03/06/2017, 23:33

Phân tích chuỗi đồng nhất trong khổ thơ đề từ của bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên.

Với một lớp nhà thơ “đi xa về hóa chậm” như Chế Lan Viên, chặng đường thơ “từ chân trời một người đến chân trời tất cả” quả không đơn giản. Tuy có những phút “chiều tà ngã bóng” khiến tâm hồn thi nhân xao động nhưng đến bài thơ Tiếng hát con tàu, nhà thơ đã đặt dấu chấm hết cho thế giới của cái tôi ...

Với một lớp nhà thơ “đi xa về hóa chậm” như Chế Lan Viên, chặng đường thơ “từ chân trời một người đến chân trời tất cả” quả không đơn giản. Tuy có những phút “chiều tà ngã bóng” khiến tâm hồn thi nhân xao động nhưng đến bài thơ Tiếng hát con tàu, nhà thơ đã đặt dấu chấm hết cho thế giới của cái tôi cô đơn, bế tắc, siêu hình và vận động theo con đường mới với ánh sáng của Đảng. Cả bài thơ là một sự hòa hợp lớn giữa cái “tôi” bé nhỏ của nhà thơ với cái “ta” lớn rộng theo con đường mới với ...

Khổ thơ đề từ là sự khái quát sâu sắc, nội dung tư tưởng ấy của nhà thơ. Ở vị trí tiên phong của một đội quân ngôn ngữ đông đảo, lời đề từ đã tạo ra một chuỗi đồng nhất liên tiếp giữa các hình ảnh, khái niệm để phục vụ cho tư tưởng chủ đề:
 
Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
 Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?
 
Bắt đầu bằng một sự đồng nhất giữa một địa danh cụ thể “Tây Bắc” với những miền đất xa xôi không tên khác: "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc". Từ một không gian cụ thể, xác định mở ra không gian bao quát, không xác định, từ một Tây Bắc - điểm đến của “con tàu hồn thơ Chế Lan Viên” mở ra cả đất nước rộng lớn - sự đồng nhất đầu tiên đã khẳng định mối hòa hợp tự nhiên về mặt không gian trên mọi miền Tổ quốc.

Sự nối liền không gian ấy được lí giải bằng sự đồng nhất thứ hai giữa "lòng ta" và “ những con tàu” ( Khi lòng ta đã hóa những con tàu). Hình ảnh con tàu trước lúc rời ga với âm thanh còi tàu giục như sự hối thúc gấp gáp, vội vã để ra đi. Bởi thế, hình tượng con tàu ở đây như là sự hiện thân của khát vọng lên đường. Hơn thế, những con tàu còn có khả năng đi tới mọi nơi dẫu xa xăm cách biệt. Bởi vậy, khi đồng nhất: “ ta” thành “những con tàu” thì khoảng cách về không gian không còn là trở ngại lớn lao đối với con người đang khát khao đến với bầu trời nhân dân cao rộng, đến với những vùng kháng chiến gian lao mà anh dũng.

Khoảng cách từ không gian được co rút lại tới mức hạn hữu nhất, dẫn tới mối đồng nhất thứ ba “tâm hồn ta là Tây Bắc”. Một phần của quê hương đất nước đã hóa thân, đã hiện hữu trong tâm hồn nhà thơ. Tác giả đã cụ thể hóa một giá trị trừu tượng (Tây Bắc - một địa danh cụ thể, còn tâm hồn là một khái niệm trừu tượng). Câu thơ có thể phi lí là khập khiễng. Nhưng chính sự bất hợp lí ấy trong hình tượng thơ lại diễn tả một cách sâu sắc, hợp lí đến bất ngờ sự gắn bó, hòa hợp của nhà thơ với thiên nhiên với con người Tây Bắc.

Thi nhân đã phát hiện và xác định sự gần gũi, nối liền giữa Tây Bắc với những miền quê xa xôi khác của Tổ quốc. Từ đây người đọc có thể liên tưởng tới mối đồng nhất thứ tư giữa “tâm hồn ta” với mọi miền của đất nước. Đến đây, sự hòa hợp gắn bó giữa con người cá nhân nhà thơ với nhân dân, với đất nước đã lên tới tột đỉnh. Chế Lan Viên đã hoàn toàn dứt bỏ được “thung lũng đau thương” để ngạo nghễ cắm rễ hồn thơ mình trên “cánh đồng vui”. “Con tàu hồn thơ” của thi nhân không chỉ dừng lại ở điểm hẹn Tây Bắc mà “ con tàu” ấy đã vươn tới mọi miền đất nước, vươn tới cả cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Khổ thơ đề từ với bốn mối đồng nhất liên tiếp đã lần lượt mở rộng và khẳng định sâu sắc bước chuyển biến lớn lao của một tâm hồn nhà thơ đang khao khát “phá cô đơn ta hòa hợp với người”. Ngày nay, tuy đường tàu lên Tây Bắc vẫn còn một mơ ước nhưng đã có một “ tàu hồn thơ Chế Lan Viên” đang hăm hở trong hành trình đến với nhân dân đất nước vẫn tốc hành mãi trong ta.

0