Bài văn phân tích tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" số 6 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê hay nhất
Lê Minh Khuê cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Các tác phẩm của bà xoay quanh cuộc sống, chiến đấu của những cô thanh niên xung phong. Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của bà, kể về cuộc sống chiến đấu của ba cô gái trên tuyến đường ...
Lê Minh Khuê cây bút trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Các tác phẩm của bà xoay quanh cuộc sống, chiến đấu của những cô thanh niên xung phong. Những ngôi sao xa xôi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của bà, kể về cuộc sống chiến đấu của ba cô gái trên tuyến đường Trường Sơn.
Truyện được sáng tác năm 1971 khi chiến tranh chống Mỹ đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Truyện được viết về công cuộc chiến đấu của thanh niên xung phong, bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Nhan đề của tác phẩm giàu ý nghĩa, và giá trị biểu đạt. Trước hết nó là một hình ảnh tả thực những vì tinh tú trong vũ trụ bao la, tỏa ánh sáng dịu nhè, lung linh và lấp lánh. Hình ảnh ngôi sao được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm: Ngôi sao vàng trên mũ của chiến sĩ, ngôi sao ở thành phố, ngôi sao trong truyện cổ tích,…
Không chỉ vậy, nhan đề còn có ý nghĩa biểu tượng, khiến ta nhớ về vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong với tâm hồn mơ mộng, trong sáng, bay bổng và phẩm chất cách mạng sáng ngời. Còn cái “xa xôi” có chăng chính là cao điểm – nơi các cô đang chiến đấu. Trong cuộc kháng chống Mĩ, những cô gái nhỏ bé, lặng lẽ, khiêm nhường ấy chính là những ngôi sao sáng của núi rừng Trường Sơn.
Nho, Thao, Phương Định còn là những cô gái rất trẻ, họ sống chiến đấu trên “một cái hang lớn dưới chân cao điểm” giữa vùng trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn – nơi tập trung nhiều nhất bom đạn của kẻ thù. Nơi họ sống chỉ có tàn tích của chiến tranh: đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn, hai bên đường không có lá xanh, chỉ có những thân cây bị tước khô cháy, những cây lớn nằm lăn lóc, những tảng đá to, những thùng xăng hoặc những thành ô tô méo mó, han rỉ nằm trong đất.
Tưởng chừng như mọi thứ bị hủy diệt, không có dấu hiệu của sự sống. Hoàn cảnh sống ấy đã cho ta thấy cái khốc liệt của chiến tranh, sự khó khăn gian khổ mà con người phải trải qua. Công việc của họ đặc biệt nguy hiểm, họ phải quan sát địch ném bom, sau mỗi lần đó họ lại lao ra trọng điểm đo khối lượng đất đá bị đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và phá bom.
Phải thường xuyên đối mặt với cái chết. Họ bị bom vùi là chuyện bình thường “Có khi bò lên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng trắng lóa trên gương mặt lem luốc” . Công việc thường ngày ấy khiến thần kinh họ luôn căng thẳng, đòi hỏi phải có sự bình tĩnh, dũng cảm.
Là những cá nhân, với đời sống tâm hồn và tình cảm khác nhau, nhưng ở ba cô gái này đều mang những điểm chung. Trước hết, họ có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ: Có lệnh là họ lên đường, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phá bom mở đường cho những đoàn xe nối đuôi nhau ra tiền tuyến và về đích an toàn. Trong khi phá bom họ chỉ quan tâm đến một điều duy nhất: Liệu bom có nổ không, nếu không thì làm cách nào để bom nổ. Như vậy, với họ nhiệm vụ còn quan trọng hơn tính mạng bản thân.
Không chỉ vậy, họ còn gan dạ, dũng cảm, không sợ hy sinh. Cuộc sống trong bom đạn chiến tranh cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào, song họ chưa bao giờ thấy ám ảnh, chưa bao giờ phải trằn trọc đêm đêm, cái chết đối với họ là một khái niệm rất mờ nhạt, không cụ thể.
Lòng dũng cảm còn thể hiện qua sự kiên cường trong chiến đấu: Chị Thao rất gan dạ, cái cũng phải phát bực về cái tính bình tĩnh đến lạ của chị. Nho khi máu thấm ra đỏ đất, vẫn bình tĩnh không một tiếng kêu, không cho ai được khóc, không cho ai gọi về đơn vị. Phương Định bình tĩnh gan dạ giữa khoảng đất của địch, nhất định không chịu đi khom.
Sống với nhau, cùng nhau làm việc, giữa họ còn hình thành tình đồng đội keo sơn, gắn bó. Tình cảm ấy nằm trong sự chân thành, dứt khoát khi ai cũng muốn giành phần nguy hiểm, gian khổ về mình. Phương Định lo lắng, bồn chồn khi chờ Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm với nỗi lo lắng hai bạn không về. Tình cảm ấy nằm trong sự lo lắng, cử chỉ chăm sóc khi Nho bị thương, Phương Định tận tình cứu chữa, chị Thao luống cuống không cầm được nước mắt.
Dù can trường, dũng cảm nhưng ở họ cũng có những nét rất hồn nhiên, rất con gái. Họ là ba cô gái trẻ có nội tâm phong phú. Ở họ có những nét chung của cô gái hay mơ mộng, dễ xúc động, dễ vui, dễ buồn. Họ cũng rất nữ tính, thích làm đẹp dù ở chiến trường khói lửa. Nho thích thuê thùa, Thao chăm chép bài hát, PĐ thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ màng và thích hát.
Cuộc sống ở chiến trường rất khó khăn nhưng họ vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan, yêu đời. Trong hang vẫn vang lên tiếng hát của ba cô gái và những dự định về tương lai. Chiến tranh bom đạn không thể phá đi được những giây phút mơ mộng ấy. Đó còn là thời gian để nhớ về gia đình, về những kỉ niệm, là niềm vui của Nho và Phương Định khi thấy những cơn mưa đá.
Dù có những điểm chung, nhưng bên cạnh đó, họ vẫn có những nét cá tính riêng. Nho hồn nhiên, mơ mộng, sở thích ăn kẹo, tắm suối, dáng vẻ nhỏ bé “mát mẻ như một cây kem”. Chị Thao là tổ trưởng, lớn tuổi nhất, chị từng trải những cũng không thiếu những khát khao, rung động của tuổi trẻ, ưa làm đẹp. Đôi lông mày tỉa nhỏ như cái tăm, áo lót cái nào cũng thêu chỉ màu. Ở chị có những nét tính cách tưởng như mâu thuẫn: Trong công việc chị rất cương quyết, táo bạo như có ai ngờ con người ấy lại sợ máu và vắt đến tái mặt.
Trong con người chị có sự kết hợp giữa cái nhút nhát, yếu đuối của một người con gái với cái bản lĩnh của một chiến sĩ nơi chiến trường ác liệt. Phương Định là cô gái xinh đẹp, có đời sống nội tâm phong phú, tính cách hồn nhiên, hay mơ mộng, hay sống với kỉ niệm thời thiếu nữ ở thành phố. Cả ba cô gái đều có những nét tính cách đẹp đẽ, đáng yêu. Họ là những con người từ cuộc sống thực bước vào tác phẩm một cách tự nhiên, sinh động, họ hiện lên thật bình dị.
Lời văn dung dị, nghệ thuật trần thuật đặc sắc đã đem đến cho người đọc những trang văn thấm đẫm cảm xúc. Qua tác phẩm này, chúng ta có hình dung đầy đủ về vẻ đẹp phẩm chất của những cô thành niên xung phong, họ vừa hồn nhiên, mơ mộng, nữ tính, nhưng cũng vô cùng kiên cường, dũng cảm. Họ chính là những đại diện tiêu biểu nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.