Bài văn thuyết minh về con trâu ở làng quê Việt Nam số 10 - 12 Bài văn thuyết minh về con trâu ở làng quê Việt Nam lớp 9 hay nhất
“Trâu ơi ta bảo trâu này Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta” Nước ta vốn là quốc gia có nền văn minh lúa nước lâu đời. Chính vì thế, từ rất lâu trước kia, con trâu đã trở thành người bạn thân thiết, quen thuộc trong cuộc sống của nhân dân ta. Trâu có nguồn gốc từ trâu ...
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Nước ta vốn là quốc gia có nền văn minh lúa nước lâu đời. Chính vì thế, từ rất lâu trước kia, con trâu đã trở thành người bạn thân thiết, quen thuộc trong cuộc sống của nhân dân ta.
Trâu có nguồn gốc từ trâu rừng, nhiều thế kỉ sau được thuần hóa, trở nên hiền lành hơn. Trâu nước ta thuộc nhóm trâu đầm lầy, phân bố rộng rãi khắp cả nước. Trâu gắn liền với sự ra đời của nền văn minh lúa nước. Người Việt cổ không những biết săn trâu mà còn thuần hóa nó, sử dụng sức khỏe của chúng trong việc đồng áng.
Trâu thược lớp thú có vú, chia thành trâu đực và trâu cái. Chúng sở hữu một thân hình vô cùng vạm vỡ. Cân nặng trung bình của trâu cái là từ 350-400 kg thì trâu đực nặng từ 400-450kg. Da nó màu đen, dày, bóng loáng và được phủ bởi một lớp lông mềm bên ngoài gọi là lông mao nên có cảm giác rất mượt mà. Hai cái tai trâu to như hai cái lá đa, lúc nào cũng ve vẩy đuổi ruồi. Tai trâu rất thính, giúp nó nghe rõ mọi động tĩnh xung quanh. Mũi trâu to, miệng trâu rộng, sừng có hình lưỡi liềm. Mắt trâu to tròn như hai hòn bi ve. Giống như bò, trâu thuộc nhóm động vật nhai lại, miệng chỉ có hàm răng dưới. Đuôi trâu ngắn, có một túm lông ở cuối lúc nào cũng phe phẩy. Cái bụng nó rất to chống đỡ bởi bốn chân. Hai chân trước cách xa nhau, thẳng. Bàn chân ngắn, vừa phải. Hai đùi sau to dài, bàn chân sau xuôi, ngắn. Bốn móng rất cứng, khít tròn, đen bóng và chắc chắn. Mỗi năm trâu chỉ đẻ từ 1 đến 2 lứa, mỗi lứa một con, Trâu con mới sinh ra gọi là nghé.
Trâu trong đời sống con người có giá trị rất lớn. Trâu là người bạn thân thiết của nhà nông, quanh năm suốt tháng trâu vất vả quần quật cùng con người, kéo cày, kéo bừa,... “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, khi khoa học còn chưa phát triển, trâu chính là cơ nghiệp của mỗi nhà nông. Người nông dân khi ấy nếu thiếu đi con trâu thì sẽ không thể cấy cày, trồng lúa. Dù ngày nắng hay ngày mưa, chỉ cần người cần đến, trâu sẵn sàng cùng con người cầy cấy thửa ruộng, đem lại sự no ấm cho cả gia đình.
Đồng thời, trâu cũng là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Thịt trâu có hàm lượng đạm khá cao, hàm lượng chất béo thấp. Sữa trâu cung cấp chất đạm, chất béo. Da trâu làm mặt trống, làm giày. Sừng trâu có thể làm đồ mĩ nghệ như lược, tù và,..
Trong đời sống tinh thần, trâu là một trong 12 con giáp, gọi là “sửu”. Con trâu trở thành con vật gắn liền với tuổi tác của con người. Người mang tuổi trâu thường chăm chỉ cần cù. Trâu là con vật thiêng liêng dùng để tế lễ thần linh trong ngày lễ cơm mới, lễ xuống đồng. Trâu đi vào ca dao, tục ngữ, trở thành hình tượng trong thơ ca, phản ánh lịch sử phát triển của nền văn minh lúa nước quê hương.
Chọi trâu là một trong những lễ hội nổi tiếng ở nước ta mỗi dịp xuân về, đặc biệt là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Trong những năm gần đây, chú trâu đã vượt ra khỏi lũy tre làng, tham gia vào các hoạt động văn hóa thể thao. Hình ảnh “trâu vàng” trong SEA GAMES 22 chính là niềm tự hào của đất nước ta trước bạn bè thế giới. Con trâu đã trở thành biểu tượng cho sự trung thực, cho sức mạnh và tinh thần thượng võ. Hình ảnh những chú bé vắt vẻo trên lưng trâu đã trở thành một biểu tượng của làng quê Việt Nam. Trâu trở thành một phần tuổi thơ của biết bao người cùng tiếng sáo diều du dương.
Năm tháng qua đi, dù trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rất nhiều loại máy móc đã xuất hiện thay thế vai trò của trâu trong lao động nhưng con trâu mãi là loài vật gắn bó với con người Việt Nam. Trâu trở thành một nét đẹp văn hóa, mang bản sắc dân tộc, là niềm tự hào của nhân dân ta. Để rồi bao năm trôi đi chăng nữa, người ta mãi ngân nga:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”