04/06/2017, 23:01

Bàn về nhà thơ Vũ Đình Liên và bài thơ ông đồ, trong cuốn "thi nhân việt nam", Hoài Thanh có viết.

"Hai nguồn thi cảm lớn nhất của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ". Trình bày ý kiến của em về nhận xét trên. Có những người cả sự nghiệp cầm bút chỉ thực sự sáng tác và lưu danh ...

"Hai nguồn thi cảm lớn nhất của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ". Trình bày ý kiến của em về nhận xét trên.

Có những người cả sự nghiệp cầm bút chỉ thực sự sáng tác và lưu danh với một tác phẩm nhưng đó là sự kết tinh đẹp đẽ nhất mà họ có được. Vũ Đình Liên và bài thơ Ông đồ là một trường hợp như thế. "Hai nguồn thi cảm lớn nhất của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ". Hoài Thanh đã đã nhận xét như thế trong "Thi nhân Việt Nam".
 
Nói như vậy nghĩa là Vũ Đình Liên cũng viết về những đề tài quen thuộc cùng nhiều thi sĩ thơ mới khác như thiên nhiên, tình yêu...Nhưng thơ ông chủ yếu bắt nguồn từ tấm lòng nhân ái yêu thương những con người khốn khổ bên cạnh mình, bắt nguồn từ nỗi niềm hoài cổ thâm trầm, u tịch. Ông đã viết nên kiệt tác ông đồ từ cả hai nguồn thi cảm vốn riêng biệt ấy.
 
Nhận định trên hoàn toàn xác đáng. Trước hết, "Ông đồ" là bài thơ dạt dào tình thương. Hai khổ thơ đầu tả lại khung cảnh xưa, thời chữ Nho còn được trọng vọng với "thuê viết, tấm tắc ngợi khen tài". Góc phố ông ngồi thật đông vui nhộn nhịp, tràn ngập không khí hân hoan khi Tết đến xuân về. "Mỗi năm .... Lại thấy...". Bên cành đào sự xuất hiện đều đặn của ông như đã trở thành một thông lệ quen thuộc, tất yếu của ngày xuân trong tâm trí mỗi người. Nhưng "mỗi năm mỗi vắng" . Hình ảnh tươi vui người người đến mua chữa dần dần phai lạt. Quanh ông đồ giờ đâu phải là sự mến mộ và quý trọng mà chỉ còn nỗi xa vắng mênh mông. Một câu hỏi tu từ buồn bã cất lên trong lòng tác giả: "Người thuê viết nay đâu?". Sao mà ngẩn ngơ, mà ngậm ngùi thương cảm đến vậy. Nỗi niềm ấy truyền sang cả những vật vô tri vô giác: "Giấy đỏ buồn không thắm - Mực đọng trong nghiên sầu". Các động từ "đọng" và "không thắm" mang lại một âm sắc sầu não, chán chường. Nghệ thuật nhân hóa càng gợi lên sự cô đơn hiu hắt của ông đồ. Giấy hồng điều, mực Tàu là nhũng thứ hết sức thân quen và gắn bó với các nhà Nho, nay chịu chung cảnh bơ vơ khi đạo Khổng tàn lụi.
 
Những tình cảm trong câu thơ thật chân thành và sâu sắc. Vũ Đình Liên chỉ cảm nhận nỗi buồn thuơng não nề ấy hay phải chăng ông đã nhờ giấy mực nói hộ cho lòng mình ? Lời thơ tưởng chỉ là một câu chuyện kể trầm lắng nhưng nén đọng một tiếng thở dài đến não lòng. Tuy nhiên, đến khổ thơ thứ tư thì nhà thơ đã phải chua xót thừa nhận: "Ông đồ vẫn ngồi đó, qua đường không ai hay...".Ông chỉ còn là cái bóng âm thầm lặng lẽ trên hè phố trong sự thờ ơ của người dời. Ông đã biến mất, đã không còn tồn tại dưới con mắt nhân gian. Họa chăng nỗi đau của ông tỏa được đến không gian xung quanh: "Lá vàng rơi trên giấy, ngoài trời mưa bụi bay". Những tờ giấy ngày nào in nét chữ " Như phượng múa rồng bay" giờ chỉ còn lá rụng.
 
Chiếc lá vàng sao buồn thế ! Hình ảnh của nó trong mùa xuân của lộc non chồi biếc cũng lạc lõng như bản thân ông đồ vậy. Thiên nhiên, thời gian, con người đều trong trạng thái "động". Riêng mọi thứ về ông đều gắn với "ngưng đọng" và nhòa dần đi trong làn mưa bụi lạnh lẽo thê lương. Khổ thứ tư được tác giả phối hợp các dòng thơ có nhiều thanh bằng và cách hiệp vần rất chỉnh của thể thơ ngũ ngôn nên đã diễn tả được nhạc điệu buồn thương ngân vang dàn trải. Hẳn Vũ Đình Liên phải có một tâm hồn đầy chia sẻ và cảm thông, thậm chí là đồng điệu với nhân vật trữ tình của tác phẩm mới có thể viết nên những câu thơ có hồn như vậy. Vòng tuần hoàn Vĩnh cửu của thời gian cứ lạnh lùng lặp lại song đời người thì hữu hạn. "Năm nay đào lại nở, không thấy ông đồ xưa". Ông đã vĩnh viễn biến mất. Chỉ còn nhà thơ với nỗi thảng thốt và khắc khoải ngậm ngùi. Vũ Đình Liên không còn nén nổi nước mắt dưới lời thơ tự sự nữa mà nỗi đau đã tràn lên câu chữ: "Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?" Nhà thơ tự hỏi chính mình trong nỗi xót xa âm thầm. Âm hưởng của lời thơ không chỉ có xót thương một số phận con người mà rộng hơn, là thương cho cả một lớp người: các nhà nho danh giá xưa kia, nay bị lãng quên trong dòng chảy cuộc đời. Đọc những vần thơ như vậy nên chúng ta sao có thể dửng dưng không chút rung dộng ? Một thi phẩm bình dị mà cảm động biết bao !
 
Từ hơn hai nghìn năm nay, đạo Nho đã thực sự thành một phần quan trọng không thể phủ nhận trong văn hóa, xã hội và nhất là nền thơ ca trung đại nước Việt ta. Nó đã đồng hành với dân tộc ta qua bao thăng trầm của lịch sử. Chữ Nho và đạo Nho được thừa nhận là văn tự, là đạo học chính thức trong thi cử, trong tất cả văn bản quan trọng của triều đình. Cơ sở xã hội và thể chế nhà nước, thậm chí cả những chuẩn mực đạo đức con người cũng được xây dựng từ nền tảng Khổng giáo.
 
 Những tưởng chúng ta sẽ không thể từ bỏ những gì đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức bao thế hệ dân tộc. Nhưng đầu thế kỉ XX, làn gió "Văn minh Âu hóa" ồ ạt thổi tới từ nước Pháp xa xôi đã thay đổi cả những giá trị cơ bản nhất của đời sống xã hội Việt Nam. Đồng thời chúng ta có chữ quốc ngữ, một thứ chữ của riêng chúng ta, ghi chính xác âm tiết tiếng Việt, dễ học, dễ sử dụng. Tất cả những điều ấy tàn phá thành trì Nho học kiên cố vững vàng cả nghìn năm. Vũ Đình Liên viết tác phẩm "Ông đồ" trong hoàn cảnh ấy, hẳn còn để thể hiện nỗi nhớ tiếc một nền văn hóa xưa. Chính nhà thơ cũng đã cho rằng "Ông đồ chính là cái di tích đáng thương của một thời tàn". Đọc lại toàn bài thờ, ta sẽ thấy điểm nhìn của tác giả vốn ở hiện tại: "Năm nay". Từ hiện thực không còn hình ảnh ông đồ trong ngày Tết, nhà thơ ngược dòng hoài niệm về quá khứ Vàng son trước đây, khi ông đồ còn được ngưỡng mộ và kính trọng rồi xuôi theo tháng năm. mọi người dần thờ ơ và quên lãng ông. Hai câu thơ cuối cùng thể hiện rõ nhất tâm sự hoài cổ ấy: "Những người muôn năm cũ" là ai ? Đó là thế hệ những nhà nho - biểu tượng của nền Nho học vang bóng một thời nay đã trở thành quá khứ xa cũ. "Hồn" là tâm huyết, tài hoa, là tinh thần của họ giờ sót lại nơi đâu ? Nhớ tiếc cả một lớp người, một truyền thống dân tộc, một nền văn hóa. Lòng thương người là nguồn cảm hứng nằm ở bề nổi của bài thơ, nằm ở bề sâu chính là niềm hoài cổ.
 
Nguyễn Nhược Pháp cảm nhận "Ngày xưa" đầy chất thơ duyên dáng hóm hỉnh. Con hổ của Thế Lữ thì chán ghét, căm thù thực tại, nhớ mong một quá khứ oai hùng đầy quyền uy. Chế Lan Viên dựng nên một thế giới Chàm cổ xa hoang tàn, kinh dị và ghê rợn niềm hoài cổ của Vũ Đình Liên là nỗi nhớ tiếc những truyền thống văn hóa đang phai mờ, là những bi kịch nhẹ nhàng mà sâu sắc" (GS. Đỗ Đức Hiểu). Kết tinh của hai nguồn thi hứng tuyệt vời như thế, "Ông đồ" xứng đáng một kiệt tác !
 
Hoài Thanh quả đã không hề sai khi nói về Vũ Đình Liên và "Ông đồ" trong "Thi nhân Việt Nam" như vậy... Bài thơ khiến bao bạn đọc phải rơi nước mắt cho một số phận, một dấu tích văn hóa lụi tàn, nhưng đồng thời lại thấy chút xót xa ân hận vì chính mình đã từng hắt hủi đạo Nho. May thay, thư pháp Hán tự đang được khôi phục lại nhờ những con người đầy nhiệt huyết. Trong đó, hẳn có không ít người từng là độc giả của "Ông đồ". Tác Phẩm ấy chắc chắn sẽ làm xao xuyến trái tim nhiều thế hệ người Việt Nam.

0