Bài văn thuyết minh về trò chơi thả diều số 6 - 10 Bài văn thuyết minh về trò chơi thả diều (lớp 8) hay nhất nhẩt
Có lẽ đối với trẻ em ở thành thị tiếng sáo diều vi vu hay những con diều nhiều màu sắc bay lượn trên nền trời xanh thẳm là một thứ gì đó rất lạ lẫm, bởi bao quanh các em là những thứ đồ chơi hiện đại, rồi điện thoại, ipad,...Tôi không nói rằng những thứ ấy là không tốt, nhưng có lẽ ...
Có lẽ đối với trẻ em ở thành thị tiếng sáo diều vi vu hay những con diều nhiều màu sắc bay lượn trên nền trời xanh thẳm là một thứ gì đó rất lạ lẫm, bởi bao quanh các em là những thứ đồ chơi hiện đại, rồi điện thoại, ipad,...Tôi không nói rằng những thứ ấy là không tốt, nhưng có lẽ trẻ em nông thôn dường như có một tuổi thơ trọn vẹn hơn hẳn, bởi tuổi thơ ấy là cả một bầu trời kỷ niệm đáng nhớ, mà hiện tại khi đã lớn lên người ta vẫn thường khao khát được quay lại với những trò ô ăn quan, nhảy dây, bịt mắt bắt dê,... vừa năng động lại bổ ích. Tôi vốn là một đứa trẻ nông thôn, cha mẹ chẳng giàu có gì cho cam, thế nên có được chiếc diều, chiều chiều sau buổi học chị em lại tung tăng đem đi thả với lũ bạn là một niềm vui sướng vô cùng.
Quê hương của trò thả diều không phải ở Việt Nam mà nó có nguồn gốc từ Trung Quốc với trên 2800 năm lịch sử, xuất hiện lần đầu tiên vào thời Xuân Thu Chiến quốc. Ông tổ của trò thả diều là Lỗ Ban đã chế tạo chiếc diều đầu tiên với vật liệu là gỗ, các thời kỳ sau người ta thay gỗ bằng trúc và giấy để có một chiếc diều thanh thoát, nhẹ nhàng hơn. Đối với người Trung Quốc cổ đại, thả diều mang nhiều ý nghĩa đặc biệt, họ có tục lệ thả diều vào tiết Thanh minh để xua đuổi tà khí, xui rủi bằng cách viết hết những điều không may mắn lên thân diều, rồi thả diều bay thật cao sau đó cắt đứt dây. Một ý nghĩa nữa là thả diều còn được xem là một nghi thức cầu an mà các nhà sư hay dùng, ngoài ra diều còn được xem là vật dâng hiến thần linh các trong các nghi lễ của vua chúa, quần thần vào dịp lễ lớn. Một vài ghi chép cũng cho thấy rằng, diều còn là một vật dụng để truyền tin trong quân sự. Ngày nay cánh diều còn mang ý nghĩa tượng trưng cho ước mơ, hy vọng bay cao, bay xa hướng tới những chân trời mới, và trở thành biểu tượng của nhiều tổ chức cũng như giải thưởng lớn ví dụ như giải thưởng nghệ thuật "Cánh diều vàng" được trao hàng năm.
Diều có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, có cái hình thoi, hình vuông, rồi lại có cái hình cánh cung, hình ông trăng, cầu kỳ hơn nữa thì có diều hình long, hình phượng, thậm chí có cả hình người. Diều là thứ đồ chơi đa dạng vì hình dáng phong phú về màu sắc, lũ trẻ con không có điều kiện thì chỉ chơi những con diều đơn sắc làm từ mấy thẻ tre với mấy tờ giấy vở, giấy màu, còn ví như người chơi diều theo hội thi thì trang trí diều vô cùng bắt mắt bằng những màu sặc sỡ, để khi diều đã tít tận trời mây mà cái bóng màu của nó dưới đất người ta vẫn nhận thấy được. Kích thước của diều cũng vô số kể, thường chỉ tầm mét vuông đổ lại, nhưng cũng có những người chơi diều sáo chuyên nghiệp họ có thể cất công làm cả chiếc diều to như cái thuyền, gắn thêm ống sáo to như bắp chân, sợi dây diều to như cái dây chão cột trâu mới đủ giữ, lúc thả cũng tốn sức không kém, phải vài ba người mới nhấc được nó lên. Thế nhưng một khi diều đã bay thì mấy ngày liền vẫn cứ ở xa tít, tiếng sáo vi vu như tiếng nhạc từ thiên đình rót xuống, lâng lâng và kỳ diệu vô cùng. Dĩ nhiên ngày hôm nay để nghe được tiếng sáo diều vốn là điều quá khó, dường như con diều với chiếc sáo lửng lơ trên bầu trời đã hoàn toàn đi vào quên lãng, đó là điều vô cùng đáng tiếc.
Khoan nói đến diều sáo, bởi làm diều sáo khá khó, chúng ta sẽ nói đến thứ diều thông dụng mà bất cứ ai cũng có thể làm được. Trước hết cần chuẩn bị tre để làm khung diều, thông thường người ta sẽ chuẩn bị các thanh tre dài tầm 70-90cm rồi bắt cố định vào nhau thành những hình dạng mình mong muốn, thông thường là khung hình chữ thập, trong đó thanh ngang là thanh kép gồm một thanh thẳng và một thanh uốn cong như hình cánh cung, yêu cầu duy nhất là khung phải cân đối và chắc chắn thì diều mới bay được. Sau khi đã có khung, người ta sẽ cắt giấy theo hình khung rồi dùng hồ dán vào khung cho chặt, nên chọn loại giấy dày có thể chịu được sức gió, hồ dán cũng phải là loại có độ bám dính tốt, tránh việc đang bay mà diều bung ra thì mất vui. Xong phần thân diều, chúng ta tiến hành làm đuôi diều, nhiều người nghĩ rằng đuôi diều không quan trọng, chỉ mang tính thẩm mĩ nhưng thực tế đuôi diều chính là phần quyết định xem diều của bạn có bay được hay không. Khâu này khá dễ dàng, người ta sẽ cắt ra ba dải giấy dài gấp rưỡi hoặc gấp đôi thân diều, một dải dài, hai dải kia ngắn hơn và bằng nhau, sau đó đem gắn chúng vào đuôi diều. Cuối cùng là khâu cột dây diều vào đầu diều, nên chọn loại dây mảnh nhưng dai như dây cước hoặc dây chỉ cỡ lớn, được cuốn thành cuộn cho gọn, khi thả và thu diều về sẽ không bị rối dây.
Cách thả diều khá dễ nhưng phải biết quan sát và canh hướng gió, nên chọn khu vực quang đãng không có cây cối, cột điện, nhà cửa, ở nông thôn phía trên đê là thích hợp nhất. Người thả một tay cầm diều giơ cao hơn đầu, một tay cầm dây, chạy ngược hướng gió rồi buông diều ra kết hợp với việc thả dây cho diều bay lên cao, khi diều đã bay ổn định thì không nên thả dây nữa tránh diều bay quá cao, thu về rất mệt. Việc thả diều nên chơi cùng nhiều người là vui nhất, ở khu vực phía Bắc những tỉnh Hà Tây, Hà Nội trước kia còn có cả hội thả diều thi giữa các làng, các tổng, việc chuẩn bị cũng kỳ công nhưng rất náo nhiệt, thậm chí ở Trung Quốc và cả Pháp cũng có lễ hội thả diều, may mắn thay đã từng có lúc con diều Việt Nam được du lịch sang tận nước Pháp xa xôi để tham gia cuộc thi mà có lẽ giờ người ta chỉ nhắc đến trong hoài niệm.