản là ở đó.
Trải qua hơn ba mươi năm chiến tranh, rồi gần hai chục năm trở lại đây, truyền thống "Lá lành đùm lá rách" đã được nhân dân ta phát huy một cách mạnh mẽ. Chỉ nói riêng mấy năm gần đây, trên đất nước ta đã bao nhiêu lần thiên nhiên gây ra tai họa ghê gớm. Những trận bão ở miền Trung, rồi lũ lụt ở đồng bằng Nam Bộ…, làm cho nhiều đồng ruộng bị tàn phá. Lúa, hoa màu bị mất sạch, bao nhiêu nhà cửa, bệnh viện, trường học… bị phá huỷ. Những khi miền Trung, miền Nam gặp hoạn nạn, khó khăn, cả nước quan tâm theo dõi, kịp thời chia buồn và cứu trợ. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của cả nước, dần dần nỗi đau mất mát được xoa dịu, người dân trở lại với cuộc sống có cơm ăn áo mặc. Những tin tức về trận bão đã được loan báo, những lời kêu gọi đã được phát đi thì những hành động hưởng ứng đã đáp lại ngay. Có người góp vào quỹ cứu trợ hàng triệu đồng, cũng có bạn nhỏ tự mình mang đến một hai nghìn bạc vốn dành dụm từ món tiền ăn sáng của mình để góp vào phần nhỏ bé.
Một khía cạnh nào đó, hành động "Lá lành đùm lá rách" không phải chỉ có ý nghĩa giúp đỡ người khác, mà còn chính là giúp đỡ mình. Thường khi gói bánh, lá lành nằm bên ngoài, lá rách nằm bên trong để gói. Gói như vậy thì chiếc bánh mới kín, mới cứng. Giúp người khác, chia sẻ với người khác cũng chính là giúp mình, làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Vượt lên khó khăn, đứng vững, chính là góp phần cho đất nước đứng vững, vượt lên. Cuối cùng, cái kết quả tốt đẹp ấy, mỗi người đều được hưởng. Bởi vậy, "Lá lành đùm lá rách" không còn là phương châm cho những hành động nhất thời, đặc biệt mà đã trở nên một cách sống tốt đẹp trong cuộc sống chúng ta. Hằng ngày, vẫn có người lặng lẽ quyên góp chút ít tiền bạc, quần áo cho một trại phong, một trại nuôi dưỡng người già neo đơn, một trại trẻ mồ côi, một gia đình khó khăn, một người tàn tật… Nhân những dịp tết, những người trong phường lại chạnh nhớ để chia sẻ với những bà con nghèo còn thiếu thôn.
"Lá lành đùm lá rách", câu nói ngày xưa chỉ mang một ý nghĩa hẹp, nhằm kêu gọi sự đùm bọc lẫn nhau trong một nhà, một họ hay rộng lấm là một làng. Càng ngày, cùng với sự phát triển của đời sống, sự hiểu biết của con người, ý nghĩa của câu nói càng mang một nội dung nhân đạo sâu sắc và rộng rãi. Đây là một câu nói của tình thương đầy tính nhân đạo. Trong một xã hội, không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tình thương. Tình thương phát triển thành tình cảm chung của mọi người, thành nếp sông phổ biến của xã hội thì tội ác cũng sẽ thu hẹp lại, xã hội sẽ ổn định hơn, tốt đẹp hơn. Cái thiện sẽ đẩy lùi cái ác.
Riêng bản thân em, câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" cũng gợi cho em nhiều suy nghĩ. Trong trường, trong lớp em, có không ít bạn hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bạn đi học với chiếc áo vá, với cái bụng lép, ngoài giờ học còn phải vất vả phụ giúp cha mẹ kiếm sống hoặc tự nuôi mình. Nếu em bỏ đi một món mua sắm, tiêu xài chưa cần thiết, em cũng có thể giúp cho bạn mình đỡ chút khó khăn. Nhiều người làm được như vậy chắc chắn sẽ có ý nghĩa lớn hơn.
"Lá lành đùm lá rách" thật là một cách nói đầy sáng tạo và sâu sắc của người xưa. Tục ngữ không chỉ là văn chương mà còn là triết lí, sống là phải quan tâm đến người khác, phải chia sẻ khó khăn cùng người khác. Đạo lí ấy thật là tốt đẹp mà ngày nay ta cần nuôi dưỡng phát huy.
Vũ Hường tổng hợp
Từ khóa tìm kiếm
- bài viết số 3 lớp 10 lá lành đùm lá rách
- nghĩ về câu tục ngữ Lá lành đùm lá rách
- viết một bài văn ngắn bình luận về câu tục ngữ lá lành đùm lá rách