Bài văn thuyết minh về chiếc nón lá (bài số 8) - 15 bài văn thuyết minh về chiếc nón lá hay nhất
Nghĩ đến Việt Nam, mọi người sẽ nghĩ đến những nét đẹp văn hóa khác nhau. Nón lá Việt Nam là một trong những nét đẹp cổ truyền, biểu tượng cho văn hóa của người dân Việt Nam. Về lịch sử nguồn gốc của nón lá có lẽ khó có thể chắc chắn được nón lá ra đời vào thời kì nào. Bởi từ xa ...
Nghĩ đến Việt Nam, mọi người sẽ nghĩ đến những nét đẹp văn hóa khác nhau. Nón lá Việt Nam là một trong những nét đẹp cổ truyền, biểu tượng cho văn hóa của người dân Việt Nam.
Về lịch sử nguồn gốc của nón lá có lẽ khó có thể chắc chắn được nón lá ra đời vào thời kì nào. Bởi từ xa xưa trong những câu thơ dân gian hình ảnh nón lá đã xuất hiện: "Dáng tròn vành vạnh vốn không hư/Che chở bao la khắp bốn bờ...'(Thơ cổ). Cũng có nhiều tài liệu ghi chép, nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỉ thứ XIII đời nhà Trần, cách đây khoảng 3000 năm. Nhưng theo nhiều thống kê lại có những ghi chép khác. Như vậy có thể khẳng định, nón lá có mặt ở Việt Nam từ rất lâu đời.
Theo thông thường, chiếc nón khi ra đời sẽ được đặt tên theo vật liệu tạo ra nó. Như nón lá, nón rơm, nón đệm, nón dừa,... Chất liệu làm nên chiếc nón lá rất phong phú nhưng lại rất gần gũi với người dân Việt Nam.
Nón lá có dáng hình chóp, vành rộng, tròn, phẳng như cái mâm. Ở vành ngoài cùng có đường viền quanh làm cho nón có hình dáng giống như cái chiêng. Giữa lòng có đính một vòng nhỏ đan bằng giang vừa đủ ôm khít đầu người đội. Mỗi loại nón lại có kích thước rộng tròn khác nhau. Nón ba tầm có vành rộng nhất. Nón đấu là loại nhỏ nhất và đường viền thành vòng quang cũng thấp nhất. Hay nón Nghệ, rộng trên 80 cm, sâu 10 cm.
Để tạo nên được một chiếc nón hoàn hảo cần rất nhiều vật dụng cũng như công sức và thời gian. Vật dụng làm nón gồm: lá, chỉ, khung nón,... Lá thì lấy từ hai loại cây giống như lá kè, có sứa nhỏ, mọc ở những vùng đồi núi hoặc có thể dùng lá cọ, rơm, tre, lá cối, lá hồ. Sợi chỉ dùng để khâu nón là sợi dây rất dai lấy từ bẹ cây móc. Mỗi chiếc nón có hoặc không có dây đeo làm bằng vài mềm hoặc nhung, lụa để giữ trên cổ.
Khung nón làm bằng tre, loại tre cật Tây Ninh, khung hình chóp. Khung và bộ vành vơi 16 chiếc vòng lớn nhỏ được chuốt nhỏ nhắn, tròn và khéo, cân xứng nghệ thuật và nhẹ nhàng. Sau khi chọn được vật liệu tốt, người thợ phải mang tàu lá nón đi là bằng cách dùng một miếng sắt được đốt nóng, đặt lá lên dùng nắm giẻ vuốt cho thẳng. Lửa phải vừa độ, không nóng quá, không nguội quá. Tiếp đó, xếp lá nón lên khung và khâu lại cẩn thận, tỉ mỉ.
Thời gian làm nên chiếc lá rất lâu vì phải cẩn thận từng khâu. Hoàn thành xong chiếc lá, người thợ sẽ quét lên đó một lớp dầu bóng để chiếc nón không bị mốc và bền lâu. Người thợ sau khi làm xong thường sẽ trang trí lên nón những bài thơ hoặc những hình vẽ thêu chỉ đẹp mắt.
Nón lá đi vào đời sống nhân dân ta lâu đời bởi vậy được phân chia thành nhiều loại. Nổi tiếng trong đó phải kể đến nón quai thao, nón Huế, nón Ba Đồn,... Mỗi loại mang một vẻ đẹp của vùng miền trên đất nước Việt Nam. Từ khi có mặt, nón lá đã gắn liền với con người đất Việt bao thế kỉ qua. Chiếc nón theo chân người nông dân ra đồng, giúp những bác nông che nắng, che mưa. Chiếc nón theo tay những nghệ sĩ đi vào thơ ca:
"Ai ra xứ Huế mộng mơ
Mua về chiếc nón bài thơ làm quà"
Chiếc nón còn gắn liền với những người dân lao động, trở thành chiếc mũ đội đầu giản dị. Hơn thế, tà áo dài của người phụ nữ Việt cùng chiếc nón đã trở thành nét đẹp văn hóa vô cùng tự hào của con người đất Việt. Xã hội dù có thay đổi. Cuộc sống có ngày một phát triển. Những nền văn hóa có thể giao thoa nhưng chiếc nón lá không bao giờ mất đi. Nó đã là một biểu tượng của cuộc sống, văn hóa và con người Việt Nam.