Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên: Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ ... Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.
Tiếng hát con tàu là một trong những bài thơ thành công nổi bật của Chế Lan Viên trong tập thơ Ánh sáng và Phù sa. Tập thơ có 69 bài được sáng tác trong khoảng những năm 1955 - 1960. " Ánh sáng dội soi tôi và phù sa bồi đắp tôi, ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất và lí tưởng tôi", Chế ...
Tiếng hát con tàu là một trong những bài thơ thành công nổi bật của Chế Lan Viên trong tập thơ Ánh sáng và Phù sa. Tập thơ có 69 bài được sáng tác trong khoảng những năm 1955 - 1960. " Ánh sáng dội soi tôi và phù sa bồi đắp tôi, ánh sáng tinh thần và phù sa vật chất và lí tưởng tôi", Chế Lan Viên giải thích về nhan đề của tập thơ như thế. Ánh sáng và Phù sa cơ bản đã giải quyết được vấn đề “riêng chung”, nhà thơ đã đi trọn hành trình “từ chân trời một người đến chân trời tất ...
Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo phủ
Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như kiến cánh hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.
Hai khổ thơ trên đây thuộc đoạn giữa của bài thơ, là hồi tưởng những kỉ niệm đẹp với nhân dân trong kháng chiến.
Hai câu đầu của trích đoạn là nỗi nhớ cảnh sắc núi rừng Tây Bắc hoang vu, hiểm trở, nhớ những bản làng của dân tộc thiểu số chạy dài tít tắp phía lưng đèo có làn mây quấn quýt, có sương trắng giăng giăng mỗi chiều về hay buổi sớm mai. Câu thơ chợt gợi lại những câu thơ của Tố Hữu:
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
(Việt Bắc)
Nghệ thuật tiểu đối (Nhớ bản sương giăng>< Nhớ đèo mây phủ), nghệ thuật điệp cách quãng ( nhớ ... nhớ) và câu hỏi tu từ (nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương?) vừa lột tả vẻ đẹp Tây Bắc, vừa nhấn mạnh nỗi nhớ cồn cào, da diết, thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng, niềm tự hào sâu sắc của nhà thơ về vùng đất chan chứa ân tình.
Hai câu thơ tiếp theo là một sự khám phá, chiêm nghiệm ra một chân lí phổ quát của tình cảm, của đời sống tâm hồn của con người:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!
Nghệ thuật nhân hóa, điệp từ và tương phản: "khi ta ở >< khi ta đi" ,“ đất ở >< đất đã hóa tâm hồn” vừa nói lên tình cảm gắn bó máu thịt của nhà thơ với Tây Bắc vừa làm cho hai câu thơ long lanh sắc màu trí tuệ. “Đất” là một thực thể vô tri, “tâm hồn” là một thực thể cảm xúc. “ đã hóa tâm hồn” là một sự chuyển hóa từ trạng thái vô tri vô giác sang trạng thái có cảm xúc. Vì thế những câu thơ này có sức lay động cả tâm hồn và trí tuệ của mỗi người, nó khơi dậy trong ta biết bao ấn tượng, kỉ niệm về những miền đất xa xôi, ẩn hiện trong mây núi, trong sương khói lãng đãng của hoài niệm.
Mạch thơ đột ngột chuyển sang một rung cảm, suy tưởng về tình yêu và đất lạ:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét
Tình yêu ta như kiến cánh hoa vàng
Như xuân đến chim rừng lông trở biếc
Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.
Nhà thơ đã dùng một chuỗi so sánh tu từ có mô hình A như B, A làm B:
- Anh bỗng nhớ em (A) như đông về nhớ rét (B)
như xuân đến chim rừng lông trở biếc
- Tình yêu (A) làm đất lạ hóa quê hương (B)
Mỗi so sánh là một liên tưởng độc đáo, nói lên tình yêu và nỗi nhớ xôn xao , lan tỏa khắp cõi lòng. Kết hợp với nghệ thuật điệp từ, Chế Lan Viên muốn bày tỏ những suy ngẫm về tình yêu qua những trải nghiệm của chính cuộc đời mình, các hiện tượng, sự việc khác (như cái rét với mùa đông, mùa xuân trở biếc với chim rừng). Đó cũng chính là bản chất tình yêu, như một sự khăng khít giữa hai tâm hồn đồng điệu. Đến đây, nhà thơ rút ra một chân lí của đời sống, một quy luật của tình cảm: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.
Câu thơ như một mệnh đề nhấn mạnh cô đúc, giản dị như một chân lí về lối sống tốt đẹp, thủy chung, sâu tình nặng nghĩa. Đặc biệt, ở đây có sự biến đổi kì diệu từ lượng (đất) thành chất (quê hương) mà yếu tố quyết định là “tình yêu”. Mặt khác, câu thơ của Chế Lan Viên cũng khơi gợi ở độc giả nhiều liên tưởng và suy tưởng để tự do lòng mình, phát hiện ra vẻ đẹp tiềm ẩn và sự phong phú nơi bề sâu của tâm hồn mình. Nhìn chung, trong một bài thơ dài, Chế Lan Viên bao giờ cũng sáng tạo nên những câu thơ cô đúc về tình cảm, sâu sắc về triết lí, những câu thơ lại thỉnh thoảng lại lấp lánh lên trong tâm hồn độc giả. Dường như thi sĩ hi vọng rằng những độc giả yêu thơ, say thơ sẽ nhớ mãi hình bóng câu thơ của mình như một châm ngôn, một triết lí sống.
Trên đây là hai trích đoạn thơ đặc sắc, thể hiện khá đậm nét phong cách nghệ thuật thơ Chế Lan Viên. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc và trí tuệ, giữa trữ tình và anh hùng ca. Có thể nói, chính cái “tài” của Chế Lan Viên đã làm tôn vinh cái “tình” của nhà thơ ở nhiều cung bậc: tình cảm với nhân dân, với đất nước, với kháng chiến, tình yêu lứa đôi cao đẹp. Do đó, thưởng thức Tiếng hát con tàu chúng ta càng “nghĩ thì thấy sâu xa, càng nghe thì xúc động dâng tràn”.