15/01/2018, 09:44

Ban hành chuẩn mới về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Ban hành chuẩn mới về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục Sắp đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý theo chuẩn mới Quy định chuẩn mới về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục Chỉ thị năm học 2017-2018 ...

Ban hành chuẩn mới về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Quy định chuẩn mới về giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Chỉ thị năm học 2017-2018 mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ký nêu rõ Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các bộ chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục kèm theo Chỉ thị 2699/CT-BGDĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018. Mời các bạn tham khảo.

Năm học mới 2017-2018 này, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các bộ chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm. Từ đó, làm cơ sở để rà soát, sắp xếp, xử lý cán bộ giáo viên chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 – 2018. Theo đó, năm học mới, toàn ngành Giáo dục triển khai 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản với những nội dung cụ thể.

Đáng chú ý trong số đó, Bộ sẽ ban hành Bộ chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm năm học 2017-2018.

Từ đó, làm cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

Các trường sư phạm xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới; tăng cường phương thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến trên cơ sở phát huy tinh thần tự học.

Các địa phương xây dựng quy hoạch và chính sách tuyển dụng giáo viên các cấp phù hợp, tránh thừa, thiếu cục bộ; phối hợp với các trường sư phạm có kế hoạch linh hoạt về đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên đủ số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới. Chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho giáo viên các cấp hoàn thiện bồi dưỡng theo yêu cầu của hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, đảm bảo việc bổ nhiệm, thi/xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định.

Xây dựng hệ thống chuẩn trường sư phạm phục vụ công tác quy hoạch

Chỉ thị cũng nêu rõ sẽ xây dựng hệ thống chuẩn trường sư phạm phục vụ công tác quy hoạch; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên, trình Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành Bộ chuẩn kỹ thuật quy hoạch cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cấp tỉnh, thành phố.

Các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với khu vực thành phố, quy hoạch trường, lớp cần theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại ô để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông do thiếu quỹ đất. Tăng cường xã hội hóa để thành lập mới các trường tư thục chất lượng cao; phát triển trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư. Đối với các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cần có lộ trình sắp xếp điểm trường, lớp hợp lý, trong đó chú ý đối với cấp học mầm non và tiểu học.

Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ thị toàn ngành Giáo dục thực hiện rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Khảo sát, đánh giá và xây dựng chính sách, giải pháp, hướng dẫn huy động nguồn lực Trung ương, địa phương để phân bổ kinh phí hợp lý; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để khắc phục tình trạng trường, lớp học chưa được kiên cố hóa ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học; mở rộng quy mô lớp học để giảm sĩ số học sinh ở khu vực thành thị.

Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình đến năm 2020. Tổ chức thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xác định thực trạng và nhu cầu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học cho từng địa phương, từng vùng miền; các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Ngoài ra, nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục năm học mới còn có: Đổi mới chương trình giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

0