Bài văn phân tích tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài số 1 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài hay nhất
Tô Hoài là nhà văn tài năng, cần mẫn, ông sáng tác trên nhiều thể loại. Ở thể loại nào ông đạt được những thành tựu xuất sắc. Ông là nhà văn của sự thật đời thường, ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau. Trước cách mạng ông chủ yếu ...
Tô Hoài là nhà văn tài năng, cần mẫn, ông sáng tác trên nhiều thể loại. Ở thể loại nào ông đạt được những thành tựu xuất sắc. Ông là nhà văn của sự thật đời thường, ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau. Trước cách mạng ông chủ yếu hướng ngòi bút của mình về nông thôn nghèo và thế giới loài vật, sau cách mạng ông hướng đến những vùng nông thôn rộng lớn, đặc biệt là Tây Bắc. Vợ chồng A Phủ là kết quả của chuyến đi thực tế Tây Bắc của ông.
Nhân vật trung tâm trong tác phẩm là Mị, cô gái trẻ trung, xinh đẹp nhưng số phận lại vô cùng bất hạnh. Vẻ đẹp của Mị được minh chứng qua việc “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” Mị mang nhan sắc rực rỡ của người con gái tuổi mới lớn, độ tuổi đẹp đẽ, căng tràn sức sống nhất. Không chỉ xinh đẹp, mà Mị còn rất tài năng, tài thổi sáo của Mị nức tiếng gần xa, biết bao người mê đắm, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
Dù gia cảnh nghèo nàn, vẫn luôn nợ tiền nhà thống lí Pá Tra, nhưng khi biết nhà thống lí muốn bắt mình về làm con dâu để gạt nợ, cô đã lập tức cầu xin cha cho mình được đi làm để trả nợ dần: “Con sẽ làm nương ngô giả nợ thay cho bố”, vì cô tự tin vào khả năng, sức khỏe của mình: “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô” và hơn hết cô gái trẻ ấy con mang trong mình cái khát vọng được sống cuộc đời tự do: “Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Dù Mị hội tụ đầy đủ những phẩm chất để được hưởng một cuộc sống tự do, hạnh phúc nhưng số phận lại vô cùng bất hạnh, bị các thế lực, thần quyền và cường quyền chà đạp, áp bức.
Vì món nợ truyền kiếp, cuối cùng Mị bị A Sử con trai thống lí Pá Tra bắt về làm con dâu gạt nợ. Cũng chính từ giờ phút đó cuộc sống bi kịch đổ ập xuống đời cô. Ban đầu khi mới về nhà thống lí, trong Mị vẫn mong manh xuất hiện ý thức phản kháng: đêm nào cô cũng khóc, và đến cuối cùng cô đã đi đến quyết định ăn lá ngón tự tử. Người ta chỉ muốn chết khi ý thức được nỗi khổ của mình, khi sự chịu đựng đã đạt đến giới hạn. Nhưng tình yêu thương gia đình đã khiến Mị từ bỏ ý định đó, vì nếu cô chết đi, món nợ vẫn còn, cha cô lại phải gánh chịu. Mị chấp nhận quay trở lại với cuộc sống lầm lũi, bất hạnh.
Khi người ta sống trong đau đớn và khổ cực trong một thời gian quá dài, tự nhiên sẽ mất đi cảm giác về cái khổ, cái bất công. Khi Mị làm dâu đã quen, cô quên đi nỗi đau khổ về thể xác. Thời gian của Mị không tính bằng thời gian đơn thuần mà bằng lượng công việc cô làm, việc này nối tiếp việc kia, dường như không có lúc nào người con gái ấy được nghỉ ngơi. Từ một người con gái trẻ trung, đầy sức sống, Mị biến thành công cụ lao động, mất đi ý niệm về thời gian, về tuổi trẻ.
Không chỉ vậy Mị còn phải gánh chịu nỗi đau khổ về tinh thần: “Ai có việc ở xa về, có việc vào nhà thống Lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”, “lúc nào cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Và chính Mị cũng tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa trong nhà này. Bằng biện pháp so sánh, đã cho thấy nỗi khổ bị đẩy lên đến tận cùng của Mị.
Đặc biệt là hình ảnh ẩn dụ về căn buồng mà Mị ở: “kín mít, chỉ có một cửa sổ lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào nhìn ra cũng chỉ thấy mờ mờ trăng trắng không biết là sương hay là nắng”. Đây thực chất không phải là nơi để con người sinh sống mà nó như một địa ngục trần gian, dùng để giam hãm cuộc đời Mị.
Và nó cũng chẳng khác gì một nấm mồ chôn vùi thanh xuân, tuổi trẻ và hạnh phúc của một người con gái lương thiện, giàu sức sống. Đoạn văn cho thấy hiện thực xã hội thối nát đương thời, đã chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc của con người. Đồng thời cũng là lời nói cảm thương cho những số phận bất hạnh dưới ách thống trị của bọn phong kiến miền núi.
Nhưng ẩn sâu trong tâm hồn tưởng chừng như đã héo úa, không còn niềm tin ấy nữa lại là sức sống tiềm tàng vô cùng mãnh liệt. Sức sống ấy được thể hiện rõ nhất trong đêm tình mùa xuân. Không phải ngẫu nhiên mà sức sống đó được khơi nguồn, trước hết do Mị nhận sự tác động từ không khí mùa xuân ấm áp, đầy tình tứ, những đồi cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy phơi trên mỏm đá xòe rộng ra như những cánh bướm sặc sỡ.
Cùng với đó là âm thanh náo nhiệt, rộn rã của đám trẻ con và đặc biệt là sự xuất hiện của tiếng sáo. Tiếng sáo xuất hiện từ xa đến gần, ban đầu là ở bên ngoài, sau đó gần như hòa làm một trong Mị: “Rập rờn trong đầu Mị”. Trong hồn Mị sống lại những khát khao được yêu đương, khát vọng được sống hạnh phúc của ngày xưa, từ cõi vô cảm, quên lãng, Mị trở về cõi nhớ. Đồng thời cũng không thể thiếu đi chất xúc tác của hơi men, Mị uống cả hũ rượu, uống ừng ực từng bát, Mị say rồi ngồi lịm đi, mơ màng nhớ về quá khứ tự do.
Những chất xúc tác đó đã tạo nên hành trình vượt thoát, để Mị tìm lại chính bản thân mình. Trong lòng Mị thấy phơi phới trở lại, cái cảm giác mà tưởng rằng bấy lâu nay đã mất. Mị ý thức được rằng: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Nhưng sự thật phũ phàng, Mị muốn đi chơi nhưng lại không được đi, nên Mị quay về buồng. Trong hơi men của rượu lại một lần nữa sức sống trỗi dậy. Mị lấy ống mỡ, sắn một miếng thắp lên cho sáng, đây không chỉ là hành động thắp sáng vật lí đơn thuần mà nó còn biểu tượng cho khát vọng, niềm tin được giải thoát, thắp sáng chính cuộc đời Mị.
Cô quấn lại tóc, lấy cái váy chuẩn bị đi chơi thì bị A Sử chặn đứng lại bằng hành động vô cùng thô bạo. Mị bị trói đứng ở cột, nhưng A Sử chỉ trói được thân xác Mị, chứ không thể trói được khát vọng, sức sống trong Mị. Trong tâm tưởng cô vẫn thả hồn theo tiếng sáo và những cuộc chơi. Sáng hôm sau Mị tỉnh lại và tiếp diễn chuỗi ngày sống mòn, sống mỏi.
Và để cho cuộc vượt thoát của Mị được thành công, Tô Hoài đã tạo ra tình huống gặp gỡ bất ngờ giữa Mị và A Phủ. A Phủ là người ở của thống lí, do làm mất bò nên bị trói đứng. Sau đêm tình mùa xuân Mị rơi vào trạng thái tê liệt, nhưng gặp A Phủ đã thức dậy trong cô khát vọng sống. Giọt nước mắt “mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” đã có tác động mạnh mẽ đế Mị, khiến Mị ý thức được nỗi đau khổ của mình, tự thương thân và thương người. Điều đó đã dẫn đến hành động cởi dây trói và bỏ đi theo A Phủ, hướng đến cuộc đời tự do, hạnh phúc phía trước.
Xây dựng nhân vật Mị, Tô Hoài đã phơi bày một cách chân thực số phận cực khổ của người dân lao động Tây Bắc dưới ách áp bức của giai cấp thống trị miền núi. Đồng thời thể hiện niềm cảm thương với số phận khổ đau của nhân vật Mị. Và phát hiện, trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của tâm hồn của Mị với sức sống tiềm tàng, mãnh liệt.
Ngoài nhân vật Mị, ta cũng không thể không nhắc đến nhân vật A Phủ. A Phủ là người có số phận bất hạnh, cha mẹ mất, cậu trở thành món hàng trao đổi, mất tự do ngay từ khi còn bé. Khi lớn lên do không có nhà cửa, tiền bạc, ruộng nên không thể lập gia đình. Nhưng dù vậy A Phủ lại mang trong mình những phẩm chất hết sức đẹp đẽ, A Phủ mang trong lối sống phóng khoáng, mạnh mẽ, tự lực kiếm sống, vươn lên hoàn cảnh khắc nghiệt để sống là một con người dũng cảm, tự tin, yêu đời.
Nhưng số phận bất hạnh, A Phủ bị biến thành người ở gạt nợ một cách hết sức phi lí. Cậu bị đày đọa về thể xác, bị lợi dụng sức khỏe triệt để, sức khỏe bị rẻ rúng khôn cùng. Nhưng trong con người ấy vẫn luôn tồn tại khao khát tự do, hạnh phúc mãnh liệt. Ngay khi được Mị giải cứu, A Phủ và Mị đã cùng nhau bỏ trốn nơi địa ngục đó để tìm đến một cuộc sống đẹp đẽ, tự do hơn.
Nét nghệ thuật đặc sắc nhất trong tác phẩm là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Mị được xây dựng theo kiểu nhân vật tâm trạng, còn A Phủ là kiểu nhân vật hành động. Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, cũng như phong tục tập quán tài tình. Ngôn từ giản dị, linh hoạt, giàu cảm xúc, mang đậm chất dân tộc. Các yếu tố nghệ thuật đó đã góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.
Vợ chồng A Phủ là kết tinh của giá trị hiện thực và nhân đạo. Tác phẩm đã lên án tố cáo chế độ phong kiến miền núi chà đạp, áp bức quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Bên cạnh đó tác phẩm cũng thấm đẫm tinh thần nhân đạo: Cảm thương cho số phận những người lao động nghèo bất hạnh, bị tước đoạt đi quyền sống, bị hành hạ cả thể xác và tinh thần. Đồng thời trân trọng ngợi ca sức sống tiềm tang, luôn biết hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.