31/03/2021, 15:35

Bài văn phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích "Trao duyên" số 8 - 10 Bài văn phân tích tâm trạng Thúy Kiều trong đoạn trích "Trao duyên" của Nguyễn Du

Có thể nói Nguyễn Du là bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Tài năng ấy của ông được thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm "Truyện Kiều", tiêu biểu nhất là ở đoạn trích "Trao duyên". Đoạn trích này đã thể hiện những tâm trạng, cung bậc cảm xúc của Thúy Kiều khi ...

Có thể nói Nguyễn Du là bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Tài năng ấy của ông được thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm "Truyện Kiều", tiêu biểu nhất là ở đoạn trích "Trao duyên". Đoạn trích này đã thể hiện những tâm trạng, cung bậc cảm xúc của Thúy Kiều khi cậy nhờ Thúy Vân "chắp mối tơ thừa" với Kim Trọng.


Tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng đang ở giai đoạn đẹp nhất thì bỗng phải chia lìa vì Kiều bán mình cứu cha và em. Hai người đã có một cuộc thề nguyền đầy thiêng liêng và lãng mạn nhưng trong hoàn cảnh gia đình gặp gia biến, phận làm con Kiều lựa chọn chữ hiếu để báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Không thể tiếp tục mối tơ duyên với chàng Kim "phong tư tài mạo tót vời", nàng vô cùng đau đớn. Và cuối cùng nàng đã quyết định trao duyên lại cho người em gái để cô giúp mình trả tình nghĩa với Kim Trọng:


"Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em".


Những câu thơ trên đã giúp bạn đọc thấy được Thúy Kiều trân trọng mối tình ấy như thế nào. Nàng không dùng các từ như "nhờ em", "xin em", "mong em",...mà lại dùng từ "cậy em" cùng các hành động trang trọng như "lạy", "thưa" thể hiện mong muốn cậy nhờ Thúy Vân giúp đỡ. Thúy Vân có quyền đồng ý hoặc từ chối lời thỉnh cầu của người chị gái nhưng trước những lời lẽ thuyết phục như van nài thì Thúy Vân chỉ có thể "chịu lời".


Thúy Kiều là vai bề trên nhưng lại có những lời nói và hành động của một người chịu ơn bởi đối với nàng, Thúy Vân chính là người làm ơn. Chính Thúy Vân sẽ giúp nàng giữ trọn lời thề trăm năm bên nhau với chàng Kim và cũng chỉ có duy nhất cô mới giúp đỡ được Thúy Kiều. Thúy Kiều để mặc cho người em gái đưa ra quyết định nhưng thực tâm nàng tha thiết Vân sẽ nhận lời. Hiểu được nỗi lòng khó xử của Thúy Vân khi phải "chắp mối tơ thừa", Thúy Kiều đã bày tỏ hết nỗi lòng của mình về mối tình "giữa đường đứt gánh":


"Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề"


Thúy Kiều cũng bồi hồi, xúc động khi nhớ về những kỉ niệm với người yêu và kể những điều ấy cho em gái nghe. Mối tình Kim - Kiều là một mối tình say đắm, lãng mạn. Họ đã ước hẹn chuyện trăm năm gắn kết, thề nguyền thủy chung. Chiếc quạt họ dành tặng cho nhau và chén rượu họ cùng nhau uống đã thể hiện điều ấy. Nếu thằng bán tơ không vu oan cho gia đình Kiều, tai ương không xảy đến thì có lẽ Thúy Kiều và Kim Trọng sẽ đôi lứa xứng đôi vô cùng hạnh phúc.


Nàng trao lại mối tình duyên cho Thúy Vân mà trong lòng ngổn ngang những tâm trạng, cảm xúc. Trao lại thứ gì đó thuộc về vật chất thì còn dễ hình dung, đong đếm nhưng Thúy Kiều lại trao duyên, có mấy ai định hình được thứ tình cảm này? Thúy Kiều mong em sẽ thông cảm cho mình mà nhận lời bởi "ngày xuân em hãy còn dài", hơn nữa mối quan hệ giữa hai người là mối quan hệ ruột thịt, cùng chung huyết thông nên Thúy Vân sẽ nể tình mà giúp đỡ. Nếu được như vậy thì cho dù Thúy Kiều có "thịt nát xương mòn" cũng thỏa lòng vui vẻ. Những kỉ vật của tình yêu như chiếc vòng đeo tay và tờ giấy ghi lời thề nguyền của hai người Thúy Kiều đều đem trao lại để Thúy Vân giữ:


"Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung"


Từ giờ phút này trở đi, đó là những kỉ vật thuộc quyền sở hữu của cả ba người: Thúy Kiều - Kim Trọng - Thúy Vân. Trao lại những kỉ vật tình yêu và người mình yêu cho người khác có mấy ai không cảm thấy buồn bã, đau xót? Cái duyên của mình với Kim Trọng Thúy Kiều xin được giữ lại vì tình cảm nàng dành cho chàng Kim rất sâu đậm. Tuy có phần ích kỉnhưng hành động của nàng nhận được sự đồng cảm nơi bạn đọc. Họ đã thề nguyền, đính ước nhưng Thúy Kiều vì bán mình cứu cha và em nên trở thành kẻ thất hứa. Những kí ức đẹp đẽ về cuộc thề nguyền thiêng liêng và những giây phút hạnh phúc Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe sẽ không còn nữa.


Nàng vui mừng khi Kim Trọng và Thúy Vân "nên vợ nên chồng" nhưng nàng cũng đau khổ vì người ở bên cạnh chàng Kim lại không phải là mình. Nàng đau đớn đến tột cùng khi tự nhận mình là "người mệnh bạc" và nghĩ mình như một người đã chết:


"Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai;

Dạ đài cách mặt khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan."


Cho dù Thúy Kiều có "thịt nát xương mòn" thì cũng mong rằng Thúy Vân và Kim Trọng không quên mình. Nàng còn chỉ cho Thúy Vân biết dấu hiệu để nhận ra khi mình trở về: "Thấy hiu hiu gió thì hay chị về". Một con người nặng tình nặng nghĩa như Thúy Kiều không thể lãng quên lời thề của mình với chàng Kim nhanh như vậy được. Ngay cả khi là một linh hồn chốn cửu tuyền thì nàng vẫn "mang nặng lời thề". Đó làlời thề thủy chung son sắt trọn đời bên nhau cùng Kim Trọng. Lời thề thủy chung ấy nàng sẽ khắc cốt ghi tâm cả cuộc đời không quên.


Thế giới cõi âm và thế giới ở trần gian "cách mặt khuất lời" nên Thúy Kiều chỉ xin Thúy Vân "rưới xin giọt nước" cho linh hồn oan khuất của mình. Thúy Kiều đang còn sống mà tâm trí thì nghĩ về cái chết - cái chết oan khuất của một con người mệnh bạc. Nàng và Kim Trọng đã có với nhau "muôn vàn ái ân". Họ đã có với nhau những kỉ niệm đẹp, những giây phút mặn nồng của tình yêu đôi lứa. "Bây giờ trâm gãy gương tan", tình yêu của hai người không thể có được kết thúc tốt đẹp nên Thúy Kiều vô cùng chua xót. Nàng cất tiếng than trách số phận:


"Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng"


Tơ duyên giữa hai người chỉ ngắn ngủi có ngần ấy, Thúy Kiều mong chàng Kim hãy hiểu cho hoàn cảnh của bản thân mình. Thuý Kiều thương xót cho cuộc đời mình, thương xót cho những gì đã có với người yêu đẹp đẽ là thế mà giờ đây trách mình phận "bạc như vôi", "nước chảy hoa trôi" không đền đáp được khối ân tình của chàng. Nàng gọi Kim Trọng là tình quân - một cách gọi gần gũi, thân thuộc chứa đựng bao tình cảm, ân nghĩa. Thúy Kiều đang đối thoại với Thúy Vân bỗng chuyển sang độc thoại và nói những lời tha thiết gửi tới Kim Trọng:


"Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây".


Nàng gọi Kim Trọng là "Kim lang" và xưng hô "chàng" - "thiếp" đong đầy tình cảm đôi lứa. Trong thâm tâm, Kiều đã coi Kim Trọng như người chồng, người phu quân của mình. Nàng gửi chàng Kim "trăm nghìn" cái lạy tạ lỗi. Nàng luôn sống trong tâm trạng dằn vặt vì cho rằng chính mình đã phụ tấm lòng của Kim Trọng. Lời thú nhận ấy thật day dứt làm sao! Nàng đau đáu mặc cảm có lỗi với chàng Kim vì mình là kẻ phụ bạc.


Xuyên suốt đoạn trích "Trao duyên" là những nỗi niềm giằng xé trong nội tâm của nhân vật Thúy Kiều. Nỗi đau phải trao lại mối duyên tình của mình khiến nàng như "đứt từng khúc ruột". Nguyễn Du quả là một nhà thơ tài tình trong nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật. Đó là lí do vì sao mà bạn đọc trong nước và thế giới luôn nhớ tới "Truyện Kiều".

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Trần Bảo Ngọc

227 chủ đề

44292 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0