31/03/2021, 15:29

Bài văn thuyết minh về cây tre hay nhất (bài số 13) - 15 bài văn thuyết minh về cây tre hay nhất

Tre xanh, xanh tự bao giờ Tự ngàn xưa, đã có bờ tre xanh Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên lũy, nên thành, tre ơi ở đâu tre cũng xanh tươi Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu "… Việt Nam có một hệ thực vật phong phú và đa dạng. Một trong những nguồn tài nguyên thực vật ...

Tre xanh, xanh tự bao giờ

Tự ngàn xưa, đã có bờ tre xanh

Thân gầy guộc, lá mong manh

Mà sao nên lũy, nên thành, tre ơi ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu "…


Việt Nam có một hệ thực vật phong phú và đa dạng. Một trong những nguồn tài nguyên thực vật phân bố tương đối rộng và gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân là cây tre, được mệnh danh là “gỗ của người nghèo".

Tre là một nhóm thực vật đa niên, thân gỗ, là một loại thực vật có hoa, nhưng chỉ nở hoa một lần duy nhất vào lúc cuối đời. Hoa tre có mùi hương hơi nồng và có màu vàng nhạt như màu đất. Tre Việt Nam có 7 loại là: tre mạnh tông, tre gai, tầm vông, tre vàng sọc, tre mỡ, tre tàu và trúc.


Tre xanh lúc còn sống có màu xanh mượt, đốt dài và bóng nhẵn, đường kính của thân tre trưởng thành khoảng tư 6 đến 8cm. Cao không đến 10m. Tre gai kích thước ốm và thấp hơn, lá cũng mỏng manh hơn nhưng ở mỗi đốt tre mọc ra rất nhiều nhánh gai, sắc, nông dân thường trồng thành hàng rào chống trộm. Tre ngà là loại tre có thân sọc vàng xen lẫn với sọc xanh rất đẹp. Người ta thường trồng làm cảnh.


Tre rừng, mọc hoang trong rừng nên thường không tươi tốt lắm. Ngược lại, lồ ô, tầm vông là loại tre rừng khổng lồ, bề ngang và bề cao của nó gấp hai, ba lần tre xanh. Nó mọc thành từng bụi, từng hàng như rừng trong vùng đất hoang. Người ta đốn lấy gỗ làm nhà tranh, nhà sàn rất chắc chắn. Lồ ô to lớn bao nhiêu thì trúc lại mảnh mai, yếu ớt bấy nhiêu vì thân rỗng và kích thước nhỏ bé.


Có hai loại trúc là trúc xanh và trúc vàng. Gần đây nước ta có nhập thêm một ít trúc kiểng gọi là trúc Nhật. Những cây kiểng này có hình dáng đặc biệt, thân màu vàng óng, lá xanh mượt mà rất được mọi người ưa chuộng, trồng làm cảnh và thường bày ở mái hiên, phòng khách.

Tre được sử dụng làm cột kèo để dựng nhà, làm đũa, làm máng nước, rổ rá, làm vật dụng nông nghiệp. Tre trồng làm hàng rào. Tre khô làm củi đun. Thân tre chẻ nhỏ để nhóm bếp rất đượm lửa. Lá tre thường được người miền Nam lấy để gói bánh tro vào dịp lễ giết sâu bọ. Lạt tre dùng để cột bánh. Thân tre được dùng để làm đũa. Các thợ thủ công cũng đã tận dụng thân tre để đan thành giỏ tre, rổ tre.


Nhân dân ta thường đong dầu, đong nước mắm khi mua bán bằng ống tre. Thời cách mạng, bộ đội Việt Nam dùng ống tre để đựng nước, nấu cơm. Trong quán ăn ở vùng nông thôn, người ta cũng chẻ thân tre để làm ống tăm cho khách sử dụng sau bữa ăn. Trong chiến tranh, tre được sử dụng làm vũ khí rất lợi hại. Lịch sử có kể về Nguyễn Thiện Thuật sử dụng tre để làm vũ khí chống giặc Pháp. Ngày nay, những bộ salon làm bằng mây và tre rất được ưa chuộng và trở thành một món hàng xuất khẩu đắt giá. Năm 2009, nông dân An Giang đã trồng tầm vông để lấy nguyên liệu sản xuất, lãi 120 triệu đồng trên một hecta.

Hình ảnh cây tre đã đi vào ca dao, thơ văn và ca từ. Chẳng hạn như:


"Rễ siêng chẳng ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu lá bấy nhiêu cần cù

Nghiêng mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành…"


Ông bà ta có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn tre tốt:


"Trồng tre, trồng trúc, trồng dừa

Muốn nên cơ nghiệp thì chừa lang vân."


Người ta còn sử dụng tre già hay tre non vào những việc khác nhau:


"Tháng tám tre non làm nhà

Tháng năm tre già làm lạt"


Người thợ mộc còn so sánh độ bền của tre như sau: "Tre già là bà gỗ lim". Ngoài ra, ông bà ta còn nhìn cây tre để nghe ngóng về thời tiết: “Lá tre trôi lộc, mùa rét xộc đến”. Và từ để người xưa còn rút ra một quy luật sống của thiên nhiên và con người: “Tre già, măng mọc” tre chẻ ra làm nuộc lạt, trở thành một thứ không thể thiếu ở nhiều chỗ: khi gói bánh, bó rau hoặc lợp nhà. Ca dao cũng nhắc đến nuộc lạt: “Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”. Ai từng đọc truyện Thánh Gióng hẳn không quên bụi tre Đằng Ngà khi Thánh Gióng nhổ tre đánh tan giặc ngoại xâm: "Chẻ tre nghe Gióng".

Tre không những đi vào thơ văn mà măng tre còn là một thực phẩm chế biến đa dạng. Các món ăn từ măng tre: măng tươi, măng khô, bún măng vịt, măng xào thịt ba rọi, thịt kho măng, măng luộc chấm mắm tôm, măng chua… Bún măng vịt là món ăn được nấu với vịt non, béo, măng tươi hoặc khô đã được luộc và thay nước nhiều lần, khi ăn người ta cho bún, một ít hành răm và rau sống vào nữa, trở thành một món ăn vừa thơm vừa béo với nước dùng ngọt dịu.


Măng tươi đã luộc kĩ, có màu vàng chanh, được xắt miếng xào chung với thịt ba rọi trở thành một món ăn dân dã và rất ngon nếu có thêm một vài lát ớt đỏ thì lại càng hấp dẫn. Thịt heo kho măng cũng là một món ăn “bắt mắt”, nấu nhanh và để được vài ngày, tiết kiệm được thời gian nấu nướng mà khi chan vào chén cơm nóng thì cũng rất ngon miệng. Măng luộc phải chọn măng trúc non, vào mùa mưa.


Sau khi luộc nhiều lần, ta xắt mỏng rồi chấm với mắm tôm hoặc nước mắm ngon ăn kèm với cơm như một món rau. Nó sẽ có một vị vừa giòn vừa mát, kèm theo một vị ngọt dịu của măng tươi. Nói tóm lại thì cây tre luôn là người bạn đồng hành và nó đóng góp tất cả lợi ích của bản thân mình cho con người Việt Nam.

Từ bao đời nay, cây tre là người bạn gắn bó và gần gũi với người dân Việt Nam. Hiện nay cuộc sống ngày càng hiện đại và có nhiều đồ dùng là bằng nhựa, inox xuất hiện. Nhưng người ta vẫn có khuynh hướng quay về với thiên nhiên. Ngày nay, nhiều người đã bỏ trồng lúa hoặc cây khoai, đốn cây tre để có chỗ xây nhà lầu, nhưng nếu một lúc nào đó, nước ta không còn một bóng tre thì đời sống sẽ khó khăn và buồn tẻ biết mấy! Tre đã cống hiến tất cả sự sống cho con người nên ta phải yêu quý và bảo vệ cây tre Việt Nam.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Cùng chủ đề
0