Bài văn suy nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích "Trong lòng mẹ" số 6 - 10 Bài văn suy nghĩ về tình mẫu tử trong đoạn trích "Trong lòng mẹ" của Nguyên Hồng
Một người đàn bà dũng cảm đối mặt với xã hội phong kiến thối nát với những lời đàm tiếu, sỉ nhục chỉ để được gặp và ở bên con mình. Một đứa trẻ mồ côi cha, xa mẹ và luôn phải sống trong cái cảnh lẻ loi, cô đơn giữa gia đình nhà nội cay nghiệt, độc ác. Qua hai nhân vật này, nhà văn ...
Một người đàn bà dũng cảm đối mặt với xã hội phong kiến thối nát với những lời đàm tiếu, sỉ nhục chỉ để được gặp và ở bên con mình. Một đứa trẻ mồ côi cha, xa mẹ và luôn phải sống trong cái cảnh lẻ loi, cô đơn giữa gia đình nhà nội cay nghiệt, độc ác. Qua hai nhân vật này, nhà văn Nguyên Hồng đã thể hiện vô cùng xúc động tình mẫu tử trong đoạn trích Trong lòng mẹ.
Ta từng biết đến câu chuyện hai mẹ con nhà chim đang trên đường bay về tổ thì bỗng gặp một cơn mưa to gió lớn rất dữ dội. Chúng buộc phải trú tạm vào một hốc cây nhỏ. Ngoài trời rất lạnh, những giọt nước buốt khiến chú chim non run cầm cập, thế là chim mẹ liền dang rộng đôi cánh rồi ủ lấy chim non vào lòng mình để sưởi ấm cho con cũng như hứng lấy nhữlng giọt nước mưa lạnh. Cái ấm áp ở đây không phải là từ thân chú chim bởi thực ra bộ lông chim mẹ cũng ướt sũng và nó còn rét hơn đứa con, nhưng chú chim non vẫn rúc đầu vào đấy và ngủ cho tới sáng hôm sau là bởi hơi ấm từ tình yêu thương của mẹ. Ở đây, tình mẫu tử, mà đặc biệt là từ chim mẹ đã được thể hiện qua việc có thể hi sinh tất cả để bảo vệ, đùm bọc con.
Nhưng tình mẫu tử trong tác phẩm của Nguyên Hồng thì khác, tình cảm đó lại được cảm nhận sâu sắc từ phía đứa con. Nhà văn đã từng trải qua một tuổi thơ đầy cay đắng và tủi nhục nên điều đó đã ám ảnh vào nhân vật chính : chú bé Hồng trong đoạn trích Trong lòng mẹ. Xã hội phong kiến xưa đã đày đoạ hai mẹ cọn chú bé, đẩy hai người vào tình cảnh trớ trêu : mẹ phải bỏ con mà đi tha phương cầu thực, để rồi chú bẹ trở thành tiêu điểm của những lời dị nghị, chê trách, mỉa mai, đay nghiến của mọi người. Điều khiến chú bé tiếp tục sống và chịu đựng chính là hình ảnh người mẹ hiền từ, cái tình mẫu tử thiêng liêng mà chú khao khát có được. Chú bé Hồng muốn tiếp tục sống để bảo vệ mẹ khỏi những người đố kị và ghen ghét của cái xã hội phong kiến thối nát đầy hủ tục.
“Hồng! Mày có muốn vào Thanh Hoá chơi với mẹ mày không?”. Thoạt nghe ta tưởng như đây là lời hỏi chân tình, thương cảm nhưng đâu phải như thế. Giọng điệu cay độc, mỉa mai, cố tình ngân ra thật dài và nụ cười rất kịch của người cô đủ làm bé Hồng hiểu ra ý nghĩa đằng sau đó. Đây không phải là duy nhất một lần mà ngày này qua ngày khác, người cô giày vò tâm hồn chú bé và không phải ai cũng có thể phân biệt đúng sai mà giữ trọn cho mình hình tượng người mẹ kính yêu như bé Hồng. Không chỉ hiểu được dã tâm độc ác của cô, chú bé còn dũng cảm thể hiện thái độ bênh vực mẹ, dù cho nó là yếu ớt, cô độc nhưng phải yêu mẹ biết nhường nào thì Hồng mới có những cách ứng xử như vậy.
Người cô dùng lời lẽ thâm độc như mũi dao chọc vào trái tim bé nhỏ của cậu bé, mặc cho đứa cháu vẫn còn rất nhỏ tuổi và sống thiếu thốn tình cảm từ bé. Liệu có ai bình thường được khi phải nghe người khác nhục mạ mẹ của mình, hơn nữa Hồng vẫn còn là một cậu bé ? Lòng của chú thắt lại quặn đau, mắt cay cay rồi chẳng biết khi nào nước mắt đã đầm đìa. Tác giả miêu tả chú bé “cười dài trong nước mắt“, một cảm giác mà dường như chỉ những người từng trải mới có được. Phải chăng “sự từng trải” ở chú bé có được là do quá trình “rèn luyện” của người cô?
“Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi”. Phản ứng tâm lí này khiến ta thật bất ngờ khi nó tồn tại trong tâm hồn của một đứa trẻ. Bé Hồng mong muốn một cái vô hình chính là những hủ tục kia biến thành vật hữu hình để chú có thể xả cơn căm tức, trút bỏ tất cả sự nhẫn nhục, tủi thân vào. Ai cũng yêu thương những người thân của mình nhưng để có thể bất chấp tất cả, hi sinh chỉ để bênh vực và giữ trọn tình cảm thiêng liêng đó thì quả thực Hồng là một đứa con yêu mẹ vô cùng, dù cho cậu bé vẫn còn rất nhỏ.
Ta tưởng rằng ở cái tuổi này thì Hồng phải rất hồn nhiên và trong sáng như bao bạn cùng lứa nhưng hoàn cảnh đã khiến trong đầu chú bé hình thành những suy nghĩ già dặn và chín chắn. Nó giúp chú nhận ra được bộ mặt cay độc của người cô, để đứng về phía tình mẫu tử cao quý, nơi đó có người mẹ mà Hồng vô cùng yêu thương. Nếu không tồn tại những hủ tục kia thi biết đâu người mẹ có thể tìm thấy hạnh phúc đích thực cho mình mà vẫn có thể sống đường hoàng cùng hai anh em chú.
Ban đầu là sự tủi nhục, đau đớn rồi đẩy lên căm tức, phẫn nộ xã hội thối nát xưa mà đặc biệt hiện thân là người cô, bé Hồng cho thấy thái độ kiên quyết của mình không để cho “những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến”. Cậu luôn tự nhủ với bản thân và còn khẳng định với người cô : “… Cuối năm thế nào mợ cháu cũng về” để chứng tỏ một niềm tin vào người mẹ yêu quý sẽ không bao giờ quên được anh em chú như người cô đã nói. Bé Hồng thiếu thốn tình mẫu tử từ nhỏ nhưng càng vì thế mà chú càng khao khát nó và quyết gìn giữ khỏi những ý đồ xấu xa, vì cậu tin rằng, sẽ có một ngày, một ngày rất gần thôi : Hồng sẽ được sà vào lòng người mẹ thân yêu.
Mẹ của bé Hồng phải thực dũng cảm khi trở về để vừa giỗ đầu chồng, vừa để thăm con. Người phụ nữ này đã ra đi trong hoàn cảnh trái tim trẻ trung khao khát được yêu thương nhưng xã hội phong kiến lại lại cố kìm hãm nó để rồi dẫn đến việc bà phải đi tha phương cầu thực. Nhưng giờ đây, người mẹ đã quay trở lại và bất chấp tất cả những lời đàm tiếu, dị nghị thậm chí sỉ nhục để được gặp đứa con thân yêu. Bà sẵn sàng đối mặt với những người họ hàng cay nghiệt, độc ác, cổ hủ bởi tình mẫu tử là không thể nào quên được.
Tình cảm mẹ con dường như là rất tự. Cái ngày không xa đó đã đến. Một chiều tan học về, cậu thấy có bóng người ngồi trên xe kéo. Một cảm giác rất lạ rằng đó chính là mẹ, cậu chạy với theo và gọi : “Mợ ơi ! Mợ ơi !”. Hình ảnh so sánh “khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc” làm ta nhận thấy được sự yêu thương mãnh liệt của chú bé sau những ngày tháng tủi cực vừa qua. cảnh hai mẹ con đoàn tụ thật xúc động. Đối với Hồng, chú thấy mẹ đẹp lạ thường, phải chăng do lâu ngày xa cách mà cảm giác vui mừng đoàn tụ khiến em nhìn mẹ mình yêu thương hơn, đẹp đẽ hơn. Hơi quần áo, hơi thở và đặc biệt là hơi ấm từ lòng mẹ làm Hồng thấy hạnh phúc và sung sướng biết bao, như quên hết tất cả rắp tâm bẩn thỉu của người cô.
Nhưng trong hoàn cảnh của Hồng và mẹ của chú thì nó lại vô cùng khó khăn và trắc trở. Cả hai đều phải vượt qua những thử thách riêng để cuối cùng họ được đoàn tụ, gặp nhau trong niềm vui khôn xiết. Người mẹ rối rít hỏi con thời gian qua sống ra sao rồi cứ quấn quýt mãi không rời. Bà đã truyền cho đứa con hơi ấm đích thực từ tình yêu thương của mẹ mà bấy lâu nay đã không thể làm, bà đã ở bên Hồng, ôrri chú vào lòng mà mong sao xoá đi những kí ức cô đơn, lẻ loi của cậu bé. Thời gian lúc đó cũng như ngừng trôi để khoảnh khắc hai mẹ con được bên nhau cứ dài thêm, dài thêm.
Tình mẫu tử trong đoạn trích về câu chuyện của bé Hồng thật thiêng liêng và quý giá biết bao. Chính chú bé đã đứng về phía mẹ mình, bảo vệ mẹ trước cái xã hội phong kiến mà hình ảnh tiêu biểu là người cô. Tác giả đã thể hiện sự khổ sở, đau lòng của người mẹ trong hoàn cảnh trớ trêu mà đặc biệt là khao khát tình yêu thương mãnh liệt của bé Hồng. Vì nó mà chú có thể làm tất cả để đấu tranh với cái hủ tục, lề lối cổ xưa để nhất quyết giữ trọn hình ảnh người mẹ dịu hiền và lương thiện trong mình, cảm xúc này của một đứa trẻ làm ta thực sự phải rung động và bất ngờ.
Tình mẫu tử thì dường như ai cũng có nhưng trong hoàn cảnh của bé Hồng ở đoạn trích Trong lòng mẹ, ta mới thấy nó thật đáng trân trọng và quý giá biết bao. Sẽ là chưa muộn cho cả bạn và tôi ngay bây giờ sà vào lòng người mẹ yêu quý để cũng như bé Hồng, cảm thấy được tình yêu thương rạo rực khắp người và làm tất cả để bảo vệ tình cảm thiêng liêng đó.