Bài văn phân tích tác phẩm "Thuốc" của Lỗ Tấn số 2 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Thuốc" của Lỗ Tấn hay nhất
Người nổi tiếng bởi quan điểm: "Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần" không ai khác chính là Lỗ Tấn. Là một nhà thơ tiên phong và là tấm gương noi theo của nhiều thế hệ, Lỗ Tấn đã có sự nghiệp văn nghệ không nhỏ. Ông là người đã khai sinh ra nền văn học cách ...
Người nổi tiếng bởi quan điểm: "Chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng chữa bệnh tinh thần" không ai khác chính là Lỗ Tấn. Là một nhà thơ tiên phong và là tấm gương noi theo của nhiều thế hệ, Lỗ Tấn đã có sự nghiệp văn nghệ không nhỏ. Ông là người đã khai sinh ra nền văn học cách mạng Trung Quốc. Với phong cách trong nóng ngoài lạnh, các tác phẩm của ông đều để lại những bài học sâu sắc. Và trong đó là " Thuốc".
"Thuốc" được sáng tác vào năm 1919 khi xã hội Trung Quốc là nước thuộc địa nửa phong kiến, các nước đế quốc tranh nhau xâu xé, nhân dân an phận chịu nhục, phong trào Ngũ Tứ nổ ra. Tác phẩm được đăng lần đầu trên Tân thanh niên sau được in trong "Gào thét". "Thuốc" là sự phanh phui về sự u mê lạc hậu của quần chúng, là bức tranh miêu tả bi kịch của người cách mạng tiên phong và là sự đồng cảm, trân trọng ngợi ca của tác giả đối với những người tiên phong ấy. Trong tác phẩm là hai câu chuyện: câu chuyện mùa thu là mua thuốc – ăn thuốc – bàn về thuốc và câu chuyện mùa xuân – hậu quả của thuốc.
Tác phẩm gây ấn tượng đầu tiên bởi nhan đề: "Thuốc". Theo nghĩa thực, nhan đề này chỉ một thứ dược phẩm, thứ thuốc truyền thống chữa bệnh lao: "bánh bao tẩm máu người chết chém" – một thứ thuốc quái đản, mê tín, phản khoa học. Nhưng ý nghĩa nhan đề không dừng lại ở đó. Nhà văn muốn gửi đến người đọc bức thông điệp. Đó là cần phải cảnh tỉnh, cần có một thứ thuốc đặc hiệu để chữa sự u mê, mu muội, vô cảm của quần chúng; chữa trị cho người cách mạng bởi họ chưa thoát khỏi tư tưởng tư sản, còn xa rời, thoát ly quần chúng nhân dân. Với ý nghĩa như vậy nên "thuốc" đã trở thành tác phẩm có tiếng vang lớn thời kỳ này.
Mở đầu bằng câu chuyện lúc "đêm thu gần về sáng", lão Hoa đến pháp trường để mua thứ thuốc "thần dược" về chữa bệnh lao cho con trai độc đinh của lão. Trên đường đi mua thuốc, tâm trạng lão sảng khoái, trẻ lại như được cải tử hoàn sinh. Vì sao ư? Bởi lẽ lão sắp cứu được đứa con trai của gia đình mười đời độc đinh. Thứ "thần dược" ấy chính là chiếc bánh bao tẩm máu người chết chém. Lão để tinh thần vào cái gói bánh ấy nâng niu như đứa con. Mặc dù lúc đầu thái độ của lão còn sợ, run không dám cầm nhưng sau lão sung sướng.
Mua được thuốc rồi, lão đem về cho con trai ăn. Chiếc bánh bao ấy được bọc trong lá sen đem nướng. Quái đản như vậy mà vợ chồng lão Hoa vẫn tin tưởng nói với con: "Ăn đi con!Sẽ khỏi ngay". Rồi hai vợ chồng lão lại "trố mắt nhìn con như muốn rót vào người con một cái gì đồng thời cũng muốn lấy ra một cái gì". Không chỉ có vợ chồng lão tin vào thứ thuốc này mà những người đang bàn luận sôi nổi ngoài quán trà kia cũng như vậy.
Họ tin nó là một thần dược: "cam đoan thế nào cũng khỏi, nhất định thế nào cũng khỏi, thứ thuốc này đặc biệt lắm"…. Nhưng cuối cùng chiếc bánh bao tẩm máu người tử tù đã không cứu được con trai lão. Bằng câu chuyện này nhà văn đã vạch trần được sự u mê tăm tối mu muội của người dân lao động lúc bấy giờ. Bánh bao tẩm máu người là thứ thuốc quái đản, gây chết người, thứ thuốc độc, phản khoa học. Muốn chữa bệnh lao phải có một thứ thuốc đặc hiệu.
Song song với câu chuyện xung quanh thuốc của gia đình lão Hoa là chuyện người tử tù Hạ Du. Nhân vật này xuất hiện gián tiếp qua lời bàn luận của các nhân vật. Hạ Du là một thanh niên sớm giác ngộ cách mạng, đấu tranh với tư tưởng "thiên hạ Mãn Thanh chính là của chúng ta". Thế nhưng trong mắt mọi người anh chỉ là: "thằng quỷ sứ", "nhãi con", "khốn nạn", "điên"…. Người chú ruột của anh tố cáo cháu mình chỉ để lấy hai mươi lạng bạc. Bác Cả Khang lại coi anh là công cụ bán máu để trục lợi. Lão Nghĩa cũng chỉ tiếc cái áo.
Còn đối với vợ chồng lão Hoa, anh là phương thuốc chữa bệnh cho con trai họ. Tất cả con mắt mọi người đều cho anh là giặc, chết là phải. Một cán bộ cách mạng, một con người đi theo lý tưởng của cách mạng mà lại bị coi là giặc trong cái xã hội mà chính anh bảo vệ. Một nghịch lý đáng nực cười của cái xã hội Trung Quốc lúc bấy giờ. Hình ảnh người tử tù Hạ Du đã tố cáo gay gắt tình trạng tê liệt, u mê của quần chúng về chính trị, chỉ rõ sự xa rời thoát ly quần chúng của người cách mạng, khẳng định đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ là một con bệnh thập tử nhất sinh, cần có thứ thuốc để chữa trị, tránh nạn vong quốc.
Cuối tác phẩm là con đường mòn ở nghĩa địa. Cả hai bên "mộ dày khít, lớp này lớp khác, như bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ". Những người chết oan giống con trai lão Hoa và những người phải đổ máu giống Hạ Du đều đã hi sinh tính mạng chỉ vì tập quán, lối suy nghĩ ấu trĩ, mê muội và lạc hậu. Suy nghĩ ấy như con đường mòn nơi nghĩa địa kia. Nhưng thật kì diệu, con đường mòn ấy đã bị xóa bỏ bởi bà Hoa đã sang an ủi mẹ của Hạ Du.
Chi tiết vòng hoa trên mộ Hạ Du vừa là tấm lòng của tác giả dành cho người liệt sĩ, vừa là sự gửi gắm niềm tin. Một kết thúc có hậu cho tất cả sự hi sinh. Máu của người chiến sĩ đã thức tỉnh được một bộ phận quần chúng, có người đã hiểu cái chết vinh quang của họ và nguyện đi theo họ.
Khép lại truyện ngắn, Lỗ Tấn không khỏi khiến người đọc thôi băn khoăn. Nghĩ về cái xã hội Trung Quốc thời kỳ bấy giờ. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là truyện mà còn là bức thông điệp, bài học lịch sử mà Lỗ Tấn muốn gửi gắm. Câu truyện đã đến với người đọc nhờ giá tri nội dung sâu sắc ấy.