18/06/2018, 11:22

Bất bạo động, bất hợp tác - Mahatma Gandhi

Mahatma Gandhi (1859 - 1948) Linh hồn vĩ đại Nhân ngày cả nước Ấn Độ và Đảng Quốc Đại Ấn Độ tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 134 của Thánh Gandhi (ngày 2 tháng 10 năm 2003), xin gởi đến quý độc giả gần xa đôi nét sơ lược về cuộc đời Thánh Gandhi. Thánh Gandhi tên thật là ...

Mahatma Gandhi (1859 - 1948) Linh hồn vĩ đại

Nhân ngày cả nước Ấn Độ và Đảng Quốc Đại Ấn Độ tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 134 của Thánh Gandhi (ngày 2 tháng 10 năm 2003), xin gởi đến quý độc giả gần xa đôi nét sơ lược về cuộc đời Thánh Gandhi.

Thánh Gandhi tên thật là MOHANDAS KARAMCHAND GANDHI, chào đời vào sáng ngày 2 tháng 10 năm 1869 trong một căn nhà nhỏ tại Porbandar thuộc vùng Kathiawad - một vùng biển phía Tây Ấn Độ - thuộc Bombay. Thân phụ Mohandas Karamchand Gandhi tên Karamchand Gandhi, thân mẫu là bà Putlibai, gia đình Gandhi thuộc giai cấp thương gia (Vaishya, đẳng cấp thứ 3 theo đạo Hindu). Sử sách còn ghi lại: Ông nội của Mohandas Karamchand Gandhi là Uttamchand Gandhi, một thương gia nổi tiếng của vùng Porbandar. Mohandas Karamchand Gandhi là con út trong gia đình có sáu người con, song thân thường gọi cận bé trai út này là “MONIYA” (cục cưng) thể hiện sự triều mến nhất trong sáu đứa con của mình.

Năm Mohandas Karamchand Gandhi lên Bảy (7 tuổi) gia đình chuyển đến vùng Rajkot. Tại Rajkot, Mohandas K. Gandhi được gởi đến học tại một trường tiểu học trong vùng cùng với anh trai của mình. Mohandas K. Gandhi vốn xuất thân từ một gia đình thuộc gia cấp thương gia, nên những đứa trẻ cùng lớp đều tìm cách xa lánh và cắt đứt mọi tiếp xúc, dù rằng Mohandas K. Gandhi là một hoc sinh rất khá và sáng giá của trường.

Một ngày kia, trông thấy Aku - một người bạn cùng lớp – đi ngang qua nhà, Mohandas K. Gandhi bảo Aku đợi và chạy vào bếp lấy một ít bánh ngọt tặng Aku với mong muốn được làm quen với người bạn thuộc diện “khó tiếp xúc” (untouchable) này. Niềm vui như bị tan biến khi Mohandas K. Gandhi đối diện với sự thật, “Cậu không nên đến gần tớ” Aku van xin, Mohandas K. Gandhi liền hỏi “Tại sao không? Tại sao con người không thể đến gần con người?”, “Bởi vì tớ là một người giai cấp thấp, con của một gia đình ở đợ” Aku buồn bã trả lời. Mohandas K. Gandhi chụp tay Aku và đặt những miếng bánh ngọt vào đó, Aku không nói lời nào quay mặt vụt chạy. Bà Putlibai từ cửa sổ chứng kiến sự việc, nhẹ nhàng gọi Mohandas K. Gandhi vào phòng bảo: “… Những người thuộc giai cấp cao theo đạo Hindu (high-caste Hindu) không nên tiếp xúc, va chạm đến những kẻ cùng đinh”, tất nhiên là Mohandas K. Gandhi không chấp nhận điều này, bởi vì “… không có gì khác nhau giữa con và Aku”. Bà Putlibai đáp lại bằng sự im lặng và bảo Mohandas K. Gandhi đi tắm. Rất nhiều những người cầm bút đồng ý rằng sự im lặng của bà Putlibai là thái độ của sự đồng ý…

Thời đó, tục lệ tảo hôn vẫn còn duy trì ở Ấn Độ, gia đình buộc Mohandas K. Gandhi phải lấy vợ ở tuổi 13. Người bạn đời của Mohandas K. Gandhi được chọn bởi dòng họ Gandhi là cô Kasturbai tại Porbandar, cũng ở tuổi 13… Một tiệc cưới linh đình diễn ra với nhiều người tham dự, người ta chúc mừng cặp “Tân lang tân giai nhân” này rất nhiều hoa thơm và lá chuối… Ông Karamchand Gandhi tạ thế ba năm sau ngày cưới của đứa con út Mohandas K. Gandhi (tức năm Gahdhi 16 tuổi).

Sau khi tốt nghiệp chương trình Trung học, Mohandas K. Gandhi được trúng tuyển vào Đại học Samaldas (Samaldas College) tại Bhavgagar. Sau một học kỳ tại Đại học Samaldas, Mohandas K. Gandhi gặp một số khó khăn, Mohandas K. Gandhi quyết định thôi học trở về nhà làm việc phụ giúp gia đình. Thân mẫu và bào huynh của Gandhi không chấp thuận điều đó, họ đã khuyên nhũ, động viên Gandhi phải đi lên bằng con đường học vấn và tạo mọi điều kiện để Gandhi có thể sang Anh Quốc du học. Ngày 4 tháng 9 năm 1888, Mohandas K. Gandhi rời Bombay sang Anh Quốc trên một chuyến thuyền buôn trong trang phục của một người Tây phương.

Tại Luân-Đôn (London), Mohandas K. Gandhi được Tiến sĩ P.J.Mehta - một người bạn của cha mình - tận tình giúp đỡ. Tiến sĩ P.J.Mehta đã ân cần hướng dẫn Mohandas K. Gandhi mọi sinh hoạt và cách thức thích ứng với “phong cách Tây âu” (European manners). Mohandas K. Gandhi bắt đầu học thêm tiếng Pháp với quyết tâm theo học ngành Luật của Đại học tổng hợp Luân Đôn. Lần thi tuyển đầu tiên, Mohandas K. Gandhi vượt qua các môn Pháp ngữ, Anh ngữ, Hoá học nhưng lại bị “kẹt chân” ở môn La-Tinh (Latin), tình thế “kẹt chân” này được cứu vãn ở “kỳ thi vớt” sau đó. Tháng 11 năm 1888, Mohandas K. Gandhi chính thức trở thành sinh viên Luật khoa của Đại học tổng hợp Luân Đôn. Mohandas K. Gandhi kết thúc khoá học và chính thức nhận văn bằng tốt nghiệp vào ngày 10 tháng 6 năm 1891, với bảng điểm xếp hạng khá. Sau đó hai ngày, Mohandas K. Gandhi lại theo thuyền buôn trở về Ấn Độ. Trong thời gian ba năm lưu trú tại Luân Đôn, Mohandas K. Gandhi tham gia Hội người ăn chay Luân Đôn (London Vegetarian Society), và người ta thấy nhiều bài báo dưới bút danh Mohandas K. Gandhi được đăng tải trên tạp chí Vegetarian (Người Ăn chay).

Thuyền cập vào cảng Bombay, Mohandas K. Gandhi thấy những người thân trong gia đình đang chờ mình ở đó, nhưng Mohandas không nhìn thấy hình ảnh kính yêu mà Mohandas K. Gandhi mong đợi nhất, bà Putlibai vừa từ trần vài tuần trước đó, những người thân trong gia đình giấu kín tin này vì sợ ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp của Mohandas K. Gandhi. Trở về cố hương tại Rajkot, Mohandas K. Gandhi hành nghề luật sư (barrister), nhưng những thành kiến và sự bất đồng trong bộ phận những người hành nghề Luật tại Rajkot đã phần nào làm Mohandas K. Gandhi lâm vào tình thế khó khăn. Công ty Dada, Abdulla & Co., - chủ công ty là một người Ấn ở Nam Phi – nhìn sự khó khăn của Mohandas K. Gandhi như một vận hội tốt đến với mình, bèn ngõ lời mời Mohandas K. Gandhi làm luật sư đại diện chính thức với mức lương vô cùng hấp dẫn, Mohandas K. Gandhi nhận lời mời không chút đắn đo. Giới kinh doanh thời đó nhận định rằng: Ông chủ công ty Dada, Abdulla & Co. thừa thông minh để hiểu Mohandas K. Gandhi nói tiếng Anh rất lưu loát, học và hiểu rõ những luật lệ Anh quốc, hơn thế nữa Mohandas K. Gandhi là một “cây bút bén và đa năng”. Tháng 4 năm 1893, Mohandas K. Gandhi rời Bombay đến với phương trời mới Nam Phi (South Africa).

Cuối tháng 5 năm 1893, Mohandas K. Gandhi đặt chân đến Durban – Nam Phi sau một chuyến hải hành đầy gian khổ. Từ đó, Mohandas K. Gandhi bắt đầu công việc của mình trong cái nhìn không mấy thiện cảm của những người dân Nam Phi. Tại Nam Phi, nạn kỳ thị chủng tộc đã làm phần đời Mohandas K. Gandhi vốn đã gặp nhiều bất trắc lại càng trở nên khốn khổ. Chuyện kể rằng, trên một chuyến tàu từ Durban đi Pretoria, Mohandas K. Gandhi mua một vé tàu hạng nhất (first-class ticket), nhưng khi lên đến tàu người phục vụ hành khách (conductor) lại dùng những lời mạ lỵ và quyết không cho Mohandas K. Gandhi vào toa tàu như trong vé đã ghi: “Này, thằng luật sư cu-li (làm mướn), mày không được vào trong ngồi chung với những hành khách da trắng” (Hey, you barrister coolie, you can’t sit inside with the white passengers). Tất nhiên là chuyện phiền phức kéo theo sau đó, Mohandas K. Gandhi bị bỏ lại ga xe lửa trong một đêm dài tối tăm. Mohandas K. Gandhi viết một tờ đơn gởi đến các cấp lãnh đạo, và tất nhiên không bao giờ ông nhận được bất kỳ câu trả lời nào. Những sự kiện dồn dập, ông nhận ra sự bất công trong nạn kỳ thị chủng tộc, ông đã viết nhiều thư, đơn, các bài viết gởi đến các cơ quan công quyền, các tờ báo xuất bản ở Nam Phi, nhưng thái độ duy nhất mà Mohandas K. Gandhi nhận được từ các nơi ông gởi đến là sự ngó lơ, lạnh lùng…

Tác giả bên tượng Mahatma Gandhi tại Bảo Tàng Gandhi - New Delhi

Năm 1896, Mohandas K. Gandhi xin được trở lại Ấn Độ trong vòng sáu tháng để lo thủ tục bảo lãnh vợ con sang đoàn tụ. Gandhi đặt chân đến Calcutta vào một ngày giữa năm 1896, sau 24 ngày đêm lênh đênh trên đại dương. Từ Calcutta về Rajkot ông đi bằng đường bộ. Gia đình Mohandas K. Gandhi đoàn tụ, bà Kasturbai và hai người con trai của Gandhi hết sức vui mừng trong cuộc đoàn viên này. Cùng năm này, nhiều thuận duyên liên tục đến “gõ cửa” Mohandas K. Gandhi, ông đã gặp gỡ, tiếp xúc khá nhiều các nhà lãnh đạo Ấn Độ, giới truyền thông, như Lokamanya B.G.Tilak của Maharashtra, Gopal Krishna Gokhale,.v.v. những quan điểm của Mohandas K. Gandhi được tìm thấy trên vô số các tờ báo, người ta cũng thấy sự ca tụng và ủng hộ những ý kiến của Mohandas K. Gandhi. Gandhi đã thực sự tạo ra một “diễn đàn Gandhi” sôi nổi trong giới báo chí thời bấy giờ. Tháng 11 năm 1896, Mohandas K. Gandhi nhận được một thư khẩn, đề nghị ông khẩn cấp sang Nam Phi vì những vấn đề nghiêm trọng của công ty. Mohandas K. Gandhi nhanh chóng rời Ấn Độ mang theo vợ, hai con và một cháu trai (con của một người chị).

Trở lại Nam Phi (18-12-1896), Mohandas K. Gandhi bắt đầu được những người Tây âu lưu trú lại Nam Phi hết sức quan tâm. Gandhi đến với các hội thảo do những người Tây âu tổ chức như một “khách mời đặc biệt”. Vợ, con, cháu của Mohandas K. Gandhi được gởi đến sống với gia đình Rustomji; sau đó chuyển đến ở chung với gia đình ông Laughton, cố vấn công ty Dada, Abdulla & Co. Cũng từ đó, Mohandas K. Gandhi bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp chính trị tại Nam Phi, Ông gặp gỡ và trao đổi với báo giới về những quan điểm của mình, Mohandas K. Gandhi thành lập các hội bảo vệ người Ấn tại Nam Phi, và một trong những điều đặc biệt được ghi lại về Mohandas K. Gandhi trong thời gian này là ông bắt đầu ăn thức ăn chay không cần phải qua nấu nướng (uncooked food).

Năm 1901, Mohandas K. Gandhi quyết định hồi hương. Sau khi về đến Ấn Độ, Mohandas K. Gandhi quyết định thực hiện chuyến tham quan toàn Ấn Độ. Ông đến Calcutta, gặp lúc Đảng Quốc Đại Ấn Độ (Indian National Congress) tổ chức cuộc mít-tinh cho năm đó, Mohandas K. Gandhi được người chủ tịch – ông Dinshaw Wacha - mời làm khách mời danh dự. Chính cuộc mít-tinh này là cơ hội tốt để Mohandas K. Gandhi tiếp xúc các giới chức lãnh đạo cao cấp trong đảng Quốc Đại, như: Pherozeshah Mehta, Lokamanya B.L. Tilak, G.K.Gokhale,.v.v. Sau những cuộc gặp gỡ này, Mohandas K. Gandhi tiếp tục thực hiện cuộc hành trình đi khắp Ấn Độ của mình. Sau cuộc hành trình này, Mohandas K. Gandhi tiếp tục công việc của một luật sư tại Bombay.

Tháng 12 năm 1902, Mohandas K. Gandhi nhận được bức điện tín gởi từ Nam Phi báo tin Joseph Chamberlain, Bộ trưởng thuộc địa Anh Quốc (Colonial Secretary) sẽ đến thăm Natal và Transvaal (thuộc địa của Anh ở Nam Phi). Đảng quốc đại Ấn Độ tại Natal cũng ngõ lời thỉnh cầu Mohandas K. Gandhi là nhân vật đại diện cho cuộc tiếp xúc đó. Mohandas K. Gandhi lên đường đến Natal kịp thời và bị viên Bộ trưởng thuộc địa Anh Quốc tiếp đãi lạnh nhạt. Sau cuộc tiếp xúc với giữa Mohandas K. Gandhi và Joseph Chamberlain đã làm cho những người Ấn ở đó vô cùng thất vọng. Joseph Chamberlain tiếp tục lên đường đến Transvaal, những người Ấn này một lần nữa mong cầu Mohandas K. Gandhi đại diện cộng đồng người Ấn trình bày những nguyện vọng và sự bất bình của họ trước viên Bộ trưởng thuộc địa Anh Quốc Joseph Chamberlain. Tuy nhiên, khi đến Transvaal, bộ luật di trú đã có những thay đổi, Mohandas K. Gandhi quyết định ở lại Transvaal trong một thời gian.

Tại Johannesgurg, Mohandas K. Gandhi nộp đơn xin toà án tối cao mở một văn phòng luật sư, điều đó được chấp thuận. Văn phòng luật sư của Mohandas K. Gandhi được ra đời tại Johannesgurg. Vào năm 1904, Madanjit tìm đến Mohandas K. Gandhi bàn về những dự kiến cho ra đời tờ tuần báo “Indian Opinion” (Quan điểm người Ấn). Mohandas K. Gandhi đồng ý và xúc tiến mọi thủ tục. Tờ tuần báo “Indian Opinion” song ngữ: Gujarati và Anh ngữ nhanh chóng đến với bạn đọc, chủ bút là Mansukhlal Naaza, Mohandas K. Gandhi giữ vai trò trị sự, xuất bản và phụ trách cột xã luận (editorial column). Tờ “Indian Opinion” được độc giả và công chúng ủng hộ nhiệt liệt, vì ở đó người ta thấy được bức tranh sống động, chân thực của những người Tây âu bóc lột các nước thuộc địa, tiếng nói và những khó khăn của nhân dân thuộc địa được công khai trên mặt báo, đặc biệt là những tâm tư, nguyện vọng của những người Ấn lưu vong trên xứ sở Nam Phi trong cảnh “nước mất nhà tan”…. Cùng năm đó, Mohandas K. Gandhi gặp gỡ H.S.L.Polar, trợ lý tổng biên tập của tờ “The Critic” (bình phẩm, phê bình), và cả hai người cùng nhận ra nhau họ có chung một hướng đi… Với những trợ giúp của H.S.L.Polar, tuần báo “Indian Opinion” thực sự trở thành diễn đàn, thành cuốn “cẩm nang” cho công chúng, những đóng góp của “Indian Opinion” không những dừng lại ở lĩnh vực chính trị mà con mang trong nó nhiều sắc thái khác nhau (ví dụ: mục đồng án đã làm người dân có cái nhìn mới về thữa ruộng mình đang có”… Tờ “Indian Opinion” dời trụ sở về Phoenix gần Durban, tại đây “Indian Opinion” thực sự trở thành một cơ sở độc lập, với đầy đủ các trang thiết bị cho một cơ sở báo chí thời đó. Điều tất nhiên là Mohandas K. Gandhi phải “gồng mình” với cả hai vai trò cùng một lúc: nhà báo và luật sư. Ông quyết định đưa gia đình sang Nam Phi lần nữa… Chính vì những công việc căng thẳng của Mohandas K. Gandhi, bà Kasturbai đã âm thầm chứng kiến cảnh chồng bà mỗi ngày dùng một nhiều trà và cà phê, trong khi đó “thức ăn” chính của Mohandas K. Gandhi chỉ toàn là nước lã…

Tháng 8 năm 1906, chính quyền Transvaal ra thông báo: Tất cả những người Ấn Độ tại Transvaal phải đến khai báo các chi tiết cá nhân, sau đó chính quyền sẽ cấp một giấy chứng nhận, tờ chứng nhận này phải được mang theo người mọi lúc mọi nơi, phải xuất trình khi các nhân viên chính quyền tra hỏi. Nếu không có giấy chứng nhận đó, người Ấn sẽ bị bỏ tù hoặc trục xuất. Cảnh sát có quyền đến nhà kiểm tra bất kỳ khi nào “cảm thấy cần”… Đứng trước thông báo này, Mohandas K. Gandhi cho đó là một điều sỉ nhục, một sự kỳ thị chủng tộc dã man, Ông kêu gọi mọi người Ấn Độ lưu vong chống lại thông báo đó. Và sau đó mọi người nhìn thấy Mohandas K. Gandhi “nghỉ mát” trong một nhà tù ở Transvaal, vì lý do không có “giấy hộ thân”. Sau đó Mohandas K. Gandhi được gởi đến Pretoria gặp tướng Smuts. Ông Tướng này tỏ thái độ mềm mỏng hơn với lời giải thích: “Không phải tôi không thích người Ấn Độ, tôi chỉ muốn người Ấn sống và tuân theo pháp luật”, rồi ra lệnh thả Mohandas K. Gandhi. Ra tù, Gandhi cổ vũ một số người Ấn đến gặp các quan chức địa phương để giải thích và đưa lên những kiến nghị. Một hôm, trên đường đến công sở, Mir Alam dùng gậy bất ngờ đánh mạnh liên tiếp vào Gandhi cho đến khi bất tỉnh, rồi lôi thân thể Gandhi đặt vào nhà một người Anh rất thân với Gandhi… Thời gian này người ta ghi nhận rằng Mohandas K. Gandhi vào nhà giam Transvaal “ngồi bóc lịch” đến ba lần. Lần thứ ba sau khi ra khỏi nhà giam, Mohandas K. Gandhi đã tổ chức cuộc mít-tinh và gởi kháng thư đến chính quyền Anh, thư được hồi âm, Seth Haji Habid va Mohandas K. Gandhi được mời sang Luân Đôn để trình bày những nguyện vọng và phàn nàn của cộng đồng người Ấn tại Nam Phi. Kết quả lại thất bại…

Tháng 10 năm 1913, Mohandas K. Gandhi lãnh đạo hơn 6000 công nhân người Ấn đình công chống lại sự bóc lột và thuế quan của chính quyền Transvaal tại vùng mỏ Natal. Mohandas K. Gandhi và vô số công nhân bị bắt và bỏ tù cho vụ này. Lại một lần nữa các quan chức cấp dưới lại cầu xin sự chiếu xét của tướng Smuts. Sự việc được chuyển đến tướng Smuts vào tháng 12 năm 1913. Tuy nhiên trước đó, các nhân viên người Tây Âu ngành đường sắt cũng đứng dậy biểu tình, đình công liên tục. Các vụ việc này làm các cấp chính quyền “rối óc”, vụ việc Mohandas K. Gandhi cũng được chính quyền “cho qua”… Mohandas K. Gandhi quyết định cùng gia đình trở về Ấn Độ sau hai mươi mốt (21) năm đóng góp sức mình cho lợi ích cộng đồng người Ấn tại Nam Phi.

Trong khi chuẩn bị hành lý thì Gandhi nhận được bức điện tín của Gokhale gởi từ Luân Đôn, Gokhale nói rằng ông muốn gặp Gandhi tại Luân Đôn trước khi trở về Ấn Độ. Ngày 18 tháng 7 năm 1914, Mohandas K. Gandhi cùng bà Kasturbai lên đường sang Anh Quốc. Hai ngày trước khi Gandhi đến Luân Đôn, ngày 4 tháng 8 năm 1914 chiến tranh thế giới bùng nổ. Khi đến Luân Đôn, Gandhi nghe tin Gokhale đã sang Paris vì lý do sức khoẻ, thông tin liên lạc giữa Luân Đôn – Paris lại bị cắt đứt vì lý do chiến tranh. Gandhi thất vọng vì ước nguyện đơn giản gặp gỡ Gokhale vẫn chưa thực hiện được, Ông ngồi ở Luân Đôn đợi Gokhale. Trong lúc nhàn rỗi, Mohandas K. Gandhi tập họp những sinh viên Ấn đang lưu học tại Luân Đôn thảo luận về phương pháp đấu tranh giành độc lập Ấn Độ. Một trong những ý kiến khiến Gandhi hết sức lưu tâm là: “Cuộc chiến này có thể là một vận hội mới cho nền độc lập Ấn Độ”… Vài hôm sau ông Gokhale cũng về đến Luân Đôn, Mohandas K. Gandhi đã đến thăm hỏi và thảo luận với Gokhale về vấn đề độc lập Ấn Độ… Trong một lần quá vui, Gandhi tự nhiên ngã bất tỉnh, các bác sĩ khám và cho biết Mohandas K. Gandhi bị viêm màng phổi (pleurisy) khá nặng. Bác sĩ Jivraj Mehta tận tâm chữa trị. Gokhale rời Luân Đôn trong lúc Gandhi đang được các bác sĩ điều trị. Bệnh ngày một trầm trọng, họ khuyên Gandhi nên trở về Ấn Độ càng sớm càng tốt. Gandhi đồng ý và cùng vợ lên tàu về lại Ấn Độ.

Thuyền cập cảng Bombay, dân chúng đón mừng Mohandas K. Gandhi như một người hùng, vì tiếng thơm của Gandhi đã bay đến Ấn Độ trước đó. Sau 12 năm tha hương, ông muốn trở lại thăm ngôi nhà cũ, nhưng hay tin Gokhale đang trong cơn “thập tử nhất sinh”, Mohandas K. Gandhi cùng bà Kasturbai tức tốc đến Poona (Pune) thăm Gokhale. Gokhale cầm tay Gandhi không ngăn được dòng nước mắt, Gokhale nhắn nhủ: “Đừng quên chúng ta là những người đang đấu tranh cho nền lập Ấn Độ, đừng bỏ quên ý chí đó”.

Từ giã Gokhale, Gandhi về Rajkot và Porbandar thăm lại bà con thân thích, thăm lại ngôi nhà xưa, tìm về chốn kỷ niệm… Rồi đến Santiniketan thăm lại ngôi trường cũ, nơi đó giáo viên và học sinh của trường tiếp đón Mohandas K. Gandhi như một niềm vinh hạnh. Cũng tại Santiniketan, Gandhi lần đầu tiên được Tagore và C.F.Andrews tiếp đón nồng nhiệt… Và cũng tại Santiniketan vài ngày sau đó, Mohandas K. Gandhi ngậm ngùi khi hay tin Gokhale đã trút hơi thở cuối cùng…

Sau khi làm lễ hoả táng Gokhale, Mohandas K. Gandhi đến gặp các vị lãnh đạo cao cấp của tổ chức những người cùng đinh Ấn Độ (the Servants of India Society) và được mời vào tổ chức, vì tổ chức này hết sức kính trọng Gokhale, tuy nhiên phần đông thành viên trong hội này không mấy tỏ ra thân thiện với Mohandas K Gandhi. Ít lâu sau Mohandas K. Gandhi được mời đến tham quan thủ đô Rangoon - Miến Điện…

Tháng 2 năm 1916, Mohandas K. Gandhi được mời làm chủ toạ một cuộc mít-tinh tại Đại học Banaras Hindu (Banaras Hindu University, viết tắt là BSU, tại Varanasi). Và người ta còn thấy Gandhi xuất hiện trên rất nhiều hội nghị của các đảng phái chính trị, như: hội nghị về quản trị nhà đất của Tilak và Besant giữa cuối năm 1916, họp mặt và hội thảo thường niên của Đảng Quốc đại tổ chức tại Lucknow tháng 12 năm 1916,.v.v. Hơn hai năm trời, Gandhi đã đi nhiều nơi, diễn thuyết khá nhiều địa phương, công chúng đến với Gandhi ngày một nhiều.... Và tất nhiên Mohandas K. Gandhi phải đối diện với muôn vàn khó khăn, phức tạp với một xã hội nhiều màu sắc như Ấn Độ, các cuộc bất đồng giữa các tôn giáo, sự bất bình đẳng trong xã hội như nghèo – giàu, cùng đinh – quý tộc, trí thức – dân đen…

Cùng năm 1916, tại quận Champaran thuộc tiểu bang Bihar nông dân gặp phải những khó khăn trong chính sách của những người Anh về nông nghiệp. Rajkumar Shukla, một nông dân cố tìm diện kiến Mohandas K. Gandhi, mời Gandhi về Champaran để chứng kiến sự lầm thang của người dân trong vùng và lên tiếng dùm họ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ Mohandas K. Gandhi phải tham dự cuộc mít-tinh của Đảng Quốc đại tổ chức tại Lucknow (thủ phủ tiểu bang Uttar Pradesh ngày nay), nên hẹn dịp khác. Dù vậy, Rajkumar Shukla vẫn cố theo nài nỉ, cuối cùng Gandhi hứa sẽ đến Champaran sau khi về đến Calcutta. Rajkumar Shukla theo chân Gandhi như một cái bóng, nơi nào có Gandhi thì phía sau có Rajkumar Shukla. Khi Mohandas K. Gandhi vừa đến Calcutta thì Rajkumar Shukla đã đợi sẵn ở đó, hai người cùng đón tàu về Bihar. Gandhi thăm quận Champaran vào đầu năm 1917. Khi vừa đến nơi Mohandas K. Gandhi thấy trên những ngả đường giăng câu khẩu hiệu: “Gandhi không được lưu lại lâu ngày ở Champaran. Hãy rời khỏi đây như đoàn tàu đã chuyển bánh rời Champaran”. Tất nhiên, Gandhi không tuân theo những câu khẩu hiệu đó, Gandhi chỉ đón nhận sự hân hoan chào đón của những người dân cùng khổ trong làng. Gandhi đã đi từ làng này qua xóm nọ thăm hỏi hơn 8000 nông dân (cultivator), quan tâm đến sự giáo dục của từng đứa trẻ, thăm hỏi, bắt tay từng cụ già… những hình ảnh đó tạo ra sự an ủi, thanh thản trong lòng mọi người… Mohandas K. Gandhi không thể kéo dài thời gian ở Bihar, những nơi khác lần lượt đến và xin Mohandas K. Gandhi chiếu cố đến thăm thôn xóm của họ. Người làng Ahmadabah đến sau người làng Champaran, nên từ giã Champaran Mohandas K. Gandhi đến Ahmadabah… Gandhi vận động nông dân chống lại những món thuế phi lý và sự bóc lột của chính phủ Anh tại Ấn. Điều này được vô số người dân ủng hộ, kể các các quan chức, những người cầm đầu nhiều công hội cũng hết sức tán thành, điển hình như các quan chức tại Gujarat: Vallabhbhai Patel, Shankarlal Banker, Mahadev Desai, v.v.

Mùa xuân năm 1917, Ngài Chelmsford, phó quốc trưởng Ấn Độ (the Viceroy of India), mở cuộc hội thảo bàn về những diễn biến về cuộc chiến thế giới, khách mời là tất cả các nhà lãnh đạo cao cấp tại Ấn Độ, tất nhiên Mohandas K. Gandhi cũng nằm trong số đó. Cùng năm này sức khoẻ Mohandas K. Gandhi bắt đầu xuống cấp, ông từ chối mọi thuốc men và mọi lời khuyên về sức khoẻ, dấu hiệu xuống dốc của cơ thể ngày một rõ rệt, nhưng Mohandas K. Gandhi vẫn quả quyết rằng tinh thần sẽ chiến thắng tất cả. Sức khoẻ ông chưa bình phục, thì tin mừng được toan tải trên toàn cầu “Chiến tranh kết thúc”. Mohandas K. Gandhi đi Matheran, từ Matheran ông đến Poona. Tại Poona một bác sĩ tốt bụng lại phát tâm khám và khuyên Gandhi nên dùng ít sữa và tiêm ít thuốc. Gandhi đồng ý cho vị bác sĩ đó tiêm ít thuốc, nhưng từ chối việc dùng sữa. Bà Kasturbai đứng cạnh đó lên tiếng: “Ông không thể dùng được sữa bò, sữa trâu, nhưng sữa dê (goat’s milk) cũng không dùng nữa sao!”, “Ừ đúng đấy, sữa dê cũng có hàm lượng sinh tố cao, giúp người bệnh chóng phục hồi, ông uống thử chút đi!” ông bác sĩ “đệm” vào, Gandhi khẽ gật đầu…

Sức khoẻ tạm thời bình phục, Mohandas K. Gandhi trở lại Ahmedabad. Tại Ahmedabad, Gandhi nhận được thư mời đến Madras. Tại Madras, Gandhi đã gặp gỡ C.Rajagopalachari, một nhân vật lãnh đạo mà Gandhi rất ngưỡng mộ, và cuộc hội thảo các nhân vật lãnh đạo cao cấp diễn ra ở đó. Báo giới và các sử gia đánh giá cuộc hội thảo này là tiếng chuông đầu tiêng đánh thức người dân Ân Độ đứng lên giành lại độc lập. Rời Madras, Mohandas K. Gandhi trở lại Bombay tham gia phong trào “đóng cửa tiệm” vào ngày 6 tháng 4 năm 1919. Trong khi đó tại Delhi, Lahore, Amrissar người ta đã bắt đầu phong trào “đóng cửa tiệm” từ ngày 30 tháng 3, cảnh sát Delhi đã thực hiện lệnh giới nghiêm trong cả thành phố vào ngày này. Một thư mời Mohandas K. Gandhi trở về Delhi, nhưng ông đáp lại rằng: ông sẽ đến Delhi sau khi thực hiện xong phong trào “đóng cửa tiệm” ở Bombay. Phong trào này thành công rực rỡ, ngày đó người ta thấy không một cửa tiệm nào trong thành phố Bombay mở cửa, không thấy bóng dáng bất kỳ chiếc xe nào chuyển bánh trên đường… Và toàn Ấn Độ ngày đó, ngày 6 tháng 4 năm 1919, đồng loạt đứng lên chống đối chính quyền Anh tại Ấn Độ cùng một tư thế, không ồn ào, không giết chóc, không đạn bom, tất cả im lặng, một sự “im lặng sấm sét” trong các sách Thiền, một sự “im lặng đến rợn người” trong các bộ sử thi Ấn Độ… tất cả đã được Mohandas K. Gandhi âm thầm vận động. Những nơi Mohandas K. Gandhi đã đi qua đều lưu lại ở xứ sở đó những làn gió của tinh thần “bất bạo động” (Ahimsa, Non-violence).

Mohandas K. Gandhi bị bắt tại Palwal trên đường đi đến Punjab, và bị cưỡng bức trở lại Bombay. Các tin tức Mohandas K. Gandhi bị bắt đăng tải đầy các tờ báo, dán khắp nơi ở Bombay. Vô số đám đông tụ tập trên các nẻo đường Bombay để chờ đón Mohandas K. Gandhi, nhưng khi ông vừa đến ga, một viên cảnh sát chờ sẵn ở đó “mời” ông về thẳng đồn cảnh sát. Sau cuộc “vấn an sức khoẻ” của các cảnh sát, Gandhi hứa sẽ dùng “giải pháp mềm dẻo hơn” và đề nghị cảnh sát tổ chức một cuộc mít-tinh cộng đồng để ông “sửa lỗi”. Cuộc mít-tinh được tổ chức tại Sabarmati Ashrama, dưới sự giám sát của hàng ngàn cảnh sát thường phục có, cảnh phục có. Mohandas K. Gandhi bắt đầu buổi diễn thuyết bằng câu: “I have made a Himalayan miscalculation”, công chúng cười “ồ” một tràng nhạo nhễ, những người bạn thân tỏ vẻ thất vọng và điên tiết, chỉ vì họ chỉ nghĩ “nghĩa đen” của câu nói trên. Gandhi bắt đầu bài nói chuyện của mình, không gian và thời gian dường như chết lặng, người ta không dám thở mạnh để có thể chú tâm lắng nghe những lời nói của Gandhi…

Cùng năm này, tiểu bang Punjab xảy ra vụ đụng độ kinh hoàng giữa người dân và chính quyền: 379 người bị giết, 200 người bị thương trong cuộc đàn áp đẫm máu tại Jallianwala Bagh (ngày nay người dân Punjab dùng từ “Jallianwala Bagh” để ám chỉ “sự tàn sát dã man”). C.F.Andrews bấy giờ đang ở đó, ông viết bức thư gởi đến Gandhi với nội dung: chỉ có Mohandas K. Gandhi mới làm dịu đi cơn phẫn nộ của dân chúng. Gandhi hồi âm rằng ông sẽ không trở lại vùng đất ông đã bị trục xuất khi chưa có một quyết định nào của chính phủ. Tháng 10 năm đó, Phó quốc trưởng Ấn Độ ký quyết định đồng ý cho Mohandas K. Gandhi tự do đi lại trong vùng đất Punjab. Gandhi quyết định đến Punjab, tại đây ông được người dân vô cùng kính trọng, quây quần bên ông tỏ lòng kính ngưỡng. Cảnh “dầu sôi lửa bỏng” ở Punjab lắng dần. Cũng tại Punjab, Mohandas K. Gandhi đã gặp Jawaharla Nehru. Gandhi trở thành người đứng đầu đảng Quốc đại vào năm 1920. Từ đó Ông được dân chúng tôn vinh là người lãnh đạo mọi phong trào giành độc lập Ấn Độ. Mohandas K. Gandhi cũng bắt đầu chuyển hướng đảng Quốc đại vốn chủ yếu của giai cấp trí thức và tư sản thành một tổ chức của quần chúng, thu nhận cả nông dân, giai cấp trung lưu.v.v. Mohandas K. Gandhi kịch liệt chống lại chủ nghĩa đấu trang bạo động, khủng bố, phương châm hành động của ông chủ yếu dựa trên những phương pháp hoà bình. Phương pháp chính yếu của Gandhi dựa trên hai nguyên tắc: Satyagraha (nguyên tắc chân lý) và Ahimsa (bất bạo động).

Tình hình chính trị Ấn Độ ngày càng trở nên tồi tệ, điều này khiến chính phủ Ấn “nát óc”, tình trạng căng thẳng xảy ra khắp nơi. Ngày 1 tháng 8 năm 1920, trong một bức thư gởi đến Phó quốc trưởng Chelmsford, Gandhi bày tỏ thái độ không hợp tác chiến dịch do Phó quốc trưởng đề ra. Gandhi xin trả lại huy chương vàng “Kaiser-i-Hind” nhận được năm 1915. Và trong một cột báo của tờ “Young India” (tuổi trẻ Ấn Độ) Gandhi cho đăng các quan điểm nhằm bảo vệ quyết định “không cộng tác” (Non-co-operation) và “bất bạo động” (non-violent) của mình. Ngày 26 tháng 12 năm 1920, tại cuộc họp thường niên của đảng Quốc đại, Mohandas K. Gandhi được thắng cử với phần đông người tán thành.

Ngày 17 tháng 11 năm 1921, Hoàng tử xứ Wales đến thăm Bombay, lúc đó Mohandas K. Gandhi cũng đang ở Bombay. Hôm sau, Hoàng tử xứ Wales đến thăm một thành phố lân cận, hốt hoảng khi nhìn thấy cảnh “đường không người, phố không xe”. Tác giả của “màn kịch” “đường không người, phố không xe” kia không ai khác ngoài Motilal Nehru và Jawaharlal Nehru, tất nhiên là họ cùng một số người liên can đến vụ việc được đưa vào “nhà đá” để “đào tạo”. Chính phủ Anh tại Ấn thời bấy giờ nghi ngờ Mohandas K. Gandhi chính là “đạo diễn” vụ nầy, và quyết định “tặng” Gandhi bản án sáu năm tù giam tại nhà tù Yeravda ở Poona.

Năm 1924, bệnh tình Gandhi tái phát, kéo theo chứng bệnh mới viêm ruột thừa cấp tính. Một cuộc giải phẫu dưới sự giám sát của chính phủ hoàn toàn thành công, nhưng sự bình phục diễn ra rất chậm. Chính phủ quyết định thả tự do cho Gandhi. Ông đến Juhu một địa danh gần Bombay để dưỡng bệnh. Gandhi quyết định rời bỏ chính trường để tập trung tâm hồn mình vào những tiến triển tâm linh. Người ta nhận thấy rằng sáu năm kể từ ngày ra tù, Mohandas K. Gandhi không bao giờ bàn đến việc chính trị. Người ta chỉ thấy ông đến các tu viện, đền thờ bàn luận giáo lý với các nhà sư, người ta tìm thấy trên đầu giường của ông Kinh Phật và cả các bộ Thánh điển Hindu nữa… Năm 1928, Phó quốc trưởng ngỏ ý mời Mohandas K. Gandhi đến thăm hỏi, Gandhi nhận lời và một cuộc gặp gỡ không nồng ấm kéo theo.

Ngày 31 tháng 12 năm 1929, Jawaharlal Nehru được bầu làm chủ tịch Đảng Quốc đại, người ta hy vọng đất nước Ấn Độ sẽ hoàn toàn độc lập sau cuộc bầu cử này. Nhưng khi Đảng Quốc đại chưa làm được điều đó, thì giá muối và thuế muối gia tăng, thậm chí chính phủ còn đánh thuế vào những người dân nghèo thu nhặt muối tự nhiên trên biển. Vào ngày 2 tháng 3 năm 1930, Mohandas K. Gandhi viết một bức thư rất dài gởi ông Tân Phó quốc trưởng Irwin than phiền về những khó khăn trong những chính sách của người Anh tại Ấn và đề xuất một cuộc gặp mặt để thảo luận, nhưng ông Tân Phó quốc trưởng trả lời thông qua một vị thư ký với nội dung “trách ngầm” Gandhi là một người “phá bỏ luật lệ”. Toàn dân Ấn Độ quyết định ủng hộ quan điểm của Gandhi, bắt đầu từ 6:30 sáng ngày 12 tháng 3 năm 1930, hàng vạn người chứng kiến và hô hào ủng hộ “chiến dịch” Mohandas K. Gandhi cùng 78 người dân Ấn từ những giai cấp khác nhau “thầm lặng chống đối” trên quãng đường dài 241 dặm từ nhà Gandhi đến bờ biển Dandi, khẩu hiệu cho cuộc chống đối này là “Vứt đi Luật muối” (Salt law would be broken). Sau 24 ngày, cuối cùng “đôi mắt” của chính quyền Ấn Độ và ống kính báo chí thế giới bắt đầu dõi theo Gandhi. Chính phủ Ấn Độ hoàn toàn “bó tay” trước chiến dịch này, vì họ nhận thấy rằng mỗi ngày con số tham gia vào chiến dịch “vứt đi Luật muối” tăng lên vùn vụt, từ số trăm lến đến số ngàn, người già, phụ nữ, trẻ em lần lượt xuất hiện gia tăng vào chiến dịch… Chiến dịch kết thúc vào ngày 5 tháng 4 năm 1930 khi đoàn đến bờ biển Dandi.

Vài ngày sau đó Mohandas K. Gandhi lại bị cảnh sát bắt và đưa đến nhà tù Yeravda. Trong tù Gandhi hoàn toàn im lặng và tự tại. Trong khi đó, khắp mọi miền Ấn Độ người dân lần lượt đứng lên học theo phong trào “vứt đi Luật muối” của Gandhi, chính quyền hoàn toàn ngỡ ngàng, không thể nào “dập tắt” phong trào “vứt đi Luật muối”. Rồi chuyện cũng “lọt vào tai” Thủ tướng Anh, Ông ra lệnh phóng thích Gandhi và bàn chuyện trả hoà bình cho Ấn Độ. Gandhi được phóng thích năm 1931, sau khi ra khỏi nhà tù ông yêu cầu Phó quốc trưởng Irwin cho ông một cuộc phỏng vấn. Cuộc phỏng vấn được đáp ứng ngay sau đó, tất nhiên khi đối diện cả hai đều nhận ra họ đến từ hai thế giới khác nhau. Cùng lúc đó, tại Luân Đôn nội các Anh đang trong một hội nghị bàn tròn bàn xoay quanh vấn đề tương lai của Ấn Độ. Tháng 8 năm 1931, Gandhi lên tàu sang Luân Đôn sau một buổi tiệc nhỏ.

Mohandas K. Gandhi trải qua 84 ngày ở Anh Quốc, hầu hết thời gian này ông dành cho các cuộc họp mặt và hội thảo. Churchill từ chối gặp gỡ Gandhi, tuy nhiên người đàn ông Ấn Độ này đã làm “quyến rũ” mọi người bởi phong cách đặc biệt của mình. Ngay cả đức Vua và Hoàng hậu cũng phải mời Mohandas K. Gandhi ngồi chung một buổi tiệc trà. Một phóng viên phỏng vấn Gandhi: “Ông có nghĩ rằng trang phục ông đang mặc đủ tiêu chuẩn để tham dự một tiệc trà như thế này chăng?”, “Tôi nghĩ chiếc áo mà đức vua đang mặc đủ cho cả hai người” Gandhi mỉm cười trả lời, tất nhiên là phóng viên kia chết điếng người trong câu trả lời “nửa vời” mà thâm thuý đó.

Tại hội nghị bàn tròn người ta hoàn toàn không hề đả động gì đến vấn đề độc lập Ấn Độ, người Anh đã “đánh lạc hướng” qua đề tài “những khác biệt giữa Ấn giáo và Hồi giáo”, để rồi cuối cùng kết luận một cách vu vơ rằng: những cuộc nổi dậy ở Ấn Độ hoàn toàn chỉ vì lý do tôn giáo. Gandhi trở về Ấn Độ không mang theo bất kỳ tin tức mới mẻ nào. Niềm hy vọng người Ấn như vụt tắt.

Đầu năm 1932, Mohandas K. Gandhi muốn diện kiến vị Tân Phó quốc trưởng, Willingdon; Tuy nhiên Willingdon trả lời rằng thời gian đàm phán đã chấm dứt. Gandhi thông báo với các cơ quan chức năng là ông sẽ tiếp tục tổ chức một chiến dịch chống đối. Tân Phó quốc trưởng Willingdon cho đó là một sự hăm doạ, bèn ra lệnh nhốt Gandhi vào nhà tù Yeravda. Tháng 3 năm 1932, Gandhi tuyên bố ông sẽ tuyệt thực cho đến chết. Tin này được lan rộng một cách nhanh chóng, các bản tin chép tay được dán khắp nơi. Các nhà lãnh đạo hoàn toàn sửng sốt trước quyết định này của Gandhi, nhiều người từ các giai cấp khác nhau kéo đến nhà tù Yeravda xin thế mạng cho Gandhi, hoặc tuyệt thực bên ngoài, hoặc đòi phá ngục vào trong. Tagore gởi đến Gandhi bức điện tín với nội dung khuyên nhủ và chia sẻ, Tiến sĩ B.R.Ambebkar hứa hẹn sẽ tìm mọi cách cứu thoát Gandhi. Gandhi bắt đầu tuyệt thực vào ngày 20 tháng 9 năm 1932, đến ngày thứ ba thì Gandhi ngã quỵ, lính gác xốc ông vào nhà tắm tạt nước, hồi lâu Gandhi tỉnh dậy với giọng nói thều thào và ngày một yếu dần, huyết áp tăng cao… Người cai tù hoảng sợ cho phép bà Kasturbai và những người thân vào bên trong. Tagore đến thăm Gandhi vào ngày tuyệt thực thứ năm. Sau đó, tin tức về cái chết gần kề của Gandhi cũng đến tai chính phủ, và ông được trả tự do vào một ngày đầu năm 1933.

Bảy năm kể từ ngày được phóng thích, Gandhi đã tiếp tục nỗ lực, dùng hết sức mình đấu tranh và đóng góp cho các mối quan hệ xã hội và cho công cuộc giành độc lập Ấn Độ, Ông cũng khuyến khích người dân Ấn Độ không quên việc phát triển tâm linh và tinh thần đoàn kết tôn giáo mà Ấn Độ vốn đã có từ ngàn đời. Tất nhiên, nhiều nhà lãnh đạo Ấn Độ thời bấy giờ không chấp nhận quan điểm, chính sách (bất bạo động) của Gandhi, kể cả Jawaharlal Nehru. Tháng 10 năm 1934, Gandhi cắt đứt quan hệ thành viên chính thức với đảng Quốc đại, vì ông không tán đồng các khuynh hướng bạo động của những người đang đứng đầu trong đảng này. Gandhi về Sevagram ở Maharashtra tĩnh dưỡng trong một căn phòng nhỏ. Tuy vậy, Gandhi vẫn đóng vai trò cố vấn cho đảng Quốc đại trong một thời gian khá dài.

Năm 1939, Đệ nhị thế chiến bùng nổ, chính phủ Anh tại Ấn quyết định gia nhập quân đội Ấn Độ vào phe đồng minh (allies’ side). Đảng Quốc đại hứa sẽ hết sức ủng hộ quân Anh khi Ấn Độ hoàn toàn tự do, độc lập, nhưng ông Churchill và chính phủ Anh phớt lờ điều đó, họ từ chối hợp tác với Đảng Quốc đại. Từ đó, người ta ghi nhận rằng các nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Quốc đại liên tục xuất hiện trong căn phòng nhỏ ở Sevagram của Gandhi để bàn thảo về những chương trình hành động…

Tháng 9 năm 1940, cuộc mít-tinh toàn quốc của đảng Quốc đại diễn ra tại Bombay, tất cả tán thành cho một cuộc chống lại chính quyền thuộc địa, và họ cũng quyết định mở một cuộc mít-tinh nhằm vào chiến dịch chống lại chủ nghĩa đế quốc mà người Anh đang thực hiện, tất nhiên cuộc mít-tinh này bị cấm. Nehru bị bắt và vài tháng sau đó con số thành viên đảng Quốc đại bị bỏ tù lên đến hơn 30000 người. Không hiểu vì sao Gandhi vẫn tại ngoại?!

Tháng 12 năm 1941, chính phủ phóng thích tất cả các tù nhân hoạt động theo khuynh hướng Gandhi. Năm 1942, quân đội Nhật vượt Thái bình dương, xuyên qua Malaya và Miến Điện, và quân đội Nhật có thể xâm lược Ấn Độ, người Anh bắt đầu nghĩ đến việc dàn xếp cho Ấn Độ.

Trước sự đe doạ xâm lăng của Nhật Bản, Gandhi đề xuất việc thành lập một chính phủ lâm thời nhằm chống lại quân xâm lược, nhưng đề kiến đó bị phớt lờ. Tháng 3 năm 1942, Churchill tuyên bố nội các đồng ý về một chương trình dành cho Ấn Độ, và ông Stafford Cripps đã thoả thuận việc đến Ấn Độ tìm kiếm những nhà lãnh đạo Ấn Độ có khả năng tiếp nhận chương trình đó. Ngày 22 tháng 3 năm 1942, Stafford Cripps đến Delhi gặp mặt Gandhi, Nehru, Azad, Jinnah và các nhân vật lãnh đạo tối cao nhiều đảng phái khác. Stafford Cripps hứa hẹn sẽ trao trả tự do hoàn toàn cho Ấn Độ sau cuộc chiến, tuy nhiên các thành viên đảng Quốc đại không đồng ý, vì họ không tin vào những lời hứa hẹn đó, người Anh đã cố tình nuốt lời và lừa bịp nhân dân Ấn Độ nhiều lần trước đó…

Tháng 8 năm 1942, cuộc mít-tinh toàn quốc của đảng Quốc đại lại tổ chức tại Bombay, ông Maulana Abul Kalam Azad làm chủ toạ, thành lập một chính phủ lâm thời. Mohandas K. Gandhi dõng dạc tuyên bố: “Đây là thời điểm người Anh phải ra đi” (the time has come for the English to go). Đêm đó Gandhi và vô số thành viên đảng Quốc đại bị bắt, người ta nhốt ông tại điện Aga Khan ở Poona (Pune). Mahadev Desai, Kasturbai, Naidu, Mirabehn và rất nhiều người của đảng Quốc đại cũng bị nhốt ở đó. Trong khi đó, bên ngoài dân chúng đã đứng lên nổi dậy khắp nơi, một cuộc hỗn chiến diễn ra trên đất Ấn, nhân dân Ấn Độ đã phá đổ tất cả các cơ sở, các toà nhà của chính phủ, người ta gọi cuộc nổi dậy này là biểu tượng của sự “đạp đổ chủ nghĩa bành trướng đế quốc Anh tại Ấn Độ”… Đình công, biểu tình, và hỗn loạn nổi dậy khắp mọi nơi trên toàn đất Ấn. Phó quốc trưởng Linlithgow quy cho Gandhi là người “xúi giục dân chúng tạo phản”. Trong những bức thư dài nhiều kỳ Phó quốc trưởng Linlithgow gởi đến Gandhi, Linlithgow đã cố gắng thuyết phục Gandhi từ bỏ cuộc “xúi giục dân chúng tạo phản”. Tháng 2 năm 1943, Gandhi lại tuyệt thực nhằm chống lại các loại thuế, các chi phí bất công mà người dân Ấn Độ phải gánh chịu, lần tuyệt thực này như một tiếng chuông hướng vào toà án tối cao Ấn Độ. Gandhi ngã quỵ sau 21 ngày tuyệt thực, một thử thách tưởng không thể vượt qua, nhưng ông vẫn tiếp tục sống. Bà Kasturbai chăm sóc ông, nhưng khi Gandhi bình phục chính là lúc sức khoẻ bà Kasturbai tuột dốc. Mohandas K. Gandhi cố gắng mọi cách cứu nguy và chữa trị, nhưng tất cả đều vô hiệu. Ngày kia, bà Kasturbai lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay Gandhi. Gandhi lặng thinh, mọi người xung quanh đều khóc. Vài tuần sau ngày bà Kasturbai qua đời, Gandhi cũng bị rơi vào tình thế hiểm nguy của bệnh sốt rét. Dân chúng lại lên án chính quyền, biểu tình đòi thả tự do cho Mohandas K. Gandhi diễn ra khắp nơi, chính quyền cũng tin rằng Gandhi đang đến gần cửa tử và ra lệnh phóng thích ông. Như một phép lạ, Gandhi dần bình phục và trở lại bình thường. Người dân Ấn Độ tin rằng cơ thể Gandhi ví như linh hồn xứ Ấn đang hồi sinh. Và họ hy vọng.

Tháng 5 năm 1945, hai tháng sau ngày Đức đầu hàng. Đảng Lao động dưới sự điều khiển của Nội các Anh, Attlee giữ chức Thủ tướng. Vài tháng sau ngày Nhật Bản thất bại thảm hại, người Anh đã chính thức tuyên bố “buông tay” và hứa trả lại Ấn Độ cho những người chủ thực sự của nó. Cuộc đấu tranh giành độc lập Ấn Độ đang tiến đến đỉnh thành công. Chính quyền Anh tại Ấn tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội cho Ấn Độ. Đảng Quốc trại “thắng lớn” trong cuộc bầu cử này. Sau cuộc bầu cử một số thành viên thuộc Hồi giáo đặt vấn đề chia cắt Pakistan, Mohandas K. Gandhi trả lời trong tiếng khóc: “Bạn có thể cắt tôi làm hai, nhưng xin đừng làm điều đó với Ấn Độ” (Cut me in two, but do not cut India in two).

Tháng 2 năm 1946, chính phủ Anh cử phái đoàn Đặc sứ nội các đến Ấn Độ, gồm: Pethick-Lawrence, Stafford Cripps, A.V.Alexander. Sau chuyến viếng thăm và điều tra này, phái đoàn Đặc sứ nội các Anh tuyên bố sẽ rút các cơ quan quyền lực của Anh khỏi Ấn Độ.

Ngày 24 tháng 8 năm 1946, Jawaharlal Nehru chính thức nhậm chức Phó Tổng thống chính phủ Ấn Độ lâm thời. Sau ngày chính phủ lâm thời Ấn Độ được thành lập, Gandhi ước ao được về tĩnh dưỡng tại Sevagram, tuy nhiên những người đứng đầu đảng Quốc đại xin Ông ở lại Delhi để giúp họ cố vấn mọi vấn đề. Gandhi quyết định ở lại Delhi. Nhân ngày 15 tháng 10 năm 1946, tập đoàn Hồi giáo quyết định gia nhập vào chính phủ lâm thời, Gandhi cho rằng đây là thời gian tốt nhất để ông có thể về thăm Sevagram. Khi vừa rời Delhi, Gandhi nghe tin các nhóm Hồi giáo đang nổi loạn ở Bengal, nhiều vụ án thảm khốc xảy ra ở đó. Gandhi quyết định dời bỏ ý định về Sevagram, ông đến thẳng quận Noakhali thuộc đông Bengal, với hy vọng sẽ mang lại an bình cho nơi đó. Tại Bihar hàng ngàn người bị giết chết, mấy ngàn người bị thương, Gandhi chết lặng trước thảm cảnh đó, ông khuyên mọi người hãy bình tâm và khuyên rằng “người Ấn đừng nên tiếp tục sát hại người Ấn”. Gandhi bắt đầu đi từ làng này sang làng khác, từ nhà này đến nhà nọ, nơi nào ông đến nơi đó được mang theo thông điệp của bình an. Nơi nào những làn sóng phản đối nổi dậy, nơi đó Mohandas K. Gandhi đến và mọi bạo động đều tan biến…

Ngày 3 tháng 6 năm 1947, Thủ tướng Anh – Attlee – tuyên bố phân chia Ấn Độ, Đảng quốc đại và tập đoàn Hồi giáo đồng ý k‎ý vào văn bản.

Phó quốc trưởng cuối cùng của Anh tại Ấn Độ – Mountbatten – băn khoăn và không muốn kéo dài thêm tình trạng cai trị người Anh trên đất Ấn. Ông quyết định thu ngắn để nhân dân Ấn Độ sớm đón ngày vui mừng. Cuộc họp bàn giữa hai chính phủ quyết định chọn ngày 15 tháng 8 năm 1947 là ngày trao trả độc lập cho Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ như “mở cờ trong bụng” khi nghe tin này loan tải. Ông Mountbatten – Phó quốc trưởng Ấn Độ – tôn vinh Mohandas K. Gandhi là “Kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà tự do Ấn Độ thông qua những viên gạch bất bạo động” (the architech of India’s freedom through non-violence).

Ngày 13 tháng 1 năm 1948, Mohandas K. Gandhi bắt đầu tuyệt thực nhằm chống đối lại việc làm của những kẻ Hồi giáo cuồng tín tạo nên một “hình ảnh Gandhi phản bội” trong mắt của vô số tín đồ Hindu quá khích. Người dân Ấn vô cùng xót xa trước hình ảnh một Gandhi ở tuổi 78 tuyệt thực và lên tiếng, và phản đối. Vụ việc được giải quyết sáng tỏ, Mohandas K. Gandhi thôi tuyệt thực và được đưa về an dưỡng tại Birla House. Ngày 20 tháng 1 cùng năm, trong một buổi lễ cầu nguyện, một vụ nổ mìn nhằm ám sát Gandhi, may thay mục tiêu bị lệch, quả mìn nổ gần chỗ Gandhi cầu nguyện, người bên cạnh la lớn: “Babuji, mìn đang nổ bên cạnh ngài đó”, Gandhi quay lại hỏi: “Có người dân nghèo nào bị thương không? Hãy lo cho họ” và tiếp tục cầu nguyện như không có chuyện gì xảy ra.

Ngày 30 tháng 1 năm 1948, Mohandas K. Gandhi bị một tín đồ Hindu quá khích ám hại bằng súng ngắn khi Gandhi đang dạo vườn cùng hai cháu gái tên Manu và Abha. Tên sát nhân lúng túng tìm cách thoát thân, Gandhi chỉ tay hướng theo lối rào sau, ra lệnh mọi người đừng đuổi theo và thầm khấn “Rama, Rama”. Linh hồn vĩ đại của người Ấn ra đi trong sự thanh thản lúc 5 giờ 46 phút chiều cùng ngày. Lễ hoả tán thi hài Mohandas K. Gandhi được tiến hành ngày sau đó trên một khu đất lớn, ngày nay người Ấn gọi khu đất này là Shanti Bagh có nghĩa là “cõi bình an”, “cõi vĩnh hằng”. Sau khi hoả thiêu xong, người Ấn đã đem số tro của thi hài Mohandas K. Gandhi rải trên toàn cõi Ấn Độ, rải xuống sông Ấn, sông Hằng, sông Yamuna và những con sông lớn trên khắp Ấn Độ. Những lớp tro được rải lên giải đất Ấn Độ hoá thành linh hồn hoà nhập vào “đại thể” che chở người Ấn, và người Ấn tưởng tượng rằng “Thánh Gandhi đang ôm lấy Ấn Độ trong đôi tay khổ hạnh nhưng ấm áp tình người”.

Ngày nay nhân dân Ấn Độ gọi Mohandas K. Gandhi bằng những tên gọi thể hiện tấm lòng tôn kính, trìu mến như: Babuji (Cha kính yêu), Mahatma Gandhi (Linh hồn vĩ đại, siêu thánh / Great soul), hoặc Vị cha già dân tộc (the Father of the Nation).

0