24/05/2018, 15:53

Bàn về nhiệm vụ của triết học trong thế kỷ XXI

Trải qua một thời kỳ dài của lịch sử, mặc dù có những lúc thăng trầm, Triết học đã không ngừng phát triển. Với đỉnh cao là triết học Mác-Lênin, nhiều vấn đề của triết học đã được lí giải, trong đó có vấn đề nhận thức. Điều cơ bản của triết học, như Ăngghen ...

Trải qua một thời kỳ dài của lịch sử, mặc dù có những lúc thăng trầm, Triết học đã không ngừng phát triển. Với đỉnh cao là triết học Mác-Lênin, nhiều vấn đề của triết học đã được lí giải, trong đó có vấn đề nhận thức. Điều cơ bản của triết học, như Ăngghen đã chỉ rõ, là “vấn đề giữa tồn tại và tư duy” 1, trong đó có vấn đề làm sáng tỏ mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, cái nào có trước, cái nào có sau. Triết học Mác - Lê nin đã chỉ rõ vật chất là cái có trước, ý thức là cái có sau. Quan điểm này là điều không còn phải bàn luận bởi một điều hiển nhiên bởi không có một ai có sẵn ý thức ngay từ lúc mới được sinh ra.

Vấn đề đặt ra là khi triết học lí giải mối quan hệ giữa vật chất và ý thức, xét về bản chất, là lí giải mối quan hệ giữa thế giới tự nhiên với con người, chính xác hơn là chỉ một phần trong con người. Vậy trong thế giới tự nhiên hay trong bản thân cái tồn tại có còn những mối quan hệ nào khác? Giữa thế giới tự nhiên với phần còn lại của con người còn có mối quan hệ nào nữa không? Trong riêng ý thức có mối quan hệ nào không? Ngay bản thân mối quan hệ giữa vật chất và ý thức cũng không phải là mối quan hệ bền chắc và chặt chẽ. Mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là mối quan hệ giữa hai yếu tố có tính độc lập tương đối. Vật chất, với các thành tố và tính chất vận động của nó đã tạo nên một yếu tố đặc biệt là ý thức. Như vậy mối quan hệ giữa vật chất và ý thức là mối quan hệ theo chiều dọc. Xét về nguyên tắc thì vật chất sẽ chi phối ý thức. Nhưng trong sự vận động của ý thức thì vật chất và sự vận động của nó chỉ đóng vai trò là động cơ, còn cách thức vận động, mục đích đạt tới của ý thức thì lại là những cái độc lập của ý thức. Ý thức có thể tạo ra những sản phẩm mà trong thế giới tự nhiên không có và không thể thực hiện được trong môi trường thực của thế giới tự nhiên. Vật chất không ngăn được ý thức làm điều này. Ý thức có thể phản ánh đầy đủ thế giới tự nhiên nhưng không thể thay đổi hoàn toàn thế giới tự nhiên. Thế giới tự nhiên là khách quan và tồn tại không phụ thuộc vào ý thức. Ý thức chỉ có thể làm thay đổi một phần thế giới tự nhiên. Khi ý thức tác động vào tự nhiên thông qua một lực lượng vật chất và năng lượng thì sông có thể thành hồ, núi có thể thành bình địa. Nhưng ý thức không ngăn được động đất, không dìm được sóng thần. Những điều này cho thấy trong mối quan hệ giữa vật chất và ý thức còn thể hiện tính không liên tục trong nhiều trường hợp, có nghĩa là ý thức không phải luôn phản ánh thế giới tự nhiên và thế giới tự nhiên có nhiều cái không dễ dàng cho ý thức phản ánh. Vậy ý thức có thể và có khả năng phản ánh đầy đủ thế giới tự nhiên hay không? Làm thế nào để ý thức có thể phản ánh được nhiều nhất thế giới tự nhiên? Một vấn đề khác cần làm sáng tỏ, đó là có phải chỉ riêng con người mới có tư duy, mới có ý thức? Hiện nay đã có nhiều bằng chứng cho thấy không chỉ riêng con người mà còn có nhiều loài động vật khác cũng biết sử dụng công cụ lao động và có khả năng tư duy. Vậy tại sao chỉ có con người mới tiến hoá? Những cái mà chúng ta vẫn cho là bản năng của các loài động vật do đâu mà có hoặc đã được hình thành như thế nào? Quá trình tư duy diễn ra như thế nào? Tiếng nói có phải là phương tiện duy nhất của tư duy hay bộ não còn sử dụng những phương tiện khác để tư duy? Tư duy đồng nhất hay không đồng nhất với ý thức? Quá trình tư duy có song hành cùng quá trình hình thành ý thức hay không? Quan hệ giữa tư duy và ý thức là gì? Việc thu hẹp phạm vi ý thức trong giới hạn con người có phù hợp với thực tế khách quan hay không khi giới hạn đó là do con người đặt ra? Sự giới hạn này đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa sự giới hạn với quan điểm toàn diện của phép biện chứng duy vật 2. Một mâu thuẫn nữa cũng xuất hiện khi chúng ta xác định rằng một tính chất của ý thức là sáng tạo 3. Sáng tạo theo ý nghĩa của nó là thay thế một cái cũ bằng một cái tốt hơn. Mà thay thế có nghĩa là thay đổi. Thay đổi lại không thuộc những cái bất biến, những cái chặt chẽ, những cái có tính bền chắc cao. Những cái có tính tổ chức cao thường có tính chặt chẽ và bền chắc. Vì vậy tính sáng tạo sẽ không phải là tính chất của các tổ chức chặt chẽ này. Trong khi đó chúng ta lại cho rằng “ý thức là sản phẩm hoạt động của một dạng vật chất có tổ chức cao là bộ óc con người”. 4 Mâu thuẫn ở đây là mâu thuẫn giữa tính sáng tạo và tính tổ chức cao trong một khối vật chất. Chúng ta sẽ không có phim ảnh nếu thuốc ảnh không thể thay đổi được dưới tác dụng của ánh sáng, chúng ta sẽ không ghi được âm thanh trên băng từ nếu các phần tử từ trong băng từ không thay đổi được chiều của từ trường. Não muốn ghi nhớ được thì phải có sự thay đổi trong não. Bản thân bộ não là một khối vật chất có kết cấu mềm yếu nhất trong cơ thể người. Một tổ chức muốn có tính sáng tạo phải biết luôn tự đổi mới mình. Vậy có thực sự tồn tại hai tính chất đối lập nhau trong cùng một cấu trúc, cùng một tổ chức hay không?

Những câu hỏi trên đây đã cho thấy rằng ngay trong mối quan hệ giữa vật chất và ý thức vẫn còn nhiều điều phải lý giải. Vấn đề chưa phải đã hết vì triết học còn chưa xác định và lí giải những mối quan hệ ngay bên trong vật chất hay ngay bên trong ý thức, những mối quan hệ của riêng vật chất và của riêng ý thức.

Vật chất, tựu trung lại theo quan niệm đến thời điểm này bao gồm các vật thể, các chất, trường và năng lượng. Vì có nhiều thành tố như vậy nên chắc chắn rằng giữa các thành tố đó có những mối quan hệ. Quan hệ giữa các vật thể với các chất dễ được xác định vì các vật thể được tạo ra từ các chất, còn các chất nằm trong các vật thể (tất nhiên là còn có các chất không nằm trong các vật thể). Vì vậy các chất có thể đại diện cho cả các vật thể và cho nó. Còn những mối quan hệ khác là gì? Chúng là những mối quan hệ theo chiều dọc hay chiều ngang? Năng lượng có phải là một dạng vật chất đặc biệt hay không? Năng lượng là thuộc tính của vật chất hay là một yếu tố bên ngoài của vật chất, kết hợp với vật chất để tạo ra vận động? Nếu vận động là thuộc tính của vật chất thì năng lượng là vận động bởi trong rất nhiều quá trình vận động của vật chất chúng ta thấy sự hiện diện và cần có sự hiện diện của năng lượng. Nhưng chúng ta thấy năng lượng có thể tiềm ẩn, có lúc thâm nhập hoặc thoát ra khỏi vật chất, còn vận động nếu là thuộc tính của vật chất thì nó luôn gắn liền với vật chất. Như vậy là còn có những các khác để nói lên rằng năng lượng không phải là vận động. Nếu vậy thì vai trò của năng lượng với tư cách một thành tố trong vật chất là gì? Nó quan hệ như thế nào với các thành tố khác của vật chất? Trường là một yếu tố có tính liên tục 5 hay là một tập hợp các phần tử cùng dạng được liên kết với nhau theo một mối liên hệ nào đó?Nếu trường là liên tục thì tại sao các phần tử khác có thể thâm nhập được vào trong trường? Một đặc điểm của trường liên tục là tính chất, trạng thái, cường độ của trường tại bất kỳ vị trí nào trong trường cũng giống nhau, nhưng trong thực tế không có trường nào như vậy. Mặt khác, nếu trường là liên tục thì nó sẽ không thể co dãn được. Mà nếu trường nói riêng và vật chất nói chung không co dãn được thì chúng không thể tập trung lại để có cơ sở tạo nên “vụ nổ big bang”, do đó thuyết “big bang” sẽ không tồn tại. Nói cách khác đây là mâu thuẫn khi chúng ta vừa có thuyết big bang, vừa cho rằng trường là liên tục. Vấn đề đặt ra là việc thiết lập các thành tố của vật chất như trên đây đã đúng chưa? Còn có cách thiết lập nào khác không?

Nhận thức của con người về thế giới không chỉ bằng hệ thống các cơ quan cảm giác, bằng các phương tiện kỹ thuật mà còn bằng tri thức của nhân loại. Trong kho tàng tri thức, có một dạng tri thức mang tính chủ đạo và có tính hướng dẫn nhận thức, đó là các hệ tư tưởng, bao gồm các tư tưởng thành văn và không thành văn, chính thống và không chính thống. Thực chất của việc nhận thức bằng tri thức, bằng các hệ tư tưởng là nhận thức gián tiếp, nhận thức thông qua hệ thống các lăng kính, các thấu kính, các ống kính biến hình, các kính lập thể. Vì vậy sự nhận thức có thể sâu sắc hơn, rộng lớn hơn, đúng đắn hơn, rõ ràng hơn hoặc cũng có thể bị sai lạc rất nhiều. Đây là điều khó tránh khỏi bởi không có một cá nhân nào có thể có đủ năng lực, điều kiện, phương tiện, kinh nghiệm để tự mình có thể trực tiếp nhận thức được toàn bộ những cái mình có nhu cầu nhận thức, phần lớn trong khối lượng tri thức mà một người thu nhận được trong cuộc đời thông qua con đường nhận thức gián tiếp. Mặt khác, các cơ quan cảm giác, các phương tiện kỹ thuật dù tinh xảo, tối tân đến đâu cũng không thể giúp con người trực tiếp nhận thức được mọi yếu tố của thế giới. Có những yếu tố luôn ẩn sau các sự vật, các hiện tượng, vì vậy không thể nhận thức được các yếu tố này bằng trực quan. Cũng có khi con người muốn nhìn thế giới thông qua lăng kính, qua ống kính biến hình vì không muốn thấy thực tại ảm đạm, trần trụi, khô cứng. Lăng kính, ống kính biến hình có thể giúp con người nhìn thấy thực tại rực rỡ hơn, sinh động hơn mặc dù thực tại không phải như thế. Không ai có thể phủ nhận được nhu cầu nhận thức thế giới không đúng với thực tế trong một bộ phận nhân loại khi sự đáp ứng có thể giúp cho họ vượt qua được bị luỵ, khổ đau, sợ hãi, khó khăn để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng cũng vì vậy mà không thiếu những người đã tìm cách trục lợi từ sự nhận thức gián tiếp. Ở cấp độ cao nhất họ xây dựng triết học phục vụ cho lợi ích của họ, có thể gọi đó là nền triết học của những kẻ trục lợi, còn ở cấp độ thấp, họ tuyên truyền mê tín dị đoan. Họ làm cho thực tế khách quan bị thay hình đổi dạng trong nhận thức để phục lợi ích của cá nhân họ. Vì vậy, những tri thức đúng, những tư tưởng tiến bộ không chỉ tự hoàn thiện mình và làm cho thế giới khách quan ngày càng được phản ánh đúng đắn hơn trong nhận thức, mà còn phải xác định được yếu tố tích cực trong một số tư tưởng phản ánh không đúng thực tế khách quan, từ đó điều chỉnh, hướng dẫn nhận thức, tránh cho sự nhận thức không quá sai lệch, đồng thời tiến hành bình dân hoá những lý luận cơ bản của mình, làm cho những lý luận đó trở nên dễ hiểu, dễ thâm nhập tới mọi tầng lớp nhân dân, đẩy lùi những tư tưởng dị dạng hoặc lạc hậu. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh không khoan nhượng vì nhận thức của triết học tiến bộ. Nếu triết học tiến bộ chỉ dừng lại ở việc tìm ra những lí luận cơ bản, những sự phản ánh đúng thế giới tự nhiên mà không phổ biến được rộng rãi thì những tư tưởng lạc hậu, những nhận thức méo mó vẫn còn có đất sống và phát triển.

Triết học là một môn khoa học đặc thù. Tính đặc thù biểu hiện ở tính khái quát, ở tính phổ biến, ở phương pháp nghiên cứu và phương tiện nghiên cứu khoa học của nó. Nếu như các môn khoa học chuyên ngành hoặc khoa học thực nghiệm thường tách các đối tượng ra khỏi môi trường mà đối tượng đang tồn tại và vận động, đưa các đối tượng vào trạng thái vận động độc lập hoặc đưa về trạng thái tĩnh, và nếu có phải nghiên cứu trong mối liên hệ với các yếu tố khác thì cũng giới hạn các mối liên hệ, thì triết học nghiên cứu đối tượng trong chính môi trường của đối tượng, với mọi mối liên hệ qua lại với các yếu tố khác mà đối tượng có và cái chính là tìm ra cái chi phối sự vận động của đối tượng. Với điều kiện nghiên cứu như vậy nên triết học không thể hoặc rất khó khăn trong việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật, hoặc các thiết bị kỹ thuật không có khả năng đáp ứng được. Phương tiện nghiên cứu của triết học là lí luận. Những cơ sở cho lý luận của triết học là kết quả nghiên cứu của các môn khoa học thực nghiệm, là quan sát thực tiễn, là những lý luận do triết học đã tạo ra trước đó. Những cơ sở này được xem xét, nghiên cứu trong một mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Vì sử dụng phương tiện là lý luận cho nên triết học có thể có mặt trong tất cả các môn khoa học thực nghiệm hay chuyên ngành, trong mọi lĩnh vực nhận thức. Nó là cầu nối, là sợi dây để liên kết các môn khoa học, các lĩnh vực của đời sống, của xã hội. Nó có mặt trong các môn khoa học khác để tham gia nghiên cứu, nhưng nó không thay thế cho các khoa học đó bởi nó không có các phương tiện kỹ thuật. Mối quan hệ của nó với các môn khoa học khác là mối quan hệ biện chứng, thể hiện trong sự kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau nhưng vẫn có tính độc lập. Triết học là kết quả nhưng cũng là cái định hướng cho các môn khoa học khác. Các môn khoa học chuyên ngành có thể dựa vào lí luận của triết học để xác định những kết quả có thể, sau đó kiểm chứng chọn kết quả đúng nhất. Cách làm này giúp cho khoa học chuyên ngành rút ngắn được thời gian, giảm chi phí nghiên cứu. Triết học cũng có thể tiến hành thực nghiệm để xây dựng lí luận hoặc kiểm tra tính xác thực của lí luận. Nhưng việc này đòi hỏi thời gian và chi phí. Vì vậy, trước hết triết học phải sử dụng nhuần nhuyễn phương pháp và phương tiện nghiên cứu của mình. Mặt khác, mọi sự vật, mọi hiện tượng trong thế giới tự nhiên đều có những yếu tố ẩn bên trong chi phối. Mà những yếu tố này, như phần trên đã nêu, không thể nhận thức được bằng trực giác hay khoa học thực nghiệm. Chúng chỉ có thể được nhận thức bằng lí luận. Chúng là bản chất của các sự vật, các hiện tượng. Vì vậy nhiệm vụ của triết học là nhận diện bản chất của các sự vật, các hiện tượng. Cái bản chất cơ bản nhất, sâu sắc nhất, chi phối mọi quá trình, mọi hiện tượng trong vũ trụ và chi phối cả các bản chất khác, đó là bản chất của thế giới tự nhiên.

Bản chất của các hiện tượng, các sự vật chỉ được nhận ra khi xem xét các sự vật, các hiện tượng đó trong toàn bộ quá trình vận động của chúng và trong mối liên hệ với các yếu tố khác có liên quan hoặc có ảnh hưởng. Trong nhiều trường hợp, để xác định bản chất, còn phải so sánh giữa nhiều sự vật, nhiều hiện tượng khác nhau. Điều này có nghĩa là để tìm ra bản chất thì trước hết phải xác định đầy đủ quá trình vận động và các mối liên hệ, sau đó xác định khả năng chi phối hoặc biểu hiện của bản chất đã được tìm ra trong các hiện tượng khác, bởi bản chất có thể chi phối và do đó biểu hiện trong nhiều sự vật, nhiều hiện tượng khác nhau. Bước thứ hai này thực tế là một bước kiểm chứng tính xác thực của cái bản chất đã được tìm ra. Tuy vậy trong nhiều trường hợp bước thứ hai này không hoặc chưa được thực hiện, vì vậy khó có thể khẳng định được tính xác thực của nhiều bản chất.

Chúng ta đã có quan điểm cho rằng bản chất của thế giới là vật chất 6. cũng đã chỉ ra rằng vật chất có thể chuyển hoá thành năng lượng và ngược lại. Vậy có thể nói rằng bản chất của thế giới là năng lượng được không? Có phải mọi thuộc tính của vật chất, vì vậy, cũng sẽ thuộc về năng lượng? Khi xác định rằng năng lượng có thể chuyển hóa thành vật chất và ngược lại thì đồng thời chúng ta đã xác định năng lượng không phải là vật chất và vật chất không phải là năng lượng, điều đó cũng có nghĩa là trong thế giới tự nhiên không chỉ có vật chất. Điều này cho thấy việc xếp năng lượng là một thành tố của vật chất và gán cho nó cái tên “dạng vật chất đặc biệt” có sự bất ổn. Mặt khác, vật chất có hai thuộc tính cơ bản, đó là kích thước và khối lượng. Hai thuộc tính này luôn gắn liền với vật chất. Khối lượng của vật chất là một đại lượng vô hướng. Còn năng lượng lại không có kích thước như vật chất, còn khối lượng của năng lượng (hay do năng lượng tạo ra?) lại là một đại lượng có hướng. Khi năng lượng ở dạng tiềm ẩn thì chúng ta không xác định được năng lượng và không thể nhận ra được nó. Chúng ta chỉ có thể biết được năng lượng khi nó ở trong trạng thái động và có thể ở nhiều dạng khác nhau, do đó những đại lượng dùng để xác định năng lượng cũng luôn biến đổi. Vì vậy câu hỏi đặt ra là năng lượng có thuộc tính không? Cái khối lượng có hướng trong thực tế là không luôn gắn liền với năng lượng, nó chỉ xuất hiện khi năng lượng chuyển từ trạng thái tiềm ẩn sang trạng thái động và nó chỉ được thể hiện khi năng lượng chuyển nó cho vật chất, nó làm cho khối lượng của vật chất tăng lên gấp nhiều lần nhưng không làm tăng kích thước vật chất. Câu hỏi đặt ra là khối lượng này được năng lượng lấy từ đâu? Nó giống và khác khối lượng của vật chất ở điểm nào? Một vấn đề cần xét nữa là trong khái niệm của triết học duy vật biện chứng về hiện tượng và bản chất thì bản chất là cái bên trong, còn hiện tượng là cái thể hiện bên ngoài 7. Cái bên trong là cái không thể nhìn thấy mà nó chỉ được nhận thức thông qua cái bên ngoài. Vậy có mâu thuẫn gì không khi cho rằng bản chất của thế giới là vật chất, bởi vật chất là cái chúng ta dễ nhận thấy nhất bằng trực quan?

Triết học duy vật biện chứng cuối thế kỷ XIXvà trong thế kỷ XX đã không đưa năng lượng vào làm đối tượng nghiên cứu và không đánh giá vai trò của năng lượng trong thế giới tự nhiên. Trong khi đó các môn khoa học chuyên ngành trong thế kỷ XX đã thu được nhiều kết quả to lớn khi nghiên cứu về năng lượng, vai trò của năng lượng đã được đánh giá cao trong thực tiễn. Đây là tiền đề cho việc đánh giá lại một số giá trị nhận thức đã hình thành trước đó nhưng chưa chắc chắn, trong đó có việc xác định lại bản chất của thế giới tự nhiên, xác định rõ mối quan hệ giữa vật chất và năng lượng. Mặt khác, sau khi thu những thành tựu rực rỡ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, triết học duy vật biện chứng đã phát triển chậm lại từ nửa sau thế kỷ XX và đang trở nên tụt hậu so với các môn khoa học thực nghiệm. Phép biện chứng duy vật là nền tảng vững chắc và vĩnh cửu của mọi tư tưởng khoa học và tiến bộ. Nhưng những tư tưởng được xây dựng trên cái nền tảng đó có đồ sộ nguy nga, có bền chắc, có trường tồn hay không còn phụ thuộc và nguyên liệu mà thời đại cung cấp. Chúng ta khẳng định tính lịch sử của triết học, nhưng không có nghĩa là với những thành tựu đã đạt được, triết học đã hoàn thành sứ mạng của mình. Nhiệm vụ của triết học còn rất nặng nề. Những câu hỏi trên đây cũng chỉ là một phần trong các vấn đề mà triết học duy vật biện chứng phải giải quyết trong thế kỷ XXI này.

0