Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ – Văn mẫu lớp 9
Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ – Văn mẫu lớp 9 Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ – Bài số 1 Ngày 2 – 9 năm nay, tôi được đến thăm làng chài Cửa Vạn. Một chuyến đi vô cùng thú vị. Làng chài Cửa Vạn nằm trong vùng Tùng Sâu thuộc vùng lõi của khu vực di sản văn hóa ...
Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ – Văn mẫu lớp 9
Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ – Bài số 1
Ngày 2 – 9 năm nay, tôi được đến thăm làng chài Cửa Vạn. Một chuyến đi vô cùng thú vị. Làng chài Cửa Vạn nằm trong vùng Tùng Sâu thuộc vùng lõi của khu vực di sản văn hóa thế giới Hạ Long, chếch về hướng Đông Nam, cách bến tàu khách Bãi Cháy chừng 20km.
Làng chài Cửa Vạn thuộc phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cho đến thời điểm này, (2008), Cửa Vạn có 176 hộ, gồm 733 nhân khẩu. Tất cả đều sống bằng nghề chài lưới và nuôi trồng hải sản. Bà con sinh sống trên những nhà bè, to nhỏ khác nhau, hoặc lợp ngói, hoặc lợp tôn, toạ lạc trên những chiếc phao nổi có diện tích ba bốn chục mét vuông. Nhà cửa của hộ nào cũng khang trang sạch sẽ. Nước thải, rác thải được bà con xử lí một cách khoa học, văn minh và vệ sinh, thể hiện một nếp sống văn hoá tuyệt đẹp.
Nhiều gia đình có máy phát điện, có tiện nghi như bàn, ghế, tủ, ti vi…. sang trọng. Những đêm trăng, làng chài Cửa Vạn hiện lên trên mặt nước Hạ Long xanh biếc tựa như một thị trấn nơi Thuỷ cung.
Đánh bắt thuỷ hải sản thì bà con Cửa Vạn dùng thuyền lớn. Đi lại thì dùng thuyền nan nhỏ. Nghề nuôi cá lồng ngày một phát triển. Người sống ở trên, cá nuôi ở dưới. Mỗi lồng cá có hàng trăm, hàng nghìn con cá song, con nào cũng to, nặng hai, ba kí. Một tấn cá song có thể bán được trên, dưới 200 triệu đồng. Nhiều gia đình trở nên giàu có.
Cho đến nay, bà con làng chài Cửa Vạn vẫn còn một số người chưa biết chữ. Trẻ con chưa đi học đã biết bơi, biết chèo thuyền.
Nét mới ở Cửa Vạn là ngồi trường nổi có 4 phòng học với diện tích 150 m2, được neo đậu dưới chân núi Ngọc. Trường hiện có 7 lớp ghép. Các thầy, các cô giáo đều rất trẻ và nhiệt tình; tất cả đều tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm. Cảnh học trò đến lớp mỗi sáng thật đông vui. Tiếng cười nói xôn xao.Tiếng mái chèo ào ạt cắt nước. Những em bé làng chài 7, 8 tuổi,… da ngăm đen, mát sáng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn…. từ những chiếc thuyền nan bé tẹo bước vào lớp học, trông thật đáng yêu. Tiếng chào ríu rít cất lên làm nhộn nhịp cả một vùng biển lặng: "Con chào thầy …", "Con chào cô ạ…".
Cụ Hưu đã 86 tuổi, một trong những ngư dân đầu tiên lập làng nổi Cửa Vạn nói: "Từ ngày có trường học cho con cháu làng chài, gia đình nào cũng tình cảm thấy hạnh phúc; người già như trẻ lại và khỏe thêm ra…".
Ra về, tôi nói với mẹ: "Nghỉ hè tới, hai mẹ con ta lại đi chơi Hạ Long, đi thăm làng chài Cửa Vạn một lần nữa, mẹ nhé!".
Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ – Bài số 2
Tôi đi du lịch hầu như miền Trung và Bắc đều đã từng thưởng ngoạn hầu hết vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước ta như Vịnh Hạ Long với vẻ đẹp huyền sử hay động Phong Nha như chốn thần tiên còn Nha Trang thì một bãi biễn cát trắng dài mút mắt, Huế thì cổ kính nhưng pha chút lãng mạng với tà áo dài thướt tha và nón lá nghiêng che …
Nhưng đối với tôi thật sự không có nơi đâu tuyệt hơn miền Tây quê tôi. Có lẽ các bạn nói tôi thiên vị quê hương mình, thật sự là đúng vậy không nơi đâu đẹp hơn quê hương chúng ta sống và lớn lên.
Quê tôi miền Tây xanh ngắt bốn mùa cây trái xum xuê cùng với dòng sông Hậu hiền hòa tắm mát tuổi thơ tôi.
Tôi nhớ mãi những ngày đi học khi lũ về xe đạp bị nước lũ ngập hơn nữa bán xe nhưng tôi cùng các bạn vẫn vui đùa trên con đường ấy,.Rồi những lúc bơi xuồng đi chài cá hay những lúc dạo quanh những bờ mương đặt lờ .. và lúc chiều về giỏ xách ăm ắp đầy cá.
Còn khi mùa hè về thì anh em chúng tôi đua nhau đi lên những rẫy đậu nành, nấm rơm để bắt dế về đá, tôi thì thích thú nghe chúng ráy.
(Xin cho tôi được phép viết theo kiểu ngôn ngữ miền Tây quê tôi để diễn tả đúng cảm xúc của tôi)
Rồi những lúc đi thăm vườn cây ăn trái của ông nội, trời ơi trái cây nhiều không thể kể hết mận ổi quá trời luôn. Ăn xong là chạy qua nhà chú Tám bẻ Xoài, ăn xoài xong là chạy qua nhà Chú Tư trộm dư hấu. Nhớ lại hồi xưa tui quậy ghê thiệt. kaka.
Hình ảnh con người miền Tây cũng thật tuyệt, cô gái mặc áo bà ba chèo đò ở chợ nổi với những câu hò làm say lòng các chàng trai hay những bác nông dân thật thà chất phác tay lắm chân bùn với chiếc khăn quấn trên đầu chiều chiều ngồi cùng nhau uống trà hát vài câu vọng cổ và kể chuyện bác Ba Phi cho lũ trẻ con nghe.
Với tôi hình ảnh con sông Hậu, sông Tiền rộng lớn, màu xanh rợp bóng hàng cây ven sông và con người Miền Tây là hình ảnh ghi mãi trong tim tôi. Đối với tôi kỳ nghỉ đẹp nhất đáng nhớ nhất chính là tuổi thơ tôi.
Tôi tự hào mình là người con miền Tây thân yêu !
Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ – Bài số 3
Thi đại học xong với một tâm trạng thoải mái tôi được bố đưa lên Cao Bằng- nơi bố đang làm việc. Tại đây tôi đã được đi đến thác Bản Giốc- biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các bạn có thể thấy sự hùng vĩ của nó trên các phương tiện thông tin nhưng nếu 1 lần đến đó, nghe âm thanh của những thác nước đổ xuống từ hàng trăm mét cảm giác sẽ khác hẳn. Từ xa đã nhìn thấy hơi nước bốc lên, đến gần cảm giác để những tia nước bắn lên người thật thích, khi đó tôi không biết có phải trời đang mưa hay không nữa. Những dòng nước trắng chảy từ trên cao xuống thật dữ dội như ai đó đang nổi giận. Nếu chú ý bạn có thể thấy được những khe suối nhỏ, những dòng nước nhỏ đang chảy bên cạnh dòng thác lớn đó. Cây cối xung quanh càng làm cho nơi đây thêm thơ mộng. Đi bè ra hồ đến gần dòng thác hơn bạn sẽ chẳng nghe được người bên cạnh đang nói gì chỉ còn tiếng nước đổ mạnh xuống. Dòng nước trong mát cảm tưởng như bạn muốn ôm cả trời đất vào lòng. Giữa bốn bề rừng núi xanh bát ngát, rộng mênh mông dòng thác đứng đó sừng sững như thách thức với thiên nhiên đất trời. Tới đây ta không thể làm gì khác ngoài việc thốt lên 2 chữ. "Ôi trời"
Cách đó không xa là hang Ngườm Ngao. Cái tên mang đậm bản sắc của người dân tộc nơi đây. Đi bộ qua 2 cây số, cảnh vật xung quanh như còn rất hoang sơ, những núi đá, rừng cây rậm rạp. 1 điều thú vị mà tôi phát hiện ra. Đó là những cái hang rất rộng và có người sống trong đó, như trở về với thời kì đồ đá vậy. Những dây phơi quần áo bằng tre, những dụng cụ thô sơ phải nói thế nào nhỉ? rất hoang sơ. Người dân ở đây hầu hết là chăn dê khi chúng tôi đến thì "một đàn dê núi (khoảng 20 con) ra đón chúng tôi :)' Vừa bước đến miệng hang cái nóng bức khó chịu của mùa hè như tan biến. Không khí thật trong lành, mát lạnh hơi lạnh từ trong hang tỏa ra tạo thành những đợt khói trắng bay ra. Hang Ngườm Ngao không được trang trí hay có những ánh đèn nhiều màu như ở Động Thiên Cung – Hạ Long, nó cũng ít được bàn tay con người tác động vào nhưng chính vì vậy nó tạo cho ta một cảm giác bí ẩn và muốn khám phá. Càng vào sâu bên trong những nhũ đá hiện lên càng đẹp. Trong đây ta còn nghe tiếng suối chảy qua những khe đá. Đi sâu thêm ta dần phát hiện ra vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết của nó. Cảm tưởng như chưa có dấu chân người vậy. Dòng nước mát lạnh trong hang có thể nhìn thấy những hòn đá ở dưới đáy, cứ đi một đoạn là lại có một vũng nước to, nó thật trong, thật đẹp. Nơi đây thật thoải mái và dễ chịu không ồn ào náo nhiệt hay khói bụi và nóng ẩm như ở thành phố. Ra khỏi hang lại là một khung cảnh khác. Tôi đứng ở trên cao, giữa những dãy núi và hàng cây, trông xuống phía dưới, bốn bề chỉ là đá và cây. Chính tôi đang hòa mình vào với thiên nhiên, mây trời vậy.
Nhưng một trong những cảnh tôi không thể quên đó là con đường. Nó không to và rộng nhưng hai bên toàn là cây cối và núi đá. Những cây tán lá rộng, xòe ra xếp thành từng tầng, từng tầng, những thảm cỏ xanh mà tôi tưởng tượng một ngày nào đó tôi cùng các bạn của mình sẽ cắm trại ở đây, rồi những rừng thông xanh mướt, hai bên đường là những cây hoa màu trắng nối tiếp nhau mà tôi không biết đó là hoa gì chỉ biết nó rất đẹp, rất thanh khiết cũng như chính người dân nơi đây vậy
Cảnh đẹp Việt Nam còn nhiều lắm, còn rất nhiều nơi chúng ta chưa khám phá ra, mỗi vùng đất, mỗi dân tộc lại có những nét truyền thống văn hóa khác nhau, đó chính là sự đa dạng của đất nước ta. Trên đường đi tôi đã hiểu tại sao lại có những người con không tiếc máu sương mình hy sinh vì mảnh đất này, tại sao có những người xa gia đình lên vùng biên giới xa xôi để bảo vệ từng tấc đất của đất nước ta. Chính là vì ngày hôm nay, để con cháu có thể thấy được đất nước ta đẹp thế nào, giàu có về tài nguyên thiên nhiên thế nào, mỗi người con Việt Nam luôn mang trong mình dòng máu anh hùng- dòng máu Việt vậy hãy cùng chung tay góp sức bảo vệ đất nước, bảo vệ truyền thống lâu đời của dân tộc và bảo vệ mẹ thiên nhiên của chúng ta.
Kể về một miền đất, một miền quê đáng nhớ – Bài số 4
Đó là một con đường phủ sương dưới hàng sầu đông tháng chạp, chúng tôi đi từ ngã ba Cây Cốc – Thăng Bình – Quảng Nam ngược lên Phường Rậm, Khe Rinh, rồi Trà Linh. Chúng tôi đốt lửa trại ở đó một đêm. Và chúng tôi tổ chức văn nghệ, giao lưu với những bà con ở đó. Vẫn còn những chiếc đèn trứng đặt giữa chiếc mẹt bằng tre với vài trái ổi, trái cốc, vài cây kẹo vừng, những em bé chạy nhảy tung tăng… giữa buổi văn nghệ, chúng tôi tổ chức tặng quà cho những em bé miền sơn cước. Nhìn chúng ôm thức quà đồng bằng, mắt sáng long lanh, tự dưng tôi thấy vui, một niềm vui khó tả! Tôi đặc biệt ấn tượng trước một cô bé chừng 9 tuổi, khi thấy tôi lục con búp bê ra khỏi giỏ, nó xin phép tôi cho nó mượn một chút. Khi tôi đưa con búp bê, cô bé ôm vào lòng rồi thủ thỉ trò chuyện như chị em, bạn bè thân thiết lâu năm mới được gặp lại vậy. Tôi thấy bé thích quá, tặng luôn cho bé con búp bê. Nó cám ơn rối rít và ôm con búp bê chạy băng băng qua bãi cát. Bố của nó thấy vậy cám ơn tôi rồi chạy theo con bé.
Một lúc sau nó quay trở lại, trên tay không có con búp bê, tôi hỏi nó: Em đã mang búp bê về nhà cất rồi phải không? Nó lắc đầu. Tôi tò mò: Vậy em mang đi đâu rồi? Nó bảo nó đã mang tặng bạn nó, một cô bạn cùng tuổi với nó, bị liệt hai chân nên chẳng đến lớp được trong mùa mưa vừa qua vì trường học cách nhà đến gần mười cây số đường rừng… Tôi hỏi tiếp: Vậy sao lúc nãy em không nói liền với anh để anh tặng em? Nó bảo: Vì em sợ anh để dành cho ai đó nên không dám xin. Tôi nói: Thì dù có để dành cùng ưu tiên cho em chứ! Nó cười tít mắt, vẻ hồn nhiên của nó thật dễ thương, cảm giác như đang gặp lại tuổi thơ của tôi trong mắt nó…
Khuya hôm đó chúng tôi được dân làng đãi món mì cá mòi [một loại cá nước ngọt thường bơi ngược về nguồn trong lúc sinh, thân hình tròn tựa cá chuồn và có lớp vảy lóng lánh bạc, kích thước nhỏ hơn cá chuồn một chút, chỉ có trên những dòng sông ở miền Trung]. Chúng tôi thức thâu đêm ngắm sao trời, ngắm cái yên tĩnh của núi rừng, ngắm vẻ đẹp nguyên sơ của của con sông chưa từng bị bàn tay con người phá hoại đang cuồn cuộn chảy dưới ánh trăng…
Sáng hôm sau chúng tôi xuôi thuyền về Cửa Đại. Mới tờ mờ sáng, bà con dân làng và các em bé đã chạy ra bến sông tiễn chúng tôi. Các em bé cứ bi bô nói:… Chú ơi, để con xách giùm túi cho chú chú nhé… Cô ơi, để con xách dùm túi cho cô, chúng vừa cười vừa thi nhau khiêng dùm hành lý cho chúng tôi xuống thuyền. Khi thuyền đã đi được một đoạn xa, tôi ngoái nhìn vẫn còn thấy các em bé và bà con đứng trên bờ vẫy tay đưa tiễn…
Dọc hai bên bờ sông là hai dãy núi Hòn Kẽm, Đá Dừng cao sừng sững, vòi vọi. Chúng tôi dừng thuyền bên một xóm chài thượng nguồn, gặp một ông cụ chở một bà cụ đi thả lưới, tôi lam quen, hỏi thăm, biết được ông cụ năm nay đã tám mươi tuổi, bà cụ bảy mươi ba tuổi, hai ông bà không có con cái, làm nghề chài lưới đã năm muơi năm nay, có lần hai ông bà xuôi thuyền về miền xuôi, mới biết là trong lúc mình thả lưới bắt cá, ở đồng bằng đang chiến tranh, đang đánh nhau… Riêng chỗ ông bà sống chưa bao giờ biết chiến tranh là gì. suốt đời chỉ biết đánh ít cá sáng ra chợ bán mua ít thức ăn rồi xuôi ngược thuyền trong cái vịnh nhỏ giữa các núi đá phủ sương sớm chiều tà. Cảnh đẹp như thơ, lòng người sâu lắng, hiền hòa và hồn hậu. Tôi có cảm tưởng như mình đang sống trong phim, mình đang gặp những hiệp sĩ ẩn danh, không màng chuyện thị phi thế tục.Trước khi tôi xuôi về biển, bà cụ tặng cho tôi chiếc vi cá rất đẹp, bà bảo đây là điềm may, nhớ giữ như một kỉ niệm, bà chỉ có diuy nhất một chiếc thôi. Tôi ngại nên thưa bà hãy giữ mà làm kỉ niệm cho mình. Bà bảo bà cất dành nó đã gần sáu mươi năm nay, bà muốn tặng cho một ai đó trên đường đời, giờ bà muốn tặng tôi. Tôi cảm động nhận món quà và tặng bà cụ một dồng xu may mắn mà tôi đã cất suốt hai mươi năm nay.
Chắc giờ có lên lại nơi ấy cũng chưa chắc còn được gặp những người năm xưa. Nhưng mỗi khi nhìn chiếc vi cá, nhìn lũ trẻ tung tăng chơi đùa, tôi lại nhớ đến Trà Linh và Hòn Kẽm, Đá Dừng – một chuyến du ngoạn ghi nhiều ấn tượng thời trai trẻ của tôi! Một miền đất đã đi vào tiềm thức tôi bằng những nét cười, cái vẫy tay cùng những làn sương mờ mờ trên đinuiui1 dưới ánh trăng năm nào. Kỉ niệm ơi!
Vũ Hường tổng hợp