31/03/2021, 15:33

Bài văn thuyết minh về Hồ Gươm số 15 - 15 Bài văn thuyết minh về Hồ Gươm lớp 8 hay nhất

Nhắc đến Thủ đô thân yêu của chúng ta có thể nhắc đến Chùa Một Cột- dáng sen vươn lên từ bùn lầy nghìn năm Bắc thuộc- tiêu biểu cho ý thức tự cường của dân tộc, hay Khuê Văn Các- viên ngọc Minh châu kết tinh của một nền khoa bảng ngàn đời… Nhưng chúng ta nhắc đến Hồ Gươm nhiều hơn ...

Nhắc đến Thủ đô thân yêu của chúng ta có thể nhắc đến Chùa Một Cột- dáng sen vươn lên từ bùn lầy nghìn năm Bắc thuộc- tiêu biểu cho ý thức tự cường của dân tộc, hay Khuê Văn Các- viên ngọc Minh châu kết tinh của một nền khoa bảng ngàn đời… Nhưng chúng ta nhắc đến Hồ Gươm nhiều hơn cả, nằm trong lòng Hà Nội, thành phố nhân văn, thành phố vì hòa bình, thành phố ngàn năm văn hiến.


Tháp Rùa tượng trưng cho khát vọng hòa bình, Nghiên Bút nhắc đến nền văn vật. Chỉ với hai biểu tượng đó, Kiếm Hồ đã xứng đáng là trái tim của Thủ đô rồi! Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn nơi đây là điểm đầu tiên cho chương trình vô cùng ý nghĩa này. Hồ Gươm không chỉ là thắng cảnh tô điểm thêm vẻ xinh tươi, duyên dáng của Thủ đô, mà còn là một trong những dấu ấn tiêu biểu của lịch sử ngàn năm văn hiến đất kinh kỳ Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội! Thưa quý khách, chúng ta đang ở hồ Gươm, nơi chúng ta đang đứng đây có thể nhìn bao quát hồ, ngắm tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và những điểm nổi bật quanh bờ hồ.


Trước khi giới thiệu về hồ Gươm, xin mời quý khách hướng ra mặt hồ ngay sau mình và tôi xin tặng quý khách một đoạn thơ trong bài “Lại về” của cố thi sĩ Tố Hữu: Hồ Gươm xanh thắm quanh bờ, Thiên thu hồn nước mong chờ bấy nay. Bây giờ đây lại là đây, Quốc kỳ đỉnh tháp, sao bay mặt hồ. Hồn Nước – là tâm hồn đất nước, là linh hồn của đất nước cũng có nghĩa là cái truyền thống, cốt cách của dân tộc Việt Nam.


Và hồ Gươm – theo tác giả – chính là cái hình hài vật chất của cái hồn Nước từ nghìn thu xưa lưu lại, để chúng ta tự hào về lịch sử của dân tộc mình. Hồ Gươm có thể nói là một không gian thiêng của Hà Nội và của cả nước ta. Toàn bộ diện tích của hồ Gươm là 12 ha, dài 700m theo hướng Nam Bắc và rộng 200m theo hướng Đông Tây. Theo con mắt của những nhà địa chất, Hồ Gươn là nón quà của sông Hồng từ xa xưa, thủa sông Cái còn lượn sâu vào đất này từ vài ngàn năm trước. Hiện tượng sông bỏ dòng như vậy rất thường xảy ra. Thực ra tên gọi Hồ Gươm mới có khoảng một thế kỷ nay.


Trước đó tên phổ biến là hồ Hoàn Kiếm. Còn trước đó nữa Hồ còn có nhiều tên gọi khác nhau. Thủa xa xưa do hồ có màu nước quanh năm xanh nên còn có tên là hồ Lục Thủy (nghĩa là Nước Xanh). Chuyện kể rằng khi vua Lê Thái Tổ khởi binh chống quân Minh xâm lược, Vua có bắt được một thanh gươm, vũ khí đó theo vua suốt cuộc trường trinh mười năm và cuối cùng Vua đánh đuổi được giặc, giành lại nền độc lập. Đóng đô ở Hà Nội khi đó gọi là Thăng Long, một hôm vua dong thuyền đi chơi trên hồ Lục Thủy thì có rùa vàng nổi lên, vua tuốt gươm chỉ vào rùa thì rùa liền ngậm cây gươm mà lặn xuống nước.


Nghĩ rằng đó là khi trước Trời cho mượn gươm để dẹp giặc, nay giặc tan thì sai rùa thần đến đòi lại gươm trả lại cho Trời. Từ đó vua đổi tên hồ thành hồ Hoàn Kiếm tức hồ Trả Gươm mà ngày nay chúng ta gọi tắt là hồ Gươm. Phải chăng truyền thuyết trả gươm đó muốn nói lên khát vọng hòa bình của cả dân tộc Việt Nam. Khi dẹp xong giặc thì gác vũ khí lại để lo sản xuất làm ăn, vì một nên hòa bình lâu dài. Như đứng trên trụ cao, tượng đài vua Lê đội mũ bình thiên chỉ gươm xuống tuyên bố: “Dân tộc ta sẽ không đúc, rèn vũ khí nữa, chỉ dành công sức tạo nên cuộc sống, nhân danh trăm họ, Trẫm xin hoàn lại thanh gươm chiến thắng”.


Truyền thuyết còn có một ý nghĩa sâu xa nữa, theo dân gian, thanh gươm là biểu tượng của Lửa. nhúng gươm xuống nước là biểu thị của nghi lễ hòa hợp nước lửa. Vâng thưa quý khách, có lẽ chưa ở nơi đâu như mảnh đất này lại được xây dựng trên huyền thoại và truyền thuyết hòa quện suốt chiều dài lịch sử. Từ lúc vua Lý Thái Tổ thấy rồng bay lên khi đậu thuyền ở chân thành Đại La, và đến khi Lê Thái Tổ giữ nước thành công, chuyện trả gươm như gạch nối xứng đáng nhất để tạo nên nét đối xứng tuyệt diệu – Dương: Rồng bay. Âm: Rùa lặn! theo giáo sư Trần Quốc Vượng, bản sắc của Thăng Long – Đại Việt là tổng hòa những giá trị hư và thực, thực mà hư. Huyền mà thực, thực mà huyền!


Hồ Gươm được gọi phổ biến với cái tên Hoàn Kiếm từ đó, nhưng cũng có lúc hồ có tên là Vọng, chia hai phần tả-hữu. Theo sử sách, hồ Gươm xa xưa rộng mênh mông, truyền thuyết hồ Gươm có kể tiếp rằng dù sao Vua cũng muốn tìm ra rùa Vàng nên sai quân lính đắp đập ngăn hồ Lục Thủy thành hai nửa, ban đầu cho tát nước từ bên này sang bên kia không tìm thấy rùa, lại tát ngược lại, vẫn không thấy rùa bèn cho là rùa Thần.


Sau đó cái đập được giữ lại, nửa hồ phía bắc được gọi là hồ Tả Vọng, phần còn lại phía nam gọi là Hữu Vọng, sau này phần hồ Hữu Vọng bị Tây lấp, hồ Gươm giờ là một phần Tả Vọng. Hồ sau này thời chúa Trịnh còn được dùng làm chỗ tập luyện thủy quân nên còn gọi là hồ Thủy Quân. Ngày nay hồ Gươm xanh tươi quanh năm với hàng cây được trồng quanh bờ hồ, đã có thi sỹ ví hồ Gươm như sóng mắt biếc và hàng cây xanh như hàng mi của hồ Gươm- hàng mi của đôi mắt người thiếu nữ? Chắc quý khách đang ngắm nhìn tháp rùa ở phía xa giữa hồ.


Tháp rùa đã từ lâu trở thành biểu tượng thân thiết của thủ đô Hà Nội, mặc dù tháp chỉ được xây vào nửa cuối thế kỷ 19. Gọi là tháp Rùa vì tháp được xây trên đảo rùa, là gò đất nhỏ nổi lên giữa hồ làm nơi rùa hồ Gươm thường lên phơi nắng hay đẻ trứng, gò đất này các cụ vẫn gọi nó là Quy Sơn tuy chỉ cao hơn mặt nước hồ 60cm (vì theo thuật phong thủy “ cao một tấc thì cũng là một ngọn núi”). Về sự tích xuất hiện tháp Rùa cũng rất lý thú, truyền thuyết kể lại rằng, trên đảo rùa có huyệt quý, nếu đem hài cốt song thân tang vào đó thì con cái đời đời vinh hiển. Năm 1884, Pháp đã làm chủ Hà Nội.


Một tên tay sai của thực dân là Bá Kim xin được xây tháp trên gò rùa và lén đặt hài cốt cha mẹ mình vào đó, nhưng sự việc không thành nhưng đã hứa với mọi người là xây tháp nên hắn đành ngậm bò hòn làm ngọt xây nốt tháp rùa. Để thưởng công cho Bá Kim, thực dân Pháp đặt tên tháp là tháp Bá Kim, nhưng nhân dân Thủ đô vẫn gọi là tháp Rùa.


Tuy truyền thuyết Bá Kim xây tháp rùa để tang hài cốt cha mẹ chỉ là truyền thuyết dân gian, được lưu truyền và phần nào đó tạo nên tính thiêng liêng, ly kì của tháp Rùa! Hơi xa một chút nhưng chắc quý khách cũng có thể thấy, tháp rùa được xây theo hình chữ nhật, có ba tầng và một đỉnh. Tầng một xây trên móng cao 80cm, tầng này hình chữ nhật, mỗi mặt tháp đều có những ô cửa hình vòm, mặt chiều dài có 3 cửa, mặt chiểu rộng có 2 cửa, tổng cộng bên ngoài có 10 cửa. Bên trong tháp tầng 1 còn được phân ra làm ba gian và có 4 cửa thông với nhau. Vậy tổng cộng tầng một có 14 cửa. Tầng hai cũng tương tự nhưng diện tích nhỏ hơn. Tầng ba nhỏ hơn nữa, chỉ có 1 cửa hình tròn ở mặt phía Đông. Tầng đỉnh chỉ như một vọng lâu, vuông vức. trên tường mặt phía Đông có ba chữ Quy Sơn Tháp tức Tháp Núi Rùa. Như vậy, Tháp Rùa tuổi đã dư một thế kỷ, dù lịch sử không có gì đáng kể, cũng đã là một bộ phận hữu cơ cảu hồ Gươm, là một phần của tâm hồn Hà Nội. Thưa quý khách, ngoài Quy Sơn có Tháp Rùa, hồ Gươm còn có một núi nữa đó là Ngọc Sơn, nói đến Hồ Gươm, nói đến Tháp Rùa thì không thể không nhắc đến Đền Ngọc Sơn.


Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rất gần bên trái trước mặt là hai chữ Ngọc Sơn được viết sơn màu đỏ trên tấm bình phong của Đền quay mặt phía chúng ta. Cũng thật khó khi đứng xa mà miêu tả quần thể kiến trúc vừa có ý nghĩa sâu xa, vừa có cấu tạo đẹp đẽ này! Tôi xin được giới thiệu đôi nét nổi bật nhất về quần thể đền Ngọc Sơn Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên đảo Ngọc, giữa sóng hồ. đảo có tên là Ngọc vì theo truyền thuyết có tiên xuống tắm. sau này được gọi là Ngọc Sơn vào thời Trần. Ở đây vốn có ngôi đền thờ những liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Đền lâu ngày tự đổ.


Đến thời Lê Chiêu Thống, có nhà nho tên là Tín Trai xây ngôi chùa đặt tên là chùa Ngọc Sơn. Sau này thời Nguyễn, năm vua Thiệu Trị thứ ba chùa được nhường cho một hội từ thiện đổi làm đền Tam Thánh thờ Văn Xương Đế Quân và gọi là Đền Ngọc Sơn như bây giờ. Năm Tự Đức, nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền, kiến trúc ngày nay còn lại chủ yếu là từ lần trùng tu lớn này!


Đối với người Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một nơi hóng gió, một nơi dùng để chơi thuyền mà còn gắn liền với đời sống về nhiều phương diện: đêm giao thừa, người người nô nức du xuân quanh hồ. Các đôi vợ chồng trong ngày cưới tìm đến bên hồ Gươm chụp ảnh lưu niệm. Hè đến, những buổi chiều oi bức, hồ là địa điểm hóng mát lý tưởng. Ai đã từng một lần ngắm hồ từ trên cao vào đầu hạ sẽ không khỏi thảng thốt trước bức tranh đầy màu sắc và nên thơ của những cây bằng lăng tím rạng rỡ xen giữa những phượng cháy đỏ rực, những cành cây ngả xuống, vòng tay ôm lấy mặt nước hồ biếc xanh màu ngọc. Mùa thu, hồ Hoàn Kiếm không những chỉ là một thắng cảnh đẹp với những rặng liễu rủ bên bờ, nắng vàng lấp lánh trên mặt nước mà còn là nơi nhân dân thủ đô lui tới để xem pháo hoa nhân những ngày hội lớn của dân tộc.


Ngày nay, Hồ Gươm vẫn đang thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mang lại nhiều lợi ích cho nước nhà, chúng ta cần ra sức bảo vệ và giữ gìn để hồ ngày càng xanh tươi hơn, mãi mãi là niềm tự hào của đất nước.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

TRAN THI THU TRANG trang

208 chủ đề

2330 bài viết

Cùng chủ đề
0