25/05/2017, 00:54

Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 11

Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 11 4.8 (96%) 380 votes Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn trường THPT Nguyễn Khuyến Hà Nội Thiên nhiên là một đề tài trở đi trở lại trong thơ ca không biết bao nhiêu lần ...

Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Văn mẫu lớp 11 4.8 (96%) 380 votes Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn trường THPT Nguyễn Khuyến Hà Nội Thiên nhiên là một đề tài trở đi trở lại trong thơ ca không biết bao nhiêu lần và với mỗi một nhà thơ thì nó lại được khám phá từ những góc nhìn ...

Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn trường THPT Nguyễn Khuyến Hà Nội

Thiên nhiên là một đề tài trở đi trở lại trong thơ ca không biết bao nhiêu lần và với mỗi một nhà thơ thì nó lại được khám phá từ những góc nhìn khác nhau để rồi trở nên đẹp toàn diện. Có biết bao nhiêu bóng chiều ngả xuống nền văn chương của Việt nam nếu như Nguyễn Du đã từng khám phá buổi chiều bằng những câu thơ: “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” thì Hồ Chí Minh lại góp cho nền văn học Việt nam một áng chiều trong bài thơ Chiều Tối.

Bài thơ được viết trong một khoảng thời gian Bác bị giải từ nhà lao này sang nhà lao khác. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng Bác không nản lòng hay thất vọng trước hoàn cảnh của mình mà ngược lại Bác lại đắm mình vào thiên nhiên. Bài thơ chỉ có bốn câu thế nhưng tất cả những vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ miền sơn cước đã hiện lên thật rõ nét. Đồng thời qua những câu thơ ngắn gọn nhưng chứa đầy nỗi niềm ấy ta thấy được sự yêu đời, yêu thiên nhiên của Hồ Chí Minh.

Bài thơ mở đầu bằng hai câu thơ vẽ lên cảnh tượng chiều tối miền sơn cước. Đó là một cảnh đẹp nhưng lại mang một nỗi buồn lớn hay phải chăng là một tiếng thở dài ngao ngán của chính nhà thơ:

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không;)

Trong hai câu thơ ấy ta thấy được tình và cảnh được phản quang qua ánh mắt của người tù lạc quan và không bao giờ hết niềm tin hy vọng vào cuộc sống.

Trước hết là cảnh, chiều tối được vẽ lên với hình ảnh của cánh chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ và chòm mây trôi nhẹ nhàng. Chính những không gian ấy đã làm cho nhà thơ dâng lên niềm cảm xúc. Cánh chim kia như chở bao nhiêu là nắng chiều. Hình ảnh cánh chim là một hình ảnh cổ điển trong thơ ca của ta và giờ đây lại được thơ Bác truyền tải tiếp. Cánh chim kia chỉ có một mình và nó đang mỏi mệt bay về phía rừng để kết thúc một ngày kiếm ăn mệt mỏi. và dường như ta thấy cánh chim kia như được nhân hóa lên mang tâm trạng mang nỗi niềm cô đơn. Trên bầu trời của chốn sơn cước ấy là hình ảnh mây cô độc một mình. Trong bản dịch từ “cô vân” là chòm mây không sát với ý nghĩa của hai chứ “cô vân”. Chòm mây không gợi được lên sự cô đơn của cảnh vật. Phải chăng mọi thứ nơi đây đang trôi một cách lững lờ chậm chạp? Và cái sự chậm chạp ấy đã làm cho nhà thơ cảm nhận được và bật lên thành những câu thơ. Tuy là cảnh chiều tối bao giờ cũng buồn tàn tạ thế nhưng ta vẫn thấy được sự hướng về cuộc sống của thơ Bác. Cánh chim kia chỉ là mỏi và về rừng tìm chỗ nghỉ chân để ngày mai khi nắng lên lại bắt đầu một ngày kiếm ăn mới chứ không phải là bay vào cõi vĩnh hằng như thơ Lý Bạch từng nói.

Và trước thiên nhiên ấy tâm hồn con người như được thể hiện. Nói cách khác giữa thiên nhiên và con người có sự đồng điệu hay chính tâm trạng của con người đã nhìn cảnh vật cũng nhuốm màu tâm trạng ấy. Sự lạc lõng cô đơn buồn của cảnh vật cũng chính là tâm trạng của nhà thơ. Người buồn vì cứ phải chịu cảnh tù đầy trong khi nhân dân đang cần Bác về dẫn đường chỉ lối, Bác cũng cô đơn vì chỉ có một mình sống trong cảnh đất khách quê người, không ai thân thích. Tuy buồn như thế nhưng nhà thơ lại không mất niềm tin vào cuộc sống. Bác vẫn nhìn theo chiều hướng tích cực, Bác tuy buồn về hoàn cảnh của mình nhưng lại vẫn lạc quan và nghĩ về một ngày nào đó sẽ thoát khỏi cảnh tượng này. Đồng thời qua bức tranh thiên nhiên chiều tối ấy ta cũng thấy được tâm hồn yêu thiên  nhiên, yêu cuộc sống, lạc quan yêu đời của Hồ Chí Minh.

Đến hai câu thơ sau Bác chuyển mắt nhìn sang cảnh sinh hoạt đời sống của con người. Nếu như thơ xưa sau bức tranh của cánh chim ngàn mây nổi xuất hiện những đạo sĩ, thơ hiện đại thì xuất hiện những người con gái xinh đẹp mĩ miều thì trong thơ Bác lại xuất hiện cảnh lao động vô cùng bình thường của người dân:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”
(Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.)

Hai câu thơ cũng phân thành tình và cảnh mà trong đó cảnh ở đây là hình ảnh của người con gái sơn cước say ngô buổi tối. Hình ảnh cô em chăm chỉ cần mẫn xay ngô cho ta thấy vẻ đẹp của con người lao động. Con người ấy đẹp trong sự cần mẫn chăm chỉ và đặc biệt đó là mang lại hình ảnh lò than đã rực hồng. Từ “hồng” giống như thi nhãn của bài thơ vậy. Chúng ta không thể nào phủ nhận hết được cái hay và ý nghĩa của từ “hồng” ấy.  Nó như làm nổi bật trong bức tranh tối ấy. Đặc biệt là điệp từ “Ma bao túc” và “bao túc ma hoàn” thể hiện những vòng quay nhịp nhàng đều đặn của cối xay ngô. Điều đó lại một lần nữa thể hiện sự chăm chỉ cần mẫn của con người trong lao động.

Cái tình trong hai câu thơ này là niềm yêu cuộc sống yêu những con người lao động của nhà thơ. Bác từng nói rằng “lao động là vinh quang” và chính vì thế mà Bác đã không để ý gì nữa đến hoàn cảnh bị áp giải của mình để thả hồn vào thiên nhiên cuộc sống con người. Đồng thời qua đó ta thấy được niềm khát khao tự do của Bác, Hình ảnh lò than rực hồng kia đã thể hiện được nguyện vọng làm cho nhân dân ta có đủ cơm ăn áo mặc hay chính là sự tự do ấm nồng. Phải chăng Bác đang nhớ thương sự ấm áp của quê hương mình?.

Thơ Bác không thiếu những bóng chiều thế nhưng Chiều tối vẫn cứ đứng trong danh sách được người đọc yêu thích. Bài thơ với cảnh thiên nhiên chiều tối nơi miền sơn cước vừa mang nét cổ điển lại vừa mang tính hiện đại. Đồng thời qua bức tranh ấy chúng ta hiểu thêm phần nào về tâm hồn của nhà thơ. Một con người không bao giờ đầu hàng trước số phận dù sống trong cảnh khó khăn mất tự do nhưng Bác vẫn không bao giờ mất niêm tin yêu cuộc sống, con người và quê hương đất nước.

Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Bài làm 2

Tháng 10 năm 1942, trên đường bị giải đi từ nhà tù Thiên Bảo đến nhà ngục Long Tuyền trên đất Quảng Tây, Trung Quốc, Hồ Chí Minh viết bài thơ "Chiều tối" (Mộ). Đây là bài thơ số 31 trong "Ngục trung nhật kí”, bài thất ngôn tứ tuyệt mang vẻ đẹp cổ điển và hiện đại:

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô văn mạn mạn độ thiên không;

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.

Bài thơ tả cảnh chiều tối nơi xóm núi xa lạ và thể hiện cảm xúc, nỗi niềm của người chiến sĩ trên con đường đi đày.

Bức tranh thiên nhiên xóm núi lúc chiều tối được miêu tả bằng hai nét rất gợi cảm. Một cánh chim mỏi mệt (quyện điểu) bay về rừng tìm cây trú ẩn. Một áng mây cô đơn, lẻ lơi (cô vân) lơ lửng giữa bầu trời. Cảnh đẹp và thoáng buồn (mệt mỏi, cô đơn), đối nhau rất hài hòa. Chỉ hai nét vẽ, tả ít mà gợi nhiều đã làm hiện lên cái hồn của cảnh vật. Cánh chim nhỏ nhoi nhẹ hay, áng mây cô đơn nhẹ trôi; tác giả đã vận dụng thi pháp cổ rất sáng tạo, đã lấy điểm để vẽ diện, lấy động để tả tĩnh, gợi lên một bầu trời mênh mông, bao la, một không gian vô cùng tĩnh lặng, vắng vẻ. Bức tranh thiên nhiên chiều tối mang vẻ đẹp cổ điển đầy thi vị:

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên khôn)".

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không).

Ngoại cảnh đã thể hiện tâm cảnh của nhân vật trữ tình. Cánh chim và áng mây, chữ "quyện" (quyện điểu) và chữ "cô" (cô vân) có giá trị biểu hiện cảm xúc một mỏi, nỗi niềm cô đơn của nhà thơ sau một ngày dài bị giải đi nơi đất khách quê người. Bức tranh thiên nhiên "Chiều tối" mang tính ước lệ tượng trưng đặc sắc, nó đem đến cho ta bao liên tưởng về những vần thơ đẹp:

"Chim hôm thoi thót về rừng"

(Truyện Kiều)

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa".

(Tràng giang)

Hai câu thơ cuối bài "Chiều tối" tả cảnh dân dã đời thường nơi xóm núi. Hai nét vẽ vừa trẻ trung vừa bình dị hiện đại: thiếu nữ xay ngô và lò than đã rực hồng:

"Sơn thân thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng".

Ba chữ "ma bao túc" được điệp lại, đảo lại thành "bao túc ma hoàn” có giá trị thẩm mĩ đặc sắc. Nó vừa gợi tả sự chuyển động liên tục, mải miết của cái cối xay ngô, vừa thể hiện đức tính cần mẫn của cô thiếu nữ nơi xóm núi, đồng thời tạo nên âm điệu nhịp nhàng của vần thơ. Hình ảnh "lò than đã rực hồng” (lô dĩ hồng) gợi lên một mái ấm gia đình yên vui .Trên đường đi đày nơi đất khách xa lạ, tâm hồn nhà thơ vẫn gắn bó với nhịp sống cần lao, hướng về ngọn lửa hồng, làm vợi đi ít nhiều cô đơn lẻ loi, thầm mơ ước về một cảnh gia đình đoàn tụ đầm ấm. Chữ "hồng'"đặt cuối bài thơ, thi pháp cổ gọi là "thi nhãn", làm sáng bừng bức tranh xóm núi trong chiều tối. "Hồng' là ánh sáng của lò than rực cháy, cũng là ánh sáng của tâm hồn Hồ Chí Minh. Một tâm hồn rất lạc quan, yêu đời.

Bức tranh "Chiều tối" từ tư tưởng đến hình tượng, từ không gian, thời gian đến cảm xúc đều được miêu tả, diễn tả trong trạng thái vận động. Vận động từ cảnh sắc thiên nhiên bầu trời đến bức tranh sinh hoạt trong gia đình, từ ngày tàn đến tối mịt, từ nỗi buồn mệt mỏi cô đơn đến niềm vui ấm áp đoàn tụ, từ bóng tối hướng tới ánh sáng. Nghệ thuật lấy sáng, lấy ánh lửa hồng để tả bóng tối màn đêm rất đặc sắc. Trong nguyên tác bài "Mộ" không có chữ "tối" mà người đọc vẫn cảm thấy trời đã tối hẳn rồi. Câu thơ dịch đã thêm vào một chữ "tối", đó là điều ta cần biết:

"Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết lò thun đã rực hồng".

Bài thơ tứ tuyệt "Chiều tối" mang vẻ đẹp cổ điển, hiện đại. Ngôn ngữ hàm súc gợi cảm. Hình tượng cánh chim, áng mây mang tính ước lệ, đẹp mà thoáng buồn. Bút pháp tinh tế, điêu luyện. Một tâm hồn trong sáng, hồn hậu, giàu cảm xúc: yêu thiên nhiên và yêu đời. Đi đày mà phong thái nhà thơ thật ung dung tự tại.

Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Bài làm 3

Có ai đó, khi nghĩ về thơ Bác, đã nói rằng, sự phân tích cho dù khéo léo đến đâu. cũng không làm nổi bật được hồn thơ. Cũng như tựa là có gượng nhẹ tay bóc từng lớp cánh hoa hồng cũng chưa dễ gì tìm thấy bí quyết hương thơm.

Mộ (Chiều tối) có thể là một đóa hoa thơ như thế. Bài thơ rõ ràng đã để lại trong ta, man mác không cùng, một rung động thật sâu sa, đẹp đẽ. Nhưng đó là nỗi rung động thật khó diễu tả, chẳng khác nào ta vẫn khó nắm bắt bí ẩn của hương thơm khi ngón tay cố lật mở những cánh hồng. Song có lẽ vẫn cứ nên thử sẽ sàng lật mở những dòng thơ, để gắng cảm thấu những ý tình được chứa đựng trong từng hàng chữ.

Một người yêu đời say mê cuộc sống bao giờ cũng nhạy cảm trước thời gian. Đối với Hồ Chí Minh, thời gian là nhịp điệu của vũ trụ, nhịp sống của con người, thời gian là sự vận động phát triển của cuộc sống. Khi rơi vào hoàn cảnh tù đày, một hoàn cảnh mà thời gian tâm trạng có độ dài gấp hàng ngàn lần thời gian tự nhiên thì ý thức thời gian của bác cũng được biểu hiệu rõ nét. Đọc bài Chiều tối (Mộ) chúng ta không những thấy được cảm nhận thời gian của bác mà còn hiểu được dòng tâm trạng của thi nhân trong bước lưu chuyển của thời gian, trong nhịp sống cuộc đời.

Có lẽ cảm hứng của bài thơ Chiều tối xuất phát từ một buổi chiều, trên con đường bị giải, chặng cuối cùng của một ngày bị đày ải, người đi vừa trải qua một chặng đường dài với bao vất vả gian lao. Thời gian và hoàn cảnh dễ gây nên trạng thái mệt mỏi, chán chường. Vậy mà cảm hứng thơ lại đến với Bác thật tự nhiên:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.

Hai câu thơ đã tái hiện thời gian và không gian của buổi chiều tối chốn núi rừng. Lúc ấy người đi ngước mắt nhìn lên bầu trời và chợt thấy chim bay về tổ, mây chầm chậm trôi. Nhà thơ không trực tiếp nói về thời gian nhưng thời gian vẫn hiện lên qua cảnh vật. Đây là cảm nhận thời gian tính truyền thống đã từng in đậm qua nhiều bài thơ. Chim bay về tổ có ý nghĩa báo hiệu thời gian của buổi chiều tối. Từ trong ca dao đã có hình ảnh:

Chim bay về núi tối rồi.

Đến Truyện Kiều cánh chim mang theo cả thời gian và tâm trạng:

Chim hôm thoi thóp về rừng.

Rồi buổi chiều nghiêng xuống theo cánh chim nhỏ bé trong Tràng giang của Huy Cận:

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Còn hai câu thơ của Hồ Chí Minh vừa có ý nghĩa biểu hiện thời gian vừa có ý biểu hiện tâm trạng:

Quyện điệu quy lâm tầm túc thụ.

Ở đây không phải chim bay trong trạng thái bình thường mà bay mệt mỏi, bay mải miết cho kịp tới chốn nghỉ ngơi nơi rừng xanh quen thuộc. Qua hình ảnh chim mệt mỏi, người đi còn tìm thấy sự tương đồng hòa hợp với cảnh ngộ và tâm trạng của mình. Cánh chim mệt mỏi mải miết bay về rừng xanh tìm chốn ngủ, nhà thơ cũng mệt mỏi lê bước trên đường đi đày, giờ đây không biết đâu là chặng nghỉ qua đêm. Sự tương đồng ấy dễ tạo nên sự cảm thông sâu sắc giữa người và cảnh. Cội nguồn của sự cảm thông chính là tình yêu thương rộng lớn của Bác luôn dành cho mọi sự sống chân chính ở trên đời.

Câu thơ thứ hai tiếp tục phác họa không gian, thời gian và tâm trạng:

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Câu thơ dịch chưa chuyển hết được ý tứ trong nguyên bản. Trong nguyên bản Bác viết:

Cô vân mạn mạn độ thiên không (Chòm mây lẻ loi trôi lững lờ giữa tầng không)

Chòm mây như có tâm hồn, như mang tâm trạng. Nó cô đơn, lẻ loi và lặng lẽ lững lờ trôi giữa không gian rộng lớn của trời chiều. Bầu trời có chim, có mây nhưng lẻ loi (cô vân), chim mệt mỏi (quyện điểu) đã thế lại đang ở trong cảnh ngộ chia lìa. Chim bay về rừng, chòm mây ở lại giữa tầng không. Hai câu thơ tả cảnh mà mở ra một không gian tâm trạng. Cảnh buồn, người buồn. Nhưng trong nỗi buồn trước cảnh chiều muộn còn có một khát vọng tự do ẩn kín trong đôi mắt dõi theo cánh chim lẫn mây giữa bầu trời rộng.

Hai câu thơ tiếp theo tái hiện quá trình vận động của thời gian và không gian:

Cô em xóm núi xay ngô tối

 Xay hết lò than đã rực hồng.

(Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng)

Cảm quan biện chứng về thời gian thấm vào từng hình ảnh, sự vật, sự chuyển đổi của các hình ảnh đã gợi lên bước đi thời gian. Trong nghệ thuật thơ ca, nhà thơ có thể đứng xa để nói gần, dùng động để nói tĩnh, dùng sáng để nói tối. Trong bài thơ Chiều tối, Bác không hề nói đến tối mà người đọc vẫn hiểu được bóng tối đang buông xuống ở xóm núi là nhờ có chữ hồng ở cuối bài thơ. Trời tối người đi mới nhìn thấy ánh lửa rực hồng lên đến thế.

Cũng như nhiều bài thơ khác của Bác, hình tượng thơ trong bài Chiều tối vận động thật khỏe khoắn và bất ngờ. Trong cảnh chiều muộn ở vùng sơn cước tưởng chừng chỉ có bóng tối hoàng hôn bao phủ, chỉ có heo hút quạnh hiu, nào ngờ có ánh sáng ấm áp đã rực lên xua tan giá lạnh, bóng tối. Sự xuất hiện hình ảnh người thiếu nữ trong khung cảnh lao động, bên lò than rực hồng đã mang lại ánh sáng và niềm vui, mang lại sự sống mãnh liệt và ấm áp. Mặc dù thời gian vận động từ chiều đến tối, từ ngày sang đêm nhưng hình tượng bài thơ vẫn vận động theo xu thế phát triển. Đến hai câu thơ này, bức họa trữ tình về trời mây đã nhường chỗ cho bức tranh sinh hoạt gần gũi: một thiếu nữ sơn thôn, với công việc lao động bên bếp lửa gia đình. Một chất thơ khác, một hồn thơ trữ tình khác đã được đưa vào, để làm cho vẻ đẹp của buổi chiều hôm thêm hài hòa phong phú.

Khi bóng tối của ngày tàn buông xuống nhưng không gian không hề tăm tối, con người đã kịp thắp lên ngọn lửa, con người đã tạo nên ánh sáng, tạo nên hơi ấm để sưởi ấm cho người, cho cảnh thiên nhiên. Ánh sáng, hơi ấm, con người đã đưa lại niềm vui bình dị cho người tù xa xứ. Trong cảnh ngộ buồn của riêng mình, Bác vẫn tìm thấy niềm vui. Niềm vui ấy xuất phát từ cuộc sống lao động của người dân Trung Hoa trên một xóm núi nào đó. Nếu không có một tình người tha thiết thi làm sao Bác có được một niềm vui như thế giữa đất người xứ lạ.

Bài thơ Chiều tối không chỉ miêu tả cảnh nơi sơn cước với làn mây, cánh chim và cuộc sống lao động của con người. Toát lên toàn bộ bài thơ là hình tượng nhân vật trữ tình, có tấm lòng yêu thương rộng lớn luôn nâng niu trân trọng mọi sự sống trên đời, có tâm hồn lạc quan, mạch thơ có sự vận động đến sự sống, ánh sáng và tương lai. Chính cách nhìn biện chứng về thời và cuộc sống, chính tình người tha thiết đã tạo nên giá trị to lớn cho thi phẩm đặc sắc này.

Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tốì) của Hồ Chí Minh – Bài làm 4

1.Vài nét về tác giả và tác phẩm.

2.Bình giảng bài thơ.

Hai câu đầu:

“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không ”

Một bức tranh thiên nhiên buồn mang tâm trạng.

+ Thiên nhiên buồn: thiên nhiên của chiều tối với hình ảnh cánh chim mò mệt, chòm mây lững lờ trôi…

+ Thiên nhiên nói hộ tâm trạng của Hồ Chí Minh. Cảnh thiên nhiên phù hợp với tình cảm của Người lúc bây giờ: cũng lẻ loi, cũng mệt mỏi… sau một ngày chuyển lao.

+ Bức tranh thiên nhiên thể hiện khát vọng tự do và tình yêu thiên nhiên của Hồ Chí Minh: Trong hoàn cảnh tù đày, vẫn dõi theo cánh chim, chòm mây trên bầu trời, vẫn hướng về thiên nhiên, về sự sống hằng ngày, vẫn có sự giao cảm cùng cảnh vật.

Bức tranh thiên nhiên được vẽ nên qua bút pháp cổ điển kết hợp hiện đại.

+ Cổ điển: Sử dụng hình ảnh ước lệ “chim mỏi về tổ” để chỉ chiều tối, dùng

nét chấm phá (cánh chim, chòm mây… để chỉ những cảnh thiên nhiên) cùng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt trang trọng mang phong vị Đường thi.

+ Hiện đại: cũng hình ảnh ước lệ nhưng có sự sáng tạo. “Cánh chim" trong thơ cổ thường bay về chốn vô định, gợi cảm giác ngậm ngùi, chia li. “Cánh chim" trong “Chiều tối" hướng về sự yên ấm của sự sống hằng ngày (“về rừng tìm chốn ngủ”).

Hai câu cuối:

“Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng".

Một bức tranh cuộc sống đầy tươi vui, khoẻ khoắn.

+ Bức tranh về cuộc sống của người lao động mà hình ảnh trung tâm là một thiếu nữ “Cô em xóm núi xay ngô tối".

+ Bức tranh về một thiếu nữ “Cô em xóm núi".

+ Bức tranh của công việc lao động “xay ngô".

+ Bức tranh cuộc sống ấm áp bởi màu hồng của bếp lửa, bởi niềm vui lao động (hình ảnh “lò than đã rực hồng”).

+ Bức tranh cuộc sống thể hiện khuynh hướng vận động của hình tượng thơ (từ buồn sang vui, từ tối thành sáng, từ hiện tại tới tương lai); thể hiện sự cao đẹp trong tâm hồn Hồ Chí Minh (lạc quan, yêu đời, yêu người, trong cảnh tù đày vẫn cảm thông, chia sẻ với nỗi vất vả, với niềm vui của người lao động).

Bức tranh cuộc sống được thể hiện hàm súc, thông qua bút pháp cổ điển kết hợp hiện đại.

+ Hàm súc: từ “hồng” gợi bao ý nghĩa.

+ Cổ điển: lấy “sáng" để nói “tối" (Có thể so sánh với nguyên tác để thấy giá trị của từ “hồng" trong “lô dĩ hồng" (bản dịch thừa chữ “tối”), điệp ngữ liên hoàn “ma bao túc")

+ Hiện đại: Hình ảnh nhân vật trung tâm là hình ảnh người lao động. Chất thép toát ra từ câu thơ tạo nên tính hiện đại.

3, Đánh giá chung.

– Về bài thơ “Chiều tối”: mênh mông bát ngát tình.

– Về Hồ Chí Minh và thơ văn của Người.

Từ khóa tìm kiếm

  • bai tho lop 11 bai tho mo

Bài viết liên quan

0