17/11/2018, 21:44

Bartitsu: Môn võ đặc biệt dành riêng cho các quý ông thời xưa

Một môn võ giúp các quý ông phòng thủ trong những tình huống nguy hiểm, thế nhưng vẫn giữ được vẻ quý phái của mình nhớ những chiêu thức khoan thai và tinh tế. Chúng ta vẫn thường biết tới những môn võ như Kungfu, Wushu, túy quyền, v.v... là kết tinh của văn hóa và lịch sử của các nước Châu Á. ...

Một môn võ giúp các quý ông phòng thủ trong những tình huống nguy hiểm, thế nhưng vẫn giữ được vẻ quý phái của mình nhớ những chiêu thức khoan thai và tinh tế.

Chúng ta vẫn thường biết tới những môn võ như Kungfu, Wushu, túy quyền, v.v... là kết tinh của văn hóa và lịch sử của các nước Châu Á. Thế nhưng ít ai biết rằng trên thế giới cũng tồn tại một môn võ thuật khá đặc biệt, có xuất xứ từ Anh và chỉ dành riêng cho các quý ông thời xưa, đó là môn võ "Bartitsu".

Được sử dụng để dành cho mục đích tự vệ, Bartitsu được coi như một trong những môn võ đầu tiên của phương Tây, là thành quả sáng tạo của Edward William Barton-Wright. Ông đã đến Nhật Bản vào những năm 1890, từ một kỹ sư đường sắt bình thường, Barton-Wright sau đó trở thành một người có đam mê mạnh mẽ với võ thuật.

Chân dung Barton-Wright và các chiêu thức cơ bản của Bartitsu.
Chân dung Barton-Wright và các chiêu thức cơ bản của Bartitsu.

Xuất phát từ niềm yêu thích môn Jujitsu (Nhu Thuật) của xứ sở Hoa Anh Đào, Barton-Wright trở về Anh vào năm 1899, kết hợp Jujitsu cũng các kiến thức sẵn có về bộ môn đấm bốc, kickboxing để pha trộn và tạo nên Bartitsu. Kỹ năng chiến đấu của Bartitsu rất đa dạng, bao gồm cận chiến, chiến đấu bằng gậy đi bộ, sử dụng mũ hoặc chiếc ô cầm tay như một vũ khí thực thụ.

Sau đó, Barton-Wright bắt đầu chia sẻ môn võ của mình lên các tạp chí lớn, điển hình là Pearson's Magazine, trong các bài viết ông thường giải thích về phương pháp tập, mục đích và triết lý võ thuật tổng thể của Bartitsu. Thú vị hơn, cái tên Bartitsu chính là sự kết hợp giữa tên của ông và từ "Jujitsu".

Bartitsu là môn võ sử dụng gậy đi bộ, mũ và ô, các vật dụng mà một quý ông Anh thời xưa
Bartitsu là môn võ sử dụng gậy đi bộ, mũ và ô, các vật dụng mà một quý ông Anh thời xưa hay đem theo khi đi ra đường.

Không lâu sau, môn võ trở nên phổ biến tại Anh, thu hút được đông đảo người đến tầm sư học đạo. Học viện và câu lạc bộ võ thuật Bartitsu được thành lập. Đột nhiên giới quý tộc giàu có tại London lúc bấy giờ cũng đổ xô nhau đi học Bartitsu, thỉnh giáo "sư phụ" Barton-Wright.

Nhận thấy được nhu cầu, Barton-Wright đã tập hợp các giáo viên võ thuật từ cả Châu Âu và Nhật Bản để phát triển Baritsu, mục đích nhằm dạy cho mọi người một khóa học toàn diện để tự vệ trong trường hợp bị tấn công, cướp bóc hoặc để tỉ thí với ai đó chẳng hạn.

Các sư phụ nổi tiếng của Bartitsu có thể kể đến Kaneo Tani, Seizo Yamamoto và Yukio Tani đến từ Nhật Bản, đô vật vô địch Thụy Sĩ Armand Cherpillod, võ sư Pierre Vigny đến từ Pháp.

Đến năm 1901, câu lạc bộ đã có cả các bài tập đấu kiếm, bài tập thở, trở thành một phần bắt buộc trong giáo án giảng dạy Bartitsu. Các võ sư thường tổ chức các buổi diễn hoành tráng, phô diễn kỹ thuật và sự hiệu quả của môn võ bằng những ví dụ thực chiến.

Bartitsu thời kỳ đỉnh cao đã thu hút được sự chú ý lớn của giới quý tộc.
Bartitsu thời kỳ đỉnh cao đã thu hút được sự chú ý lớn của giới quý tộc.

Phong cách mà Bartitsu hướng đến là khả năng đối đầu với nhiều đối thủ, riêng "giáo chủ" Barton-Wright đã từng tự mình chứng minh ông có thể một lúc hạ gục 7 đối thủ có thân hình vạm vỡ.

Từ đó, Barton-Wright nhận được rất nhiều sự kính mến và tôn trọng. Ông thậm chí còn được diện kiến Edward, hoàng tử xứ Wales lúc bấy giờ. Nhưng thật không may, vì một tai nạn nhỏ mà ông đã đành bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này.

Không dừng lại, Barton-Wright còn được tác giả của Sherlock Holmes, ngài Authur Conan Doyle so sánh kỹ năng võ thuật với nhân vật huyền thoại của mình. Nếu lật lại truyện, các bạn có thể nhận thấy Holmes đã nhắc đến Bartitsu trong tập "Cuộc phiêu lưu của Nhà Trống" được viết vào năm 1903.

Đáng buồn thay, mặc dù môn võ đã trở nên vô cùng phổ biến trong vài năm đầu tiên, nhưng tới khoảng năm 1902, nó đã lụi tàn. Lý do vì chi phí học quá đắt đỏ, chương trình học quá phức tạp. Câu lạc bộ Bartitsu bắt đầu trì trệ, mọi người không còn cảm thấy hào hứng nữa, thành viên mới cũng ít dần.

Dù đã lụi tàn, nhưng ngày nay vẫn có những lớp học Bartitsu được mở ra.
Dù đã lụi tàn, nhưng ngày nay vẫn có những lớp học Bartitsu được mở ra.

Không lâu sau học viện Bartitsu đóng cửa, các võ sư từ bỏ câu lạc bộ và mở võ đường riêng hoặc làm những công việc khác liên quan đến võ thuật. Về phía Barton-Wright, mặc dù đã cố gắng đưa Bartitsu trở về thời kỳ huy hoàng một lần nữa nhưng ông vẫn chỉ nhận về sự thất bại. Tới khoảng năm 1920, môn võ tự về này gần như bị quên lãng.

Cho đến nay, Bartitsu vẫn là một tư liệu quý giá để các chuyên gia nghiên cứu về võ thuật đào sâu tìm hiểu, một ví dụ thú vị về ý tưởng võ thuật dành cho các quý ông của Châu Âu thời xưa.

0