31/03/2021, 15:29
Bài văn phân tích truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam số 5 - 10 Bài văn phân tích truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam hay nhất
Thạch Lam là một trong những nhà văn có lối viết độc đáo nhất trong nền thơ ca Việt. Truyện của Thạch Lam không có cốt truyện nhưng qua thế giới cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, tác phẩm của ông vẫn toát lên cái tình, cái chất thơ tự nhiên mà tha thiết, xúc động. Qua những tác ...
Qua những tác phẩm của mình ông bộc lộ nỗi thương cảm, xót xa với cuộc sống và những số kiếp con người nghèo khổ. "Hai đứa trẻ" là một trong những tác phẩm như thế! Bằng sự nhạy cảm của mình, Thạch Lam đã vẽ lên bức tranh phố huyện trong "Hai đứa trẻ" – bức tranh với những kiếp người lam lũ, với những cuộc sống tối tăm, đơn điệu giữa cuộc đời.
"Hai đứa trẻ" kể về cuộc sống của hai chị em Liên trong một con phố huyện nghèo, với những kiếp người sống cơ cực trước Cách mạng Tháng Tám. Mà qua đó, Thạch Lam muốn bộc lộ sự trân trọng của ông trước những ước mong nhỏ nhoi của người lao động nghèo trong một phố huyện nhỏ nghèo nàn, trong một xã hội chật hẹp, tù túng.
Bức tranh phố huyện được dựng lên ngay từ đầu câu chuyện, bằng những nét vẽ đơn giản, nhẹ nhàng nhưng không kém phần huyền ảo. Thạch Lam đã huy động hết cả thảy các giác quan: thị giác, thính giác và cả xúc giác của mình để dựng lên khung cảnh một phố huyện điển hình của xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc.
Bức tranh phố huyện bắt đầu bằng cảnh thiên nhiên lúc chiều tàn thông qua lời kể và diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên, mà bắt đầu là hình ảnh và âm thanh của thiên nhiên và khu chợ tàn.
Bức tranh thiên nhiên chiều tàn được gợi lên bằng hình ảnh trời chiều: "Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn". Một khung cảnh buổi chiều đẹp rực rỡ, đẹp lộng lẫy đến nao lòng, mang trong đó là linh hồn của quê hương xứ sở.
Và trong khung cảnh ấy, không thể thiếu âm thanh của "tiếng trống thu không" vẳng đều vào không gian đang dần đi vào tĩnh mịch lẫn trong đó là tiếng "ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào" và "tiếng muỗi vo ve", tất cả hòa vào nhau tạo nên một âm thanh quen thuộc, gợi lên vẻ đẹp yên ả của một buổi chiều quê hương "chiều êm như ru".
Bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ của của quê hương, vẫn giữ nguyên nét thơ mộng, mang đậm linh hồn xứ sở. Thế nhưng, từng lời, từng câu chữ trong khung cảnh ấy lại mang một sự tẻ nhạt tĩnh lặng, tàn tạ đến thê lương. Khung cảnh hoàng hôn đẹp như mơ ấy như phút rực sáng cuối cùng, lóe lên rồi chợt vụt tắt, buồn tới nao lòng người. Rồi những âm thanh quen thuộc như "tiếng trống thu không", "tiếng ếch nhái, tiếng muỗi" đều gợi lên sự đều đặn, trầm buồn, đơn điệu, nhạt nhẽo.
Tiếp theo khung cảnh thiên nhiên lúc trời chiều là hình ảnh của một khu chợ quê lúc đã tàn. Hình ảnh những phiên chợ quê luôn gợi cho người ta sự nhộn nhịp, tấp nập với không khí náo nức với vẻ đẹp của quê hương thế nhưng hình ảnh phiên chợ ở đây lại là một phiên chợ đã tàn khi mà "Chợ họp giữa phố đã vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất" và "trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía".
Cái khung cảnh ấy đã gợi lên một phố huyện thê lương, tàn tạ trong mắt người đọc chúng ta. Và không chỉ vậy, nó còn gợi lên cả cuộc sống đói nghèo của một miền quê nữa. Khi mà hình ảnh chợ phiên quê có lẽ là hình ảnh náo động nhất của một vùng thì ở đây, nó lại gợi lên một sự tàn tạ, buồn bã tới não nề.
Nổi bật trong hình ảnh thiên nhiên nơi phố huyện là tâm trạng của Liên – một trong những cư dân của phố huyện nghèo này. Bao trùm lấy tâm trạng của chị là một nỗi buồn sâu thẳm từ trong tâm hồn nhạy cảm và trong sáng. Chị có một tấm lòng gắn bó sâu nặng với quê hương mình, chẳng vậy mà chị có thể ngửi được cái mùi quê hương, cái mùi đặc trưng nhất của mảnh đất phố huyện nghèo này "một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với mùi cát quen thuộc quá, khiến cho chị em Liên tưởng lại mùi riêng của đất, của quê hương này".
Cái tâm trạng của Liên cũng như cái hình ảnh của nơi phố huyện nghèo này, cứ trầm lặng mà buồn bã. Đó là cái buồn của một cô gái mới lớn, nhạy cảm với những xúc cảm xung quanh, mơ hồ, mong manh mà vô cùng thấm thía "cái buồn của chiều quê thấm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị", "chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn".
Nỗi buồn của Liên cũng chính là nỗi buồn của Thạch Lam trước xã hội đương thời, một xã hội mà thời gian dường như ngưng đọng lại thành khoảnh khắc, không biến chuyển, tàn tạ đến thê lương lòng người. Bức tranh phố huyện ấy không chỉ hiện lên bằng khung cảnh hoàng hôn rực lửa nhưng buồn bã mà còn hiện lên ở những kiếp người nơi phố huyện – những kiếp đời tàn.
Bắt gặp đầu tiên là hình ảnh của những đứa trẻ hiện lên nơi phố huyện. Không phải hình ảnh những đứa trẻ vui đùa, tinh nghịch chạy nhảy trên thảm cỏ xanh công viên mà là hình ảnh "mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven cái chợ cúi lom khom trên mặt đất, đi lại tìm tòi" trên nền cái "chợ tàn" của phố huyện ấy.
Cuộc sống quá lam lũ, nghèo đói đã đẩy những kiếp sống phải lụi tàn, những đứa trẻ phải sống trên những đống rác rưởi bị bỏ lại sau phiên chợ, phải gieo hi vọng "nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại" trên đống rác của phiên chợ tàn kia.
Cuộc đời của chúng, tương lai của chúng thật tăm tối, thật bế tắc biết chừng nào. Và chính nhân vật Liên cũng cảm thấy động lòng thương cảm trước những số phận đó, vậy nhưng "chính chị cũng chẳng có gì để cho chúng". Liên thương cảm nhưng bất lực và đó cũng chính là cảm xúc mà Thạch Lam dành cho những người lao động nghèo.
Kế tiếp hình ảnh của những đứa trẻ là hình ảnh của mảnh đời chị Tí. Chị xuất hiện giữa không gian đang dần về tối của phố huyện với hình ảnh "đội cái chõng trên đầu và tay mang không biết bao nhiêu là đồ đạc". Chị Tí cũng là một người lao động nghèo trong cái phố huyện tối tăm ấy.
Hàng ngày, buổi ban ngày, "chị đi mò cua bắt tép", tới đêm lại mở hàng nước "từ chập tối cho đến đêm" chỉ để thêm vài đồng xu lẻ mà cũng "chả kiếm được bao nhiêu". Thân chị như là hình ảnh cái cò lặn lội bờ sông, tần tảo sớm hôm, một hình ảnh điển hình của người phụ nữ lao động: "Lặn lội thân cò nơi quãng vắng".
Mà cái quán nước của chị cũng nhỏ nhoi, còm cõi như chính bản thân chị, bởi "tất cả cái cửa hàng của chị" là tất thảy những thứ chị có thể mang, đội, xách, vác. Cái quán ấy chỉ bán nước chè xanh, điếu thuốc nào cho "mấy người phu gạo hay phu xe, thỉnh thoảng mất chú lính lệ trong huyện hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm". Khách hàng của chị cũng chỉ là những con người có cuộc sống như chị, kiếp sống như chị.
Họ cũng chỉ cao hứng mới vào hàng của chị, vậy là biết cái quán của chị cũng không kiếm được bao nhiêu đồng lời. Bởi vậy, đáp lại tiếng hỏi thăm của Liên chỉ là một lời than thở: "Ối chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì". Đó phải chăng chính là tiếng thở dài cho cuộc đời bế tắc của chị, tiếng thở dài ngao ngán vì cuộc sống quá đơn điệu, chỉ quẩn quanh, không có chút ánh sáng tương lai –một cuộc sống vô ý nghĩa.
Không chỉ số phận của chị Tí, của những người phu xe phu gạo mà chính cảnh đời của chị em An, Liên cũng là một kiếp sống tàn nơi phố huyện này. Chuỗi ngày sống tàn của gia đình Liên bắt đầu bằng sự kiện khi "thầy Liên mất việc", chính điều này đã đẩy gia đình vào bế tắc. Không còn đủ sức trụ lại nơi phố phường Hà Nội náo nhiệt, gia đình Liên chuyển về quê để tìm cách tháo gỡ cái bế tắc đang bủa vây.
Về quê, mẹ Liên trở thành hàng xáo, còn chị em Liên được giao trông coi "một gian hàng bé thuê lại của bà lão móm". Hàng tạp hóa bé xíu ấy chỉ có vài bao diêm, vài bánh xà phòng, chút rượu, … Mà khách mua cũng chỉ mua "nửa bánh xà phòng". Chính cái gian hàng bé xíu ấy đã khắc thành ấn tượng trong mắt người đọc cái nghèo nơi phố huyện và cái bế tắc của gia đình Liên.
Thế nhưng, có cố gắng bao nhiêu thì bế tắc vẫn hoàn bế tắc khi mà "ngày phiên mà bán cũng chẳng ăn thua gì", cuộc sống chẳng có lấy một chút hi vọng. Cuộc sống của gia đình Liên, chị em Liên vẫn cứ quẩn quanh, đơn điệu như thế, vẫn là nhịp điệu "sáng dọn ra, tối dọn vào", "ngày nào, cứ chập tối, mẹ Liên lại tạt ra thăm hàng một lần". Tất cả những gì chị em Liên đang sống không phải là chút niềm vui của trẻ thơ mà là một cuộc sống ngột ngạt, tù túng, đến sự ngây thơ của con trẻ cũng chẳng còn.
Liên thương cảm, xót xa cho số phận chị Tí, cho cuộc sống nghèo đói, tăm tối của một người đồng cảnh ngộ. Thế nhưng, khi hình dung ra cuộc sống của gia đình mình, Liên cũng tự thấy xót xa cho chính bản thân mình, chị thương cảm cho sự bế tắc của gia đình, của cha, sự lam lũ của mẹ, xót xa trước sự tù túng của bản thân và đứa em trai khi phải trải qua những tháng ngày vô nghĩa của cuộc đời. Tâm trạng ấy của chị hiện lên qua từng câu chữ đầy thương cảm, ngậm ngùi của Thạch Lam.
Những kiếp sống tàn ấy không chỉ có vậy, nó còn được thể hiện điểm xuyết qua hình ảnh của bác Siêu, của bác xẩm, của cụ Thi điên nữa. Chỉ là thoáng qua thôi, những hình ảnh những kiếp người ấy cũng khiến cho chúng ta chẳng thể nào quên được.
Hình ảnh bác Siêu hiện lên với gánh phở rong trên vai, với đòn gánh kĩu kịt giữa đêm tối. Gánh phở của bác là "một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền" mà ít người có thể mua được. Chính vì vậy, gánh phở của bác trong phố huyện này luôn ế khách. Ngày nào cũng là một điệp khúc đơn điệu, chiều tối nhóm lửa, tới đêm thì gánh vào làng. Cuộc sống của bác Siêu cũng đơn điệu, tẻ nhạt, lặp đi lặp lại như cuộc đời của chị Tí, của chị em Liên vậy.
Thêm vào nữa là hình ảnh của gia đình bác xẩm mưu sinh trên manh chiếu, họ cũng lại là những kiếp người tàn nơi phố huyện này. Gia đình bác xẩm sống bằng nghề hát rong, tha phương cầu thực, chẳng có lấy một căn nhà trú nắng trú mưa, chỉ biết lấy tạm gầm cầu, vỉa hè làm nơi nghỉ chân. Tài sản của bác chỉ là manh chiếu rách, chiếc đàn bầu và chiếc thau sắt, đó là tất cả những gì mà gia đình bác có được.
Thế nhưng, hình ảnh khắc sâu nhất vào trong lòng người đọc là hình ảnh "thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường". Đứa con – những thế hệ tương lai đang trườn bò khỏi manh chiếu, thế nhưng cũng chẳng thoát nổi cái kiếp nghèo, kiếp đời tăm tối đang bủa vây lấy gia đình nó.
Cuối cùng là hình ảnh của bà cụ Thi điên nghiện rượu. Cụ chính là biểu tượng cho một kiếp người tàn khi đến gần cuối cuộc đời, vẫn thê lương, tàn tạ như thế. Khép lại bức tranh con người nơi phố huyện là hình ảnh bà cụ Thi điên "đi lần vào trong bóng tối" với "tiếng cười khanh khách". Đó là tiếng cười rùng rợn cho một kiếp người tàn, một cuộc đời tàn nơi phố huyện nghèo này.
Toàn bộ bức tranh phố huyện đều hiện lên qua đôi mắt Liên, từ khung cảnh chiều tàn thê lương đến những kiếp đời tàn tạ, tăm tối cùng cảnh ngộ. Đó là những cuộc đời buồn với những bi kịch về vật chất, đói nghèo và cả những bi kịch về tinh thần của những con người cả đời quẩn quanh với cuộc sống đơn điệu, nhàm chán, ngột ngạt, tù túng, vô ý nghĩa. Cuộc đời của họ tăm tối tới mức chẳng hề có le lói một chút ánh sáng nào của tương lai.
Bức tranh ấy được nhìn qua cái nhìn của Liên – một cô gái mới lớn, với tâm hồn ngây thơ, nhạy cảm, trong sáng, lại đồng cảnh ngộ với những con người kia. Ẩn sau Liên là tâm hồn của một nhà văn tiểu tư sản đang dùng tình thương, sự chiêm nghiệm của mình hòa cùng với những tâm hồn người lao động kia để mà cùng thương cảm, cùng xót xa cho số phận của họ.
Thạch Lam viết về người lao động nghèo, nhưng ông không đi sâu vào những đói nghèo của họ mà xoáy sâu vào trong bi kịch tinh thần của những con người đang sống kiếp đời mòn mỏi, vô ý nghĩa. Hiểu được những bi kịch tinh thần đầy đau khổ ấy, phải chăng Thạch Lam đã thức tỉnh được ý thức cá nhân, ý thức được quyền sống của con người, vậy nên ông mới thương cảm tới xót xa cho những mảnh đời vô ý nghĩa đó? Và có lẽ chính nhờ điều này đã làm nên chiều sâu trong ý nghĩa nhân đạo cho tác phẩm mà Thạch Lam muốn gửi gắm.
Bức tranh phố huyện nghèo khép lại bằng không gian đêm tối khi bóng tối bao trùm. Đó là "một đêm mùa hạ êm như nhung và thoảng qua gió mát", "vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lần trong vết sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất hay len vào những cành cây".
Buổi đêm đó đẹp rực rỡ, lộng lẫy biết chừng nào! Trên trời với hàng ngàn ngôi sao lấp lánh, đẹp tươi tới vậy thì dưới mặt đất thì bị bao phủ bởi bóng tối "tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn". Bóng tối đặc quánh, chiếm lĩnh cái phố huyện nhỏ. Đây phải chăng cũng là hình ảnh ẩn dụ cho xã hội dưới thời thực dân Pháp – một xã hội tăm tối, không có chút ánh sáng nào lọt qua, tù túng, ngột ngạt, đói nghèo.
Sống giữa cái xã hội ấy là những con người như những hột sáng, đốm sáng, khe sáng, le lói, nhỏ nhoi, leo lét, chập chờn. Nhân vật Liên hay chính Thạch Lam đang buồn man mác trước cái cuộc sống tối tăm ấy, chẳng có chút ánh sáng vào tương lai. Bầu trời có lấp lánh hàng ngàn ngôi sao đẹp đẽ, nhưng với Liên, đó chỉ là "vũ trụ thăm thẳm, bao la", "đầy bí ẩn", cũng như những niềm vui xưa kia chẳng thể nào thành hiện thực được nữa. Vậy nên, Liên "cúi nhìn về mặt đất", "về quầng sáng thân mật chung quanh ngọn đèn lay động trên chõng hàng của chị Tí". Bởi quầng sáng ấy mới gần gũi với Liên, bởi nó cũng như cuộc sống vô nghĩa, nhạt nhòa của chính cô vậy.
Bức tranh nơi phố huyện khi ngày tàn mà Thạch Lam dựng lên như một hình ảnh thu nhỏ của toàn cảnh xã hội Việt Nam những ngày Pháp thuộc. Đó là một xã hội tù túng, ngột ngạt, tăm tối tới cùng cực, nơi mà cái đói nghèo cứ bám riết lấy những kiếp người tàn tạ, thê lương.
Nghệ thuật mà Thạch Lam sử dụng là những chất liệu hiện thực được chính ông trải nghiệm. Xen lẫn trong hiện thực là cảm hứng lãng mạn cho mỗi khung cảnh thiên nhiên, cho mỗi hình tượng nhân vật để làm nên ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.
Bức tranh phố huyện nghèo được miêu tả theo sự vận động của thời gian từ lúc chiều tàn tới khi đêm khuya và theo từng bước diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên. Qua những rung động mơ hồ, tinh tế, mỏng manh của một tâm hồn mới lớn, nhạy cảm, Thạch Lam đã dựng lại một bức tranh quê hương với tất cả vẻ đẹp của quê hương xứ sở đồng thời gửi gắm vào trong đó tình yêu quê hương, đất nước, gửi vào những kiếp người tàn tạ nơi phố huyện nỗi xót xa, thương cảm sâu sắc. Và sâu kín là là ý thức phê phán xã hội thực dân của một tiểu tư sản, đã không đảm bảo được cuộc sống, quyền sống của con người.